29.3.13

bán


Ngày 28/3.

Buổi sáng, Ngân Hàng Nhà Nước mở đấu giá bán 26.000 lượng vàng miếng. Kết quả: ế như cá chợ chiều, chỉ bán được 2.000 lượng.

Buổi tối, xăng tăng một phát thêm gần 1.500 đồng/lít.

Bác nhà miềng đang túng quẫn, đất bán hổng được, vàng rao cũng chẳng mấy ai mua, chỉ còn cái món thiết yếu cuối cùng này, chúng mày không mua giá cao thì... nằm ở nhà hoặc đi xe đạp nhá!



»»  read more

chữ ngược

 Nhân chuyện chữ Nho chữ Hán, thư pháp, nhớ bài cũ, post lên... cho đỡ quên!
1.
Cuối năm, Nô ghé bác Dõng, kỉnh quà tết. Bác là bạn vong niên, Nô tuổi nhỏ cỡ hàng cháu, được bác yêu xưng em.

Lâu nay vẫn thích cái phòng khách bé bé nhà bác. Trần xanh dương, vách phía đỏ phía vàng, nền gạch trắng, bộ ghế bọc simili đen. Trên bức vách đỏ một phía treo bộ tranh tứ bình bốn cô thiếu nữ, một phía kệ gỗ đen chưng các đồ nho nhỏ kiêm bàn thờ gia tiên nội ngoại, cũng đủ lư hương chân đèn bằng đồng xinh xẻo. Trên bức vách vàng, treo một chữ Phúc thếp vàng nền giấy đỏ khung đen. Ngày tết, căn phòng càng trang trọng với hoa tươi, mâm ngũ quả, khói nhang thơm phức mùi trầm.

Lâu nay, Nô cũng ngứa tay học thư pháp. Hết thư pháp chữ Việt, giờ chuyển qua thư pháp chữ Nho. Cũng võ vẻ dăm chữ lận túi để rồng bay phượng múa: chữ Tâm, chữ Phúc, chữ Lộc, chữ Thọ, chữ Nhẫn, chữ Đức, chữ Tài… Người ta cũng chỉ xin ngần ấy chữ mà thôi! Mới học được chữ Tửu, xuân này hí hoáy tặng bạn bè thân hữu chơi!

Trong khi bác Dõng loay hoay lấy nước, Nô thấy trên quả dưa hấu của mâm ngũ quả có dán một chữ Nho là lạ. Nhìn kỹ thì hóa ra là chữ Phúc dán ngược. Sao thế nhỉ? Chắc là mấy đứa cháu trong nhà dán nhầm!

Hai “anh em” chuyện vãn một hồi, quay ra chuyện chữ nghĩa.

2.
À cái chữ trên quả dưa là anh dán đấy! Không phải các cháu dán nhầm đâu. Đây là tục của người Hoa, đến tết, họ dán chữ Phúc ngược. Phúc ngược là Phúc đảo, đồng âm với Phúc đáo – Phúc đến nhà. Ý là mong ngày đầu năm, phúc đến nhà mình.

Như cụ Nguyễn Công Trứ từng viết:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mùng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà


Cho nên, Nô phải cẩn thận, biết chữ Phúc rồi phải biết thêm chữ Phúc đảo nữa, không biết thì học, đừng láu táu phô phang kiến thức chưa chín, có ngày bị hố.

Nhưng chữ Tâm thì đừng có đảo nhé! Tâm phải chính, đảo điên thì nguy. Người nhỏ tâm đảo nguy cho mình, người nhớn tâm đảo nguy cho nhà, người to nhất nước tâm đảo nguy cho sơn hà xã tắc!

3.
Nô thấy nhà anh chỉ treo mỗi chữ Phúc, vì anh chỉ cầu phúc thôi, nhà có phúc là mừng vui rồi. Những chữ khác nó bắt mình phải tu dưỡng, mà Dõng thì làm biếng, tu tập nửa đường rồi cũng bỏ dở thôi!

Nhà có phúc là nhà có con hơn cha. Chữ phúc nhắc mình phải lo cho con, dạy con và tôn trọng con để ngày sau nó hơn mình. Đừng ỷ làm cha rồi áp chế con cái, vi phạm nhân quyền và tự do. Phúc ngàn năm để lại cũng tiêu tan, đừng nói phúc mới gây dựng vài chục năm.

