31.1.14

khai bút


»»  read more

30.1.14

đón tết

Năm mới, bạn mới, tôi mới!



Mai này mọc trên núi ven biển vùng Thủy Triều - Cam Ranh.
Nhìn dáng cành nhánh thấy được cả gió biển
Hoa chỉ năm cánh, nhỏ nhắn, tròn trịa.
  


»»  read more

27.1.14

nhớ tết

Năm nay, hai cái tết cách nhau có một tháng, chưa kịp thở vì kết toán sổ sách theo dương lịch, lại vắt giò lên cổ lo cơm áo gạo tiền cho cái tết âm! Những ngày cuối cùng, ngân hàng, kho bạc… nhân viên làm việc cả đêm, không cả ngày nghỉ, giải quyết tiền nong cho biết bao doanh nghiệp đang chầu chực đông không kém hành khách chầu chực bến xe nhà ga mua vé tết!

Trong vòng hai tháng đầu năm, công việc toàn cõi vina nhà miềng gián đoạn bởi 2 lần ăn Tết!

Cho nên, cứ ước ao, ta chuyển ngàyTết cổ truyền vào luôn Tết Dương lịch như Nhật Bản. Họ đã làm điều này từ thế kỷ 19, năm 1868, thời Minh Trị Thiên Hoàng. Tất cả tập tục cổ truyền vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.

2. Tết mang đến cho ta âm hưởng bài hát quen thuộc Happy New Year (nhóm ABBA). Nhân loại đã nghe bài hát này hơn 30 năm, và đến nay vẫn chưa có ca khúc nào thay thế được!

Một bài hát âm hưởng buồn, đầy tâm trạng của sớm mùng một, khi thức dậy giữa cuộc tiệc đã tàn, không còn sâm banh,không còn pháo hoa, chỉ còn những hoa giấy ngũ sắc li ti nằm chết rũ rượi trên sàn nhà! 

Happy New Year! May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend
Happy New Year! May we all have our hopes, our will to try
If we don't we might as well lay down and die
You and I

Như những hoa giấy ngũ sắc sau cuộc tiệc tàn!

3. Tết lại làm nhớ Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao, để từ đây người biết quêngười, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người!

Mùa xuân của quê hương đầy thương yêu đầu tiên trong mong ước của người nghệ sĩ, lại như một dự cảm những tai ương, bất trắc của cuộc đời.

Mùa Xuân đầu tiên,nhưng lại là tác phẩm cuối cùng của ông! Để ông tiếp tục lặng thinh ngồi với chiếc bóng của mình ròng rã hai mươi năm sau đó! 

Người ta kể lại, sau khi ông mất đi, trên bức tường ấy, vẫn in rõ một chiếc bóng trắng âm thầm nổi trên lớp vôi vàng úa thời gian!
»»  read more

18.1.14

lẩn thẩn chuyện nhà

Viết nhân vợ chồng con gái có nhà riêng


1.
Có một mái nhà là chuyện hệ trọng trong đời.

Dẫu ta có làm bố làm chồng làm ông ngoại ông nội, nhưng ta không có một cái-nhà-của-ta, chắc những danh hiệu kia chỉ còn một nửa. Một nửa tấm mề đay, mà lại ở phía mặt trái!

Nhà-của-ta thôi. Không nệ rộng hẹp thấp cao. Không cứ nhỏ to thiếu đủ. Một ít đất, một mái che, mưa ráo, nắng mát. Có nơi ăn chốn ở. Có chỗ bạn ngồi. Có nơi đặt cành mai, mâm quả ngày xuân. Có nơi thắp nén nhang ngày giỗ.

Đôi khi, ước mơ đơn sơ ấy, đi cả một đời vẫn chỉ là mơ ước. Cái khát vọng chốn nương náu trong cõi người ta!

2.
Về chuyện nhà, có lời: con chim có tổ, con cáo có hang, nhưng con người không có chỗ gối đầu. Quả thật, nhà là chốn để ta có chỗ gối đầu, là nơi ấm êm khi dừng cuộc mưu sinh, khi tàn cuộc vui vầy, khi mỏi gối chồn chân, khi bỏ cuộc giang hồ, khi quá quỉ-môn-quan trở về sau cơn bạo bệnh.

Cụ Văn Cao viết: Dưới mái nhà một người đang ngủ. Mơ giấc mơ của những vì sao. Chỗ gối đầu là để ngủ, để mơ, để hòng sống một cuộc sống khác. Đảo câu thơ một chút: Dưới vì sao một người đang ngủ. Mơ giấc mơ của những mái nhà, thì có vẻ trầm trọng ngay, vì chắc người đang nằm ở khách sạn ngàn sao, đang tự hỏi ngày nào mình có một túp lều nho nhỏ?

Cụ Bàng Dúi lại cà rỡn: Hỏi rằng người ở quê đâu? Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà. Quê mà không có nhà cũng chỉ là yên ba giang thượng. Có ai chờ đợi mà về. Có về thì cũng chỉ đối mặt những xác hiu hắt lạnh lùng chứ mãi mãi chẳng còn thấy mái tóc màu xanh xanh ngày xưa nữa. Và cái nơi mà ta ở rất lâu dưới mái nhà thân thuộc, dẫu có tha hương thì cũng đến lúc đất lạ phải hóa quê nhà. Vì khởi thủy làm gì có quê nhà, tại người ta ở lâu nên nó thành quê nhà mà thôi.

