29.3.13

chữ ngược

 Nhân chuyện chữ Nho chữ Hán, thư pháp, nhớ bài cũ, post lên... cho đỡ quên!
1.
Cuối năm, Nô ghé bác Dõng, kỉnh quà tết. Bác là bạn vong niên, Nô tuổi nhỏ cỡ hàng cháu, được bác yêu xưng em.

Lâu nay vẫn thích cái phòng khách bé bé nhà bác. Trần xanh dương, vách phía đỏ phía vàng, nền gạch trắng, bộ ghế bọc simili đen. Trên bức vách đỏ một phía treo bộ tranh tứ bình bốn cô thiếu nữ, một phía kệ gỗ đen chưng các đồ nho nhỏ kiêm bàn thờ gia tiên nội ngoại, cũng đủ lư hương chân đèn bằng đồng xinh xẻo. Trên bức vách vàng, treo một chữ Phúc thếp vàng nền giấy đỏ khung đen. Ngày tết, căn phòng càng trang trọng với hoa tươi, mâm ngũ quả, khói nhang thơm phức mùi trầm.

Lâu nay, Nô cũng ngứa tay học thư pháp. Hết thư pháp chữ Việt, giờ chuyển qua thư pháp chữ Nho. Cũng võ vẻ dăm chữ lận túi để rồng bay phượng múa: chữ Tâm, chữ Phúc, chữ Lộc, chữ Thọ, chữ Nhẫn, chữ Đức, chữ Tài… Người ta cũng chỉ xin ngần ấy chữ mà thôi! Mới học được chữ Tửu, xuân này hí hoáy tặng bạn bè thân hữu chơi!

Trong khi bác Dõng loay hoay lấy nước, Nô thấy trên quả dưa hấu của mâm ngũ quả có dán một chữ Nho là lạ. Nhìn kỹ thì hóa ra là chữ Phúc dán ngược. Sao thế nhỉ? Chắc là mấy đứa cháu trong nhà dán nhầm!

Hai “anh em” chuyện vãn một hồi, quay ra chuyện chữ nghĩa.

2.
À cái chữ trên quả dưa là anh dán đấy! Không phải các cháu dán nhầm đâu. Đây là tục của người Hoa, đến tết, họ dán chữ Phúc ngược. Phúc ngược là Phúc đảo, đồng âm với Phúc đáo – Phúc đến nhà. Ý là mong ngày đầu năm, phúc đến nhà mình.

Như cụ Nguyễn Công Trứ từng viết:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mùng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà


Cho nên, Nô phải cẩn thận, biết chữ Phúc rồi phải biết thêm chữ Phúc đảo nữa, không biết thì học, đừng láu táu phô phang kiến thức chưa chín, có ngày bị hố.

Nhưng chữ Tâm thì đừng có đảo nhé! Tâm phải chính, đảo điên thì nguy. Người nhỏ tâm đảo nguy cho mình, người nhớn tâm đảo nguy cho nhà, người to nhất nước tâm đảo nguy cho sơn hà xã tắc!

3.
Nô thấy nhà anh chỉ treo mỗi chữ Phúc, vì anh chỉ cầu phúc thôi, nhà có phúc là mừng vui rồi. Những chữ khác nó bắt mình phải tu dưỡng, mà Dõng thì làm biếng, tu tập nửa đường rồi cũng bỏ dở thôi!

Nhà có phúc là nhà có con hơn cha. Chữ phúc nhắc mình phải lo cho con, dạy con và tôn trọng con để ngày sau nó hơn mình. Đừng ỷ làm cha rồi áp chế con cái, vi phạm nhân quyền và tự do. Phúc ngàn năm để lại cũng tiêu tan, đừng nói phúc mới gây dựng vài chục năm.

Cả năm, Phúc treo ngay ngắn, phúc tại gia. Đến tết mới Phúc đảo, mong còn phúc đất trời đến, bồi đắp cái gốc phúc ở nhà.

4.
Người Hoa rất giỏi dùng hình nói ý, rồi nói ý mà lại ngoài ý – ý tại ngôn ngoại. Ghê lắm!

Để chúc mừng, họ vẽ tranh (gọi là thư họa chắc cũng không sai), mang nhiều ý nghĩa. Thường là dùng các chữ đồng âm (tất nhiên là âm Bắc Kinh) để diễn ý.

Sen là liên – đồng âm với liên tục; Lọ sứ là bình – đồng âm với bình an; Cá là ngư – đồng âm với dật; Cái gãi lưng đầu xù xì như nấm linh chi tên là gậy như ý – nghĩa là như ý, giản lược nấm linh chi cũng hàm nghĩa như ý; Voi là tượng – đồng âm với cát tường; Cái giáo là kích – đồng âm kiết tường hoặc cấp; Cái kèn là sanh – đồng âm với thăng tiến…

Chúc giàu: tranh vẽ hồ nhiều sen và cá chép – liên liên hữu dư (dư dật mãi mãi).

Chúc quan: tranh vẽ một lọ sứ cắm ba cái giáo (kích-cấp) và cái kèn – bình thăng tam cấp (lên một lúc ba chức).

Chúc may: tranh vẽ con voi cõng một cái giáo cột chung với nấm linh chi: kiết tường như ý – (được sự may mắn).


5.
Chữ treo trong nhà cũng đừng tham nhiều. Một là đủ. Thời buổi giờ cúng bái lan tràn, người ta vay tiền Bà làm kinh doanh, vay ơn Thần làm chính sự, vay oai Thánh đe thiên hạ, cái gì cũng muốn có thật nhiều. Ấy là thế sự đảo điên!

