8.12.18

điếu văn của Bush-con trong lễ tang Bush-cha.

Coi đám tang Bush-cha, thấy ông Bush-con đọc điếu văn rất vui (vì thấy mọi người thỉnh thoảng lại cười vang, chứ tôi hổng nghe rành tiếng Anh), nhưng đến đoạn cuối ông gục đầu trên bục và bật khóc.

Giây phút cảm động nhất là khi đi xuống, ông vỗ nhẹ hai cái trên quan tài phủ quốc kỳ của cha. Như cái vỗ lưng trìu mến. Như một lời từ biệt sau cùng

Một đám tang vui vẻ có nhiều tiếng cười là mơ ước của tôi và có thể, của rất nhiều người.


ĐIẾU VĂN
(
do G.W. Bush con đọc tại lễ tang G.H.W. Bush)


Các vị khách quý, các vị Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân, các viên chức chính phủ, viên chức nước ngoài, và bạn bè thân quý. Jeb, Neil, Marvin, Doro, và tôi cùng gia đình thân quyến chân thành cám ơn tất cả quý vị đã có mặt tại đây cùng chúng tôi.

Tôi có lần nghe người ta nói về con người, “Ý là chết trẻ càng trễ càng tốt.”

Ở tuổi 85, một thú vui của cố Tổng thống George H. W. Bush là đề máy chiếc thuyền Fidelity, khởi động những động cơ gấp ba lần 300 mã lực để phóng, bay một cách vui vẻ qua Atlantic với thuyền Mật vụ đang căng thẳng theo sau.

Ở tuổi 90, cố Tổng thống George H. W. Bush nhảy dù từ phi cơ, đáp xuống Nhà thờ St. Ann bên bờ biển ở Kennebunkport, tiểu bang Maine – nơi mẹ ông kết hôn và nơi ông vẫn thường đi lễ. Mẹ vẫn đùa, bảo bố chọn nơi đó phòng khi dù không bung.

Ở tuổi 90, ông phấn chấn vui mừng khi bạn thân James A. Baker giấm giúi đem vào bệnh viện một chai vodka Grey Goose. Rõ ràng, chai rượu quá tốt với món bò steak mà Morton giao cho Baker.

Cho đến những ngày cuối đời, bố vẫn hướng dẫn con cháu. Khi về già, ông dạy chúng tôi sống có tuổi với phẩm cách, hài hước và tử tế như thế nào, và đến khi Chúa gọi thì can đảm gặp Ngài với niềm vui trong lời hứa của những gì phía trước.

Một lý do Bố biết chết trẻ như thế nào là do ông gần chạm tay vào đó, hai lần. Khi còn thiếu niên, nhiễm trùng tụ cầu khuẩn gần như lấy đi mạng sống của ông. Vài năm sau, khi một mình trên chiếc bè lênh đênh trên Thái Bình Dương, ông cầu nguyện được người ta đến cứu trước khi bị kẻ thù tìm thấy.

Chúa đã trả lời những lời cầu nguyện này, không những thế, Ngài có những dự tính khác cho George H.W. Bush. Đối với bố, tôi nghĩ, những vết bầm tím của cái chết đã khiến ông trân quý món quà cuộc sống. Chính vì vậy, ông thề sẽ sống hết mình mỗi ngày.

Bố luôn luôn bận rộn – một người đàn ông chuyển động không ngừng – nhưng ông chưa bao giờ quá bận rộn chia sẻ tình yêu cuộc sống với những người chung quanh. Ông dạy chúng tôi yêu thích thiên nhiên, ông thích nhìn chó chọc ghẹo bầy chim. Ông yêu thích thả cá vược khó bắt. Và khi phải gắn liền với xe lăn, ông vui khi được ngồi trước hiên sau nhà tại Walker’s Point, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Đại Tây Dương. Đường chân trời trước mắt ông thật tươi sáng và tràn đầy hy vọng. Bố quả thật là một người rất lạc quan, và niềm lạc quan đó đã dẫn dắt con cái, và giúp mỗi một chúng tôi tin rằng, bất cứ điều gì đều có thể làm được.

Bố vẫn thường mở rộng những chân trời của mình với những quyết định can đảm. Ông ấy là nhà ái quốc. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông tạm gác đại học sang một bên để trở thành phi công chiến đấu Hải quân khi Đệ nhị Thế chiến nổ ra. Giống như nhiều người trong cùng thế hệ, ông chưa bao giờ nói về thời gian quân ngũ cho đến trở thành nhân vật của công chúng, buộc ông phải nhắc đến. 

Chúng tôi được biết về cuộc tấn công ở Chichi Jima, hoàn thành nhiệm vụ, và bị bắn rơi. Chúng tôi được biết về cái chết của những đồng đội của bố, những người ông suốt đời giữ trong tâm tưởng, và chúng tôi biết về chuyện ông được cứu như thế nào.

Và rồi, một quyết định táo bạo khác, bố đưa gia đình trẻ của mình đang thoải mái ở bờ Đông dọn sang Odessa, Texas. Bố mẹ nhanh chóng thích nghi với môi trường cằn cỗi. Bố là người dễ chịu, ông tử tế, kết láng giềng với những phụ nữ mà bố mẹ và tôi dùng chung phòng tắm trong một căn duplex nhỏ, thậm chí ngay cả khi ông biết công việc của họ – những nữ hoàng bóng đêm. (Tiếng cười rộ lên)

Bố là người biết đồng cảm, có thể cảm thông với bất cứ ai trong mọi tất cả tầng lớp xã hội. Ông ấy không hoài nghi, ông biết tìm điểu tốt trong mỗi con người và vẫn thường tìm thấy.



Bố dạy chúng tôi rằng, phục vụ công chúng cao quý và cần thiết, và một người có thể phục vụ với liêm chính và gìn giữ những giá trị quan trọng, như niềm tin và gia đình. Ông ấy tin mãnh liệt rằng, điều quan trọng là phải đền đáp cộng đồng và quốc gia nơi mỗi người sinh sống. Bố nhận ra rằng, tâm hồn sẽ luôn phong phú khi chúng ta cho ra, khi phục vụ những người khác. Chính vì vậy, ông ấy toả sáng nhất trong một ngàn điểm sáng.

Trong thành công, bố không dành hết điểm. Khi thất bại, ông gánh vác trách nhiệm. Ông chấp nhận thất bại là một phần của việc sống một cuộc đời trọn vẹn, nhưng bố dạy chúng tôi không bao giờ để thất bại đánh gục. Ông cho chúng tôi thấy, những trở ngại có thể tăng thêm sức mạnh như thế nào.

Không có nỗi thất vọng nào của ông có thể so sánh với thảm kịch lớn nhất trong cuộc đời một con người, đó là sự mất mát đứa con. Jeb và tôi còn quá nhỏ để có thể nhớ nỗi đau đớn mà bố mẹ trải qua khi em gái 3 tuổi của chúng tôi qua đời. Sau này chúng tôi mới biết, bố cầu nguyện cho em mỗi ngày. Ông gắng gượng được là nhờ tình yêu của Đấng Toàn năng, và tình yêu đích thực và bền bỉ của mẹ chúng tôi. Bố luôn tin, một ngày nào đó, ông sẽ lại được ôm con gái Robin yêu quý.

Bố thích cười, đặc biệt là cười nhạo bản thân. Ông có thể trêu ghẹo và châm chích ai đó, nhưng không bao giờ mạ lị. Ông xem những câu nói đùa hay rất quan trọng. Đó là lý do ông chọn Simpson.  Có một nhóm bạn bè thân thích mà ông vẫn thường xuyên chia sẻ những câu chuyện đùa trên email. Hệ thống chấm điểm chất lượng của truyện cười mang tính rất George Bush. 7 – 8 điểm rất hiếm và được xem là người thắng lớn, nhưng hầu hết chúng không có màu sắc.

George Bush biết làm bạn trung thành và đích thực như thế nào. Ông vinh danh và nuôi dưỡng nhiều tình bạn bằng sự rộng lượng và tâm hồn cho ra. Có rất nhiều thư viết tay, động viên, khích lệ, cảm thông hay cám ơn bạn bè và người thân.

Bố là người có khả năng phi thường trong việc đóng góp bản thân mà không mong báo đáp. Nhiều người sẽ nói với các bạn rằng, bố tôi là cố vấn, là một người cha tinh thần trong cuộc đời họ. Ông biết lắng nghe và biết an ủi. Ông là bạn của Don Rhodes, Taylor Blanton, Jim Nantz, Arnold Schwarzenegger, và có lẽ, không giống như những người khác, ông làm bạn với người đã đánh bại ông, Bill Clinton. Anh em chúng tôi xem những người đàn ông trong nhóm bạn này là “anh em khác mẹ.”

Bố dạy chúng tôi, không nên bỏ phí dù một ngày. Ông chơi golf với tốc độ đáng nể. Tôi luôn luôn tự hỏi, tại sao bố khăng khăng chơi golf tốc độ, ông đánh golf rất giỏi. Kết luận của tôi là, ông chơi nhanh, vì vậy có thể chuyển sang trận khác, tận hưởng thời gian còn lại trong ngày, tiêu hao năng lượng, sống hết mình. Ông được sinh ra với hai trạng thái: vắt kiệt sức, rồi ngủ.

Bố dạy chúng tôi làm người cha, làm ông, làm ông cố tốt có ý nghĩa gì. Ông rất cứng trong những nguyên tắc riêng và luôn hỗ trợ khi chúng tôi bắt đầu trưởng thành. Ông khích lệ, động viên và an ủi nhưng không bao giờ mách nước. Chúng tôi thử sự kiên nhẫn của ông – tôi biết mình từng thử – nhưng ông bao giờ cũng đáp lại với món quà tuyệt vời của tình yêu vô điều kiện.

Thứ Sáu tuần trước, khi được báo ông đang lâm chung, tôi gọi điện đến. Người nhận điện thoại bảo, “Tôi nghĩ ông ấy có thể nghe được ông, nhưng hầu như cả ngày không nói tiếng nào. Tôi bảo, “Bố à, con yêu bố lắm, và bố là người cha tuyệt vời nhất trên đời.” Và câu nói cuối cùng của ông trên trái đất này là, “Bố cũng yêu con!”

Đối với chúng tôi, bố gần như hoàn hảo, nhưng không phải hoàn hảo tuyệt đối. Game của bố ồn ào,  ông không giống như vũ công, ca sĩ Fred Astaire trên sàn nhảy, ông không thể tiêu hoá rau, đặc biệt là broccoli,. Và nhân tiện, ông ấy truyền gen này sang cho chúng tôi.

Cuối cùng, mỗi ngày trong cuộc hôn nhân 73 năm, Bố dạy chúng tôi làm một người chồng tuyệt vời có ý nghĩa như thế nào. Ông ấy kết hôn với nửa của mình, ông trân trọng mẹ, ông cười và khóc cùng với bà, ông dành trọn vẹn cho bà.

Khi tuổi xế chiều, Bố thích nắm tay mẹ khi xem các loạt phim truyền hình cảnh sát chiếu lại, vặn âm thanh lớn. Sau khi mẹ qua đời, Bố mạnh mẽ nhưng ông chỉ muốn được nắm tay mẹ lại.

Tất nhiên, Bố dạy tôi một bài học đặc biệt khác. Ông cho tôi thấy ý nghĩa của việc làm Tổng thống, phục vụ quốc gia với liêm chính, lãnh đạo với lòng can đảm, và hành động với trái tim chứa đầy tình yêu dành cho đồng bào quốc gia. Khi lịch sử được viết thành sách, họ sẽ bảo rằng, George H.W. Bush là vị Tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ, một nhà ngoại giao chưa từng có, một vị Tổng Tư lệnh có thành tựu to lớn, và một người đàn ông lịch lãm thực thi nhiệm vụ với tư cách phẩm giá và danh dự.

Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống 41 của Hoa Kỳ nói rằng, "Chúng ta không thể hy vọng chỉ để lại cho con chiếc xe to hơn, một trương mục ngân hàng lớn hơn. Chúng ta phải hy vọng cho chúng biết ý nghĩa của một người bạn trung thành, một người làm cha làm mẹ biết yêu thương, một công dân biết xây dựng căn nhà của mình, cộng đồng của mình, khu phố của mình tốt hơn khi anh ta tìm đến. Chúng ta muốn những người đàn ông, những phụ nữ làm việc với chúng ta nói gì khi chúng ta không còn ở đó nữa? Rằng chúng ta hướng tới thành công hơn bất cứ hai chung quanh? Hay, chúng ta dừng lại hỏi thăm một đứa trẻ bị bệnh đã khoẻ chưa, và ghé một chút để trao đổi vài câu thăm hỏi bạn bè?"

Bố à, chúng con sẽ ghi nhớ lời bố, nhớ tất cả những điều này và nhiều hơn thế nữa!

Chúng con sẽ nhớ Bố. Tấm lòng lịch sự, chân thành, và tốt bụng của bố sẽ ở lại với chúng con mãi mãi. Chính vì vậy, qua nước mắt, hãy cho chúng con nhìn thấy phước lành khi được làm con của Bố và yêu thương Bố – một người đàn ông cao quý và tuyệt vời, và người cha tốt nhất trên đời.

Và trong niềm thương tiếc, đau buồn, hãy để chúng con mỉm cười khi biết Bố đang ôm Robin và đang nắm tay mẹ!

Nguyễn Quang Vinh dịch
(từ trang NDH.vn
)
»»  read more

21.11.18

Việt hóa


KHÚC I

1.
Trong nền văn chương Miền Nam có thể loại truyện phóng tác. Hiện nay, có nhiều định nghĩa về phóng tác; tôi tạm khoanh hẹp trong nghĩa "là một tác phẩm được một tác giả Việt viết lại theo nội dung của một tác phẩm nước ngoài; khung cảnh địa danh tên tuổi nhân vật được Việt hóa."
Với nghĩa như trên, có thể xem Phan Trần, Truyện Kiều là những tác phẩm phóng tác.

