28.2.13

vỡ lòng Hiến Pháp

Nhà miềng đang sôi nổi luận bàn về việc sửa đổi Hiến Pháp (HP)! Lâu ni, Nô chỉ biết HP qua câu khẩu hiệu: "Toàn dân nghiêm chỉnh thi hành Hiến Pháp và Pháp luật!" hoặc "Sống và làm việc theo Hiến Pháp và Pháp luật!"

Giờ mới biết mình.... hổng biết chi về HP hết trơn! Qua báo chí mạng mẹo mới vỡ lòng được mấy điều:

1. Câu khẩu hiệu trên hổng chính xác. Hiến Pháp bày ra để chính quyền "nghiêm chỉnh thi hành" chứ hổng phải dành cho người dân! Còn Pháp luật, người dân được mần những gì Pháp luật hổng cấm; chính quyền chỉ được mần những gì Luật pháp qui định!

2. HP là khế ước của người dân với chính quyền khi trao quyền lực cho chính quyền, với mục tiêu là hổng để chính quyền lạm quyền, làm bậy!

3. Nước nào có HP ít sửa chữa nhất sẽ trở nên mạnh mẽ nhất! Hihi, tiêu biểu là chú Sam! Còn ông nào mà thay đổi HP xoành xoạch thì... dễ yếu như sên!

4. Nhật Bổn có cái HP do bên thắng trận là Mỹ soạn ra, rứa mà cứ giữ khư khư nghiêm chỉnh thi hành đến giờ, chả có mắc cỡ gì về bản sắc dân tộc ráo trọi!

5. HP duy nhất (đã từng) qui định kẻ thù nguy hiểm trực tiếp và lâu dài cho cả một dân tộc, chỉ có ở nhà miềng!

6. Trung Quốc là nước độc đảng cầm quyền nhưng trong HP hiện hành đã bỏ điều về Đảng lãnh đạo dân tộc (mà hổng thấy "ai" tự sát hết)!
...

Mới vỡ lòng đâu có tí xíu zậy!
»»  read more

26.2.13

mạng

Âm Dương 

Còn non nửa tháng Giêng, coi như còn Tết, lẩn thẩn làm thầy bói cho mình một quẻ hậu vận!

Nhà Nô: Nô, phu nhơn, con gái đầu và con rể đều cùng mạng Hỏa. Nhưng toàn lửa be bé, Hạ Sơn Hỏa - lửa đom đóm và Lư Trung Hỏa - lửa nhóm lò. Được cái con trai mạng Mộc, Đại Lâm Mộc - cây rừng lớn. Mộc sinh Hỏa, tha hồ cho 4 ông bà Hỏa xài, hổng sợ hết!

Cuối năm rồi, sinh cháu ngoại, mạng Thủy, Trường Lưu Thủy. Hihi, chắc đủ nước tưới cho ông cậu cành lá xum xuê, để nuôi mấy ông bà Hỏa! Bèn phán, lớn lên cho cháu theo cậu đi mần, cháu nuôi cậu, rồi cậu nuôi lại ba mẹ và ông bà ngoại!

Nhớ ngày xưa, ba của Nô hay than vãn: "Ba mạng Đại Hải Thủy - nước biển lớn gặp mẹ mi mạng Thạch Lựu Mộc - cây lựu đá, hèn chi làm bao nhiêu cũng hổng đủ. Nước biển lớn mà tưới hoài trên cây lựu đá hổng có xi-nhê!!!"

Cũng là một lý giải cho cái sự... hổng được giàu! Nô nghĩ thầm trong bụng, hổng dám nói ra, hihi, tưới toàn nước biển, may cây lựu đá lì gan mới tồn tại, gặp cây gì gì khác thì tiêu tán đường sớm rồi!

Thôi thì Nô cũng tự kỷ ám thị, coi như đời sau tương sinh với đời trước, hổng có tương khắc, rứa là mừng! Còn cái chiện nuôi con là nghĩa vụ thiêng liêng của miềng. Con có nuôi được miềng hay không thì hên xui mà thôi!