Cả năm, Phúc treo ngay ngắn, phúc tại gia. Đến tết mới Phúc đảo, mong còn phúc đất trời đến, bồi đắp cái gốc phúc ở nhà.

4.
Người Hoa rất giỏi dùng hình nói ý, rồi nói ý mà lại ngoài ý – ý tại ngôn ngoại. Ghê lắm!

Để chúc mừng, họ vẽ tranh (gọi là thư họa chắc cũng không sai), mang nhiều ý nghĩa. Thường là dùng các chữ đồng âm (tất nhiên là âm Bắc Kinh) để diễn ý.

Sen là liên – đồng âm với liên tục; Lọ sứ là bình – đồng âm với bình an; Cá là ngư – đồng âm với dật; Cái gãi lưng đầu xù xì như nấm linh chi tên là gậy như ý – nghĩa là như ý, giản lược nấm linh chi cũng hàm nghĩa như ý; Voi là tượng – đồng âm với cát tường; Cái giáo là kích – đồng âm kiết tường hoặc cấp; Cái kèn là sanh – đồng âm với thăng tiến…

Chúc giàu: tranh vẽ hồ nhiều sen và cá chép – liên liên hữu dư (dư dật mãi mãi).

Chúc quan: tranh vẽ một lọ sứ cắm ba cái giáo (kích-cấp) và cái kèn – bình thăng tam cấp (lên một lúc ba chức).

Chúc may: tranh vẽ con voi cõng một cái giáo cột chung với nấm linh chi: kiết tường như ý – (được sự may mắn).


5.
Chữ treo trong nhà cũng đừng tham nhiều. Một là đủ. Thời buổi giờ cúng bái lan tràn, người ta vay tiền Bà làm kinh doanh, vay ơn Thần làm chính sự, vay oai Thánh đe thiên hạ, cái gì cũng muốn có thật nhiều. Ấy là thế sự đảo điên!

Có người hay chữ, xin chữ treo nhà. Chữ đại tự viết đẹp, có gân guốc, có khí phách, có tài hoa. Chỉ hiềm là nhiều.

Bên trái treo chữ Tâm. Bên phải treo thêm chữ Nhẫn. Ở giữa là chân dung bậc hiền tài chủ nhà. Thành ra đôi khi lẫn lộn, lẫn thì đọc Tâm Nhẫn, lộn thì đọc Nhẫn Tâm. Cái nào cũng có lý sự cả!

6.
Chuyện xong, Nô xin cáo từ. Nghĩ ngợi lan man, định đi về nhà, rồi không hiểu sao lại lòng vòng ra chỗ triển lãm thư pháp thư họa ngày xuân!
»»  read more

24.3.13

những ý nghĩ lờ mờ


1.
Các bậc minh triết đều gắng gổ chỉ ra cho nhân loại con đường đi đến hạnh phúc. Hạnh phúc đôi khi được mang tên là bình an, giác ngộ, giải thoát, thiên đàng, niết bàn, đại ngã... (kể cả cái mộng tưởng một xã hội không có người bóc lột người, mần tùy sức, xài tùy cần nữa).  Hầu hết các tôn giáo đều yêu cầu con người làm theo lời răn dạy của Thượng Đế/Chúa Trời để diệt trừ tội lỗi, trở thành người công chính và phần thưởng sau khi chết là vào nước thiên đàng!
Riêng đạo Phật, một tôn giáo vô thần, lại yêu cầu con người tự diệt dục, tự tu tập, tự giải thoát để tự giác ngộ, không có một đấng siêu nhiên Thần Phật nào giúp ta hết thảy!

2.
Rồi người ta lại nói rằng, đừng tìm kiếm hạnh phúc đâu xa, nó đầy ở xung quanh ta đó! Hoặc, hạnh phúc không phải nằm ở cuối con đường, mà trải đầy trên cuộc lữ hành trần thế của chúng ta! Nói cách khác, thiên đàng/niết bàn/ địa ngục/luân hồi không phải đến sau khi ta chết, mà đã cùng đồng hành với ta trong suốt cuộc đời (?)!