2.
Trong văn chương quốc ngữ, người có tác phẩm tiểu thuyết phóng tác đầu tiên có lẽ là Hồ Biểu Chánh:
"Cay đắng mùi đời" và "Chút phận linh đinh" (từ Sans FamilleEn Famille của Hector Malot);
"Chúa tàu Kim Quy" (từ Le comte De Monte Cristo của A. Dumas);
"Ngọn cỏ gió đùa" (từ Les Misérables của Victor Hugo);
"Người thất chí" (từ Tội Ác và Hình Phạt của F.M. Dostoyevsky).

3.
Hoàng Hải Thủy cũng nổi tiếng với nhiều tác phẩm phóng tác:
"Kiều Giang" (từ Jane Eyre của C. Bronte);
"Nổ như tạc đạn" (từ Près Moi Le Déluge của Cleve Franklin Adams);
"Như chuyện thần tiên" (từ Scorpion Reef của Charles Williams);
"Chiếc hôn tử biệt" (từ A Kiss Before Dying của Ira Levin);
"Ðỉnh Gió Hú" (từ Wuthering Heights của Emily Bronte);
"Ði tìm người yêu" (từ The Citadel của A.J Cronin);
"Vụ án họ Trình" (từ The Bellamy Trial của Francis Noys Hart);
"Anh Gù Nhà Thờ Ðức Bà" (từ Notre-Dame de Paris của Victor Hugo);
"Người yêu, Người giết" (từ La Seconde Souffle của Jose Giovanni)...

4.
Sách truyện thiếu nhi Tủ sách Tuổi Hoa cũng có nhiều truyện phóng tác, nhất là loại phiêu lưu mạo hiểm Hoa Đỏ: "Mật lệnh U Đỏ", "Ngục thất giữa rừng già", "Tiếng chuông dưới đáy biển", "Bông uất kim hương đen"...

5.
Thử đọc một đoạn phóng tác của Hồ Biểu Chánh mô tả Jean Valjean bị bắt trả lại đồ ăn cắp trong nhà thờ; với phóng tác là nhân vật Lê Văn Đó trộm bình tích ngọc trong chùa:
"Hòa-Thượng bước tới trước mặt Lê Văn Đó rồi hỏi rằng: "Hồi hôm bần đạo tính để sáng bần đạo cho bạc thêm nữa, sao chú em không chờ, mà từ đi sớm dữ vậy?" Hòa thượng bèn day qua nói với Lý trưởng Thân rằng: "Người này không phải là người gian. Đồ này là đồ của bần đạo cho. Chứ không phải là đồ ăn trộm đâu. Làng xóm bắt dắt trở lại đây thất công, thiệt tội nghiệp quá!"

Và đoạn Hoàng Hải Thủy phóng tác Jane Eyre vào Trại mồ côi Lowood thành cô Kiều Giang đi học Trường Nữ Mồ Côi Gò Ôn:
"Lúc ấy mặt trăng đã lặn. Trời tối mịt, nhưng ở đằng đông nơi chân trời ánh sáng đã lờ mờ ẩn hiện. Sương xuống nhiều lạnh đến nỗi, tuy đã bận cái áo len mới, tôi vẫn run lên, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập.
Nhiều ánh đèn nhấp nhánh ở bến xe đò. Người ta nhốn nháo chạy qua, chạy lại. Những chuyến xe khởi hành từ Huế đi các nơi sớm nhất trong ngày đang sửa soạn rời bến.
Thấy xe xích lô chở chúng tôi đến, nhiều anh lơ xe tranh nhau chạy ra kéo vào xe đò của mấy anh, mặc dầu chị Bính luôn miệng kêu ầm lên là đi Gò Ôn và đã lấy giấy xe rồi. Sau một hồi giằng co, xô đẩy, chị mới đưa được tôi đến chiếc xe đò đi Gò Ôn."

6.
Người thời nay, đọc những tác phẩm gạo cội, được phóng tác một cách bình dân như vậy, chắc không khỏi bật cười. Nhưng có lẽ ở thời trước, những tác phẩm đó cần được Việt hóa mọi sự, để gần gũi với tâm tình và suy nghĩ của độc giả.

KHÚC II

"Việt hóa" tên đất tên người nước ngoài phát triển song hành cùng chữ quốc ngữ.

1.
Ban đầu, người Việt mượn chữ Hán, phiên âm bằng Hán-Việt nên chúng ta từng có địa danh: Pháp-lang-sa, Anh-cát-lợi, Nga-la-tư, Tân-gia-ba, Phi-luật-tân, Ba-lê, Luân-đôn, Mạc-tư-khoa...; nhân-danh: Mạnh-đức-tư-cưu (Montesquieu), Hoa-thịnh-đốn (Washington), Mã-khắc-tư (Marx), Nã-phá-luân (Napoleon), Kha-luân-bố (Columbus)...


2.
Khi tiếp xúc với khoa học phương Tây, để giúp cho người học Hoàng Xuân Hãn đã soạn cuốn "Danh từ khoa học".

Nhờ ông, tiếng Việt phong phú thêm với: hydro, cac-bua, hình-học, quy-tụ, khuếch-tán, hàm-số, phương-trình, nghiệm-số, phản-xạ, tán-sắc, thủy-động-học...

Chúng ta, bây giờ, quá quen thuộc với những danh từ trên nên không hình dung được công lao to lớn khó nhọc của người khai phá. Hoàng Xuân Hãn phải kỳ công lựa chọn giữa tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Nhật, tiếng Việt (Nôm)... để tìm ra một danh từ thích hợp cho nhiều ngành vật lý học, hóa học, toán học, luật học, thiên văn học... mà chúng ta còn dùng đến ngày nay.

Công việc bổ sung những danh từ khoa học vẫn còn được tiếp tục phát triển. Bây giờ, không ai còn xa lạ với những thuật ngữ: máy-tính, con-chuột, phần-mềm, ổ-cứng, bàn-phím, màn-hình... hoặc xa xa hơn một chút: lỗ đen, siêu-tân-tinh, vật chất tối, lý thuyết dây, lý thuyết số...

3.
Một nhánh Việt hóa khác là cách phiên âm tên người tên đất nước ngoài 'qua tiếng Việt hoàn toàn', như Niu-ooc (New York), Oa-sinh-tơn (Washington), Xinh-ga-po (Singapore), Clin-tơn (Clinton), Trăm (Trump), Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn (Somsak Kiatsuranont)...

Dù đây là quy định phiên âm chính thức của nhà nước, nhưng dần dà, trên nhiều phương tiện truyền thông báo chí, cách để nguyên danh từ riêng theo dạng "tiếng Anh" đang thắng thế.

4.
Cách phiên âm "chuẩn luật" nói trên, cũng tồn tại trong các kinh sách của Ki-tô giáo Việt Nam, với mục đích để các tín hữu bình dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng.

Giê-su, Phê-rô, Phao-lô, Gio-an, Giu-se, Ma-ri-a, Giê-ru-sa-lem (Jerusalem), Pha-lê-tin (Palestin), Cô-rin-tô (Corinthos), Gio-đăng (Jordan)...

Một chuyện thú vị là Dòng Phan Sinh (Francis) "phóng tác" các tên thánh sang tên Việt hẳn hoi:
Phao lô | Bảo Lộc
Ignato | Y Nhã
Vincent | Vinh Sơn
Beneditto | Biển Đức
Bénilde | Bá Ninh
[Gioan-Baptist de] La Salle | La San
Dominico | Đa Minh
Giacobe | Gia Cơ
Carmelo | Cát Minh
Gioan | Duy Ân
[Saint–] Sulpice | Xuân-Bích

5.
Sau gần 150 năm chữ quốc ngữ, những nỗ lực "Việt-hóa" có lẽ đã hoàn thành vai trò của mình. Giờ đây, tiếng Việt đã chọn lựa một lối đi khác, hiện đại hơn và hòa nhập sâu vào cộng đồng thế giới.
»»  read more

3.11.18

ngày Ngâu

Giọt rơi mềm trên phiến lá êm
Vòm khế biếc xanh lời do dự
Hương cà phê thơm từ ngày cũ
Có giữ ấm được môi ngày mưa

Giọt rơi đằm trên con sóng trưa
Bãi bờ chìm trong vắng lặng
Nụ hôn dài xót xa trĩu nặng
Phút mơ hồ nghi ngại chia xa

Giọt rơi mờ sương khói sân ga
Tiếng còi tàu xé đêm chói gắt
Những ngón tay tìm nhau tất bật
Níu giữ một ngày Ngâu chênh vênh

*
»»  read more

16.10.18

thanh toán biên-mậu Việt Trung



Ngày 28/8/2018, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhằm hướng dẫn Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và thay thế Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/06/2004 về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế của khẩu Việt Nam-Trung Quốc.

Mục tiêu ban hành Thông tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân, cư dân trong hoạt động thương mại ở khu vực giáp biên giới của 7 tỉnh biên giới Việt Trung, đảm bảo nguyên tắc tính thống nhất của pháp luật, tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối, phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế. Sau khi Thông tư ban hành đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Để làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế.

Bà đánh giá thế nào về việc ban hành Thông tư 19 vào thời điểm hiện nay?
- Những năm gần đây, các văn bản pháp quy về hoạt động kinh tế ở nước ta được ban hành rất nhiều, tôi không thể theo dõi xuể. Ngân hàng không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi, nên tôi ít quan tâm. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 19 được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/8 vừa qua, có nhiều ý kiến thể hiện sự lo ngại của một số chuyên gia kinh tế và công chúng trong xã hội, nên từ đó tôi mới lo lắng và quan tâm tìm hiểu về Thông tư này.

Đọc kỹ Thông tư 19 và các văn bản pháp quy mà trên cơ sở đó Thông tư này ra đời, tôi hiểu ra và trút bỏ được những nỗi lo ban đầu.

Trước hết, Luật các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành đều khẳng định rõ nguyên tắc bất di bất dịch là trên lãnh thổ Việt Nam, đồng tiền Việt Nam là đồng tiền duy nhất được lưu hành. Đó cũng là tinh thần của Hiến pháp nước ta, và là nguyên tắc chủ quyền của mọi quốc gia trên thế giới.

Các ngoại tệ có thể được sử dụng làm phương tiện giao dịch, thanh toán trong các giao dịch dân sự, nhưng đều phải qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng được phép giao dịch ngoại hối, và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhà nước. Riêng với 3 nước có chung biên giới Căm-pu-chia, Lào, Trung Quốc, giữa nước ta với các nước này đã có những hiệp định thương mại quy định về thương mại biên giới cho phép sử dụng đồng tiền của cả hai bên trong những giao dịch tại biên giới theo các thiết chế chặt chẽ, và đã được thực thi từ năm 2004.

Thông tư 19 tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Luật các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối, và được thiết kế để các giao dịch thương mại biên giới Việt-Trung, dù được tạo thuận lợi bằng việc được sử dụng cả hai đồng tiền VND và CNY, cũng chỉ trong phạm vi rất hạn chế về đối tượng, về địa lý và phải thực hiện quy định thông qua hệ thống ngân hàng, kể cả đối với giao dịch tiền mặt (trong thời hạn 07 ngày).

Về đối tượng của Thông tư, Luật Quản lý Ngoại thương ban hành năm 2017 có mục 7 (gồm 3 Điều 53, 54, 55) về hoạt động thương mại biên giới, cùng Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới đã quy định rõ ràng, chặt chẽ thế nào là hoạt động thương mại biên giới; thế nào là thương nhân và cư dân tham gia hoạt động thương mại biên giới; những địa bàn như thế nào thì được coi là biên giới, chợ biên giới; danh mục hàng hóa, dịch vụ trao đổi ở đó được xác định như thế nào…

Có nghĩa là đối tượng của Thông tư 19 đã được khoanh rõ qua Luật và Nghị định nói trên, cùng các văn bản pháp quy liên quan khác (như Luật Biên giới, Luật Hộ khẩu…), để giới hạn phạm vi áp dụng về con người, địa bàn, hàng hóa, phương thức kinh doanh, cách thức thanh toán…theo các quy định về thương mại biên giới, đi đôi với các công cụ giám sát của nhiều cơ quan nhà nước liên quan.

Và do vậy, Thông tư 19 theo đúng luật pháp hiện hành sẽ chỉ được áp dụng trong phạm vi những giới hạn này thôi. Quy mô giao dịch tiền tệ và phạm vi ảnh hưởng của nó sẽ không rộng lớn như nhiều người lo ngại. Ngay trong Thông tư 19, các quy định về thanh toán qua ngân hàng, giao dịch tiền mặt …cho thương nhân và cư dân cả hai bên biên giới cũng được đưa ra cụ thể, chi tiết, khá chặt về pháp lý để nhà nước có thể giám sát, kiểm soát được cả về giao dịch thương mại lẫn việc thanh toán và giao dịch tiền tệ giữa hai bên.

Thông tư quy định rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh là thương nhân và cư dân biên giới có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới tại khu vực biên giới của 7 tỉnh giáp biên giới Trung Quốc,vậy vì sao lại có những ý kiến lo ngại đối tượng áp dụng Thông tư 19?

Lúc thoạt đọc câu “Đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc của thương nhân là ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc CNY” trong Thông tư, tôi cũng giật mình như nhiều người khác. Khi đọc kỹ các quy định cụ thể trong những phần tiếp theo của Thông tư, và cả trong các văn bản pháp quy khác như đã kể trên, tôi mới hiểu rõ hơn về mục tiêu, nội hàm, phạm vi áp dụng của Thông tư, về các công cụ quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này, và từ đó mới yên tâm hơn.

Sự giật mình lo ngại của tôi cũng như nhiều người khác xuất phát từ nhiều điều.

Thứ nhất, nhiều năm nay nước ta đã bị nhập siêu ngày càng nặng nề từ Trung Quốc, mà ngay quy mô nhập siêu chúng ta cũng chưa đánh giá được thật đầy đủ (thể hiện qua chênh lệch lớn giữa số liệu thống kê do VN và Trung Quốc công bố).

