29.8.13

lảm nhảm

1.
Năm nay, 2013, đã chớm tháng 9. Tám tháng qua rồi, gần một năm, không đụng tới thơ, không làm nổi một bài thơ, một câu thơ. Thi thoảng, đến bất chợt, những ý tứ mơ hồ, không thành nổi một câu, hay thành rồi mà đọc lại thấy ngán ngẩm.

Mất mùa thơ.

Nhớ ai đó nói: Có bột, có trứng, có đường, có men... nếu bạn không nhào luyện mọi thứ nhuần nhuyễn, rồi ủ đúng cách, thì không thể có ổ bánh ngon. Làm bánh cũng như làm thơ. Có ý tứ, có kỹ thuật, có vốn chữ, có tâm tình... mà không hòa quyện vào nhau, không đủ thời gian đằm xuống, thì cũng chẳng bói ra một câu thơ nào.

Mà cứ gì chuyện văn thơ, mọi chuyện trên đời đều cần sự hòa quyện và ấp ủ cho tới.

2.
Bé bé như chuyện mò mẫm lên mạng, lập cái blog hay facebook (FB), muốn có cái list bạn bè, cũng phải kiên nhẫn và nhọc công để thỏa cái ấp ủ của mình và cái hòa quyện của tình bạn (dù là ảo). Bước chân vào chốn giang hồ, bên cạnh hoa bướm vui tươi còn có hang hùm nọc rắn, tùy mình chọn lựa chốn nào. Cũng như ngoài đời, có trang mạng vô số bạn bè, nhưng đối với chủ trang, chẳng mấy ai là bạn; có trang chỉ lơ thơ mấy bạn, nhưng là những người bạn thân thiết, dẫu kẻ nam người bắc, vẫn đồng cảm, vui chơi bền đỗ với nhau.

Quý hồ tinh, bất quý hồ đa (?). Nói vậy thôi, nhưng "ai đó" quý đa, mình cũng không nên ... théc méc! Đa hay thiểu gì cũng tốt, miễn là tương kính và biết lắng nghe nhau!

Blog và FB cũng có cái "hay". Hồi xưa blog yahoo, hễ có ai mình hổng khoái là có cách "cấm cửa" hỏng cho vô nhà, blogspot hình như chưa có "vụ" này (hay có mà mình hỏng biết!). FB còn dữ hơn, ngoài chuyện cấm cửa (mức tạm thời) còn có cách tuyệt giao vĩnh viễn, hễ bấm nút này là hai bên ngay lập tức thuộc về hai thế giới, như âm và dương, muôn đời cách trở, tao hỏng thấy mày mà mày cũng hỏng thấy tao, coi như với tao mày chết rồi và với mày tao cũng chết luôn. Gớm thiệt, còn dữ dằn hơn ngoài cõi thực (vì dẫu tuyệt giao trong đời, nhưng tình cờ có thể chạm mặt đâu đó, với FB miễn có cái vụ này!).

3.
Hôm kia có bữa nhậu. Lời qua tiếng lại, có ông tuyên bố: "Tui ghét nhất những thằng bạn dối trá!"; có bà phản pháo liền: "Nè, tui hỏi ông nhé, vậy ông có luôn thực không?". Vậy là ông kia ngắc ngứ, ai dám trả lời cả đời ta lúc nào cũng thực, mà ngay mới vừa, điện thoại ở nhà tới, đã nói dối vợ là tui đi đây đi kia, chứ có nói tui đang nhậu đâu!?

Khó chứ hè! Nếu ai hỏi mình cái gì mình ghét nhất/quý nhất ở một con người? Nghĩ mãi tới sáng nay, tạm cho mình một câu trả lời: "Quý nhất là người biết mình sai lầm. Ghét nhất là kẻ hợm mình!" Rồi cũng giật mình!

Hihi, lỡ gặp cái bà bữa trước, bả phang: "Vậy ông có luôn không hợm mình không?". Chắc gãi đầu gãi tai: "Để từ từ tui về tui hỏi... bà xã!". Thôi chắc chắn nhất là đừng ghét ai, vì mình cũng chỉ là một thằng người có đủ những hỉ nộ ái ố, đầy các thói hư tật xấu mà thôi!

4.
Woa, từ chuyện hỏng làm được thơ mà cay cú viết tùm lum, nhảm nhí vậy hè! Hay tại thấy cứ một hai hôm blog giaolang lên thơ ầm ầm rồi ghen ăn tức ở đây ta!!!

Té ra mình xấu thiệt!?


