30.10.13

xứ dâu rỗng

1.
Một nền văn minh chỉ dựa trên một quốc gia, một dân tộc là điều hiếm hoi. Trong thế giới hiện đại, ngoài Ấn Độ, Trung Hoa, hai nền văn minh tồn tại và phát triển liên tục từ thời cổ đại đến nay, văn minh “trẻ” Nhật Bản là một nền văn minh riêng biệt như vậy. 

Còn các nền văn minh khác thường bao trùm trên một châu lục, bao gồm nhiều quốc gia dân tộc khác nhau: Tây Âu, Á Rập, Hồi Giáo, Bắc Mỹ, Nam Mỹ…

Một đất nước nhỏ bé (380.000km2), một dân tộc không đông (127 triệu người) lại xây nên được một nền văn minh-văn hóa độc đáo, sâu thẳm, mạnh mẽ, đầy sức sống của truyền thống và hơi thở của hiện đại.

2.
Nhân loại càng tiến bộ, văn minh văn hóa Nhật Bản càng lan rộng ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến các giá trị của các nền văn minh khác, thay đổi nếp nghĩ nếp sống của các dân tộc mà đôi khi tính cách và truyền thống xung khắc, khác biệt với nếp nghĩ nếp sống của người Nhật!

Một đất nước tiếp cận với văn minh phương Tây rất sớm, rất quyết liệt, rất chủ động. Họ chuyển sang ăn Tết Dương lịch từ cuối thế kỷ 19, và sự canh tân của Minh Trị Thiên Hoàng đã đưa nước Nhật phong kiến, đóng kín, chiến tranh liên miên giữa các sứ quân, thành một đế quốc châu Á trong chiến tranh thế giới thứ hai!

Một đất nước nếm trải thảm họa nguyên tử đầu tiên, đại bại trong cuộc chiến với đất nước hoang tàn đổ nát, vẫn kiên cường trổi dậy trên tro than, kiến thiết lại đất nước. Và chỉ hai mươi năm sau, dân tộc sâu thẳm ấy đã mang những cái tên lừng lẫy của văn minh hiện đại gắn trên mọi thành phố hiện đại của tất cả các quốc gia: Sony, Hitachi, Honda, Suzuki, Yamaha, Mitshubisi…

Một đất nước luôn đứng trước sự giận dữ kinh hoàng của thiên nhiên: động đất và sóng thần, và đối phó một cách hiệu quả với tinh thần nhẫn nại, kỷ luật, kiên trì, bất khả chiến bại.

Một đất nước mà hiện đại hòa lẫn gùn ghè với truyền thống, trong lịch sử, trong văn hóa, trong lễ hội, trong đời sống, trong từng lâu đài đền chùa cổ kính đến những cao ốc chọc trời, trong từng chén trà chậm rãi từ tốn đến những chuyến tàu shinkansen với vận tốc máy bay! 

3.
Nhật Bản có nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật rất đặc trưng: cây cảnh thu nhỏ bonsai, trà đạo, cắm hoa ikebana, kiến trúc nhà gỗ cổ truyền với cửa phất giấy và nền trải thảm tatami... trong đó con người như đang sống một nhịp sống chậm rãi, đầy chiêm nghiệm và thiền triết, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên.

Nhiều sinh hoạt thường ngày được nâng đến tầm đạo: trà đạo, hoa đạo, cung đạo, kiếm đạo... Nhiều nghề cổ truyền được giữ gìn, phát triển với một tâm thức đi đến tận cùng của vẻ đẹp nghề, như thực hành một nghi lễ tâm linh trang trọng: làm bánh, nấu mì ramen, làm mành trúc, làm cung tên, làm đèn gỗ, làm gốm, làm sơn mài... Đạo như hiển hiện trong từng sản phẩm hoàn thành, trong ánh mắt mãn nguyện của tác giả và trong ánh mắt ngưỡng mộ của người thưởng ngoạn!

Cứ tưởng người Nhật luôn thâm trầm như cái cách họ uống trà, thành kính, trang nghiêm, cẩn trọng và khuôn thước!

Không, họ có những cái độc đáo khác, ở những góc độ khác!