Thứ hai, thương mại biên giới, hay biên mậu, giữa ta với Trung Quốc diễn ra nhiều năm nay, với quy mô ngày càng lớn, rất phức tạp, khó kiểm soát; hàng hóa Trung Quốc qua đường biên mậu đã len vào từng ngõ hẻm trên mọi miền đất nước, gây nhiều lo ngại cho cả các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng nước ta, chưa kể thất thu thuế cho nhà nước do buôn lậu. Hay thông qua kênh du lịch, nhiều người Trung Quốc đã vào nước ta kinh doanh, làm lao động, tiêu tiền của họ trong các giao dịch với nhau…

Thứ ba, gần đây công luận hết sức lo lắng về dự luật đặc khu kinh tế (mà Quốc hội đã sáng suốt hoãn việc thông qua để nghe thêm ý kiến nhân dân), về việc Trung Quốc thúc giục xây dựng các khu kinh tế-thương mại biên giới, về tác động tiêu cực nước ta có thể hứng chịu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung…

Lo tình trạng nền kinh tế nước ta bị lệ thuộc khá nặng nề vào Trung Quốc, những mối lo về an ninh-quốc phòng, tình hình ở Biển Đông… khiến cho không một người Việt Nam yêu nước nào không cảnh giác, lo lắng trước bất cứ động thái nào mới trong quan hệ Việt-Trung có thể gây phương hại cho chúng ta.

Thông tư 19 ra đời trong bối cảnh đó, cùng với sự “bất đối xứng về thông tin” giữa nhà nước với dân, rồi việc những giải trình cần thiết về Thông tư đến với dân chậm hơn so với tốc độ lan truyền của văn bản khi chưa có sự giải thích và hiểu đầy đủ sẽ gây ra một số phản ứng. Sự “bất đối xứng về thông tin” thể hiện rõ nhất trong việc nước ta cùng với các nước láng giềng Căm-pu-chia, Lào, Trung Quốc đã cho phép thực hiện thanh toán các giao dịch thương mại biên giới bằng đồng tiền của hai bên từ năm 2004, nhưng đa số người dân đâu có biết! Thông tư 19 nói riêng và quy trình xây dựng các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực kinh tế nói chung nên có sự trao đổi trước với các chuyên gia kinh tế, pháp luật… để họ hiểu rõ cơ sở pháp lý và các quy định then chốt, đặc biệt là phạm vi áp dụng và các công cụ giám sát của Thông tư này, thì sẽ đỡ đi những lo lắng do cách hiểu và diễn giải khác về Thông tư này.

Bà có khuyến cáo gì về các cơ chế giám sát để thực thi tốt Thông tư này?
- Điều lo ngại vẫn còn trong tôi là liệu các cơ quan nhà nước có thực hiện được nghiêm túc, đồng bộ những quy định trong Luật, Nghị định và Thông tư nói trên không. Thật tình lâu nay quan sát các hoạt động kinh tế ở nước ta, tôi thấy nhiều khi có được văn bản pháp quy tốt đã khó, nhưng thực thi tốt các văn bản đó còn khó hơn nhiều. Không thể phủ nhận thực tế đang gây đau đầu cho chúng ta hiện nay, là không ít người trong bộ máy cán bộ nhà nước còn khá hạn chế về trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, cũng như về sự phối hợp công tác với nhau. Sự hiểu biết và tuân thủ pháp luật trong người dân của chúng ta cũng có những hạn chế, vì nhiều khi ngay cả tiếp cận thông tin pháp luật đối với họ cũng khó, như nhiều điều tra đã cho thấy. Chính thực tế này khiến cho tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả của nhiều quy định pháp luật của nước ta kém “thiêng” đi, trong khi các rủi ro có thể tăng lên.

Tôi rất lo nếu những người có trách nhiệm thi hành không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ, chức trách của họ, thì các quy định có thể sẽ bị những kẻ gian ở cả hai bên biên giới lợi dụng, gây phương hại cho nền kinh tế của ta. Trong Thông tư không đưa ra quy định chế tài vì đã có quy định ở các văn bản pháp luật khác. Nhưng tôi đề nghị vẫn nên làm rõ chế tài đối với cả người nhà nước và người dân trong việc thực hiện Thông tư này.

Tôi cũng mong nhà nước tạo thêm kênh giám sát của xã hội, của nhân dân ở các tỉnh biên giới cũng như ở các địa phương khác, để người dân có thể phản ảnh kịp thời và giúp nhà nước ngăn chặn những diễn biến bất lợi có thể xảy ra.

Điều quan trọng nhất là mọi việc phải được thực hiện và giám sát, kiểm soát nghiêm minh đúng như các quy định. Thực sự phải tăng cường sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm, năng lực làm việc và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và nhân sự có trách nhiệm quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan, đặc biệt là tại các địa phương. Và Thông tư cần được phổ biến, giải thích, hướng dẫn tường tận cho thương nhân và cư dân các vùng biên giới để họ hiểu rõ và tự giác thi hành tốt.

Thúy Linh (Vietnamnet)
»»  read more

10.10.18

mười tháng mười


1.
Sáng ni coi TV mới biết người ta kỷ niệm long trọng 60 năm Ngày Giải Phóng Hà Nội. Tui nhớ hồi trước gọi là Ngày Tiếp Quản Thủ Đô. Ký HĐ Geneve xong, phần miền Bắc là của VNDCCH, về mà tiếp quản chứ có giành giật đánh chiếm với ai mà đòi "giải phóng" hè?
2.
Cũng trên TV, nhân ngày này, người ta tôn vinh những giá trị ngàn năm của HN, từ lối sống thanh lịch của người Tràng An đến những món ẩm thực đầy tinh tế của Thăng Long; từ những giá trị vật thể của phố phường đình đài miếu mạo cổ xưa đến những giá trị phi vật thể chầu văn ca trù...
Lạ hè!

Tui nhớ sau khi tiếp quản thủ đô, những giá trị tàn dư phong kiến-đế quốc-thực dân-địa chủ-tư sản-tiểu tư sản... đó đều bị những giá trị mới (vô sản-công nông binh) kiên quyết tiêu diệt sạch kia mà!

Sau khi tiếp quản, ai thuộc diện "phản động" thì đã lên tàu há mồm vào Nam. Ai còn ở lại HN thì ngậm ngùi xếp những áo dài hoa, những bộ vest cravat vào tận đáy hòm, thay vào đó là bộ áo cánh nâu "dân quân", ngậm ngùi quên những bài hát tiền chiến mơ mộng để lớn tiếng khúc quân hành, ngậm ngùi quên phở, chả cá, cà phê bơ sữa để quay lại với tương cà mắm muối...
3.
Giải phóng ư! Cũng có thể, với những giá-trị-không-ai-tiêu-diệt- nổi, có phải HN hôm nay đã giải phóng trở lại những người đòi "giải phóng" mình ngày xưa!?

10/10/2014
»»  read more

30.9.18

Trump... được quyền tuyên bố :p

Ngày 19/9/2017 Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lần đầu tiên phát biểu trước 193 đại diện các nước của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Bài phát biểu nhấn mạnh các nguyên tắc đối ngoại của chính quyền Mỹ dưới sự cầm quyền của ông từ sau khi nhậm chức và trong tương lai. Bài phát biểu nhận được cả sự ủng hộ của nhiều cử tri Mỹ trung thành cũng như vô vàn chỉ trích của các kênh thông tấn và đối thủ chính trị. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của ông Trump:



Thưa ngài Tổng thư ký, ngài Chủ tịch, các vị lãnh đạo thế giới và các đại biểu đáng kính: Chào mừng tới New York. Thật là một vinh dự lớn lao khi tôi đứng tại thành phố quê hương mình, với tư cách là đại diện cho người Mỹ phát biểu trước người dân thế giới.

1. Về nước Mỹ: [*]
Trong khi hàng triệu người dân của chúng tôi tiếp tục phải chịu hậu quả của những cơn bão tàn phá nước Mỹ, tôi muốn bắt đầu bằng việc bày tỏ sự cảm kích đối với mỗi vị lãnh đạo trong khán phòng này, những người đã đề nghị giúp đỡ và hỗ trợ. Người dân Mỹ mạnh mẽ và kiên cường, và chúng tôi sẽ vượt qua những khó khăn này còn quyết tâm hơn nữa.

May mắn là Hoa Kỳ đã làm rất tốt trong Ngày bầu cử, 8/11 năm ngoái. Thị trường chứng khoán đang ở mức cao nhất trong lịch sử – một kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 16 năm, và bởi vì các cải tổ luật lệ cùng nhiều thứ khác, nhiều người Mỹ đang làm việc hơn bất cứ khi nào trước đây. Các công ty đang trở lại, tạo ra tăng trưởng việc làm, điều mà đất nước chúng tôi chưa được chứng kiến trong một thời gian rất dài rồi. Và một điều mới được công bố là chúng tôi sẽ chi gần 700 tỷ USD cho quân đội và quốc phòng.

Quân đội của chúng tôi sẽ sớm trở nên mạnh nhất trong lịch sử của nó. Hơn 70 năm qua, trong thời chiến cũng như hòa bình, các lãnh đạo của quốc gia, phong trào và tôn giáo đã đứng trước hội đồng này. Giống như họ, tôi muốn nói về những mối nguy hiểm nghiêm trọng đang đe dọa chúng ta hôm nay, cũng như những tiềm năng khổng lồ đang chờ được khám phá.

Chúng ta sống trong một thời đại của những cơ hội kỳ khôi. Các đột phá trong khoa học, công nghệ và y học chữa được các loại bệnh và giải quyết các vấn đề mà thế hệ trước tưởng rằng không thể.

Nhưng mỗi ngày qua, chúng ta lại nghe tin tức về các mối nguy hiểm ngày càng gia tăng đang đe dọa tất cả những gì ta trân quý. Những kẻ khủng bố và cực đoan đã tụ hợp được sức mạnh và gieo rắc lo sợ trên khắp hành tinh. Các chế độ hiếu chiến mà có đại diện trong cơ quan này không chỉ ủng hộ khủng bố mà còn đe dọa các quốc gia khác và người dân của chính họ bằng loại vũ khí có sức hủy diện lớn nhất mà nhân loại từng biết.

Các thế lực độc tài tìm cách làm sụp đổ các giá trị, hệ thống và liên minh mà đã giúp ta ngăn xung đột, hướng thế giới tới hòa bình từ sau Thế Chiến II. Những mạng lưới tội phạm quốc tế buôn lậu ma túy, vũ khí, con người và vô số người trong cuộc đại di cư; đe dọa biên giới của chúng ta; và các các hình thức lạm dụng công nghệ mới đang tấn công người dân của chúng ta.

Nói đơn giản lại, chúng ta gặp nhau tại một thời điểm của cả những hứa hẹn lớn lao cũng như hiểm họa khổng lồ. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn của ta, để nâng thế giới lên tầm cao mới, hay để nó rơi xuống vực sâu không thể cứu vớt. Chúng ta có sức mạnh đó trong mình, nếu ta chọn giúp hàng triệu người thoát nghèo đói, giúp nhân dân chúng ta thực hiện giấc mơ của họ và đảm bảo thế hệ trẻ em mới của ta được nuôi dưỡng trong thế giới không có bạo lực, sợ hãi và thù địch.

Cơ quan này được thành lập sau sự kiện 2 cuộc thế chiến với mục tiêu định hình một tương lai tốt đẹp hơn. Nó dựa trên tầm nhìn rằng các quốc gia khác biệt có thể hợp tác với nhau để bảo vệ chủ quyền, an ninh và thúc đẩy sự thịnh vượng. Cùng thời gian đó, chính xác vào 70 năm trước, nước Mỹ đã phát triển Kế hoạch Marshall để khôi phục Châu Âu. 3 cột trụ đẹp đẽ đó là: hòa bình, chủ quyền, an ninh và thịnh vượng.

Kế hoạch Marshall được xây dựng trên ý tưởng cao thượng rằng thế giới sẽ an toàn hơn khi các quốc gia mạnh mẽ, độc lập và tự do. Như Tổng thống Truman đã nói trong thông điệp gửi Quốc hội vào thời gian đó: “Sự ủng hộ của chúng ta đối với việc phục hồi Châu Âu là hoàn toàn hòa hợp với sự ủng hộ của chúng ta đối với Liên Hiệp Quốc. Sự thành công của LHQ phụ thuộc và sức mạnh độc lập của các nước thành viên”.

Để vượt qua hiểm họa trước mắt và hoàn thành những lời hứa đối với tương lai, chúng ta phải bắt đầu với trí tuệ của quá khứ. Sự thành công của chúng ta phụ thuộc vào liên minh những quốc gia mạnh mẽ và độc lập, một liên minh tôn trọng chủ quyền, thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và hòa bình cho bản thân họ và cho cả thế giới.

Chúng tôi không mong muốn các quốc gia đa dạng chia sẻ cùng một nền văn hoá, truyền thống, hay thậm chí các hệ thống chính phủ. Nhưng chúng tôi rất muốn các quốc gia hãy duy trì hai nhiệm vụ then chốt cót lõi sau: tôn trọng lợi ích của nhân dân nước mình và tôn trọng quyền lợi của mọi quốc gia có chủ quyền khác. Đây là tầm nhìn tuyệt vời của tổ chức này, và đây là nền tảng cho sự hợp tác và thành công.

Các quốc gia mạnh mẽ và có chủ quyền hãy để các quốc gia đa dạng với các giá trị khác nhau, văn hóa khác nhau và những giấc mơ khác nhau, không chỉ cùng tồn tại, mà còn cùng sát cánh bên nhau hành động dựa trên nguyên tắc cơ bản của việc tôn trọng lẫn nhau.

