30.4.18

rock balancing

Xếp đá thăng bằng (rock balancing) là một nghệ thuật đáng kinh ngạc. Người nghệ sĩ tạo nên tác phẩm cheo leo từ những viên đá ngẫu nhiên với đôi tay cực kỳ nhạy cảm.

Những tác phẩm thường được dựng bên bờ biển, sông suối, trong rừng cây... đầy vẻ cô tịch và vắng lặng. Chúng chẳng bền lâu, một chấn động nhỏ, một làn gió nhẹ đều có thể làm chúng sụp đổ.

Nhìn ngắm chúng, ta có thể nghĩ về cái mong manh của phận người được sắp đặt ngẫu nhiên từ những mảnh vụn của tạo hóa.

Nhìn ngắm chúng, ta lại có thể nghĩ rằng: những-đoạn-đời đã đi qua cũng giống như những viên đá kia, dẫu to hay bé, dẫu xấu hay đẹp, dẫu vuông tròn hay sứt mẻ..., cũng luôn có một cách sắp xếp để chúng thăng bằng trong cuộc sống của mỗi con người.
_______
các tác phẩm của Pontus Jansson





»»  read more

29.4.18

ba đoạn nhân sự kiện hàn-triều

I
Sáng nay, mới rõ là các FBker Việt Nam cực kỳ am tường chuyện Triều Tiên, đánh giá quá khứ đến nhận định tương lai của bán đảo Cao Ly này như những bình luận gia chính trị quốc tế lão luyện.

Bất ngờ nhất là chuyện Kim Jong Un, té ra hình ảnh một tay độc tài, hung ác, nham hiểm khó lường... là do truyền thông "đế quốc" dựng lên; chứ thật ra đó là một thanh niên có quá khứ học hành ở nước ngoài được thầy yêu bạn mến, một lãnh tụ xuất sắc ngoan cường trước mọi sức ép của ngoại bang, kể cả quan thầy, đồng thời là một chính trị gia chín chắn, đường hoàng trong xử sự, cởi mở và ý nhị trong lời nói...

Nghe rằng, Kim còn có giọng nói mang âm hưởng Thụy Sĩ (?) và có cách viết chữ nghiêng và hướng lên trên. Kiểu chữ này thường thấy ở những người tự tin, dễ thành công và có tố chất một lãnh đạo rất quyết đoán

Đúng là một hotboy, ý hỏng phải, một soái ca của thời đại thì đúng hơn.

II
Chấm dứt vĩnh viễn thù địch Hàn - Triều. Giải trừ vũ khí hạt nhân để bán đảo Cao Ly trở thành khu vực phi hạt nhân. Hợp tác kinh tế và cho phép công dân đi lại giữa hai quốc gia.

Thế là "hương thanh bình dâng phơi phới" rồi! Chẳng cần gì phải đòi thống nhất hai miền. Ai ở yên nhà nấy chăm lo làm ăn. Đất lành, chim sẽ về đậu.

III

Sự kiện Hàn - Triều gặp nhau ngay thời điểm 30/4 làm người Việt bỗng dưng đầy tâm trạng. Tôi tự nhủ, năm nay sẽ không viết gì về ngày 30/4 này nữa, thế mà cũng phải động bút.

1. So sánh bao giờ cũng khập khiễng, so sánh lịch sử giữa các quốc gia càng tối khập khiễng. Hàn-Trều chẳng có gì giống Việt Nam.

Dân Việt nhận lãnh hậu quả của lịch sử như thế nào là do tầng lớp tinh hoa của dân tộc chọn lựa con đường và dân chúng buộc phải đi theo. Nhìn lại, thuở 1945, Trần Trọng Kim nhanh chóng giao chính quyền vào tay Việt Minh và miền Nam ngày trước, hầu hết tầng lớp trí thức đều thân cộng, chống Mỹ, chống (hoặc bất hợp tác với) chính quyền VNCH, hầu hết những người lính đều bất đắc dĩ phải cầm súng, dân chúng cũng ngầm ủng hộ "người đàng mình". Họ nghĩ tự do dân chủ là chuyện đương nhiên như khí trời, không cần phải đổ tâm trí máu xương để bảo vệ. Đến khi mất tất cả họ mới dần sáng mắt ra!