Truyện tranh manga của Nhật Bản sinh sau đẻ muộn so với Mỹ (Người Dơi, Siêu Nhân, Người Nhện, Mickey…), Pháp (Lucky Luke, Spirou, Schtroumft…), nhưng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường truyện tranh thiếu nhi Việt Nam, mở đầu với Doremon (hihi, trong đó có Nobita là nhơn vật chính đấy nhé), sau đó Bảy Viên Ngọc Rồng, Thám Tử Conan…

Những trang truyện tranh vẽ rất chăm chút, kỹ lưỡng từng chi tiết, với hình tượng nhân vật độc đáo theo kiểu Nhật, không bị ảnh hưởng bất kỳ trường phái truyện tranh nào trên thế giới, tạo nên một dòng chảy riêng biệt!

Manga không chỉ là truyện tranh cho thiếu nhi, mà mở rộng thành chuyện cho cả người lớn, trở thành dòng truyện tranh porno, mô tả những quan hệ thể xác giữa hai giới tính, giữa đồng tính nam (gay) hoặc giữa đồng tính nữ (lesbian)! 

Truyện tranh kiểu Playboy, có kỳ lạ không!

Họ có lễ hội Hounen, tôn vinh dương vật. Cứ đến ngày 15/3, tại thị trấn Komaki, cách Tokyo khoảng 300km, những người đàn ông rước những tượng dương vật bằng gỗ khổng lồ từ đền Shisei Sha đến đền Tagama. Những thiếu nữ thì rước những tượng dương vật nhỏ hơn. Ngày đó, tất cả đồ ăn thức uống đều mang hình dáng của dương vật.

Hãy nhìn những cô gái thích thú, cười đùa sảng khoái khi mút những cái kẹo “chim”. Mắt họ cũng long lanh niềm vui khi đạt đạo đấy chứ!


Hay đó chính là cái sâu thẳm của con người và văn hóa Nhật Bản. Một dân tộc sống bấp bênh trên vòng cung lửa luôn phải biết cân bằng, vừa quý trọng những ham muốn đời thường, vừa tìm kiếm những giá trị tâm linh, sống hết chiều kích của con người giữa cuộc đời hữu hạn?

4.
Những cánh hoa anh đào mỏng manh, nở rộ và mau tàn, rụng bay phơi phới như mưa tuyết, phải chăng là tính cách mềm dịu và quyết liệt của người Nhật.

Đất nước của mặt trời, vị thần cư ngụ tại phù tang - trong những thân dâu rỗng nhẹ, hàng ngày vẫn mọc lên với ánh bình minh luôn mới mẻ, rực rỡ, xán lạn! 

»»  read more

27.10.13

hương cũ

1.
Đã qua rằm tháng chín, cây sứ trước nhà rụng gần hết lá, vẽ nhằng nhịt những cành nhánh sừng hươu lên bầu trời xám. Sân nhà như rộng ra, sáng ra, bởi không còn cái vòm xanh đầy hoa trắng. Ban đầu trồng cây sứ có lá dài tròn đầu, xanh quanh năm, hoa bền ít rụng nhưng dáng cành không đẹp, nên khi sửa sang lại vườn tược, bèn thay bằng cây sứ này, loại lá nhọn, cành nhánh cổ phong sần sùi hơn nhưng phải cái dở là hoa nở chưa bao lâu đã vội rụng và đến tầm này trong năm lá đã lìa hết cành.

Người quét sân thì ca cẩm nhưng kẻ lãng mạn trong nhà thì thích thú khi thấy cây sứ sống có mùa: xuân nhú lộc trổ hoa, hạ xanh tít tắp, thu bắt đầu thưa lá và đông trơ trụi nhánh cành. Chả bù cho bụi nguyệt quế cứ tươi xanh với thời gian, đủ sức thì ra bông thơm nức một vài hôm rồi rụng trắng sân nhà, đến nỗi, ai hỏi nguyệt quế mùa nào trổ bông, đành ngắc ngứ cười trừ: không biết!

2.
Nhiều khi, nghĩ về Nha Trang, trong tôi lại hiện lên hình ảnh một bác xích lô già đang ngả mình thiu thiu đợi khách dưới một vòm sứ chậm rãi thả rơi từng bông hoa trắng thơm ngát xuống vỉa hè của con phố vắng trong nắng ban trưa.

Hình ảnh đó ngày càng như một hoài niệm, không còn mấy trong đời thực.