Nhớ người ta nói: "Nhà cửa tiền bạc của cha mẹ thì cũng là của con. Nhưng tiền bạc nhà cửa của con là của nó. Đừng tưởng bở!". Hihi, bèn bàn với phu nhơn khi đôi ta còn sống nhăn răng, giấy tờ nhà cửa, tài khoản tiền bạc cứ đứng tên hai đứa miềng cho nó "chéc"! 
»»  read more

25.2.13

hoa nhục cảm

Giorgia O’Keeffe, nữ họa sĩ Mỹ, sinh 1887 tại Winconsin. Năm 1916, lúc 29 tuổi, bà được Alfred Stieglitz, giám đốc Nhà trưng bày nghệ thuật (sau là chồng bà), giới thiệu tác phẩm của bà với công chúng và làm cho bà trở nên nổi tiếng.

Những tác phẩm về những đóa hoa của bà luôn nồng nàn và gợi cảm, những màu sắc tươi sáng mịn màng khiến ta muốn vuốt ve, mơn trớn; những màu sắc tối sẫm bí ẩn lại khiến ta muốn đắm chìm trong sâu thẳm, y như da thịt của dục tính.

Bà mất 1986, thọ 99 tuổi. 


»»  read more

18.2.13

bạn ấu thời

 Hết Tết, nhớ mấy thằng bạn thời tiểu học
1.
Hồi nhỏ, tôi học ở trường tiểu học Thạc Gián. Tới Ngã Ba Cai Lang, có một kiệt phía Bắc, đi vào độ hơn trăm thước, thì đến trường.
Nô hồi bé

Thời đó Đà Nẵng mới là thị xã. Phố xá tập trung ở quận Nhất: chợ Cồn, chợ Hàn, bến Bạch Đằng. Quận Ba lơ thơ biển cát làng chài, Mỹ Khê hoang vắng. Quận Hai là ngoại thành, còn quê kiểng lắm, không khác gì vùng nông thôn Hòa Vang, Cẩm Lệ, Đò Xu, Khuê Trung xung quanh. Tre trúc bao kín những xóm nhỏ, lục bình sen súng đầy các bàu nước, cỏ lác mọc xanh um. Đường xóm cát trắng phau, trẻ con đi chân không trưa nắng bỏng rát, trâm ổi (ngũ sắc), xương rồng lúp xúp, tiện chơi trốn tìm, bắn súng, đánh trận giả.

Đường lộ (Thống Nhứt – Lê Duẩn) còn trải đá. Hai bên là hàng phượng xanh nghít quanh năm, đỏ rực mùa hè.

Không biết sao, tôi ít bạn thân trong xóm, bạn chơi cùng lớp lại nhiều. Quanh năm đi ăn chực nhà bạn, ít cơm nhà mình. Quí vị phụ huynh có vẻ quí mến tôi. Chắc vì thấy thằng nhỏ mặt mày hiền lành sáng sủa, tướng tá đàng hoàng, không rủ con mình chơi đùa lếu láo, thấy mặt là thấy sách vở, làm văn làm toán, học siêng học giỏi cùng mình.

Giờ mà tôi có đứa nào bạn của con mình giống mình hồi nhỏ, tôi cũng cơm gà cá gỏi kêu nó tới nhà chơi liền. Hehe.

Cái này mà không tin, hỏi đám bạn cũ thời đó. Đầu sổ là Đỗ Xuân Thạnh.

2.
Tôi với nó là địch thủ trong lớp tranh ngôi nhứt nhì hàng tháng. Tranh đua nhưng chơi với nhau thân thiết không đố kỵ gì. Nó ít đến nhà tôi, tôi lại hay sang nhà nó. Chắc vì cốt tôi con khỉ ưng bay nhảy, giang hồ hơn.

Tôi ở Chính Trạch, khu xóm đạo di cư khét tiếng du côn. Thanh Bồ Đức Lợi Chính Trạch Tam Tòa mà. Xóm tôi lại con nhà Phật hiền khô lọt thỏm ở giữa bốn bề dân Thiên Chúa coi bộ hơi hung dữ.