Các quốc gia mạnh mẽ, có chủ quyền hãy để nhân dân của mình làm chủ tương lai đất nước và kiểm soát vận mệnh của họ. Và các quốc gia mạnh mẽ, có chủ quyền hãy cho phép các cá nhân được phát triển thịnh vượng suốt cả cuộc đời họ theo sự an bài của Thiên Chúa.

Ở Mỹ, chúng tôi không tìm cách áp đặt lối sống của mình cho bất cứ ai, mà để nó tỏa sáng như một tấm gương cho mọi người nhìn vào. Tuần này mang lại cho đất nước chúng tôi một lý do đặc biệt để tự hào về ví dụ đó. Chúng tôi đang kỷ niệm 230 năm Hiến pháp tuyệt vời của chúng tôi – bản hiến pháp lâu đời nhất vẫn được sử dụng trên thế giới ngày nay.

Tài liệu vượt thời gian này đã trở thành nền tảng cho hòa bình, thịnh vượng và tự do cho người Mỹ cũng như vô số hàng triệu người khác trên thế giới, những người sống trong các quốc gia có khát vọng và tôn trọng đối với nhân văn, phẩm giá và pháp trị.

Điều vĩ đại nhất trong Hiến pháp Mỹ là 3 từ đầu tiên của nó: We the people (Người dân chúng ta). Nhiều thế hệ người Mỹ đã hy sinh để bảo vệ lời hứa đằng sau những chữ này, lời hứa của đất nước chúng ta, của lịch sử vĩ đại của chúng ta. Ở Mỹ, nhân dân quản lý, nhân dân cai trị và nhân dân có quyền lực tối cao. Tôi được bầu lên không phải để nắm quyền, mà để trả quyền lực về cho người dân Mỹ, nơi nó thuộc về.

Về vấn đề ngoại giao, chúng tôi đang rà soát lại nguyên tắc nền tảng về chủ quyền. Nhiệm vụ trước tiên của chính phủ chúng tôi là vì nhân dân mình, vì công dân của mình – để phục vụ nhu cầu của họ, đảm bảo sự an toàn của họ, duy trì quyền lợi của họ và bảo vệ giá trị của họ.

Với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi sẽ luôn luôn đặt nước Mỹ lên trên hết, cũng giống như quý vị, là lãnh đạo của đất nước các vị, sẽ luôn luôn và nên luôn luôn đặt ưu tiên quốc gia của quý vị lên trên hết.

Tất cả những nhà lãnh đạo có trách nhiệm đều có nghĩa vụ phải phục vụ công dân của nước mình và thể chế nhà nước vẫn là phương tiện tốt nhất giúp nâng cao điều kiện con người.

Nhưng việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân của ta cũng yêu cầu chúng ta phải làm việc cùng nhau một cách chặt chẽ và hòa ái, tạo ra một tương lai an toàn và yên bình hơn cho tất cả mọi người.

Hoa Kỳ sẽ mãi mãi là người bạn vĩ đại của thế giới, và đặc biệt là với các đồng minh của mình. Nhưng chúng tôi sẽ không còn chịu để bị lợi dụng, hoặc tham gia vào thỏa thuận một chiều, nơi đổi lại Hoa Kỳ không nhận được gì. Chừng nào tôi còn tại nhiệm, tôi sẽ bảo vệ lợi ích của nước Mỹ hơn hết thảy mọi thứ khác.

Nhưng để hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của chúng ta đối với đất nước chúng ta, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng mọi người đều quan tâm tìm kiếm một tương lai mà tất cả các quốc gia đều có thể có chủ quyền, thịnh vượng và an toàn.

Nước Mỹ đã làm nhiều hơn nói vì những giá trị được thể hiện trong Hiến Chương LHQ. Các công dân của chúng tôi đã trả cái giá cuối cùng để bảo vệ tự do của chúng tôi cũng như tự do của rất nhiều quốc gia có đại diện trong đại sảnh đường này. Sự cống hiến của nước Mỹ được kể đến qua các trận chiến, nơi mà những người trẻ, cả đàn ông và phụ nữ của chúng tôi đã chiến đấu và hy sinh bên cạnh các đồng minh, từ bãi biển Châu Âu, các sa mạc của Trung Đông tới các rừng rậm châu Á.

Lịch sử sẽ ghi những dòng vĩnh hằng cho chí khí Mỹ rằng thậm chí sau khi chúng tôi và các đồng minh chiến thắng các cuộc chiến đẫm máu nhất, chúng tôi không tìm cách xâm chiếm lãnh thổ, chiếm giữ hay áp đặt lối sống của chúng tôi lên người khác. Thay vào đó, chúng tôi hỗ trợ họ xây dựng các thể chế, giống như LHQ này để bảo vệ chủ quyền an ninh và thịnh vượng cho tất cả.

Vì sự đa dạng quốc gia trên thế giới, đây là hy vọng của chúng ta. Chúng ta muốn hòa hợp và hữu nghị, không muốn xung đột và đấu tranh. Chúng ta được định hướng bởi kết quả, không phải ý thức hệ. Chúng ta có chính sách về chủ nghĩa hiện thực nguyên tắc, bắt nguồn từ các mục tiêu, lợi ích và giá trị chung.

Chủ nghĩa hiện thực buộc chúng ta phải đối mặt với một vấn đề mà mọi nhà lãnh đạo và quốc gia trong căn phòng này đều phải đối mặt. Đó là vấn đề mà chúng ta không thể trốn chạy hoặc né tránh. Chúng ta sẽ trượt xuống con đường tự mãn, tê liệt trước những thách thức, đe dọa và ngay cả những cuộc chiến mà chúng ta phải đối mặt. Hoặc là chúng ta sẽ có đủ sức mạnh và niềm tự hào để đương đầu với những nguy cơ ngày hôm nay, để dân chúng của chúng ta có thể hưởng thụ hòa bình và thịnh vượng ngày mai?

Nếu chúng ta muốn nâng cao điều kiện sống cho công dân của mình, nếu chúng ta mong muốn sự chấp thuận của lịch sử, thì chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ trọng yếu của mình đối với những người mà chúng ta trung thành đại diện. Chúng ta phải bảo vệ dân tộc mình, lợi ích và tương lai của nhân dân chúng ta.

Chúng ta phải phản đối các mối đe dọa tới chủ quyền của chúng ta, từ Ukraine tới biển Đông. Chúng ta phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới và tôn trọng văn hóa, và cho phép sự can dự hòa bình.

Và cũng giống như những người sáng lập ra cơ quan này [Liên Hiệp Quốc], chúng ta phải làm việc cùng nhau và cùng nhau đương đầu với những kẻ đe dọa tạo ra sự hỗn loạn, xáo động và khủng bố.

Tai họa của hành tinh chúng ta hôm nay là có một nhóm nhỏ các chế độ lưu manh vi phạm mọi nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc. Họ không tôn trọng chính công dân của họ và quyền chủ quyền của chính các quốc gia mình.

Nếu nhiều người công chính không đối đầu với những kẻ độc ác, vậy thì điều ác sẽ chiến thắng. Khi nhiều dân tộc và quốc gia trở thành những người ngoài cuộc trong dòng chảy lịch sử, các thế lực hủy diệt [văn minh nhân loại] sẽ ngày càng tập hợp được quyền lực và sức mạnh.

2. Về Bắc Triều Tiên:
Không nước nào từng bày tỏ thái độ khinh rẻ các quốc gia khác và coi thường phúc lợi của chính nhân dân mình hơn chế độ đồi bại tại Bắc Triều Tiên. Chế độ này phải chịu trách nhiệm cho hàng triệu sinh mạng người Triều Tiên bị chết đói, và vô số người bị giam cầm, tra tấn, giết chóc và đàn áp.

Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến sự lạm dụng chết người của chế độ này khi một sinh viên người Mỹ vô tội, Otto Warmbier, đã thiệt mạng chỉ vài ngày sau khi được đưa về nước. Chúng ta đã được thấy chính quyền đó thực hiện ám sát người anh trai của lãnh tụ độc tài bằng việc sử dụng chất độc thần kinh bị cấm ở một cảng hàng không quốc tế. Chúng ta biết họ đã bắt cóc một bé gái 13 tuổi dễ thương người Nhật Bản ngay tại bãi biển trên đất nước của em và biến em bé thành nô lệ để dạy tiếng Nhật cho các điệp viên Bắc Hàn.

Nếu điều này không đủ trở ngại, mưu cầu về vũ khí hạt nhân và tên lửa liều lĩnh hiện nay của Bắc Hàn đe dọa toàn thế giới với sự thiệt hại về nhân mạng là không thể tưởng tượng nổi.

Thật phẫn nộ khi một số quốc gia không chỉ giao thương với chế độ như vậy, mà còn hỗ trợ, cung cấp, ủng hộ tài chính cho một đất nước đe dọa thế giới với cuộc xung đột hạt nhân. Không nước nào trên trái đất này quan tâm đến việc tự trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa phạm pháp như vậy.

Hoa Kỳ có sức mạnh và kiên nhẫn lớn lao, nhưng nếu buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ đồng minh, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên.

Gã tên lửa (Rocket Man) đang có hành vi tự sát cho bản thân và cả chế độ của mình. Hoa Kỳ sẵn sàng, sẵn lòng và có thể, nhưng hy vọng điều này sẽ là không cần thiết. Đó là tất cả những gì Liên Hiệp Quốc thuộc về; đó là điều Liên Hiệp Quốc vì thế [mà tồn tại]. Chúng ta hãy xem cách họ làm.

Đã đến lúc Bắc Hàn phải nhận thức rằng phi hạt nhân hóa là tương lai duy nhất mà họ có thể được chấp nhận. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hiện tại đã hai lần bỏ phiếu thống nhất 100% thông qua các nghị quyết cứng rắn đối với Bắc Hàn, và tôi muốn cảm ơn Trung Quốc và Nga đã tham gia bỏ phiếu áp đặt chế tài, cùng với tất cả các thành viên khác của Hội đồng Bảo an. Cảm ơn tất cả các quí vị đã hợp tác.

Tuy nhiên chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa. Đã đến lúc tất cả các nước phải làm việc cùng nhau để cô lập chế độ nhà họ Kim cho đến khi họ chấm dứt hành vi thù địch.

3. Về Iran:
Chúng ta phải đối mặt với quyết định này không chỉ ở Bắc Triều Tiên. Đã đến lúc các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với một chế độ liều lĩnh khác – một chế độ nói công khai về hành vi giết người hàng loạt, thề tiêu diệt nước Mỹ, đe doạn hủy diệt Israel và hủy hoại nhiều vị lãnh đạo và quốc gia có mặt trong khán phòng này.

Chính quyền Iran che dấu một chế độ độc tài hủ bại đằng sau mặt nạ về nền dân chủ. Chế độ này đã biến một quốc gia giàu có với lịch sử và văn hoá phong phú thành một quốc gia suy kiệt kinh tế và thứ xuất khẩu chính là bạo lực, đổ máu và hỗn loạn. Những nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất của các nhà lãnh đạo của Iran, trên thực tế, là những người dân của chính đất nước này.

Thay vì sử dụng các nguồn lực của mình để cải thiện cuộc sống của người Iran, lợi nhuận dầu mỏ của họ lại được dùng để tài trợ cho Hezbollah và các phần tử khủng bố khác giết chết những người Hồi giáo vô tội và tấn công các nước láng giềng Ả-rập và Israel.

Sự giàu có này, đúng là phải thuộc về nhân dân Iran, nhưng cũng được dùng vào việc củng cố chế độ độc tài Bashar al-Assad [ở Syria], châm ngòi cho cuộc nội chiến tại Yemen, và phá hoại hòa bình trên toàn bộ Trung Đông.

Chúng ta không thể để chế độ giết người này tiếp diễn các hành động gây mất ổn định bằng việc sản xuất các loại tên lửa nguy hiểm, và chúng ta không thể chấp nhận một thỏa thuận nếu nó cung cấp sự che chở cho việc xây dựng một chương trình hạt nhân. Thỏa thuận Iran là một trong những vụ đàm phán gần nhất, tồi tệ nhất mà Hoa Kỳ từng tham gia. Thành thật mà nói, thỏa thuận đó là một sự bối rối đối với Hoa Kỳ, và tôi không nghĩ rằng quý vị đã nghe thấy điều cuối cùng về nó – hãy tin tôi.

Đã đến lúc toàn thế giới phải tham gia cùng chúng tôi trong việc yêu cầu chính quyền Iran kết thúc tham vọng sở hữu sự chết chóc và hủy diệt. Đã đến lúc chế độ này phải thả tự do cho tất cả người Mỹ và công dân của các quốc gia khác mà họ đã từng giam giữ bất hợp pháp. Và trên tất cả, chính quyền Iran phải dừng ngay việc ủng hộ những kẻ khủng bố, bắt đầu phục vụ chính nhân dân của họ, và tôn trọng quyền chủ quyền của các nước láng giếng của họ.

Toàn thế giới hiểu rằng người dân lương thiện ở Iran muốn thay đổi, và hơn cả quyền lực quân sự áp đảo của Hoa Kỳ, chính nhân dân Iran mới là điều mà các nhà lãnh đạo của họ e sợ nhất. Đây là điều khiến cho chế độ này thực hiện hạn chế tiếp cận internet, phá hỏng các thiết bị vệ tinh, nã đạn vào những người biểu tình sinh viên không có vũ trang, và bỏ tù những nhà cải cách chính trị.

Các chế độ áp bức không thể tồn tại mãi, và sẽ có ngày người dân Iran được đối mặt với một lựa chọn. Họ sẽ tiếp tục lao dốc xuống con đường của sự nghèo đói, đẫm máu và khủng bố? Hay nhân dân Iran sẽ trở lại nguồn cội đáng tự hào của họ khi là trung tâm của văn minh, văn hóa và sự thịnh vượng, nơi người dân lại có thể hạnh phúc và thịnh vượng?

Sự ủng hộ của chế độ Iran dành cho những kẻ khủng bố là tương phản hoàn toàn với những cam kết hiện tại của nhiều quốc gia láng giềng của nước này trong việc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và dừng cung ứng tiền cho khủng bố.