Cũng như những khu đất rộng ven biển đầy những vòm sứ, vòm xà cừ dấu lấp ló những công thự xưa tạo nên phong vị êm đềm riêng có của Nha Trang, đang mất dần trong cơn bão đô thị hóa. Những khu đất mệnh danh là vàng ngọc kim cương đang được tranh giành, đặt cọc, xí chỗ. Những cao ốc đang mọc lên xóa bỏ những ngôi vườn rộng, những khối nhà mái ngói cũ, xóa bỏ luôn mùi hương sứ phảng phất trong gió biển...

Nghe người ta nói chỉ còn lại khu Pasteur và khu Grand Hotel, mà biết có còn không... Mà giá còn, chút di sản sót lại đó có đủ làm chiếc neo để níu giữ những ký ức và kỷ niệm.

Hy vọng ở tâm hồn và trí tưởng của con người vẫn lì lợm không chịu lãng quên. Như hương hoa sứ vẫn lãng đãng còn mãi trong nỗi nhớ.

3.
Nhớ thuở lẽo đẽo theo chân em, đến khi tà áo trắng khuất sau chiếc cổng màu xanh, ta còn ngó nghiêng vào khoảng sân lát gạch nâu có chiếc xích đu nằm dưới vòm sứ trắng. Ngôi nhà ngói sao mà thâm nghiêm cách cổng cao tường.

Nhớ thuở thấy em sáng tươi giữa thành quách phong rêu xứ Huế, để ta bồi hồi làm những vần thơ tuổi mười lăm: hài em cong cành vàng lá ngọc/ hoa sứ buồn ngủ trên cánh tay.

Nhớ thuở em dẫn đi thăm một ngôi chùa xứ Bắc, hương sứ thơm lẫn trong hương nhài, hương ngâu, hương ngọc lan... còn hương em, hình như lẫn trong hương tóc bồ kết, hương ô mai dịu ngọt, hương áo len ấm cúng, hương bàn tay lạnh giá...

4.
Còn tôi, bây giờ, em bảo: anh có mùi như lá thông khô! Hương của mùa cũ, phải không em!?  
»»  read more

23.10.13

những ý nghĩ lờ mờ


Lúc còn bé, vớ được thành ngữ: Lang bạt kỳ hồ, cảm giác đầu tiên là câu này có một phong vị thật lôi cuốn và lãng mạn. Thuở đó, đang trốn vào mọi xó xỉnh đen tối từ gậm giường, đến dưới bàn thờ và chui tận trong nhà cầu, để nghiền truyện chưởng Kim Dung, nên vận ngay câu này vào hành tung của các nhân vật lãng tử họ Lệnh, họ Tiêu, họ Quách..., những tay hành hiệp đang lang thang phiêu bạt trên các nẻo đường kỳ tuyệt giang hồ. Lang bạt kỳ hồ là vậy chứ sao?

Lớn lên vào trung học, khi thầy Việt Văn giảng nghĩa, mới ớ ra là mình hiểu sai bét thành ngữ này! Nó lại có cái nghĩa tréo ngoe là: Con sói đạp trên cái yếm của mình. Tất nhiên, trong đời thực, chả có con sói nào đạp được cái yếm (lớp da thõng dưới cổ) mình cả, nhưng nghĩa bóng là nói đến tình trạng lúng túng tiến thoái lưỡng nan do tự mình gây ra.

Tức là đứng cứng ngắc một chỗ, không cục cựa gì được, chứ chả có tung hoành lang thang phiêu bạt giang hồ gì ráo!

Đời người, có những lúc ta vướng vào chính những huyễn tưởng về bản thân mình, bàn chân thật lại dẫm phải cái yếm cổ ảo lòng thòng. Không té lộn đầu như phim hoạt hình thì cũng trân mình, chết đứng như Từ Hải.

»»  read more

22.10.13

mưa


Đang những ngày có mưa dào dạt lúc sắp về sáng. 

Những cơn mưa, vào thời điểm đó, như bắt nguồn từ ta khi trổi dậy khỏi giấc đang mơ, 
với bao âm thanh, lào xào trên mái ngói, lao xao trên vòm cây, lạo xạo trên bậc thềm lát đá. 

Những âm thanh làm ta trở thức, lắng nghe, miên man nghe, miên man nghĩ, rồi miên man trôi theo dòng nghĩ, ta lại chìm vào cơn ngủ, sâu lắng không một chút mơ màng. 