Nhà Thạnh ở bên Thạc Gián, chùa Từ Vân đi vào, gần bàu lớn giờ chắc giải tỏa mất tiêu rồi (nay còn dấu tích thành hai cái hồ, quán nhậu rần trời). Nhớ tuồng như nhà bán tạp hóa. Thời đó mỗi xóm thường có một hai nhà bán tạp hóa phục vụ bà con tất tật các thứ cần dùng. Nào bánh kẹo cho trẻ con, rượu bia cho người lớn, gạo dầu mắm muối đường tiêu ớt tỏi hàng ngày, cả nến đèn vàng mã hương nhang cúng giỗ nữa. Trăm thứ bà rằn.

Đặc biệt nhớ nhà Thạnh lại nhớ những bó nhang to, những thếp giấy vàng xếp thành chồng, gợi trong tôi sự thành kính và những nôn nao trẻ con những ngày Tết nhất. Mỗi lần đến chơi thường ở lại ăn cơm. Cơm nhà nó ngon hơn cơm nhà tôi, chắc nhà buôn bán, thịt cá cũng khá hơn. Hihi.

Lớp Năm, hai thằng thách đấu nhau cùng giải cuốn 999 bài toán đố của Đỗ Thượng Chất. Trong cuốn này, duy có một bài toán vòi nước chảy ra chảy vô làm tôi bí mà thôi. Thắng thua thế nào, quên mất đất rồi.

3.
Sát hai thằng tôi trong thứ hạng của lớp là Lê Văn Huynh. Chuyên gia đứng hạng ba. Hiếm hoi, năm thì mười họa, một trong hai thằng tôi rớt đài, thì Huynh lên thế chỗ. Hết lớp Năm, không có dịp gặp Huynh nữa, và mãi đến giờ.

Tôi Thạnh nhỏ con. Huynh cũng tầm thước, nhưng mập hơn.

4.
Một đứa bạn đáng nhớ nữa là Nguyễn Giàu. Nó có tật ở chân, chắc sốt bại liệt hồi nhỏ. Tật nguyền vậy đó, đi cà liểng cà liểng nhưng gặp bạn là toét miệng cười. Cái cười tươi tắn dễ thương. Nhà Giàu là nhà chồ, ván gỗ lợp tôn, dựng cột đứng lẳng khẳng trên bàu nước Thạc Gián, gần nhà Thạnh. Giàu tuồng như dân Huế hay Quảng Trị. Tôi cũng hay đến nhà Giàu chơi, cũng ở lại ăn cơm. Cơm nhà Giàu lại là cơm nhà nghèo. Môn chua, cá cơm khô, kiệu muối (chỉ rễ, không củ không thân lá). 

Giờ thì nói vậy thôi, chứ thuở nhỏ, đâu có phân biệt giàu nghèo sướng khổ gì, chỉ gặp bạn và chơi với bạn là vui rồi. Thích ở nhà Giàu là cái bàu nước và cái nhà gỗ trống tênh. Gió trưa mát rượi, nằm lim dim ngắm đám lục bình xanh um, bông tím rịm điểm những đốm vàng rực. Đọc truyện Duyên Anh. Sướng rên mé đìu hiu.

Cũng như Huynh, lên Trung học, lại không gặp Giàu nữa. Bạn về quê chăng?

4.
Võ Duy Nguyên. Thằng này tôi không biết giữa nó với Thạnh tôi thân ai hơn. Nhưng không sao. Thạnh mở đầu, Nguyên khóa đuôi. Huề. Hehe.

Tình thân của tôi với Nguyên khác với Thạnh một chút. Với Thạnh nghiêng về chuyện học thuật; với Nguyên nghiêng về chuyện… nghệ thuật.