2. Thật mừng khi chương sử Hòa bình trên bán đảo Korea đang được viết những dòng đầu tiên.

Và nhớ, khi Hiệp định Paris về chiến tranh VN được ký kết, biết bao người đã hy vọng như vậy. Người ta ngây thơ nghĩ là Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã hoàn tất VN sẽ có hòa bình mà quên đi câu thơ chiến lược: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!"

Giấc mơ sum họp đã thành sự thật nhưng có vui hơn hay không thì vẫn là câu hỏi của ngày mai.

3. Trong đoạn một, tôi có viết là "chẳng cần phải thống nhất Hàn - Triều". Đó không phải là một nhận định chủ quan, mà là một sự thật của lịch sử. Chưa từng có cuộc thống nhất đất nước nào giữa một chế độ độc tài và một chế độ dân chủ mà mang lại điều tốt đẹp cho người dân cả! Hoặc nói một cách khác, thống nhất chỉ cần thiết khi không còn chế độ độc tài!
»»  read more

22.4.18

chuyện chép từ Cuốn Sách Cũ (6)

Trong nhà tôi có một chú chuột nhắt. Chú bé tí như một quả chuối luộc, có điều quả chuối này không phải màu vàng, mà là màu xám, có lông, có đuôi, có cặp mắt láo liên và đôi tai vểnh. Mũi miệng chú luôn động đậy và đầy râu.

Chú ở đâu trong nhà thì không rõ, ban ngày không thấy, nhưng đến đêm, chú sột soạt bò đi. Tiếng động ấy bé lắm, ba mẹ tôi chẳng hề nghe, nhưng tôi lại nghe rất rõ. Vì dường như chú vừa đi vừa thì thầm nói cái gì đó với tôi, đại loại là chị ngủ chưa, hôm nay có vui không, em đang đi tìm cái ăn đây, đói bụng quá...

Chú lục xục chỗ này chỗ kia, gặm nhấm mấy mẩu trái cây, liếm láp hộp yaourt, mẹ chưa dọn, còn vương vãi trên mặt bếp. Dấu tích thường xuyên nhất là vết răng trên miếng xà bông thơm trong phòng tắm, lam nham cả bốn phía. Mẹ tôi nói chú cần chất béo. Coi phim hoạt hình tôi biết chuột rất thích phô-ma. Phô-ma cũng béo, nên thỉnh thoảng tôi lại để dành cho chú một miếng ở góc nhà. Được món khoái khẩu, thế nào tối đó, chú cũng suỵt soạt lời cảm ơn đến tôi.

Mỗi khi kể cho mẹ tôi về vụ chuyện trò giữa tôi và chú chuột nhắt, mẹ thường vờ như không quan tâm, coi đó là những tưởng tượng bá láp của con bé ba tuổi. Y chang như khi tôi kể chuyện bà phù thủy bay trên cán chỗi vòng quanh bốn góc mùng với bốn con ma nhiệt liệt vỗ tay. Không phải chỉ mẹ, mà ba tôi, ông bà nội cùng bà ngoại cũng có một phản ứng giống hệt nhau.

Chỉ có một người chăm chú nghe tôi kể với đầy sự hào hứng là ông ngoại. Không những nghe, ông ngoại còn biết rõ tên tuổi tất cả những nhân vật của tôi nữa. Ông ngoại bảo chú chuột nhắt trong nhà tôi tên là Pi-Tơ. Khi tôi lẩm nhẩm: "Sao nó không mang tên Pi-Tô nhỉ?", ông ngoại giải thích: "Chó mới mang tên Tô, mèo sẽ mang tên Ty và chuột mang tên Tơ." Và điều kỳ thú nhất là ông ngoại sẽ kể tiếp những câu chuyện hấp dẫn về những nhân vật đó và nhất định, trong chuyện luôn có một nhân vật quan trọng nhất. Đó là tôi - bé Sơ-Ri.