Mưa như ảo, để khi sáng ra, nhìn sân nhà ướt sũng nước, 
ta tần ngần một chút để biết rằng đã thực mưa.

»»  read more

19.10.13

ký ức

Mưa
Cho tôi thấy em
Thuở thì xanh
Vai nghiêng tóc duỗi
Má sen ngày đắm đuối
Tay ngó thơm từng giọt thuôn dài

Mưa
Cho tôi thấy tôi
Lá sẫm cây ướt chiều
Hai mi đường cô độc
Con mắt đêm đổ vào tay rỗng quạnh hiu

Mưa
Không ai thấy ai
Về chìm dầm dề lá cỏ
Trôi lịm chân ngày ráng úa
Lướt thướt áo ngày xưa

Mưa
Nỡ dìm chi giấc nhỏ
Suốt mùa mơ.

»»  read more

8.10.13

chuyện bút

bút tire - ligne
1.
Chắc không có nhiều thứ vật dụng gắn bó với con người từ bé đến lớn ngoài áo quần giày dép nón mũ che thân, chén tô bát đĩa đũa muỗng để ăn nhậu và tiền để chi xài…

Có một vật, đã gắn bó với con người từ ngày hồng hoang, còn ăn lông ở lỗ (tức là chưa có đồ che thân, chưa có vật đựng thức ăn và cũng chưa có… tiền) đến tận thời kỹ thuật số này: vật để vẽ viết – cái que, hòn than, cây bút…

Dẫu bây giờ, gõ phím và rê chuột nhiều hơn, cây bút vẫn chưa rời nắp túi áo con người.

Mới quơ quào được tay chân, còn bò lổm ngổm, nếu vớ được cây bút chì, hòn than, cục phấn, con người sẵn sàng vạch những nét sáng tạo đầu tiên.

Đến ngày tay run lẩy bẩy, mắt mờ tai điếc, tuổi già cẩn trọng vẫn còn bắt con người vạch những nét cuối cùng của cái tên mình vào tờ di chúc!

Hầu hết mọi sáng tạo của con người đều bắt nguồn từ cây bút: viết văn, làm thơ, vẽ tranh, kiến trúc, viết nhạc…

Và mọi nền văn minh được lưu lại cho hậu thế cũng bằng cách ghi chép qua ngòi bút. Ngòi bút dẫn dắt con người đi xuyên thời gian không gian, từ bóng đêm mông muội đến ánh sáng hiện đại. Ngòi bút góp phần biến đổi con người từ một-sinh-vật trở thành một-lịch-sử, quán xuyến quá khứ-hiện tại-tương lai.

2.
Cây bút gắn với một người, na ná cũng giống như nó từng làm với loài người từ khởi thủy đến nay. Bắt đầu từ hòn than cục phấn, vẽ nhăng nhít cùng nhà, đến cái bút chì - đen cũng như màu - nghuệch ngoạc những nét trên tờ giấy trắng. 

Thêm một bước nữa để lớn lên, là lúc nhóc nắm cây bút chì lọng ngọng trong những ngón tay vụng về, tạo ra những nét bút còn vụng về hơn, tô những chữ đầu đời trên trang vở. Hình ảnh một nhóc, bặm môi hay thè lưỡi, vẹo đầu, nghiêng cổ theo từng đường chì là hình ảnh chung của nhân loại khi vẽ những bích họa hình bò ngựa trong các hang động thời đồ đá cổ xưa.

Khi cô giáo cho rời cây bút chì, chuyển qua dùng bút mực, là nhóc đã lớn hơn với những ngón tay cầm bút đã chắc chắn và thành thạo, đi thêm một bước nữa về phía trưởng thành.

3.
Tôi được may mắn trong đời mình sử dụng hầu hết các loại bút mực.

Học trò tiểu học dùng bút chấm mực: ngòi lá tre, ngòi rông. Thời này cái bình mực không đổ là phát minh thần kỳ, giúp sách vở, quần áo các ông nhóc thôi loang lổ mực xanh mực tím.