»»  read more

25.8.13

stone of hope

50 năm ngày M. L. King tuyên bố: "Tôi có một giấc mơ".

Tôi biết sẽ có những ngày tươi đẹp này nhờ người đàn ông vĩ đại đứng bên tôi đây!

Tổng thống Obama phát biểu trong buổi khánh thành tượng đài kỷ niệm Martin Luther King (16/10/2011) tại thủ đô Washington. Khi nói về cuộc đấu tranh của King, dường như ông Obama đang nói về cuộc đấu tranh của chính mình.

Để đạt được một chiến thắng, có bao nhiêu là thất bại. Ngay sau khi nhận giải Nobel hòa bình, King vẫn là đối tượng chỉ trích của nhiều người. Ông bị tấn công bởi những người chê ông đi quá chậm và cả bởi những người trách ông đi quá nhanh.

Giờ đây, King đứng đó, khoanh tay, bất khuất và trầm tư, như cách đây 50 năm, ông đã tuyên bố: I Have a DreamTôi có một giấc mơ. Giấc mơ về hòa bình, bình đẳng, tự do:

Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày khi đất nước này trỗi dậy để sống theo ý nghĩa thật của niềm xác tín của chính mình: "Chúng ta tin rằng chân lý này là đầy trọn, ấy là mọi người sinh ra đều bình đẳng".

Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại với nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ.

Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày vùng đất hoang mạc Mississippi, bức bối vì hơi nóng của bất công và áp bức, sẽ chuyển mình để trở nên ốc đảo của tự do và công bằng.

Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bởi màu da, mà bởi tính cách của chúng.

Hôm nay tôi có một giấc mơ...

Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày mọi thung lũng sẽ được nâng cao, mọi đồi núi sẽ bị hạ thấp, chỗ lồi
lõm sẽ được ban bằng, chỗ quanh co sẽ thành ngay thẳng, và sự vinh hiển của Thiên Chúa sẽ hiển lộ để mọi loài xác thịt cùng nhau chiêm ngưỡng...

Nguyện tiếng chuông tự do vang lên từ những đỉnh đồi kỳ vĩ của New Hampshire. Nguyện tiếng chuông tự do vang lên từ những rặng núi uy nghi của New York. Nguyện tiếng chuông tự do vang lên từ các đỉnh núi Allegheny của Pennsylvania.

Nguyện tiếng chuông tự do vang lên từ đỉnh Rockies tuyết trắng của Colorado. Nguyện tiếng chuông tự do vang lên từ những sườn đồi của California...

Nguyện tiếng chuông tự do vang lên. Khi chúng vang lên, và khi chúng ta để chúng vang lên – khi chúng ta để chúng vang lên từ mọi ngôi làng, từ mọi thôn xóm, từ mọi tiểu bang và mọi thành phố, chúng ta có thể làm ngày ấy đến nhanh cho mọi con dân của Thiên Chúa - người da đen và người da trắng, người Do Thái và người ngoại bang, người Kháng Cách và người Công giáo - sẽ nắm tay nhau mà cùng hát ca từ này: "Cuối cùng đã có tự do! Cuối cùng đã có tự do! Tạ ơn Thiên Chúa Toàn năng, cuối cùng chúng ta đã được tự do!”.

(bản dịch từ: Wiki)


Tác giả tượng đài là Lei Yixin, nhà điêu khắc người Trung Quốc, ông lấy cảm hứng từ câu nói của King: “Out of a mountain of despair, a stone of hope ”. Một khối granit lớn, tượng trưng cho ngọn núi tuyệt vọng, bị xẻ đôi bởi một con đường mà khách viếng thăm đi qua để đến tảng đá (như được lấy ra từ phần đá của ngọn núi xẻ đôi) tạc tượng King, hiện thân của niềm hy vọng không gì lay chuyển được.

Dự án được khởi động cách đây gần 20 năm. Kinh phí 120 triệu đô. Quốc Hội Mỹ tài trợ 10 triệu, và nghe đâu chính phủ TQ cũng tài trợ 25 triệu.

Cùng với Washington, Jefferson và Lincoln, King trở thành trụ cột thứ tư cho những giá trị Mỹ.

Ngày nào, ngày nào để tiếng ca này cất lên trên toàn thế giới: “Cuối cùng đã có tự do!”?
»»  read more

19.8.13

ngày đến

Buổi sáng, buổi chiều, đi trong con hẻm, gió thổi lộng mát, làm người ta quên mình đang ở một đô thị ồn ào, ô nhiễm cả không khí và âm thanh cỡ nhất nước.