Ông ngoại kể cho tôi nghe chuyện của Pi-Tơ và tôi - bé Sơ-Ri như vầy.

Có một ngày, mẹ đi chợ và bé Sơ-Ri được ở nhà một mình. Nhà vắng lặng và chuột Pi-Tơ xuất hiện, chú thập thò trong đám đồ chơi hỗn độn của bé Sơ-Ri : “Chào chị Sơ-Ri, chị có thích qua nhà em chơi không?” “Nhà Pi-Tơ ở đâu?” “Dưới chân cầu thang, bên cạnh cái máy giặt.” “Ô, nhà bé xíu thế này, sao chị xuống được?” “Không sao, chị lại đây, em sẽ rắc cho chị ít bụi kim tuyến, chị sẽ bé lại bằng em.” “Thích quá, nhưng chờ chị mang theo hộp đồ chơi Wanado.” (Wanado là những lọ đất sét nặn, nhiều màu dành cho trẻ con chơi).

Thế là bé Sơ-Ri được vào nhà của Pi-Tơ. Ôi, cái hang bé xíu nhưng đầy đủ chẳng thiếu thứ gì. Một cái tủ quần áo bằng cái hộp giấy, có cánh cửa mở đóng. Bàn ăn là cái nắp nhựa vuông to màu đỏ, bốn cái ghế là bốn nắp nhựa nhỏ tròn với bốn màu vàng xanh tím trắng, chúng đều không có chân, Pi-Tơ bảo là theo phong cách Nhật thời hiện đại. Giường ngủ là một hộp thiếc hình bầu dục, lót chặn nệm cẩn thận, hoa văn ca-rô rất điệu đàng. Một cái đèn led xài pin, có nút tắt mở hẳn hoi. Nền nhà sạch như lau như ly.

Bé Sơ-Ri và Pi-Tơ chơi đùa đủ trò, nào lăn những hòn bi thủy tinh lóng lánh, nào nặn đất sét các con giống, nào trốn tìm, nào bịt mắt bắt dê... Chơi chán chê đến khi nghe tiếng lách cách ngoài cửa và tiếng mẹ gọi. Bé Sơ-Ri bảo: "Pi-Tơ, chị về đây!"

Đang cơn hào hứng bị cắt ngang, Pi-Tơ mè nheo: "Hông, chơi với em tí nữa" "Không được, mẹ không thấy chị ở nhà sẽ lo lắng tưởng ai bắt chị đi mất rồi." "Hông, hông và hông. Em không rắc bột kim tuyến, chị sẽ không lớn trở lại đâu!" Bảo một hồi mà chú chàng vẫn lì lợm không nghe. Trong khi mẹ đã mở khóa sắp vào nhà. Trong đầu bé Sơ-Ri chợt lóe lên một ý. Bé Sơ-Ri nhanh tay, lấy đất sét nặn một chú mèo thật to, thật dữ tợn và bảo Pi-Tơ: "Chị sẽ cho chú mèo này sống trong nhà em nhé!"

Nhìn chú mèo trong tay bé Sơ-Ri , Pi-Tơ sợ thất thần, rối rít: "Ối ối, em sẽ rắc bột kim tuyến cho chị, chị mang con mèo ghê gớm này đi giùm em!"

Thế là bé Sơ-Ri ra khỏi nhà Pi-Tơ, vừa kịp chào khi mẹ mở cửa. Mẹ chỉ nói: "Sao chơi gì trong góc tối om vậy con!?"

Rất lâu rồi, câu chuyện này là một bí mật chỉ tôi - bé Sơ-Ri và ông ngoại biết mà thôi. Đến giờ, bạn là người thứ ba được biết đấy nhé.
»»  read more