Có người hay chữ, xin chữ treo nhà. Chữ đại tự viết đẹp, có gân guốc, có khí phách, có tài hoa. Chỉ hiềm là nhiều.

Bên trái treo chữ Tâm. Bên phải treo thêm chữ Nhẫn. Ở giữa là chân dung bậc hiền tài chủ nhà. Thành ra đôi khi lẫn lộn, lẫn thì đọc Tâm Nhẫn, lộn thì đọc Nhẫn Tâm. Cái nào cũng có lý sự cả!

6.
Chuyện xong, Nô xin cáo từ. Nghĩ ngợi lan man, định đi về nhà, rồi không hiểu sao lại lòng vòng ra chỗ triển lãm thư pháp thư họa ngày xuân!

20 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Post sớm hơn 2h (y/c của MTB là post lúc 12h VN) mà cũng lụm được, thiệt là tài! :D

      Xóa
    2. Trong bài này tui thấy có đoạn ghi trong ngoặc là dùng âm Bác Kinh (tất nhiên là âm Bắc Kinh), sao khg dùng cái khác hả Bác Nô ??
      Còn chữ Phúc trong ngày Tết ngộ quá ha ...Tự nhiên hôm nay đọc bài này tui thấy cũng hay hay Bác nô ơi..:-s

      Xóa
    3. Người miềng đọc chữ Hán bằng âm Hán Việt (TD: con cá ta đọc là ngư, nhưng âm Bắc Kinh đọc là - đồng âm với chữ dật). Người TQ mỗi vùng, đều nói âm khác nhau, nên mới lấy âm thủ đô Bắc Kinh là chuẩn. TD: người Quảng Đông nói khác với người Triều Châu (ko hiểu nhau luôn), vì vậy có câu ngạn ngữ: nói quảng nói tiều, ý là nói lung tung, ko ai hiểu cả!

      Xóa
    4. Thì ra là vậy , cám ơn Bác Nô đã giải thích dùm tui nha .Bác Nô cũng giỏi biết đủ thứ vậy mà còn khiêm tốn :b)

      Xóa
  2. Cái gì cũng nên một là đủ ,hả Nô?

    Trả lờiXóa
  3. Hihi, vụ này thì... tùy tâm, bạn hiền ơi! ;)

    Trả lờiXóa
  4. người ta cũng có câu: Phước đáo trùng lai... hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phước đáo trùng lai ?? Nghĩa là gì vậy Giáo ??

      Xóa
    2. Hihi, cô giáo cứ chọc quê Nô nha. Đúng câu là: Phúc bất trùng lai. Họa vô đơn chí . Phúc không đến hai lần. Họa cũng không chỉ đến một lần (hãy coi chừng, họa đến tiếp đấy)!

      Xóa
  5. Cũng chuyện chữ nghĩa thư pháp,hôm nọ tôi nghe như vầy :

    "Sư phụ khả kính giảng cho chúng đệ tử nghe ý nghĩa thâm sâu của các chữ NHẪN chữ TÂM cần được vận dụng để sống theo lẽ phải và sự thật như thế nào.Cuối buôi giảng sư phụ yêu cầu chúng đệ tử tóm lược nội dung bằng bài viết để kiểm tra trình độ giác ngộ đến đâu.Một đệ tử thông minh nhanh nhẩu trình sư phụ bảng tóm lược nội dung như sau :

    "Sống là PHẢI,THẬT,NHẪN,TÂM."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đệ tử quá thông minh! =))

      Xóa
    2. Xin phép Bác Nô cho tui hỏi anh Vochihien 1 chút nha, cám ơn Bác Nô .
      Nếu câu này " Sống là PHẢI, THẬT, NHẪN, TÂM." . Mình viết khg có dấu phẩy giữa mỗi chữ thì rất nguy hiểm và khg được phải khg anh Vochihien ? ..PHẢI THẬT NHẪN TÂM . Thanks anh Vochihien nha.

      Xóa
  6. Sao thiên hạ cứ phải cầu mong rồi phải dán ngược, mượn âm...chi ta ?
    Cái gì phải thì nó sẽ tới thôi!
    ...
    Aqa vẫn thắc mắc làm sao một dân tộc đã từng sinh ra Lão Trang Khổng... lại mê muội với những đồng âm ... buồn cười như vậy !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi hi, sao Aca lại có cái thắc mắc ngây thơ vậy? Sao không thắc mắc: Một dân tộc đã sinh ra Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... mà lại kiêng mèo đến nhà ngày tết vì nó kêu Meo meo sẽ khiến cả năm Nghèo nghèo ,và mừng hết sức vì chó đến nhà vì chó sủa Gâu gâu sẽ đem Giầu giầu đến nhà?

      Xóa
    2. Có cái dụ chó mèo ở ta như thế nữa hở, chán thật Miêu ui !

      Xóa
    3. AQ ơi, hay là chính nhờ có minh triết Lão Trang Khổng, nên giờ đây, "những mê muội đó" còn tồn tại là nhờ vào ý nghĩa văn hóa của chúng mà thôi!

      Xóa
  7. Cụ ơi ..!chữ việt đứng thẳng đôi khi còn sai dấu nữa,học chi chữ nho ngoằn ngèo còn đứng ngược nữa chớ. khổ quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Học để mai mốt đi thăm TS - HS cho tiện, bác hothin ơi!

      Xóa
    2. Hihi...
      Ngược hay xuôi cũng vẫn là...Hán!!! :))

      Xóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)