Bầu trời của hẻm, hẹp và dài, có đủ cả mây trắng và nắng trong. Lối của hẻm cũng hẹp và dài, hai bên là hàng quán, cơm tấm và cà phê, bánh cuốn và chè bánh lọt. Có người già tuổi trầm tư bên ly cà phê, có người trung tuổi chăm chú đọc báo, có người trẻ tuổi lướt ngón smartphone...

Buổi tối ngồi ăn vịt xiêm 3 món dưới mái lá, đầy không gian những âm điệu bolero và sáu câu trong bài tân cổ giao duyên. Và mưa, cơn mưa rào bất chợt chảy từng dòng theo đuôi mái đổ xuống mặt nước đầy những vòng cá quẫy.

Suốt một ngày không chuông điện thoại, không blog, FB, messages... để thấy như mình đang ở chốn nào xa, bảng lảng mơ hồ mặt người, giọng nói, con chữ, nỗi nhớ nhớ quên quên...

Ngang qua một quán cà phê quen mà có lúc quần sooc, áo thun, dép lê lững thững ra ngồi, bây giờ đã đóng cửa im lìm trên bức tường sót lại mặt tiền, phía sau đó, khu đất đang dọn dẹp xong công trình cũ, bắt đầu ngổn ngang cát đá, sắt thép cho công trình mới... Chỗ ngồi xưa đã mất, đã cũ như mọi chuyện xấu tốt lành dữ hay dở ghét yêu gì rồi cũng nhòa mờ tan loãng khỏi ký ức...

Một ngày đến, rồi chờ một ngày đi... với Sài Gòn! Một nơi không tí "bà con cật ruột" mà lại gợi nhiều hoài niệm mới lạ chứ!
»»  read more

12.8.13

Go, Eat, Write

Richard Sterling, nguyên là kỹ sư hệ thống liên lạc cho tàu con thoi (Mỹ), sau mấy mươi năm làm nghề, ông nghỉ việc, trở thành một nhà văn, để thỏa mãn niềm đam mê viết lách từ nhỏ của mình. Ông đi khắp nơi trên thế giới và ghi lại những câu chuyện về con người, vùng đất, ẩm thực các xứ sở xa xôi! Việt Nam là một trong những nơi ông yêu mến, nơi hấp dẫn ông quay lại, lưu lại nhiều ngày hơn.

Ông mê nhất món bánh mì thịt Việt Nam, và ngay sau đó tất nhiên là món phở, tiếp nữa là cơm tấm. Để giới thiệu ẩm thực Việt Nam, ông đề nghị nên ăn các món ở vỉa hè, những nơi bình dân, bạn hãy chọn thức ăn bằng mắt, đừng quan tâm chúng được chế biến ra sao và bằng cái gì, khi chúng đẹp trong mắt bạn, chúng sẽ ngon! Ông còn bác bỏ ý kiến chúng không hợp vệ sinh: tôi đã ăn hàng trăm món ăn vỉa hè, đâu có sao! Bạn đau bụng vì nhiều lý do khi đến một nơi xa lạ, nước uống bình thường cũng có thể làm bạn đau bụng vì cơ cấu điện giải của nó khác với nước uống quen thuộc của bạn. Hihi, rất hùng hồn và cũng có thể vì ông đang sắp ra mắt cuốn sách mới về ẩm thực đường phố tại Việt Nam!

Thức uống Việt Nam được ông đề cao là món sinh tố. Nó vừa là món uống ngon, bổ dưỡng vừa là kế sinh nhai của nhiều người VN trong thời buổi kinh tế khó khăn. Chỉ cần một máy xay, một bàn đá bào, ít trái cây, ít sữa, ít đường – vốn liếng chẳng là bao – người ta có một xe bán nước uống đầy màu sắc. Chúng nhan nhản khắp nơi, và tập trung nhiều nhất ở các giao lộ, các trường học, các công sở. Khi kinh tế khá lên, các thức uống ngoại nhập xuất hiện, Coca Pepsi Whisky… đẩy các xe sinh tố dần dần biến mất. Người ta thấy sành điệu khi nốc một lon nước ngọt sủi ga hơn là uống một ly sinh tố rẻ tiền. May thay, ông nói, qua một thời gian dài, sinh tố đã quay trở lại, với nhiều hình thức, không chỉ có sinh tố trên các xe đẩy, chúng còn có trong các quán nhỏ trang trí đẹp, đầy màu sắc như bản thân món uống tuyệt vời này!

Với ông, phở là cả Việt Nam trong một cái tô thì sinh tố là cả Việt Nam trong một cái ly!