4. Về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan:
Tại Ả-rập Saudi đầu năm nay, tôi đã rất vinh dự được phát biểu trước lãnh đạo của hơn 50 quốc gia Ả-rập và Hồi giáo. Chúng tôi đã đồng ý rằng tất cả các quốc gia có trách nhiệm phải làm việc cùng nhau để đương đầu với các phần tử khủng bố và chủ nghĩa cực đoan hồi giáo, ý thức hệ đã truyền cảm hứng cho chúng.

Chúng ta sẽ ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan vì chúng ta không thể cho phép chúng tàn phá quốc gia của chúng ta, và thực sự phá nát cả thế giới.

Chúng ta phải hủy bỏ những nơi trú ẩn an toàn cho khủng bố, quá cảnh, tài chính, và bất cứ hình thức hỗ trợ nào cho hệ tư tưởng xấu xa và độc ác của chúng. Chúng ta phải đánh đuổi chúng ra khỏi đất nước của chúng ta. Đã đến lúc phải phơi bày và quy trách nhiệm cho những quốc gia ủng hộ và tài trợ cho những nhóm khủng bố như al-Qaeda, Hezbollah, Taliban và nhiều nhóm chiến binh giết người vô tội khác.

Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi đang làm việc cùng nhau trên toàn Trung Đông để càn quét những kẻ khủng bố thua cuộc và ngăn chặn sự tái bùng phát của những nơi trú ẩn an toàn mà chúng sử dụng để triển khai các cuộc tấn công nhắm vào tất cả người dân của chúng ta.

Tháng trước, tôi đã công bố một chiến lược mới để chiến thắng trong cuộc chiến chống lại cái ác này ở Afghanistan. Từ bây giờ trở đi, các mối quan tâm an ninh của chúng tôi sẽ chỉ sự lâu dài và phạm vi hoạt động của quân đội, chứ không phải các tiêu chuẩn và thời gian biểu tùy ý do các chính trị gia thiết lập.

Tôi cũng đã thay đổi toàn diện các quy tắc tham dự vào các cuộc chiến của chúng ta chống lại Taliban và các nhóm khủng bố khác. Tại Syria và Iraq, chúng ta đã giành được những thắng lợi lớn hướng tới sự thất bại cuối cùng của IS. Thực tế, trong vòng 8 tháng qua, đất nước của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong cuộc chiến chống IS hơn những gì mà nhiều, nhiều năm trong quá khứ cộng lại.

Chúng tôi tìm kiếm sự xuống thang trong xung đột tại Syria, và một giải pháp chính trị tôn trọng ý chí của người dân Syria. Những hành động tội ác của chế độ Bashar al-Assad, trong đó có việc sử dụng vũ khí hóa học chống lại chính nhân dân của họ – thậm chí là cả những đứa trẻ vô tội – gây sốc cho mọi người tử tế có lương tâm. Không xã hội nào có thể được an toàn nếu những vũ khí hóa học bị cấm vẫn được phép sử dụng tràn lan. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc tấn công tên lửa vào căn cứ không quân [của chính quyền Syria], nơi đã thực hiện cuộc tấn công [bằng vũ khí hóa học].

5. Về cứu trợ nhân đạo tại Trung Đông:
Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan của LHQ, nơi đang cung cấp cứu trợ nhân đạo thiết yếu tại các vùng đã được giải phóng khỏi IS, và chúng tôi đặc biệt cảm ơn Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Li Băng vì vai trò của họ trong việc tiếp nhận những người tị nạn trốn chạy từ cuộc xung đột Syria.

Hoa Kỳ là một quốc gia thiện lương và đã từng viện trợ hàng tỷ tỷ USD để hỗ trợ cho nỗ lực [trợ giúp người tị nạn] này. Chúng tôi tìm kiếm cách tiếp cận để tái định cư cho người tị nạn, được thiết kế để giúp những người bị đối xử tàn nhẫn này, và cho phép họ có thể trở lại quê hương của họ, đó là một phần của quá trình tái thiết.

Với chi phí của việc tái định cư cho một người tị nạn tại Hoa Kỳ, chúng tôi có thể giúp đỡ được hơn 10 người ngay tại quê nhà của họ. Với lòng tốt của chúng tôi, chúng tôi hỗ trợ tài chính cho việc các nước trong khu vực cho người tị nạn lưu trú và chúng tôi ủng hộ các hiệp định gần đây của các quốc gia trong khối G20 nhằm tìm kiếm nơi ở cho người tị nạn càng gần đất nước của họ càng tốt. Đây là cách tiếp cận an toàn, trách nhiệm và nhân đạo.

Qua hàng thập kỷ, Hoa Kỳ đã giải quyết các thách thức về nhập cư ở đây, ngay tại Tây bán cầu. Qua thời gian dài, chúng tôi đã nhận thức được rằng nhập cư không kiểm soát là cực kỳ bất công cho cả những quốc gia có người ra đi và đất nước đón nhận người nhập cư.

Đối với những nước có người ra đi, nó làm giảm áp lực trong nước để theo đuổi cải cách chính trị và kinh tế cần thiết, và thất thoát nguồn nhân lực cần thiết để thúc đẩy và thực hiện những cải cách đó.

Đối với các nước tiếp nhận, chi phí đáng kể của việc di cư không kiểm soát là dẫn tới các công dân có thu nhập thấp chiếm đa số áp đảo – những mối quan ngại thường bị các phương tiện truyền thông và chính phủ bỏ qua.

Tôi muốn lần đầu làm việc với LHQ trong việc tìm cách giải quyết các vấn đề khiến mọi người phải trốn chạy khỏi quê hương của họ. LHQ và Liên minh Châu Phi dẫn dắt các sứ mệnh gìn giữ hòa bình phải có những cống hiến vô giá trong việc ổn định các cuộc xung đột tại Châu Phi. Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới trong việc cứu trợ nhân đạo, trong đó có ngăn chặn đói nghèo và cứu trợ tại Nam Sudan, Somalia, miền bắc Nigeria và Yemen.

Chúng ta đã từng đầu tư vào sức khỏe và cơ hội tốt hơn trên toàn thế giới thông qua các chương trình như PEPFAR, nơi tài trợ cho hỗ trợ bệnh nhân AIDS; Sáng kiến Sốt rét của Tổng thống; Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu; Quỹ Toàn cầu cho việc Chấm dứt Chủ nghĩa Nô lệ Hiện đại; và Sáng kiến Tài chính Doanh nghiệp Phụ nữ – một phần trong cam kết của chúng ta về trao quyền cho phụ nữ trên toàn cầu.

Chúng tôi cũng cảm ơn Tổng thư ký LHQ vì đã nhận thấy rằng LHQ phải cải cách nếu tổ chức này là đối tác hiệu quả trong việc đương đầu với các đe dạo về chủ quyền, an ninh và thịnh vượng. Tổ chức này trước nay thường không tập trung vào kết quả, nhưng lại quan tâm tới quản lý quan liêu và quá trình.

Trong một vài trường hợp, các quốc gia muốn loại bỏ các mục tiêu cao quý của tổ chức này, họ đã chiếm quyền kiểm soát các hệ thống được cho là thúc đẩy họ tiến bộ. Chẳng hạn như, LHQ thực sự gây bối rối lớn khi một vài chính phủ với hồ sơ vi phạm nhân quyền trầm trọng lại có ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Hoa Kỳ là một trong 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc, nhưng chúng tôi đóng góp 22% của toàn bộ ngân sách của tổ chức này và còn hơn thế nữa. Thực tế, chúng tôi đã chi trả nhiều hơn bất cứ ai có thể nhận ra. Hoa Kỳ chịu gánh nặng chi phí không công bằng, nhưng nó sẽ là công bằng nếu thực sự tổ chức này có thể đạt được tất cả các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu hòa bình, thì khoản đầu tư này sẽ đáng giá.

Phần lớn thế giới đang trong xung đột và một vài nơi, thực tế là đang hướng tới địa ngục. Nhưng, dưới sự định hướng và bảo trợ của LHQ, những người có quyền lực trong khán phòng này có thể giải quyết được nhiều vấn đề xấu xa và phức tạp này.

Người dân Mỹ hy vọng rằng một ngày không xa LHQ có thể là một tổ chức hỗ trợ, bảo vệ nhiều trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn vì phẩm hạnh và tự do của con người trên toàn thế giới. Đồng thời, chúng tôi tin rằng không quốc gia nào nên phải chịu gánh nặng về khoản không tương xứng, cả về quân lực và tài chính. Các quốc gia trên thế giới phải đóng góp vai trò lớn hơn nữa trong việc thúc đẩy các xã hội an toàn và thịnh vượng trên các khu vực của chính họ.

6. Về Cuba, Venezuela và chủ nghĩa xã hội:
Đó là lý do vì sao ở nửa Tây bán cầu, Hoa Kỳ đã từng đứng lên chống lại chế độ tham nhũng và gây bất ổn ở Cuba và che chở cho giấc mơ lâu dài được sống trong tự do của nhân dân Cuba. Chính phủ của tôi hiện tại đã thông báo rằng chúng tôi sẽ không dỡ bỏ chế tài đối với chính quyền Cuba cho đến khi nào họ thực hiện các cải cách cơ bản.

Chúng tôi cũng đã áp đặt những chế tài cứng rắn đối với chế độ chủ nghĩa xã hội của Maduro ở Venezuela, chế độ đã biến một quốc gia từng rất thịnh vượng tới bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn.

Chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa của Nicolas Maduro đã gây ra đau thương khủng khiếp và nỗi thống khổ cho những người tốt trên đất nước này. Chế độ hủ bại này đã phá hủy một quốc gia thịnh vượng bởi áp đặt một ý thức hệ thất bại, ý thức hệ mà đã tạo ra đói nghèo và khốn khổ ở mọi nơi từng thử áp dụng nó. Để làm cho vấn đề tồi tệ hơn, Maduro đã thách thức người dân của mình, đánh cắp quyền lực từ các đại diện dân biểu để bảo vệ luật lệ thảm khốc của mình.

Nhân dân Venezuela đang đói khổ và đất nước của họ đang sụp đổ. Các thể chế dân chủ của họ đang bị phá hủy. Tình cảnh này là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được và chúng ta không thể chỉ đứng nhìn.

Là một nước láng giềng và người bạn có trách nhiệm, chúng tôi và tất cả các nước khác có một mục tiêu. Mục tiêu đó là giúp họ giành lại tự do của họ, phục hồi đất nước của họ, và khôi phục nền dân chủ của họ. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các vị lãnh đạo trong khán phòng này vì đã lên án chế độ [Maduro] và cung cấp sự ủng hộ thiết yếu cho nhân dân Venezuela.

Hoa Kỳ đã tiến hành các bước quan trọng để giữ cho chế độ đó [hành xử] có trách nhiệm. Chúng tôi đang chuẩn bị để hành động tiếp nữa nếu chính quyền Venezuela tiếp tục đi trên con đường áp đặt chế độ độc tài đối với người dân Venezuela.

Chúng tôi rất may mắn có được những mối quan hệ thương mại lành mạnh và mạnh mẽ với nhiều nước châu Mỹ La-tinh, tập hợp ở đây hôm nay. Sự uy tín về kinh tế của chúng ta tạo thành nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng cho tất cả nhân dân trong đất nước chúng ta và tất cả người dân của các nước láng giếng chúng ta.

Tôi yêu cầu các quốc gia có mặt ở đây hôm nay hãy chuẩn bị hành động nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng thực sự này. Chúng tôi kêu gọi khôi phục đầy đủ nền dân chủ và tự do chính trị tại Venezuela.

Vấn đề tại Venezuela không phải nước này đã thực thi chủ nghĩa xã hội một cách yếu kém, mà là chủ nghĩa xã hội đã được thực hành một cách thành thực. Từ Liên bang Xô viết tới Cuba tới Venezuela, nơi nào chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản chân chính được áp dụng, nơi đó đều phải chịu đắng cay, tuyệt vọng và thất bại. Những ai còn rao giảng về giáo lý của thứ chủ nghĩa đầy tai tiếng này thì chỉ góp phần kéo dài đau khổ cho những người phải sống dưới những chế độ độc ác này.

Nước Mỹ sát cánh cùng với mọi người dân sống dưới chế độ tàn bạo. Sự tôn trọng chủ quyền của chúng ta cũng là một lời kêu gọi hành động. Tất cả mọi người dân đều xứng đáng có được một chính phủ biết quan tâm đến sự an toàn, lợi ích và phúc lợi của họ, kể cả sự thịnh vượng của họ.

7. Về Liên Hợp Quốc:
Ở Mỹ, chúng tôi tìm kiếm các mối quan hệ mạnh mẽ hơn về kinh tế và thương mại với tất cả các quốc gia có lương tri, nhưng hoạt động thương mại này phải công bằng và nó phải có tính đối ứng.

Trong thời gian dài, người dân Mỹ được nói rằng các giao dịch thương mại đa quốc gia khổng lồ, các tòa án quốc tế phức tạp và các cơ quan hành chính toàn cầu mạnh mẽ là cách tốt nhất để thúc đẩy thành công của họ. Nhưng khi những hứa hẹn đổ vỡ, hàng triệu việc làm và hàng ngàn nhà máy biến mất. Những người khác [tham gia sân chơi toàn cầu] đánh lừa hệ thống và phá vỡ các quy tắc. Và tầng lớp trung lưu vĩ đại của chúng ta, nền tảng của sự thịnh vượng của Mỹ, đã bị lãng quên và bỏ rơi, nhưng bây giờ họ không bị lãng quên thêm nữa và họ sẽ không bao giờ lại bị lãng quên nữa.

