19.7.11

mười năm cổ tích



Câu chuyện về cậu bé phù thủy Harry Potter của J.K. Rowling, đến VN vào năm 2000, với những tập sách mỏng, khổ 11x18cm, độ 120 trang. Lúc đó Bi mới vào trung học, đi đón Bi về hai cha con luôn ngóng chờ xem trong hiệu sách nhỏ trước trường tập sách mới đã ra chưa. Mỗi tuần một tập, đọc xong, thòm thèm cả sáu ngày. Hết một cuốn lại dài cổ chờ cuốn mới.

Harry Potter trở thành niềm vui và nỗi đợi chờ chung của hai ba con, (chị Mơ xem ké, hổng tính).

Năm cuốn đầu đi qua với 61 tập nhỏ, tập cuối đã vào cuối năm 2003. Mãi hai năm sau mới có cuốn thứ 6 - HP và Hoàng tử lai, lúc này đã trọn cuốn, không làm từng tập bé bé nữa, dày 670 trang, khổ lớn 14x20. Cuốn thứ 7 - HP và Bảo bối tử thần càng dày thêm >780 trang, thời gian bổn cũ soạn lại, thêm hai năm nữa: cuối 2007.

Bảy năm, cộng với các bộ phim đến nay, bộ phim cuối cùng ra mắt, đã mười năm, cả thế giới say sưa với cuộc đời cậu bé phù thủy, cùng hai bạn thân là Hermion Granger và Ron Weasley. Tuổi của Harry Potter ngang với tuổi của Bi. Thoắt một cái, cậu bé dễ thương ngày nào đã trở thành một thanh niên với ít vẻ dễ thương hơn.

Bi hồi bé, đeo kính cận, khuôn mặt cũng hao hao HP trong phim, tài tử Daniel Radcliffe.

Mười năm cho một giấc mơ thần thoại vừa kỳ bí vừa thấm đẫm nhân văn. Mười năm để HP trở thành kỷ niệm đẹp với Bi thời niên thiếu. Mười năm để tôi có những giây phút trở lại với cảm giác hồi hộp phiêu lưu mạo hiểm khi xem những chuyện cổ, truyện tranh và phim hoạt hình của tuổi ấu thơ.

Mười năm để tiếp tục cảm nghiệm sức mạnh đầy quyền năng của tình yêu: vượt thắng mọi cái ác, bảo vệ cuộc đời và bảo vệ trái tim nhân ái của con người, dù người đó có đặc biệt như một phù thủy đi nữa.

Như một món-quà-mộng-tưởng-lớn của thế kỷ 21, thế kỷ tưởng chừng như mọi điều trên thế giới không còn huyền hoặc nữa.
»»  read more

14.7.11

mấy bữa về nhà




Mỗi lần về Đà Nẵng, vui thích nhất là được gặp gỡ bù khú với bạn xưa, những thằng bạn cùng lứa, như trẻ mãi không già, vẫn hồn nhiên tinh nghịch chòng ghẹo nhau như thuở thiếu niên.

1.
Người Đà Nẵng có cái lối nói nghịch ngầm, chọt lét người nghe, ai không quen dễ bất mãn, giận dỗi. Cái thèng ni núa chi mà gai rứa! (Thằng này nói gì mà gay vậy!). Và dễ cãi nhau, cãi nhau rất to, trợn mắt, phùng mang, văng nước miếng chưa chịu thua. Và đề tài nào cũng có thể dẫn đến cuộc cãi nổ trời như vậy. Đám bạn Quảng ở Sài Gòn hơn ba mươi năm có dư, vẫn bổn tính không đổi thay gì ráo, gặp nhau, ngồi một hồi là "sôi nổi" cãi, mỗi ông một phe, không ông nào chịu ông nào! Quảng Nam hay cãi mà!

Đà Nẵng đang trở thành đô thị bự nhất miền Trung. Lòng tự hào của dân Đà Nẵng cũng phình to theo quy mô của thành phố. Đừng có dại mà về đó mà cất giọng chê bai Đà Nẵng. Tôi ngồi cười đủ nguyên cả hàm răng, khi các ông bạn say sưa đưa quê miềng đến tận trời xanh.

Biển ư, biển Mỹ Khê là nhứt, nước trong, cát mịn, bờ thoai thoải dễ tắm. Biển Nha Trang chỉ là cái đinh rỉ, cát thì to, biển thì sâu, bước mấy bước đã ngập đầu, tắm cái gì!

Hải sản ư, Đà Nẵng là số một, thứ chi cũng có, tươi ngon bổ rẻ. Tôm mực Nha Trang chỉ có xách dép chạy theo mà thôi!

Đảo Vinpearl hả, không bằng cái móng tay của bán đảo Sơn Trà!

Còn rau tươi hả, mi đừng thấy rau lá nhỏ nhỏ rứa rồi chê nghe, nhỏ mà nhỏ hạt tiêu, nhỏ mà thơm, chớ mấy thứ rau to xác lạt phèo phèo!

Tau hỏi mi ở mô có được cái Bà Nà, ở mô có cái tượng to như chùa Linh Ứng!

Hehe, miệng mình đành câm như thóc! Nói chung, Đà Nẵng là nhứt, quê miềng mà, cãi mần chi. Chỉ tiếc là chưa được chọn để làm thủ đô thôi!

Tui còn thấy thêm cái nhứt nữa của Đà Nẵng, nhiều đất nhứt nước luôn, đi chỗ mô cũng thấy đất bạt ngàn, lô nhỏ lô to, đủ hết. Chỉ tiếc là đất còn là đất, chưa có nhà cửa chi, thấy cỏ dại mọc bời bời!

2.
Đà Nẵng ngoài mì quảng truyền thống (mì tôm thịt, mì gà, mì cá lóc), ngoài phở dành cho dân xứ Bắc, món bún cực kỳ phong phú. Tôi tiếp ông bạn Đà Nẵng tại Nha Trang, giới thiệu ổng hai ngày hai món phở Nha Trang, là ông bắt đầu quạu: "Bữa mô cũng phở, trong ni không có bán bún hả mi?"

Đà Nẵng hằng hà sa số... bún: bún bò, bún giò, bún xương, bún gân, bún lưỡi, bún chả, bún mắm, bún cá, bún măng.... Muốn gì có nấy, rất phong nhiêu!

3.
Có mấy món nhậu lạ lạ: gà lên mâm (gà luộc với xôi, đã được thưởng thức), lòng thả (chưa biết)! Bia sành điệu của Đà Nẵng là Larue: có ba loại trắng, xanh, vàng. Các nhãn bia khác chỉ tồn tại lây lất như cho có ở Đà Nẵng mà thôi!
»»  read more