Học trò trung học trở lên, dùng bút máy, bút bi. Cây bút bi xuất hiện ở miền Nam mang hiệu Bic với logo thằng người đầu tròn to. Bút bi là gọi theo bây giờ, chứ thời đó nó có một cái tên rất dữ dội làbút-nguyên-tử. Cái tên này từ đâu ra, hay đó là thời chiến tranh lạnh bom nguyên tử lơ lửng trên đầu thế giới, ám ảnh thời đại vào cây bút; hay ngòi của nó là một viên bi tròn, gợi lên hình ảnh của một nguyên tử! Như cây bút máy, cái tên cũng ám ảnh thời thế giới công nghiệp hóa, chứ máy móc gì đâu, nó chỉ có cái thêm ống đựng mực để cung cấp liên tục cho ngòi bút, khỏi phải chấm như cây bút thường.

Trước 75, miền Nam bút máy là Paker, Pilot. Sau năm 75, tiếp xúc với bút Hồng Hà, bút Kim Tinh từ miền Bắc. Thời khốn khó hậu chiến, có thêm nghề tái chế bút bi, ruột bút dùng xong bơm mực trở lại xài tiếp, gặp phải mực dở có khi dắt bút vào áo, mực chảy ra tè le tùm lum. Đầu bút bi trở thành là món hàng buôn lậu có giá.

Dân học kỹ thuật như bọn tôi, còn được sử dụng bút tire-ligne, một loại bút vẽ chấm mực, điều chỉnh được nét. Môn kỹ nghệ họa (giờ gọi là vẽ kỹ thuật) thời đó rất khắt khe, trên bản vẽ từng loại nét mịn, vừa, lớn… bắt buộc phải có độ dày giống nhau, không sử dụng tire-ligne thành thạo, có nghề, bài tập vẽ có nguy cơ rớt hạng. Sau này được dùng bút kim (chiến nhất là hiệu Rotring), sướng hơn tire-ligne do mỗi cây bút kim có cỡ nét khác nhau, khỏi phải điều chỉnh mệt xác! Bút gì mực đó, với dân kỹ thuật, mực Pelikan là số zách, đen không gì đen hơn, chịu được nước, khó nhòe.

Mê nhạc, tôi được bày cho làm cây bút kẻ 5 dòng: một miếng vỏ hộp diêm được cắt răng cưa 5 đầu nhọn, gắn vào một quản bút, thế là khỏe re như con bò kéo xe, một đường bút là có ngay 5 dòng nhạc đều tăm tắp. 

Mê vẽ, tôi cũng từng xài bút lông cho các bức màu nước, panhxô cho các bức sơn dầu.

Chắc chỉ có cây bút lông ngỗng thất truyền là chưa xài thôi!

4.
Lên lớp sáu, mẹ thưởng cho tôi cây bút máy. Lâu này thèm thuồng cây bút máy Pilot màu xanh ngọc, ngòi mạ vàng, vội vàng đến nhà sách, khảo giá rồi xin tiền mẹ. Khi mang về nhà săm soi mới phát hiện không phải là cây Pilot mà mình mơ ước. Một cây bút hàng nhái, giống y chang, chỉ có cái hiệu là hổng phải! Chạy ra nhà sách coi lại, cây bút thật có giá… trên trời. Nhà nghèo đâu có dám xin một số tiền lớn vậy! 

Đau khổ tràn trề, trằn trọc suốt một đêm!

Hôm sau, vạch ra một kế hoạch liều mạng, lận lưng cây bút nhái, ra hiệu sách hỏi mua cây bút thật, cầm lên đặt xuống săm soi, và thừa cơ cô bán hàng lơ đễnh, tráo cây bút nhái của mình, rồi trả lại. Ông nhóc từ nhỏ đến lớn vốn thiệt thà, giờ làm việc dối trá, ngoài mặt làm bộ tỉnh nhưng trống ngực đánh rầm rầm, ruột gan rối loạn tùng phèo. Đến khi điệp vụ hoàn thành, giả đò bước chậm rãi ra khỏi nhà sách, vừa khuất cửa, ba chân bốn cẳng vội rảo lên, rồi chạy biến vào con hẻm quanh co một lúc mới về nhà.

Sự sung sướng được thỏa lòng ước ao, làm mờ đi mặc cảm tội lỗi. Nhưng vụ dối gạt này cả đời không thể nào quên được.

Cây bút này theo tôi mãi cho đến năm 75 rồi bị đánh mất cùng cái va li trong đêm chạy loạn!
»»  read more