Vì Nguyên với tôi hai thằng đều mê vẽ, và vẽ khá đẹp. Không gặp thì thôi, gặp là Người dơi, Người nhện, Siêu nhân… cùng đám cao bồi viễn tây tràn ngập trên các truyện tranh Mỹ.

Thầy Bang (lớp Ba) có lần cú đầu tôi một phát muốn bể làm tư vì cái tội trong giờ học cứ hí húi vẽ tầm bậy.

Nhà Nguyên cũng bên Thạc Gián, nhưng đi vào kiệt lối Lý Thái Tổ phía Ngã ba Cai Lang, xây gạch lợp ngói đàng hoàng, ngoài vườn trồng hoa cỏ. Nguyên có mấy chị gái, tính nghệ sĩ, vẽ đẹp, nên trong nhà trang hoàng thẩm mỹ, tôi rất thích.

Nguyên trắng trẻo, đẹp trai. Tóc xoăn xoăn, đến giờ vẫn vậy, nét đẹp trai ngày xưa vẫn còn đó, dù mưa nắng thời gian, cũng không phai mờ.

Sát nhà Nguyên là một xưởng cưa lớn. Những súc gỗ tròn, to hơn hai vòng ôm, nằm ngổn ngang trong bãi. Đây là chỗ chúng tôi chơi đùa, trò cao bồi bắn nhau. Mùa lụt bãi gỗ ngập nước càng thú khi chạy nhảy ẩn nấp giữa những thân gỗ, xui trợt chân té ùm xuống nước, ướt mem. Cười đùa sặc sụa.

Sau này, Nguyên theo nghề vẽ, làm họa sĩ. Mỗi khi về Đà Nẵng, anh em gặp nhau trong bầu bạn lớp Sáu hai trường Phan Chu Trinh. Tôi ở lớp đó cùng Nguyên hai năm, trước khi vào trường Kỹ Thuật lớp Tám.
»»  read more

17.2.13

ký ức lớn


Nam quốc sơn hà Nam Đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư. 
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
»»  read more

14.2.13

ngày tình


Nô từng gọi ngày Valentine là ngày của tình. Và năm nào cũng đúp-bồ niềm vui. Vì sau đó là sinh nhật (hihi, khoe một chút, có ai chúc mừng thì... mừng).

Cuộc đời nếu tóm gọn, có lẽ chỉ là: yêu và chết! Hai điều hoàn toàn thuộc về số mệnh, thiên cơ, bí nhiệm, ngoài mọi hiểu biết, khôn ngoan, tính toán, thủ đoạn... của con người!

Hạnh phúc khi là người yêu đầu tiên, hạnh phúc hơn khi là người yêu cuối cùng. Và hạnh phúc nhất khi là người yêu ở giữa, khi ta đã từng nếm trải tình yêu và vẫn còn cơ hội để nếm trải nữa (hehe, lòng tham không đáy mờ!).

Hạnh phúc khi còn được yêu thương, còn được nhớ nhung, còn được mong chờ, còn được cần thiết, còn được ước muốn, còn được điên cuồng, còn được bất chấp vì yêu!

Hãy yêu khi còn có thể!

Để còn thấy ngọt ngào của môi hôn, hơi ấm của tay ôm, băn khoăn lúc nghi ngờ, khắc khoải phút chia lìa, cay đắng khi thất vọng!

Để còn thấy mình đang sống và sẽ chết, lúc đã yêu, đang yêu và sẽ yêu!

I love You! I miss You! I need You! I want You! Like crazy!!!



»»  read more

như nỗi nhớ đông

Tết Nha Trang, sau những ngày đầu năm, những cây bàng bắt đầu lao xao đổ lá. 
Trong cái nắng vàng se lạnh của ngày Xuân, 
những chiếc lá vàng xuộm, đỏ sẫm rơi tơi tả xuống mặt đường, 
để gió thổi chúng xếp dài bên vỉa hè, như nỗi nuối tiếc mùa đông!