3.
Nếu không có luân hồi đầu thai, chẳng có địa ngục thiên đàng, cuộc đời này là duy nhất, chết là chấm hết thì con người ta sẽ hành xử xấu hơn hay tốt hơn? Người ta sẽ sống vội sống cuồng sẵn sàng thỏa mãn mọi ham muốn sân si, hay bình tĩnh thưởng thức từng phút giây của cuộc sống một cách thanh thản và an nhiên, hay chao đảo giữa hai thái cực đó, khiến cuộc đời là một vòng tròn giữa làm dữ - hối hận - tu sửa - làm lành - an lạc - thỏa mãn - (và quay lại) làm điều dữ...

4.
Phải chăng luân hồi đã hiển hiện từng lúc trong đời ta, khi ta từng là đứa bé thánh thiện và hồn nhiên, từng là đứa trẻ ngạo ngược và tai ác, từng là người lớn khôn ngoan và thủ đoạn, từng là một người già cô đơn yếu ớt và sân si!
Phải chăng ta đã là Phật lúc nhân lành, là Người lúc lẫn lộn thiện ác, là Atula lúc giận dữ hung bạo, là Ngạ Quỷ lúc đói khát cơ hàn, là Súc Sanh khi đê tiện bần cùng, là Địa Ngục khi đau đớn hận thù... Sáu bước luân hồi đó tái đi tái lại trong ta thành những đường dích dắc khép kín một đời người!

5.
Nếu vậy, cái chết phải chăng là sự giải thoát cuối cùng, vĩnh viễn? Những kinh nghiệm cận kề cái chết, cho ta thấy cái chết không đáng sợ như ta tưởng, mà là một trạng thái không đau đớn, đầy nhẹ nhõm, phiêu hốt, bay bổng trong tràn đầy ánh sáng!

6.
Niết Bàn hay Địa Ngục, là những giờ khắc có thực trong đời sống này. Tùy hành xử của ta mà ta có nhiều Niết Bàn - Hạnh Phúc hơn, hay nhiều Địa Ngục - Đau Khổ hơn! Hãy chăm sóc vườn đời ta đang có, để ngày càng nở thêm nhiều đóa Vô Ưu, mơ làm gì đến kiếp sau, bạn nhỉ!

(Viết thêm)
7.
Biết đâu, Đức Phật cũng chỉ dạy những điều đơn giản và dễ hiểu như thế, nhưng qua bao đời, các đệ tử của Ngài đã phủ lên đó ngày càng nhiều những tấm màn bí nhiệm, làm cho chúng trở nên cao siêu, xa vời, khó hiểu và mờ mịt đối với chúng sinh!
Ngày nay, đến với những khái niệm gốc của Phật: Niết Bàn, Luân Hồi, Vô Ngã, Vô Thường, Tánh Không, Duyên Nghiệp... ta bị những bức tường chữ nghĩa siêu việt, những lý luận bí hiểm làm hoảng kinh như chim nhỏ lạc vào rừng thẳm...
Ngày nay, đến với Phật, ta phải đi qua bao bậc cấp, bao đỉnh nhang, bao mâm cúng, bao sơn son thếp vàng, bao tượng đá tượng đồng, bao đấng bậc áo xống lộng lẫy, uy nghiêm lẫm lẫm...
Tưởng chừng Phật cũng bị nhốt trên tận tòa cao!

8.
Con đường mòn đất đỏ, lẩn khuất trong hương nhài hương sứ, dẫn đến nếp chùa nhỏ rêu phong với vị thầy áo nâu cuốc đất bên nương sắn, có lẽ, chỉ còn trong ký ức...
Bảo sao ta không lạc lối giữa đời...?


»»  read more

23.3.13

món quốc giỗ

 Người ta phát hiện ra tấm hoành phi mới được tu sửa sơn son thếp vàng ở Đền Trung (trong quần thể Đền Hùng) mang bốn chữ Triệu Tổ Nam Bang (bằng chữ Hán) đều viết sai. Qui trình tu sửa bắt buộc phải qua nhiều bước xét duyệt của các bậc thâm nho túc trí, giáo sư tiến sĩ cấp quốc gia. Thế mà bốn chữ sai lè lè này (chữ thiếu nét, chữ thừa nét...) cứ tỉnh queo... qua mặt hết các thầy.