Bạn có thể bắt gặp người đàn ông mập mạp này trên một con phố gà quay vịt quay ở Sài Gòn, với cái mũ rộng vành kiểu Indian John (nhân vật phiêu lưu khét tiếng trên màn ảnh do Harrison Ford thủ vai), với bộ râu cắt tỉa cẩn thận, với những cái bắt tay ôm vai thân thiện cùng chú Sáu cơm gà, hay bà Ba bán phở. Niềm đam mê ẩm thực đã làm ông yêu mến những con người bình dị của đất nước này!

Ông nói người ta trả tiền để tôi đi, ăn và viết. Go, Eat, Write… đúng là cuộc sống hạnh phúc bất tận của ông.

Jacques, ông bạn người Pháp của Nô, hễ đặt chân xuống Sài Gòn là chạy ngay đến Mạc Thị Bưởi, vào một quán ăn nhỏ xíu như cái hộp diêm, nóng bức và hơi tồi tàn, để ăn liền hai tô mì hoành thánh, mà theo ông, ngon nhất Việt Nam!

Nhiều người ngoại quốc, một lần đến Việt Nam, đem lòng yêu thương con người, món ăn và cảnh sắc đất nước này. Một đất nước nhiệt đới nhỏ bé, nghèo nàn đang trĩu nặng những suy tư vẫn quyến rũ được những bàn chân phương xa dừng lại!

»»  read more

8.8.13

lụm lặt

1. Vụ bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội): Nô nghĩ các thầy thuốc ở đây chắc không đến nỗi táng tận lương tâm như vậy. Chẳng qua là lập hồ sơ xét nghiệm giả để kiếm tí tiền thôi!

2. Hôm qua, xem tivi, thấy người ta nói: Đi uống cóp-phi, nghĩ mãi mới hiểu ra là đi uống cà phê. Kiểu này, sáng nay Nô bắt xe bớtx (bus -buýt) đi uống cóp-phi xong, ghé mua bình gátx (gas - ga) về cho bà xã, chiều quỡn đi đánh góp (golf - gôn). Sành điệu như hũ củ kiệu! Hahahaha!

3. Đọc báo thấy khách mua bất động sản tại Đà Nẵng: khách Hà Nội >80%, khách Sài Gòn >10%. Lâu ni, người ta ca ngợi ĐN là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Giờ hiểu thêm tí: ai là người đáng sống ở đó!

4. Hồi trước, về quê Đà Nẵng, théc méc với mấy thằng bạn làm lớn: tau thấy quê miềng đâu có ngành công nghiệp mạnh, tiền mô mà xây đường xây cầu dữ hè, hay nhờ bán đất đó bây??? bị mắng té tát: mi trên răng dưới cát-tút, óc to bằng quả nho, biết chi chiện đại sự, kinh bang tế thế mà rộn ràng! Giờ nghe đất ế, ĐN bí nguồn thu, mới mơ màng hiểu được cái cụm từ phồn vinh giả tạo, đã được giáo dục cẩn thận hơn ba mươi năm rồi mà hổng thấm nổi.

Mấy cái ni là lụm lặt đó đây, đọc qua rồi bỏ, hổng phải tổng hợp tin nha bà con!
»»  read more

4.8.13

bóng mùa thu

Cổng nhà phủ một dàn cây leo, khi còn non, thân cây mềm đan rợp trên pergola, khi già thân hóa cứng có gai nhọn, hoa mọc thành chùm hai màu trắng đỏ, tỏa thơm nồng nàn lúc đêm buông xuống, còn ban ngày tịnh không thoảng chút hương.

Vì không biết tên hoa nên khi người ta hỏi: hoa gì đó bác? tôi trả lời với nụ cười nửa hư nửa thật: hoa khuyên tai! Đúng là năm cánh hoa xòe trên cọng dài như một chiếc khuyên tai. Mấy bé gái thích hái hoa rồi kết cuống hoa này vào nhụy hoa kia thành những vòng to nhỏ: cái nhỏ thì đeo vào tay, cái lớn thì đeo vào cổ hoặc đội đầu.

Mãi sau này, mới biết hoa này người ta gọi là sử quân tử. Nhưng tôi thích gọi như cũ, vừa dung dị, vừa bớt chất... tàu!

Mấy hôm nay, trời kéo mây, không khí mát mẻ với những cơn mưa thoắt có thoắt không. Ánh sáng dịu nhẹ lướt trên dàn hoa thành những cái bóng hư ảo trong không gian trong suốt của một ngày chuyển mùa. Sắp Thu.


»»  read more