3.
Trong đời có biết bao chuyện vui khoái nhưng không có gì vui khoái bằng sự chuẩn bị làm cho mình một mái nhà. Sự vui khoái đạt ngay đến đỉnh điểm  khi óc ta bắt đầu rục rịch nghĩ suy.

Nhà ta sẽ có gì. Mấy phòng đây. Chỗ này cho thằng nhỏ. Chỗ này con gái rượu. Góc này của đôi ta. Rồi khách khứa bạn bè. Rồi sân vườn cây cảnh. Trời đất ơi, đôi khi đất chỉ đủ một bàn tay mà mộng tưởng cả lâu đài!

Tất cả những ai làm nhà đều một lần loay hoay tự mình làm kiến trúc sư, tự diễn họa ngôi nhà trong mơ. Cặm cụi vẽ vời, dẫu không đúng qui chuẩn nhưng có hề chi, miễn ta thấy, ta hiểu là sướng như ru rồi. Và say sưa bàn luận với vợ con, bè bạn. Rồi nhất dạ sinh bá kế, ua chầu chầu, hôm qua mần rứa nỏ hay, phải sửa như ri mới chộ được hè!

Những hình khối màu sắc bắt đầu ám ảnh tâm trí. Lơ ngơ khi ra phố vì mặt cứ nghệt lên trời ngắm... nhà thiên hạ. Đêm nằm gác chân lên trán, miên man tưởng tượng, miên man đi vào giấc ngủ với ngôi nhà đẹp y chang như mình mong muốn.

4.
Hỡi những ai có ý làm nhà, hãy tận hưởng ngay những giây phút hạnh phúc đó. Vì khi đến lúc bắt tay vào cuộc bạn sẽ đối mặt với thực tế phũ phàng. Bạn sẽ vất vả với các ông thiết kế, nhà thầu. Bạn sẽ vắt giò lên cổ lo cung cấp vật liệu. Bạn sẽ gặp vài ông thần nước mặn: ông quản lý đô thị, ông phường, ông thuế... Bạn sẽ đối mặt với cha hàng xóm trót không ưa.

Và nếu không rủng rỉnh, bạn sẽ đối mặt với vấn đề muôn thuở: tiền, tiền và tiền!

»»  read more

13.1.14

Nhatrangrad - Нячанград



Xe bánh mì cũng Anh Nga đề huề

Thêm cái đuôi *grad cho Nha Trang là điều có lý, vì bây giờ cái thành phố biển nhỏ xinh này đang tràn ngập người Nga, tiếng Nga, chữ Nga. Dân bản xứ ắt đầu quen với các mẫu tự Slave đập vào mắt mình hàng ngày!

Từ nhà hàng, khách sạn, siêu thị... đến matxa của người khiếm thị và tương lai là quán phở , bún bò, mì quảng, xe bánh mì... tất tần tật phải có biển hiệu, menu tiếng Nga! Đồng tiền có sức mạnh vô song, với Nha Trang, giờ là đồng rúp.

Dãy cafe Bốn Mùa đã được phá dỡ và giao cho ai đó (với băng rôn quảng cáo "cho thuê mặt bằng mới" bằng tiếng Nga). Công viên Nước ven biển biến, thành nhà hàng Nga của một ông chủ Nga, đang chạy hàng chữ Nga chớp đèn to tướng! Các bãi tắm tràn ngập những con người đang tự tin phô những mảng da thịt mỡ màng và phì nhiêu!

Nghe nói, khách Âu Mỹ đang từ bỏ Nha Trang để khỏi phải "tương thuận" với khách Nga, những du khách hợm tiền, uống cạn hầm rượu Vinpearl chỉ trong một đêm, luôn ồn ào và ít tuân thủ các chuẩn mực văn minh!

Khi giới nhà giàu Nga đổ đến hòn đảo thần tiên Mallorca (Địa Trung Hải), thì du khách châu Âu: Pháp, Anh, Ý, Đức, Hà Lan... biến mất!

Mong là tui được "tương thuận" với đám du khách này, để đừng rơi vào cảnh, một ngày đẹp trời, lục đục con đùm vợ túm, dọn nhà rời khỏi Nhatrangrad!
»»  read more

4.1.14

cuối năm

Có những buổi chiều cuối năm, tôi thích lang thang trên những con đường quê của Nha Trang - Diên Khánh.
 

Những con đường quanh co qua những làng xóm đầy tre trúc, những bầy bù hóng bay đầy mặt, những cánh đồng đầy lúa xanh mướt thì con gái, những mùi ngai ngái của phân bò, những con lạch con sông thoáng ẩn thoáng hiện, những sân nhà ai đang bày cỗ tiệc cuối năm, những bàn thiên đầy mùi nhang khói và rộ lên bất chợt lúc không ngờ, trong cái sân nhỏ, một cội mai già đơm đầy bông vàng rực rỡ.
 

Để còn trong lòng những ước mơ và hy vọng.
 

Để còn ngồi sát sau mình, trên chiếc xe máy lang thang chiều cuối năm, là người mình rất mực yêu thương!
»»  read more