Kẻ sĩ Bắc Hà giờ đâu tá!

Ôhô, ai tai!

TRIỆU TỔ NAM BANG

邦 南 祖

Các lỗi sai được Nô khuyên tròn
(Bức hoành phi được viết theo lối xưa - từ phải qua trái)

 

 



»»  read more

21.3.13

thợ dìu

Thấy Tô Hoài có tác phẩm: Giấc mộng ông thợ dìu, miềng tự nhủ, có khi nào ông lớn này viết sai chính tả, chứ đúng ra phải là Ông thợ rìu (?). Đọc vào, mới biết, chả có búa cũng chẳng phải rìu, bác nhà văn lão thành tinh quái này viết về nghề dạy nhảy đầm, nghề dìu người ta, mà bây giờ ngôn ngữ quý bà hay đi dancing gọi là: vũ sư, kép nhảy!

Trong khi nhảy đầm với thiên hạ là món văn hóa cùng mình, khi du nhập vào xứ miềng, chịu không ít điều tiếng thị phi!

Xứ Bắc miềng từ khi tiến lên dưới sự lãnh đạo của Đàng ta, tuyệt nhiên không còn món nhảy đầm. Nam thanh nữ tú có nhảy thì cũng các điệu dân vũ như: nhảy sạp từ xứ Mường, múa lăm vông từ xứ Lào; sau này có hiện đại một chút thì gọi trại ra là quốc tế vũ!

Xứ Nam tuy thuộc phe tư bổn, tràn ngập văn hóa đồi trụy đế quốc và tàn dư văn hóa thực dân, món nhảy đầm cũng bị bà đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân ra luật cấm thẳng thừng, đến khi nhà Ngô đổ, mới được thoải mái... nhảy! Sau đó, các đô thị miền Nam lại đầy quán bar, hộp đêm và vũ trường

Các đào tại vũ trường ngày xưa gọi là cave, từ này mãi về sau, khi qua thời đổi mới lại bị gán cho cái nghĩa gái điếm. Oan ơi là oan!

Sau 1975 ít lâu, tóc dài, áo eo, quần loe đều liệt vào hàng cấm. Các chú Cờ đỏ, Xung kích lăm lăm dao kéo sẵn sàng xởn những cái đầu trùm gáy, xẻo những cái áo quá chật, xẻ những ống quần quá loe!

Còn chàng nào cả gan say sưa món nhảy đầm của đế quốc, sẽ bị bộ đội, công an gô cổ, dong đi diễu ngoài phố như những tội phạm (na ná thời Đại cách mệnh văn hóa vô sản bên Tàu), cổ đeo tấm bảng ghi rõ họ tên, và tội trạng: MÊ NHẢY ĐẦM!

Tội: MÊ NHẢY ĐẦM
Sau này, thời kinh tế thị trường, Lê Hoàng làm mấy bộ phim Gái Nhảy chiếu đắt như tôm tươi! Té ra dù cấm đoán, dù lên án, dù dè bĩu... những món này vẫn là thứ hàng quyến rũ! Giờ lại thấy hang cùng ngõ hẻm nào của xứ miềng cũng nhan nhản quán bar, hộp đêm và vũ trường (chưa tính thêm các quán karaoke hát mỏi cả tay)!

Chắc anh thanh niên bị bêu trong tấm ảnh vừa đi vừa nhủ thầm: Hmmmm, sự bất phùng thời!

Miềng cũng cảm khái: Hihi, cái gì nhanh quá hoặc rút ra không kịp lúc, thế nào cũng hỏng, nhất là trong mấy vụ ăn chơi!


 
»»  read more

18.3.13

an nhiên

Bài cũ post lại, v hạnh phúc, nhân đọc blog HHP và hongngoc

Tấm ảnh này "lượm" trên mạng. Tôi rất thích tấm ảnh này. Nó như thể hiện cái ước mơ an nhiên sâu thẳm trong con người tôi: được ngồi lặng lẽ trong một ngày bình yên, giữa một nơi chốn bình yên, đọc cuốn sách mình ưa thích. Cô gái này thật cuốn hút với cái cách ngồi xếp bằng trên ghế, với những ngón tay buông lơi điếu thuốc cạnh ly cà phê (cho là vậy đi), với cái túi xách trễ tràng mở rộng lơ đãng dưới nền hè.