Mặc dù nước Mỹ sẽ theo đuổi hợp tác và giao thương với các nước khác, nhưng chúng tôi cũng đang làm mới lại các cam kết của mình đối với nhiệm vụ trước tiên của mọi chính phủ: phục vụ công dân của chúng ta. Mối liên kết này là nguồn sức mạnh của Hoa Kỳ và của mọi quốc gia có trách nhiệm có mặt ở đây hôm nay.

Nếu tổ chức này có bất kỳ hy vọng nào về việc đương đầu thành công với các thách thức trước mặt chúng ta, như cựu Tổng thống Truman đã từng nói từ 70 năm trước, điều đó sẽ phụ thuộc vào “sức mạnh độc lập của mỗi thành viên”. Nếu chúng ta muốn nắm lấy các cơ hội của tương lai và vượt qua những thách thức hiện tại cùng nhau, không gì thay thế được cho các quốc gia mạnh mẽ, có chủ quyền và độc lập – những quốc gia khởi nguồn từ lịch sử của họ và đã đầu tư vào vận mệnh của họ; các quốc gia muốn tìm kiếm các đồng minh để làm bạn, không phải kẻ thù để chinh phục; và điều quan trọng nhất trên tất cả, các quốc gia chính là quê hương của những người yêu nước, của những người đàn ông và phụ nữ sẵn lòng hy sinh vì đất nước mình, vì đồng bào mình, và vì tất cả những điều tốt đẹp nhất trong tinh thần con người.

Nhớ lại chiến thắng vĩ đại dẫn đến sự ra đời của LHQ, chúng ta không bao giờ quên rằng những anh hùng đã chiến đấu chống lại cái ác cũng chiến đấu vì các quốc gia họ yêu mến.

Chủ nghĩa yêu nước đã dẫn dắt những người Ba Lan hy sinh bản thân mình để cứu đất nước Ba Lan, người Pháp đã đấu tranh vì tự do của nước Pháp, và người Anh đã đứng lên mạnh mẽ vì nước Anh.

Ngày nay, nếu chúng ta không chú trọng đến bản thân chúng ta, trái tim của chúng ta, và khối óc của chung ta trong đất nước chúng ta, nếu chúng ta sẽ không xây dựng các gia đình mạnh mẽ, cộng đồng an toàn, và xã hội lành mạnh vì bản thân chúng ta, thì không ai có thể làm điều đó cho chúng ta.

Chúng ta không thể đợi bất kỳ ai khác, các quốc gia đâu đó hoặc các quan chức xa xôi – chúng ta không thể làm điều đó. Chúng ta phải giải quyết các vấn đề của chúng ta, để xây dựng sự thịnh vượng của chúng ta, an toàn cho tương lai chúng ta, bằng không chúng ta sẽ dễ bị phân rã, thống trị và thất bại.

Vấn đề thực sự đối với LHQ ngày nay, đối với tất cả người dân trên toàn thế giới, những người hy vọng có được cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân họ và con cái của họ, là điều cơ bản sau: Chúng ta vẫn là những người yêu nước chứ? Chúng ta có yêu đất nước chúng ta đủ để bảo vệ chủ quyền của đất nước và nắm quyền làm chủ tương lai đất nước? Chúng ta có tôn kính đất nước đủ để bảo vệ lợi ích của nước mình, duy trì văn hóa quốc gia, và đảm bảo một thế giới hòa bình cho công dân của đất nước mình?

Một trong những người yêu nước Mỹ vĩ đại nhất, John Adams, đã viết rằng Cách mạng Mỹ “đã được thực hiện trước khi chiến tranh bắt đầu. Cuộc cách mạng đó đã ở trong tâm trí và trái tim của người dân”.

Đó là khoảnh khắc khi người Mỹ bừng tỉnh, khi chúng ta nhìn xung quanh và hiểu được rằng chúng ta là một dân tộc. Chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta là ai, giá trị của chúng ta là gì và chúng ta sẽ hy sinh mạng sống của mình vì điều gì, câu chuyện về nước Mỹ là câu chuyện về những gì có thể khi mọi người dân nắm lấy quyền làm chủ tương lai của họ.

Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã từng là một trong những lực lượng vĩ đại nhất vì sự tốt đẹp trong lịch sử thế giới, và là những người bảo vệ vĩ đại nhất cho chủ quyền, an ninh và sự thịnh vượng cho tất cả.

Bây giờ chúng tôi đang kêu gọi vì sự thức tỉnh quốc gia vĩ đại, vì phục hồi tinh thần của quốc gia, niềm tự hào, dân tộc và chủ nghĩa yêu nước.

Lịch sử đang hỏi chúng ta liệu chúng ta có làm nhiệm vụ này hay không. Câu trả lời của chúng ta sẽ là một sự đổi mới của ý chí, khám phá lại sự quyết tâm, và tái sinh lòng sùng kính. Chúng ta cần đánh bại những kẻ thù của nhân loại và mở ra tiềm năng của cuộc sống.

Hy vọng của chúng ta là một từ, và thế giới của các quốc gia đáng tự hào, độc lập, nắm bắt trách nhiệm của họ, tìm kiếm tình hữu nghị, tôn trọng nước khác và giải quyết vấn đề chung trong lợi ích chung lớn lao nhất: một tương lai của nhân phẩm và hòa bình cho người dân trên trái đất tuyệt vời này.

Đây là tầm nhìn thực sự của LHQ, là hy vọng từ xa xưa của mọi người dân, và là khao khát sâu thẳm nhất tồn tại trong mỗi linh hồn thiêng liêng.

Vì vậy hãy coi đây là sứ mệnh của chúng ta, và hãy coi đây là thông điệp của chúng ta gửi tới thế giới: Chúng ta sẽ chiến đấu cùng nhau, hy sinh cùng nhau, và sát cánh bên nhau vì hòa bình, vì tự do, vì công bằng, vì gia đình, vì nhân loại và vì Thiên Chúa toàn năng đã ban cho chúng ta tất cả.

Cảm ơn quý vị. Thiên Chúa ban phước cho quý vị. Thiên Chúa ban phước cho mọi quốc gia trên thế giới. Và Thiên Chúa ban phước cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Cảm ơn quý vị rất nhiều!

Xuân Thành dịch
_______
[*] tiêu đề nhỏ do chúng tôi tạm đặt.
»»  read more

27.9.18

tặng vật


1.
Món quà trở thành một tặng vật khi làm người ta nhớ mãi!
Hai món quà tôi được tặng từ hai người chị (chị và "chị") là hai cuốn truyện. Những tặng vật đó, dẫu ở những thời điểm khác nhau, nhưng với tôi, chúng đều là những tặng vật đầu tiên.

2.
Năm lớp bảy, đá banh gãy chân, vô nhà thương nằm, chị vào thăm và mang cho tôi cuốn Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến. Những chiếc lá bàng đỏ ối, những cành cây khô gầy mùa đông, những sương mù cô quạnh, những giọt mưa lạnh buốt, vòng hoa tang đỏ đơn chiếc dập dềnh theo vó ngựa chở cỗ quan tài ra nghĩa trang… những hình ảnh thê thiết và xa vợi của một Hà Nội cũ trong truyện luôn mãi ám ảnh tôi. Chị quý tôi lắm và khi tôi nằm viện, chị mượn vở bạn bè tôi để cặm cụi chép lại bài vở cho tôi, nhờ vậy dù mất mấy tháng không đến trường, tôi vẫn theo kịp chương trình học.
Về sau, mỗi khi chị em bất hòa, tôi luôn nhớ đến tặng vật của chị ngày xưa, để dễ dàng xóa tan tất cả mọi điều hờn giận, trách móc, để giữ gìn tình của chị và tôi vẫn trong trẻo và đầy thương yêu như thuở nào.

3.
Năm lớp mười, trong nỗi xao xuyến của tuổi tôi mười sáu, "chị" tặng món quà đầu tiên: cuốn Ví Dụ Ta Yêu Nhau của Nguyễn Thanh Trịnh. Khi giở lớp giấy hoa bọc món quà, đọc nhan đề của cuốn truyện, tôi nhói cả tim. Một cảm xúc lạ lùng mới mẻ hạnh phúc vỡ òa xâm chiếm lấy tôi. Tôi đang thương "chị" và tôi biết "chị" cũng rất thương tôi. Cái thương đang mong manh, mơ hồ muốn biến thành tình yêu. Cái thương đang mấp máy trên đôi môi này chờ đôi môi kia hé lộ: ví dụ ta yêu nhau?
Nhưng rồi, điều ví dụ đó mãi mãi trở thành ví dụ. Những biến động của năm bảy lăm, đẩy tôi và "chị" xa nhau, rồi xa nhau biền biệt. Những lần hiếm hoi tôi về lại quê, gặp "chị" những giây phút ngắn ngủi. Đã hơn bốn mươi năm rồi, mọi sự đã qua, mọi điều đã thay đổi, nhưng mỗi lần nhìn vào ánh mắt của "chị", tôi vẫn nhớ hoài cái cảm xúc tuyệt vời khi đọc dòng chữ: Ví Dụ Ta Yêu Nhau!

4.
Những khoảnh khắc có được một tặng vật đầy tình yêu thương là những khoảnh khắc hạnh phúc đi theo mình mãi mãi!
»»  read more

16.9.18

qua hà-giang



Đi ngang vùng Hà Giang, thấy những con ngựa gặm cỏ ven đường, thấy những người Mèo luôn có chiếc dao gài sau thắt lưng, chợt nhớ chuyện đường rừng võ hiệp của Hoàng Ly (*). Những câu chuyện của ông kể về một thời núi rừng xứ Bắc còn mịt mùng hoang sơ, đường đi trắc trở; về những bậc anh hùng cái thế hùng cứ mỗi phương, võ nghệ cao cường, cỡi ngựa như bay trên những dốc đèo, bắn súng pạc-hoọc trăm phát như một, múa gươm đao như hoa thu loạn bay; về những mối tình đẹp như thơ bên bờ suối khe, bên nương thuốc phiện hoa đỏ rực, bên rẫy ngô xanh mướt...

Đó là thời những vua Mèo, những thổ ty, xa cách triều đình, trở thành chúa một cõi. Các vương triều Việt Nam và người Pháp đều tìm cách thu phục họ và qua tay họ giữ gìn yên ổn cho một vùng biên cương xa xăm. Nguyễn Công Trứ từng đưa quân lên đánh đẹp những mầm mống phản loạn của vùng này.

Đến năm 1945, trong lúc tranh tối tranh sáng, mảnh đất Hà Giang nhỏ bé trở thành nơi tập trung của nhiều lực lượng vũ trang: (1) quân Tưởng Giới Thạch, (2) quân Quốc Dân Đảng VN, (3) quân người Mèo của Vàng Chí Sinh, (4) quân của thổ ty Nguyễn Châu, (5) quân của Việt Cách... Việt Minh, lấy danh nghĩa là quân đội của Chính phủ trung ương, do tướng Song Hào chỉ huy, dẫn quân lên để giải phóng vùng này. Những cuộc tiếp xúc, thương lượng khi cứng rắn, khi mềm dẻo, khi đánh nhau, khi đàm phán... đầy tình tiết gay cấn như trong tam-quốc-chí tranh hùng.

Cũng vậy, cùng thời điểm, ở Nam Bộ có nhiều lực lượng vũ trang của các phe phái chung mục đích chống thực dân Pháp: (1) quân Bình Xuyên, (2) Giải phóng quân liên quận, (3) quân Hòa Hảo, (4) quân Cao Đài, (5) quân Huỳnh Văn Nghệ... Chính phủ phải phái tướng Nguyễn Bình vào để tổ chức Hội nghị quân sự, thống nhất chỉ huy với tên chung là "Giải phóng quân Nam Bộ". Nguyễn Bình là vị tướng văn võ kiêm toàn, với mưu trí của con nhà võ, tính anh hùng mã thượng của giới giang hồ, vốn trí thức đầy đặn của con nhà văn, trong vòng 3 năm, ông đã thu phục những người đứng đầu các lực lượng vũ trang về một mối.

Quả là một thời ngang dọc.

*
Tất cả rồi cũng qua đi, như khi đứng trước dinh vua Mèo họ Vàng ở Sà Phìn, trên ngọn đồi Kim Quy mà thầy phong thủy phán là con cháu của ông sẽ hưởng lộc muôn đời, thấy thời gian đè nặng trĩu mái ngói rêu phong. Chỉ những cây sa-mộc đã trăm năm tuổi vẫn còn đứng đó, sẵn sàng làm chứng nhân cho những biến thiên dời đổi.
__________
(*) Nhà văn Hoàng Ly (1915 - 1981), tác phẩm: Một thời ngang dọc, Nữ tướng miền sơn cước, Thập vạn đại sơn vương...
»»  read more

15.9.18

một vòng núi rừng phương Bắc



Tôi vừa được đi một vòng 8 tỉnh: Hà Nội Thái Nguyên Bắc Kạn Cao Bằng Hà Giang Tuyên Quang Yên Bái Phú Thọ; theo phân chia địa lý chính thức, đây là vùng Đông Bắc; trong đó 6 tỉnh (Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái) còn gọi là Việt Bắc, chiến khu chống Pháp chín năm; khu vực núi rừng hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Ở đây, có cao nguyên đá tai mèo Đồng Văn (Hà Giang) ở độ cao 1600m được UNESCO công nhận là "công viên địa chất toàn cầu".

1. Là dân miền Trung, đèo núi với tôi vốn không lạ. Từng qua lại nhiều lần hai con đèo nổi tiếng Hải Vân (với danh xưng Đệ nhất hùng quan) và Ngoạn Mục, nhưng khi chạm mặt với những đường đèo xứ Bắc mới thực sự cảm xúc câu thơ: "ngàn thước lên cao ngàn thước xuống"... Những con đường đèo bé nhỏ như sợi chỉ vắt vẻo ngang lưng chừng những dãy núi đá vôi, một bên vực sâu thăm thẳm, một bên núi dựng mịt mùng; với những đoạn cua khúc khuỷu, quặt quẹo cả người.