                       



»»  read more

12.2.13

mùng ba

Một cái Tết đã qua!

cành nở, cành úa, cành gục đầu...
Thích ba ngày Tết năm ni.
Thong dong.
Có cà phê Bốn Mùa sáng chiều.
Ăn cơm với cá và rau sống.
Không nhòa nhoẹt rượu bia như mọi năm.
Không "chạy sô" chúc Tết.



(Sang năm sẽ bổn này mà soạn lại! Hoặc chơi luôn Tết ở một nơi nào đó!)

»»  read more

11.2.13

mùng hai

Hoa chờ người

Vàng rơi theo ngày vơi

Mai xòe rợp cánh trước hiên

»»  read more

10.2.13

khai bút

Mồng Một Tết

Những cánh mai rơi theo ngày vơi
Rắc trên hiên vắng những vàng mười
Nhớ tay người đỡ mưa nguyên đán
Giữa lối đào phai nơi xa xôi
*
»»  read more

rắn đến



Năm nay là năm con Rắn mang hành thủy. Một con thủy xà.
Nô cầm tinh con Gà, mệnh Hỏa.
Hic!
Rắn thì xơi tái gà cái một. Nước thì dập lửa là qui luật muôn đời!
Thôi thì cứ từ từ xem khoai nó... nhừ!
Tử vi chấm vầy:

Nghe mà sướng như được nhậu đồ nướng!





»»  read more

9.2.13

ngày cuối năm rứa đó!

Đã 29 Tết. Năm nay không có 30. Vậy thì ta nói, đã ngày cuối năm! Ngày cuối năm nào cũng vậy, sau khi lặn lội (nói vậy cho nó oai, chứ cũng xe 4 bánh chở đi chở zìa, được nhẹ nhàng sung sướng đội cái mũ kết vải thay cho cái mũ bảo hiểm lúc nào cũng chình chịch trên đầu) vô Cam Ranh kiếm nhành mai núi (ô, cái chữ nhành ni thiệt là đắt, bài trước dùng chữ cành mai, cây mai nghe bộ chừng hổng chính xác chút nào!), về nhà lui cui cắm vào bình, treo vài ba thứ đỏ đỏ trang trí, tưởng chừng như mình hoàn thành nhiệm vụ cao cả của người-đàn-ông-đảm-đang ngày Tết rồi!

Đã 29 Tết, ta lại nói, đã ngày cuối năm. Năm mô cũng rứa, những ngày ni là tất niên hàng xóm, chạy vắt giò từ nhà này sang nhà nọ, ăn không kịp gắp, nhưng uống thì có tiêu chuẩn: mỗi nhà 3 lon/chai. Tới nhà thứ 4, ông nào cũng quảnh càng, ráng hoàn thành chỉ tiêu thì tính sơ: 12 lon/chai (gồm các loại thương hiệu bia bọt), đủ để chân nam đá chân chiêu ngất ngưỡng về nhà. Hehe, vậy là hoàn thành nhiệm vụ cao cả của người-đàn-ông-thân-thiện với hàng xóm láng giềng! Khỏi quảng cáo bằng thập-lục-kim-tựtứ-hảo!

Đã 29 Tết, ta lại nói một lần nữa, đã là ngày cuối năm. Mấy năm trước, ta thường quan tâm, hỏi han bà xã mua sắm chi mà nhiều rứa em, thường nhận lại những comment không lấy chi làm dễ chịu, kèm theo những ánh mắt mang hình viên đại bác. Năm ni tưởng mình khôn lanh, bà xã muốn mần chi thì mần, muốn mua gì thì mua, muốn sắm gì thì sắm, ta tịnh khẩu như bình, miễn góp ý khen chê! Ai dè, mới tất niên hàng xóm zề, được bà xã ưu ái phong cho danh hiệu người-đàn-ông-sướng-nhất-nhà, kèm theo một ánh nhìn mang hình tên lửa vượt đại châu, ý nói chả nhờ vả thằng cha vô tích sự này được chiện gì trong mấy ngày Tết tất bật lo toan này ráo trọi!