Tôi ao ước cuộc đời trôi qua an bình như vậy, với một ít thói quen tốt như đọc sách, một ít thói quen không xấu không tốt như uống cà phê, một ít thói quen xấu như hút thuốc... và được ngồi xếp bằng trên chiếc ghế yên tĩnh với đôi giày đi qua phố sạch, đi qua cỏ xanh, không có vết bụi bẩn nào khiến mình ngại lấm vấy vào quần. Và trên đầu, tán lá đỏ với bầu trời trong veo thăm thẳm.

Được như vậy là có những ngày hạnh phúc.
»»  read more

15.3.13

voi bay


Trong khi máy bay hành khách đã trở thành phương tiện phổ biến để đưa chúng ta đi từ nước này đến nước khác, thì ta lại ít biết đến những chiếc máy bay vận chuyển hàng siêu nặng trên bầu trời!

Trên thế giới có ba "ông" như vậy.

1.
Airbus là hãng hàng không của các nước Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha. Để vận chuyển các cấu kiện rời siêu trường siêu trọng (cánh và bộ bánh đáp sẽ chế tạo ở Anh, đuôi và cửa ở Tây Ban Nha, thân ở Đức, và phần mũi và khu vực giữa ở Pháp) đến lắp ráp tại Toulouse - Pháp, hoặc Hamburg - Đức, hãng này có 4 "ông voi của bầu trời": Beluga!

Beluga có phần lưng là một khoang hàng dài 37,7m, đường kính 7,4m, chứa đến 47 tấn hàng với tầm bay gần 3.000km, với một phi hành đoàn chỉ có... 2 người!




Beluga đang nhận hàng
Beluga trên bầu trời
 Chúng mang tên Beluga, vì hình dáng giống như một chú cá heo lưng gù, tuy thân máy bay rất lớn, sải cánh lại không lớn lắm chỉ gần 45m!  

2.
Người Nga lại sản xuất một ông lớn vĩ đại hơn: An-225, còn gọi là Mria (Giấc Mơ). Ban đầu Mria nhằm để cõng tàu con thoi Buran của nước Nga Xô Viết, nhưng chương trình tàu con thoi chỉ bay được một chuyến duy nhất không người lái rồi bị hủy bỏ với sự tan rã của Liên Xô.

Mria có khoang hàng ở phần bụng máy bay dài đến 70m với trọng tải lên đến 200tấn, có sải cánh vĩ đại hơn 88m mang 6 động cơ phản lực cánh đẩy, bay một lèo hơn 3.000km với tải tối đa! Phi hành đoàn: 6 người.

Mria cất cánh
Mria cõng Buran
3.
Riêng người Mỹ, thực dụng hơn. Để cõng tàu con thoi, họ cải tiến chiếc Boeing mang tên Nasa 905: gia cố thân để chịu được trọng tải, tăng cường cánh đuôi để giữ thân bằng.

Còn để chuyên chở những vật siêu trường, siêu trọng, họ đi thuê lại Beluga của Airbus hoặc Mria của Nga! Hihi, đúng là... Mỹ!

Nasa 905 cõng tàu con thoi





»»  read more

11.3.13

sống đời ai

Kẻ nào nhét được tư tưởng của hắn vô đầu ta là THẦY ta!
Kẻ nào nhét được tiền của ta vào túi của hắn là CHỦ ta!

Còn ai mần được cả 2 điều trên với ta, ấy là VỢ ta vậy!
Cung kính! Cung kính!
Thiện tai! Thiện tai! 

»»  read more

8.3.13

mì ngày tám

Đôi khi, Nô cũng tự nấu cho mình ăn, sau khi lập gia đình (ý là có bà xã), tất nhiên. Còn trước đó, thời độc thân, nếu không ăn ở bếp tập thể, thì phải nấu thường xuyên cho mình rồi, cũng là tất nhiên luôn!