Đoạn đường 1400km, chúng tôi đi không biết bao nhiêu con đèo: Gió, Cao Bắc, Tài Sìn Hồ, Mã Phục, Mã Pí Lèng, Thẩm Mã, Si Phai, Yên Minh, Chín Khoanh, Khau Phạ... mỗi cung đèo là một cảm giác mạnh, có khi lạnh cả sống lưng.

2. Vùng đất tuyệt đẹp và độc đáo này hấp dẫn du khách Tây ba-lô khá sớm. Chính họ là những người đầu tiên chịu khó leo đèo vượt núi lặn lội mò mẫm vào vùng này từ khi còn hoang sơ, khám phá và quảng bá nó ra toàn thế giới. Nhờ họ mà chúng ta giờ này được đi trên những cung đường được mở rộng, trải nhựa phẳng phiu. Nhờ họ mà chúng ta được chiêm ngưỡng những cánh ruộng bậc thang đẹp ngất ngây, những vùng đá tai mèo lởm chởm đá trong rẫy ngô, những núi sông hùng vĩ chớn chở, những chợ phiên vui như ngày tết rực rỡ sắc màu vùng cao. Nhờ họ mà chúng ta có những chỗ lưu trú tươm tất ở những góc xa xôi hẻo lánh.

Có khi, nhờ người ngoài, chúng ta mới thấy vẻ đẹp của đất nước mình!

3. Chủ nhân vùng đất này là các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Lô Lô... Đàn ông đánh bộ chàm đen, phụ nữ áo váy khăn mũ sặc sỡ nhiều màu sắc thổ cẩm, vòng tay vòng cổ hoa tai bằng bạc... Người Mông (còn gọi là người Mèo) là dân tộc đặc biệt, họ lập nhà rải rác ở nơi núi cao chót vót, gieo trong đá tai mèo từng vốc ngô mầm rau. Trên những sườn núi với độ dốc chóng mặt, cuộc sống của họ vẫn an nhiên tự tại qua ngàn đời giữa thiên nhiên hoang dã.

Chủ Nhật, nhằm phiên chợ Đồng Văn, Mèo Vạc, họ lọ mọ xuống núi từ chiều hôm trước, lầm lũi băng màn đêm để sớm mai đến chợ. Đàn ông xúm quanh nồi thắng-cố và bát rượu ngô, đàn bà lúi húi bán mua đổi chác để có những vật dụng cần thiết, lũ thiếu nữ trẻ con hớn hở xúng xính váy áo như trong những ngày Tết.

Đi trên đường, ngày ngày, vẫn thấy những người đàn bà Mông, dao rừng dắt lưng, cõng chiếc gùi đầy những thổ sản của rừng, cắm cúi với những con đèo dốc.

4. Cô chủ nhà nghỉ xinh xắn ở Đồng Văn, mời tôi quả táo. Thấy cô ấy ăn táo cả vỏ, tôi hỏi: 'Phải táo Tàu không?' 'Táo Tàu bác ạ!' 'Cô ăn cả vỏ không sợ thuốc à?' Cô ấy phá ra cười: 'Em vẫn ăn hàng ngày đấy. Bác ơi, người Tàu chả phun cái gì vào táo đâu! Chỉ có người Việt mới hại người Việt mà thôi!'

Người đẹp nói thường rất đáng tin. Tôi cắn nguyên quả táo ăn một cách ngon lành. Như ăn quả táo Mỹ ngày xưa!





»»  read more

28.8.18

ẩm giả lưu kỳ danh



Hắn vô bàn là kệ mẹ nó, không cần biết chủ xị là ai, có mời là tao uống, uống rất chăm chỉ, hễ sót tua nào là "kiện tụng" ngay.

Hắn chẳng màng chi tới chiện tính tiền, đóng góp cho bàn nhậu. Đã mời tao thì đương nhiên tao là khách VIP, ai trả cứ trả, ai góp cứ góp, tao khỏi móc bóp. (Hihi, mà nói thiệt, hắn có bóp đâu mà móc.)

Hắn chẳng cần góp chuyện chi với ai, cứ tì tì uống, tì tì nghe, tì tì lấp lánh đôi mắt khôn không chịu được dấu sau đôi mục kỉnh dày cui.

Lúc nào ngứa ngáy tột đỉnh chịu không nổi, hắn mới nhẹ hều buông ra một câu, sắc ngọt như dao lá lúa đâm vô mạng mỡ bạn bè.

Cỡ đó, rứa mà ai cũng thích cũng thương, hễ có độ nhậu là phải thỉnh hắn tới. Mà thỉnh hắn cũng đâu có dễ, phải lo chở hắn đi chở hắn về, hoặc phải lo xe ôm taxi, đưa đón cẩn thận.

*

Giờ hắn giũ bụi trần gian rồi.

Hắn đi, dường như lại mang đi luôn cái phong vị nhậu nhẹt bạt mạng, hồn nhiên như nhiên, không cần đối đãi, không lo dè chừng... ra khỏi những cuộc nhậu của bạn bè.

Để những "ẩm giả" còn lại, có đôi khi, đang rót bia mà lòng sao cứ ngơ ngác ngác ngơ.

28-8-2015
Để tưởng nhớ Phù Du Vĩnh Hiền
»»  read more

giấc mơ hải đăng

Tôi thích ngọn hải đăng, từ bé.

Đứng trên mỏm một mũi gành đá, dưới chân sóng biển tung trắng, đêm đêm phóng những luồng ánh sáng đi thật xa, trong mịt mùng, để giúp những con tàu vượt phong ba, hải đăng là hình ảnh người dẫn đường, lẫm liệt, kiên cường trước mọi thử thách.

Những tấm ảnh hải đăng, với chiếc tháp đèn sơn màu trắng, với dãy nhà trạm xinh xắn như những căn nhà điền dã, với hàng rào gỗ sơn trắng, với thảm cỏ xanh biếc vậy quanh, lại gây một cảm giác ấm áp và thanh bình.



Khi bé, tôi được kể hay đọc đâu đó câu chuyện về ngọn hải đăng, là đích đến không thành cho một chuyến thám du, của một nhóm người nhiều thế hệ. Trải qua mười năm, đi qua cuộc chiến tranh thế giới, những người bạn năm xưa lại tề tựu cùng nhau, kẻ mất người còn, quyết định làm lại ước mơ thăm ngọn hải đăng cũ. Trong truyện, ngọn hải đăng như một chứng nhân vượt thời gian cho niềm hi vọng không tắt của những nhân vật với nhiều mối quan hệ, cha con - bạn bè - anh em, với tình cảm sắt son không phai mờ giữa họ!

Thành ra, mong muốn đến với ngọn hải đăng, leo lên đỉnh đứng bên bao lơn thả tầm mắt ra thật xa ngoài đại dương, được ngủ một đêm cùng với những người giữ trạm, ngắm luồng ánh sáng mạnh mẽ vừa xoay tròn vừa phóng hai hình chữ V rực rỡ vào đêm tối; lang thang quanh trên gành đá với những bụi cỏ dài, với những thân cây như mang gió trong dáng hình cằn cỗi luôn là một ám ảnh thường trực, dài lâu mấy mươi năm.

Mỗi lần có dịp đi qua những con đường ven biển, biết hoặc thấy ở nơi kia, có một ngọn hải đăng rất gần, lòng vẫn xao động bồi hồi và niềm ước ao cũ lại dấy lên, như chiếc dằm trong da thịt.

Hôm kia, cùng vài người bạn, chúng tôi mò mẫm leo lên ngọn Mũi Điện, đoạn đường dốc hơn 1km, lên độ cao 100m, trong lúc sụp tối; ngắm vầng trăng rằm mờ mịt trong mây trước khoảng sân nhà trạm; ngủ một đêm trong không khí lặng phắc không một ngọn gió, nóng đến mức trằn trọc; thức dậy sớm lang thang trên gành đá lô xô đẹp tuyệt vời rồi leo lên đỉnh hải đăng nhìn mặt trời mọc lên từ biển, tỏa tia nắng đầu ngày ở điểm cực Đông trên đất liền.

Những giây phút sẽ chẳng bao giờ quên!
_________
Ảnh: từ internet và của anh Võ Thành Lân, bạn đồng hành chuyên đi Mũi Điện.















»»  read more

22.8.18

sách giáo khoa


Nhớ lại vài cuốn sách giáo khoa (SGK) thời đi học của tôi ở miền Nam (VNCH).
1. Thời trường xóm, trước khi vào Tiểu học. Quanh khu Chính Trạch (Đà Nẵng) con nít đều học vỡ lòng trường Thầy Nhuận.

SGK từ thời... Đông Pháp, với những câu dễ nhớ và nhớ mãi đến bây giờ: "Ngày nghỉ hè/ Ta về quê/ Nhà ta ở/ Mé bờ đê...", "Thằng Tô nghịch láo/Buộc pháo đuôi dê/ Dê nhảy tứ bề...", "Anh là Đào/ Tóc húi cao/ Da hồng hào/ Dáng khỏe mạnh..."

Ngôn ngữ theo giọng Bắc, hình minh họa cũng cảnh vật ngoài Bắc, tôi được làm quen với cái váy sồi, khăn mỏ quạ, gió bấc, mưa phùn, đường đê, nhà mái rạ, quả na, cá quả, bắp ngô v.v... từ cuốn SGK này.

2. Năm năm Tiểu học nằm trong diện cưỡng-bách của nhà nước, nên SGK đương nhiên cũng bị cưỡng-bách bỏ vào cặp sách của học trò. Tôi không nhớ hàng năm, mọi học sinh có được phát SGK mới hay không, nhưng cũng có khá nhiều cuốn SGK anh truyền em nối trong nhà tôi. Có thể là do sự tự giác (nhà mình có, thì không đòi hỏi trường phải phát thêm).

Một số cuốn Việt-Văn, Toán do tư nhân biên soạn cũng bổ sung vào cặp sách chúng tôi.

Tôi thích cuốn Thủ-Công, dạy gấp giấy đầu lân, làm lồng đèn, khâu giấy làm số tay... Những năm cuối Tiểu Học, xuất hiện những cuốn SGK do Trung tâm Học liệu (nhà nước) phát hành nhờ có viện trợ của nước ngoài, sách in đẹp, bìa cứng giấy trắng, hình minh họa nhiều màu. Qua cuốn Địa Lý, tôi lại được tiếp xúc với những từ-ngữ của miền Nam Bộ sông nước: bưng biền, kinh xáng, gành xẻo, nước rặc nước lừng, bần đước, cóc-kèn ô-rô...

3. Lên Trung học, hết "bao cấp", SGK phải mua. Bộ GD VNCH phải tập trung thực hiện chính sách cưỡng bách giáo dục cho bậc Tiểu học, nên "giao cho" tư nhân đảm trách SGK cho bậc Trung học. Thôi thì trăm hoa đua nở.

Đáng nhớ là 2 bộ SGK về sinh ngữ "độc quyền" và đeo đẳng đám học trò suốt những năm Trung học:

a/ Sáu cuốn English For Today dùng kèm Anh Ngữ Thực Dụng (do Lê Bá Kông biên dịch).

b/ Ngoài cuốn Le Français Élémentaire cho lớp 6, là bốn cuốn Cour de Langue et de Civilisation Française dùng kèm Ngôn Ngữ và Văn Minh Pháp (do Ban tu thư Tuấn Tú biên dịch).



4. Tuổi này, đôi khi nằm mơ, thấy mình còn lọ mọ đi học. Quái ác thay, những giấc mơ đi học luôn là những cơn ác mộng hãi hùng, nào là học dốt, thi rớt... Mà khi đó, trong tay chỉ là cuốn tập vở ghi chép sơ sài, bài có bài không, tiệt nhiên, không thấy cuốn sách giáo khoa nào hết!

Giật mình thức dậy, mới thở phào nhẹ nhõm, khi biết thời đó qua rồi!
»»  read more

6.8.18

ngày ấy


1. ĐỐI DIỆN

Nhớ hồi trung học, trong lớp, có thằng bạn bị anh em xầm xì sau lưng: "hắn là việt cộng đó mi!".

Hắn thường chuyển cho tôi đọc tạp chí Đối Diện, có khi nguyên cuốn, có khi chỉ vài tờ của một bài báo. Những dòng chữ, trong suy nghĩ của tôi, "sặc mùi cộng sản", rất đáng sợ. Sau này, biết thêm, tờ tạp chí có số phận truân chuyên lên bờ xuống ruộng qua cả 2 chế độ suốt mười năm (1969-1978)

Tạp chí Đối Diện (ở miền Nam Việt Nam) do linh mục Chân Tín làm chủ nhiệm, chủ trương lên án những bất công của xã hội, đòi cải thiện chế độ lao tù, chống sự hiện diện của người Mỹ, đòi hòa bình. Chỉ một năm sau, từ số báo 11 (1970) Đối Diện đã trở thành tờ báo bị chính quyền "khủng bố trắng": tịch thu báo, đưa chủ nhiệm ra tòa tuyên phạt tù 5 năm, đe dọa người đọc, gây khó dễ chuyện in ấn... Nó trở thành món hàng quốc cấm được lén lút chuyền tay nhau để đọc, người tàng trữ có thể bị rắc rối với chính quyền.

Ai dính dáng tới Đối Diện, có thể ngầm hiểu, người đó dính dáng tới Việt Cộng.

Để duy trì tờ báo, những người chủ trương chơi trò cút bắt với chính quyền. Đối Diện bị cấm; họ ra tờ báo mới mang tên ĐD; ĐD lại bị cấm, họ lại ra tiếp tờ Đồng Dao; Đồng Dao bị cấm, lại có tờ Đứng Dậy. Cứ 2 chữ Đ và D quần thảo nhau miết tới tháng 4/1975.

Sau 3 tháng chộn rộn, Đứng Dậy được tục bản số 70 ngày 04/7/1975, chủ nhiệm Chân Tín, tổng biên tập Nguyễn Ngọc Lan. Cùng với Tin Sáng, đây là 2 tờ báo miền Nam được tiếp tục xuất bản.