Bèn mở blog lên, và trầm ngâm suy tưởng, năm mí tuổi đầu rồi, đã mần ông woại, mà sao đối với phụ nữ, mãi mãi mình cứ bị hụt giò! Đúng là người-đàn-ông-quá-tồ!

Ô hô! Ai tai! Năm cùng tháng tận!



»»  read more

8.2.13

mai tết

Hôm qua, vào Cam Ranh mua cành mai núi - mai Thủy Triều. Dáng cây ra vẻ phong sương khá thú vị, cành còn nguyên búp chưa nở nụ nào. 
Sáng nay 28 Tết, qua một đêm, bắt đầu bung đợt hoa đầu tiên.
Chiếc bình gốm cũ không vừa cành mai mới, đành phải đón một chú khác, bệ vệ hơn!


Những cành mai Thủy Triều mấy năm trước

»»  read more

5.2.13

đà nẵng

Nhớ cái cổng nhà này trong mấy ngày giáp Tết quá!



»»  read more

3.2.13

hắn đó...

Có một ngày không hẳn là đẹp trời, bạn gặp một tụ nhậu gồm những ông tầm từ 55 - 65 tuổi chi đó, ông nào cũng tỏ ra ngoài một phong thái không nghệ sĩ thì cũng cỡ thiền giả trở lên. Họ bàn luận mọi chuyện trên trời dưới biển, nào văn thơ họa nhạc, nào phật thiền lão trang. Thể nào bạn cũng nghe họ đá từ Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tuệ Sĩ, Trụ Vũ, Trịnh Công Sơn... đến Suzuki, Krishnamurti, Alexis Zorba, Kahlil Gibran, Niezshe... và cả Beatles nữa... (cảm giác sau khi nghe xong rất là kinh khủng khiếp!)
Những "băng đảng" văn nghệ đó dường như có mặt ở khắp chốn dưới cái vòm trời miền Nam này. Họ là thế hệ thanh niên thuở chiến tranh lên đến đỉnh điểm, thời của chủ nghĩa hiện sinh và phong trào hippy tràn vào đất Việt, lúc đó họ còn trẻ, tầm tuổi từ 15 - 25.
Nô viết vài dòng cho một ông bạn trong tụ nhậu như vậy, nhân dịp ổng thu thập văn thơ của ổng để "dối già". Nói về một người mà như điển hình cả một phần thế hệ! 



Hắn cứ mãi ngồi đó, chừng như không lớn nữa, dẫu râu tóc lơ phơ, giương cặp mắt trong suốt của trẻ nhỏ, dòm qua đôi mục kỉnh già, nhìn những năm tháng lướt qua, những bóng mùa lướt qua, những con người lướt qua, nhìn chính mình lướt qua như những mảng rều rác chìm nổi trên dòng thời gian…

Hắn cứ mãi ôm chặt tuổi trẻ tóc dài râu rối hippy, những hố thẳm của Thiện, những kỳ dị của Giáng, những phiêu bồng của Trịnh, những lả lướt của Beatles, những u sầu của Thư, những mơ mộng của Nhiên, những bí nhiệm của Bát Nhã… để viết lên cho mình những dòng chữ không thể nào mới nữa, đầy hư không, đầy rong rêu, đầy tay gầy, đầy mộng thường, đầy áo mỏng ngựa hồng, đầy tịch liêu thiên thu, đầy vô ngôn phù ảo, đầy bát ngát rong chơi…

Hắn cứ mãi nhốt trí tuệ trong xác hư, nhốt giấc mơ trong nhà mỏng, nhốt bạn bè trong rượu đắng, nhốt cuộc đời trong chốn chợ chiều…

Hắn tự gọi mình là phù du, để cuộc bình sinh là một cuộc lao mình vào lửa sáng, dẫu có cháy rụi cả xác thân?

Để rồi, hắn như trẻ nhỏ, ngồi bên hiên nhà, chờ xem thế kỷ tàn phai…(TCS)

Một thế kỷ đã tàn rồi, một thế kỷ nữa đang phai! 

»»  read more