Bây giờ, các hàng cơm nhan nhản, chỗ nào cũng có, cũng sẵn, muốn ngon có ngon muốn thường có thường, nên cái vụ nấu cho mình một bữa cơm khi bà xã vắng nhà, đã không thể xảy ra, dù cá mú thịt thà rau cỏ hành ngò mắm muối bà xã đã trữ đầy trong các ngăn tủ lạnh và tủ bếp! Tạt qua quán cơm trên đường đi làm về, chọn vài món ăn, đến nhà xoay trần, mở ti vi, bật quạt máy, nhoay nhoáy mươi phút là xong bữa, còn chán thời giờ để ngủ nghỉ, chơi bời! Ừ mà cũng lạ, Nô lại không thích ngồi tại quán ăn cơm một mình (chắc sợ cô nào cám cảnh đến tán tỉnh, mà tính miềng lại hay chiều các cô, dễ gây hậu quả nghiêm trọng  ), cứ lễ mễ mang về nhà ăn cho nó... phê!

Đôi khi, tự nấu cho mình ăn, chỉ còn hai món ruột: ốp la và mì gói! Chuyện quá đơn giản như... trái nhãn này thì cha đàn ông biếng nhác nào cũng biết làm, phòng khi cơ nhỡ!

Vậy mà, những món đơn giản này nấu được cho ngon, hợp khẩu vị cũng phải để tâm.

Nô thích ăn ốp la với lòng trắng vừa chín, hơi sém mặt dưới, lòng đỏ chỉ vừa nóng, không chín hẳn. Sau khi tra xì dầu, tiêu, xoc cái nỉa vào khối lòng đỏ, cho chúng chảy hòa với nhau thành một thứ nước chấm tuyệt vời cho miếng bánh mì dòn tan nóng hổi! Muốn có món trứng đó, phải cẩn thận đập trứng cho khéo, không để vỡ lòng đỏ, xong gạn lòng trắng vào một chén, lòng đỏ vào một chén khác. Chờ cho dầu nóng, đổ phần lòng trắng vào, canh cho vừa chín tới, xong, trút lòng đỏ lên trên, chờ khoảng 30 giây, bắc chảo xuống! Hổng có gì dễ hơn, phải không bạn!

Cứ tưởng cái món ốp la dễ ẹt này, gọi ở đâu cũng có thể đúng khẩu vị mình. Rứa mà không, dù có dặn dò cỡ nào, khi được đưa lên bàn, cũng có cái bất ưng ý. Khi thì lòng trắng chín quá, khô quá. Khi thì lòng đỏ cũng chín luôn, hổng còn thứ nước chấm khoái khẩu nữa! Hic!

Còn tô mì gói của Nô được chế biến như sau: Hành tím củ (khô tươi gì cũng OK) xắt mỏng để vào bát. Nước nấu sôi, bẻ mì bỏ vô nấu cho chín. Tra gia vị có sẵn rồi nêm nếm thêm cho vừa ăn. Đổ mì từ xoong vào bát, nhỏ thêm ít dầu ăn, tiêu, ớt! Mì nấu cho sợi mì dai hơn là mì trụng nước sôi! Hổng dám nói là ngon hơn mì trụng, vì tùy khẩu vị, sở thích từng người! Trong nhà, cũng chia làm hai phe, Nô ăn mì nấu - phu nhơn thì mì trụng nước sôi! Vì vậy, bữa mô ưa ăn mì gói, chỉ có lóc cóc tự miềng vô bếp chứ chả nhờ vả ai được. "Eng ưa ăn mì kiểu chi thì tự xuống bếp mà nấu!", bà xã bỏ nhỏ nhẹ nhàng như rứa thôi!

Hihi, tối ni, tự miềng cũng nấu một tô mì gói khi phu nhân thông báo:" Nè, em đi uống cà phê tám tháng ba với mấy bạn nha! Eng tự xử buổi tối hỉ!". Vừa lua mấy sợi mì, vừa gõ một entry.

* Bonus: Một bìa sách hấp dẫn của một nhà văn nữ.

adam & eva - sách của DiLi


»»  read more

3.3.13

mời bạn

 

Lúc nào về quê Nô nha bạn!

If tomorrow never comes
Will she know how much I loved her
Did I try in every way to show her every day
That she’s my only one
And if my time on earth were through
And she must face the world without me
Is the love I gave her in the past
Gonna be enough to last
If tomorrow never comes
                                                                                            (Kent Blazy, Garth Brooks)

»»  read more