Và từ đó, vở bi hài kịch mở màn. Đứng Dậy lại tiếp tục sứ mệnh "chống bất công xã hội" nhưng lần này, trong chế độ cộng sản. Ngày trước, dù có bị "khủng bố", nhưng với chế độ dân chủ VNCH, các ông vẫn có thế lách luật để ra báo, chống Mỹ và chính quyền đến cùng. Còn bây giờ, với 44 số báo từ 1975-1978, nhà cầm quyền mới không chịu nổi những bài báo nói lên sự thật, tờ Đứng Dậy bị đình bản [vĩnh viễn] ở số 114 (12/1978).




Hai vị chủ sự là Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, dù không đi tù, nhưng bị giam lỏng, người đi đày ở tuốt Cần Giờ, kẻ quản thúc tại gia.

2. NGỌC THỨ LANG

Thế hệ tôi và trên tôi, ở miền Nam, có đọc sách, ai cũng đã từng nghiền ngẫm cuốn Bố Già (The Godfather của Mario Puzo) được dịch bởi Ngọc Thứ Lang.

Hai chữ "Bố Già", tất nhiên, không phải do Ngọc Thứ Lang sáng tạo ra; nó là từ khá thông dụng để chỉ một ông già chịu chơi, có uy tín hoặc quyền lực. Thời đó ở Saigon, giới văn nghệ sĩ đã gọi ông Nguyễn Đình Vượng, chủ nhiệm tạp chí Văn là "Bố Già Vượng". Cái độc đáo của Ngọc Thứ Lang là đã dùng hai chữ này để đối dịch The Godfather (cùng những từ ngữ giang hồ, bặm trợn, có phần dung tục trong suốt bản dịch) đã lột tả thật trọn vẹn nguyên tác.

Về sau này, có hai bản dịch The Godfather, một của Đặng Phi Bằng, một của Trịnh Huy Ninh- Đoàn Tử Huyến. Cả hai đều lấy tên sách là Bố Già, như một tuyệt-ngữ, không-ai-thay-đổi-được. Chợt nghĩ, nếu Ngọc Thứ Lang đăng ký độc quyền cái nhan đề này, thì chắc chắn các vị đi sau cũng đành buông bút!

Ngọc Thứ Lang, lúc lên voi "ăn diện như một tay chơi thứ thiệt: áo sơ mi hàng nhập từ Paris sang chỉ có trong một cửa tiệm trên đường Tự Do, đồng hồ vuông mặt đen, mũ mossant, cặp da, hút thuốc lá Phillip Morris vàng loại King size, bật lửa Dupont, cơm Tây, rượu chát..." lúc xuống chó thì thành một "người đàn ông gầy ốm, mặt nhỏ choắt, mặc chiếc sơ mi màu cháo lòng, tay áo thả dài xuống lấp cả hai bàn tay..." (*) Năm 1976, do ghiền ma túy, ông bị đưa vào trại cải tạo và mất ở đó năm 1979, chưa đầy 50 tuổi, không vợ không con.

  

______
Thử tra tìm chân dung của ông, nhưng buồn thay, chỉ thấy ảnh Bố Già do Marlon Brando thủ vai trong bộ phim cùng tên. Bộ phim này nhập cảng vào Saigon đầu năm 1975, nhưng đã không kịp chiếu!
(*) Hai hình ảnh về Ngọc Thứ Lang từ hồi ức của Hoàng Hải Thủy (lúc lên voi) và Nguyễn Xuân Hoàng (khi xuống chó).

3. ÔNG GIÁN ĐIỆP 
Hơn chục năm viết lách, ông có hơn 30 đầu sách rất ăn khách ở miền Nam VN.

Là truyện phản gián, nhưng trong đó đầy ắp kiến thức về những vùng đất, quốc gia trên thế giới; về văn hóa, văn chương, khoa học; về các loại vũ khí và võ thuật; về rượu và cả đàn bà :p v.v...

Ở cái thời mà chỉ có một đường tra cứu qua sách vở nước ngoài (Pháp-Anh), đáng bái phục khi tác giả có những kiến thức rộng khắp như vậy.

Người đọc được ông đưa đi khắp thế giới, từ Châu Âu (Bóng ma trên Công Trường Đỏ, Mây mưa Thụy-Sĩ, Ba-lê mắt biếc môi hồng, Đêm loạn Hamburg, Tây Ban Nha 200 tấn vàng đẫm máu...) đến Châu Á (Bhutan sấm sét rừng khuya, Cát-sơ-mia sông máu thuyền hoa, Hận vàng Ấn Độ, Bắc Kinh 72 giờ nghẹt thở ...) và vùng Đông Á (Máu loang Chùa Tháp, Macao trinh nữ giang hồ, Bí mật Hồng Công, Mèo Xiêm Cọp Thái, Hồn ma Diến Điện, Vạn Tượng khói lửa, Cạm bẫy trên giòng Chao Phya...), tới châu Mỹ (Cuba đêm dài không sáng, Hạ Uy Di đáy biển mò kim, Rio đảo tình bốc cháy, Người đẹp Qui-tô...) Đặc biệt là đến miền Bắc Việt Nam (Vượt tuyến - điệp vụ bên kia vĩ tuyến 17).



Ông là Người Thứ Tám, tác giả serie tiểu thuyết gián điệp Z.28 (nhân vật chính đại tá tình báo Tống Văn Bình). Tiểu sử và hành trạng của ông cũng khá bí hiểm, như thể loại văn chương của ông.

Lượm lặt vài thông tin ít ỏi: Ông tên thật là Bùi Anh Tuấn, sinh năm 1925, quê Thanh Hóa, 1954 di cư vào Nam. Một con người "điềm đạm, nhã nhặn, nghiêm túc trong tiếp xúc với bạn bè, trong công việc; ... không bao giờ la cà trong các chốn trà đình tửu quán. Nếp sống của anh dành hoàn toàn cho mái ấm gia đình, cho sự chăm sóc bà vợ vốn tình trạng sức khoẻ không được tốt lắm; sau các việc hàng ngày. Anh phục sức, mang dáng dấp của một thông tín viên Âu Mỹ thời đó đến Saigon."

Thời trẻ, ông là đảng viên Quốc Dân Đảng, bị Việt Minh bắt giam ở trại Đầm Đùn khét tiếng và học tiếng Anh từ một người bạn tù. Chắc chắn, vốn liếng 'ngoại ngữ mới' này giúp ông rất nhiều trong cuộc sống một người di cư ở miền Nam VN thời Mỹ. Sau 1975, ông di tản ra nước ngoài và gần như bặt tiếng giang hồ.

May mắn là có nhiều tiểu thuyết của ông được tải trên internet, những độc giả yêu quí Z.28 có thể đọc lại những áng văn từng làm mê mải mình thời tuổi trẻ!
______
Ảnh: Hình bìa sách đặc trưng của serie Z.28; đơn giản, nhất quán, không màu mè.
»»  read more

9.7.18

frankenstein

Năm 1972, Mỹ bắt tay với Trung Cộng. Hậu quả nhỡn tiền là hai đồng minh của Mỹ là Đài Loan và VNCH đều bị bỏ rơi.

Đài Loan, một trong tứ cường thành viên Hội đồng bảo an, phải xách cặp rời khỏi Liên hợp quốc; một đất nước độc lập trở thành một "vùng lãnh thổ chưa thu hồi" của Trung Cộng và đang bị Đại Lục o ép tứ bề.

VNCH bị Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa 1974 và sau đó không còn nhận viện trợ từ Mỹ, mau chóng thất trận vào tháng 4/1975.

Các trào tổng thống Mỹ sau đó đều hân hoan với mối quan hệ Mỹ – Trung và sự biến Liên Xô-Đông Âu sụp đổ đã khiến họ càng ngây ngất hơn. Người Mỹ đã đổ tiền của, thông tin, kinh nghiệm, kỹ thuật... vào Trung Quốc với hy vọng khi giàu có thịnh vượng, quốc gia này sẽ hướng đến với những giá trị dân chủ văn minh của thế giới tự do.

Nhưng họ đã lầm, như Nixon cay đắng thú nhận vào cuối đời: "Chúng tôi đã tạo nên con quái vật Frankeinstein!" (một con quái vật kinh khủng dạng người được bác sĩ Frankeinstein tạo ra và sau này trở nên mạnh mẽ đến mức khống chế cả người sinh ra nó). Trung Quốc đã trỗi dậy thành một cường quốc hung hăng nham hiểm và dần dần đang bắt thế giới chơi theo luật của mình.

Mỹ có tỉnh ngộ và sửa sai chăng?
____________
Trông người lại nghĩ đến ta, tiền của từ đầu tư nước ngoài đã giúp Việt Nam vượt qua cơn suy thoái cách đây 30 năm đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thế giới có lầm lẫn khi suy nghĩ: "Sự thịnh vượng về kinh tế sẽ khiến Việt Nam trở nên dân chủ và tự do hơn."???
»»  read more

1.7.18

tour cội-nguồn


1. Nhớ ngày trước, đọc "Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà" thấy Victor Hugo miêu tả Paris với những chi tiết thật sống động. Tưởng chừng như ta có thể biết rõ từng viên đá lát đường, từng góc phố, từng quái tượng trên tận nóc Notre Dame. Đến nay, người ta nói có thể lần giở những trang sách và tìm được chính xác nơi nhà văn đã mô tả. Các thành phố châu Âu còn nguyên vẹn khá nhiều qua trăm năm thời gian.

Dan Brown cũng cho ta những trải nghiệm tương tự. Trong "Cội Nguồn", ta có thể thấy không gian sống động của các thành phố Tây Ban Nha, nơi các nhân vật đã cùng nhau vượt qua từng thử thách. Nếu tổ chức một tour du lịch đến từng địa điểm sẽ là một cuộc du hành thú vị.

2. Đầu tiên chúng ta sẽ đến Bảo tàng Guiggenheim của thành phố Bilbao, nơi diễn ra buổi công bố phát minh của thiên tài công nghệ máy tính - tỷ phú Edmond Kirsch dẫn đến vụ ám sát ông (một công bố được coi là sẽ làm sụp đổ mọi tôn giáo). Đây là một kiến trúc hiện đại nổi tiếng của Frank Gehry, với những tấm titan màu trắng bạc uốn cong mọi hướng như một đóa hoa mãn khai khổng lổ. Mô-tip này còn được ông sử dụng ở nhiều công trình khác: Walt Disney Concert Hall (Los Angeles), Fondation Louis Vuitton (Paris), Weisman Art Museum (Minneapolis)...

Băng qua cầu dây văng La Salve với cái trụ chữ H màu đỏ, ta du hành một đoạn trên sông Nervion bằng water-taxi, đến sân bay Bilbao và làm một chuyến bay sang Barcelona.

Cầu La Salve - bên sông Nervion cùng toàn cảnh bào tàng Guiggenheim và con nhện Maman.
3. Ta sẽ thăm Casa Mila, một kiến trúc dị kỳ của Antonio Gaudi. Một tòa nhà sáu tầng có mặt tiền uốn lượn như những đợt sóng, những ban-công ưỡn bụng với tấm lan can như đám dây leo cựa quậy vươn lên tầng không. Trong truyện, E. Kirsch trú ngụ tại đây, trên tầng thượng và GS Langdon đến đây tìm mật mã để mở bài thuyết trình, dở dang vì cái chết của Kirsch. GS muốn công bố cho toàn thế giới bài thuyết trình này, hoàn tất ý nguyện của người đã mất.

Từ manh mối tìm được ở Casa Mila, Langdon bay đến một tác phẩm khác, khổng lồ theo mọi ý nghĩa, của Gaudi, đó là Sagrada Familia. Một thánh đường công giáo cao nhất châu Âu với cái tháp 172m, một kiến trúc xây dựng xuyên thủng cả thế kỷ 20, khởi công từ 1882 và dự kiến hoàn thành vào 2026 (!). Một kiến trúc kỳ dị kiểu Gaudi, thoạt trông như một tòa lâu đài bằng đất sét, vừa vươn lên cao vừa tan chảy xuống, thành những ngọn tháp nhọn phủ đầy vi vảy, những mặt tiền đầy tranh tượng hoa lá và khá lạ lùng là những phù điêu toàn các con chữ, những cột trụ nghiêng ngả tạo nên lối vào...

Nấm mồ của tác giả nằm trong hầm mộ của tác phẩm. Ta sẽ đốt một ngọn nến, tưởng nhớ Gaudi, một quái kiệt kiến trúc của mọi thời đại. Tại đây, Langdon đã nắm rõ mật mã để mở bài thuyết trình của E. Kirsch, qua cuốn sách Toàn tập của họa sĩ-thi sĩ William Blade, người chỉ cho ta thấy "thế giới trong một hạt cát".

Đào thoát khỏi khỏi cuộc truy lùng ở Sagrada Familia, Langdon dẫn ta đến đại-bản-doanh của Kirsch, nơi có cỗ máy-tính-lượng-tử có sức mạnh xử lý vượt xa mọi máy-tính-nhị-phân.

Tòa nhà đó có tên Super Computing Barcelona, một địa điểm CÓ THẬT mà tưởng như được sinh ra trong trí tưởng tượng hư cấu của Dan Brown. Trong tòa nhà này, cũng đang hiện diện một siêu máy tính. Tất nhiên, không phải là cỗ máy của Kirsch.

4. Cỗ máy-tính-lượng-tử của E. Kirsch, trong truyện, đã giúp ông tìm ra câu trả lời cho hai câu hỏi lớn của loài người:

"CHÚNG TA SINH RA TỪ ĐÂU?" và "CHÚNG TA SẼ ĐI VỀ ĐÂU?"

Hai câu hỏi mà chính mỗi con người không ít lần tự hỏi và luôn mong ngóng được trả lời rốt ráo.
_____
Tour "Cội Nguồn" tạm dừng ở đây, xin quí vị chuẩn bị tiền tip cho tourguide như thông lệ. :p
»»  read more