28.1.13

lục bát tinh tuyền

 Viết nhân ngày Phạm Duy ra đi (27/1/2013)

1.
Lục bát là thể thơ truyền thống Việt Nam, rất giàu nhạc tính. Người ta có thể hát lên, hò lên... từ một câu thơ lục bát. Hầu hết các điệu dân ca Việt bắt nguồn từ thơ lục bát! Các cụ ngày xưa làm nhạc rất tài. Để thoát ra khỏi cái nhạc tính đậm đặc của lục bát, các cụ phải sáng tạo làn điệu, thêm thắt hư từ (những ố mấy, tang tình, cái mà, ư ứ ừ...)

Quạ kêu nam đáo nữ phòng/ Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương...
Ngựa ô anh khớp kiệu vàng/ Anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh...
Trống cơm khéo vỗ nên bông/ Một bầy con xít lội sông đi tìm...
Hôm qua ngồi tựa mạn thuyền/ Trăng in mặt nước càng nhìn càng xinh...

Nhiều lắm những câu thơ lục bát biến hóa trở thành những làn điệu dân ca bất hủ.

2.
NS Phạm Duy
Phổ thơ đã khó, phổ thơ lục bát càng khó hơn. Phổ không khéo, giai điệu bài hát sẽ bị tiết tấu đầy sức mạnh của lục bát biến nó thành một kiểu hát thơ có vần. Các nhạc sĩ sau này, học theo các cụ, cũng phải biến đổi ca từ lục bát để phổ nhạc vào thơ. Số ca khúc phổ thơ lục bát cũng không nhiều, các nhạc sĩ cũng hiểu đụng vào lục bát là cực khó!

Trong Tiếng Sáo Thiên Thai, từ nhịp điệu sáu tám của Thế Lữ:

Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn...

Phạm Duy cũng phải biến hóa đi. :

Xuân tươi!/ Êm êm ánh xuân nồng,/ Nâng niu sáo bên rừng,/ Dăm ba chú Kim Đồng...
(Hò xàng xê) Tiếng sáo,/ Nhẹ nhàng lướt cỏ nắng,/ Nhạc lòng đưa hiu hắt,/ Và buồn xa buồn vắng,/ Mênh mông là buồn!

3.
Ngày càng tinh, với cảm hứng từ những bài thơ lục bát của Phạm Thiên Thư, Phạm Duy đi sát vào tiết tấu của thể thơ này.

Còn dùng một ít kỹ xảo, lập lại lời, thêm ít ối a, pha loãng nhịp trong Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu:

Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn/ Bóng ai cắp rổ lên cồn hái dâu.
Tiếng nàng hát vọng đôi câu/ Dừng tay viết mướn lòng sầu vẩn vơ...
...
Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn/ Áo nhuộm hoàng hôn, áo nhuộm hoàng hôn/ Bóng ai cắp rổ cắp rổ lên cồn/ Lên cồn hái dâu hái dâu.. Tiếng nàng hát vọng đôi câu/ Hát vọng đôi câu, hát vọng đôi câu/ Dừng tay viết mướn ối a lòng sầu/ Lòng sầu vẩn vơ vẩn vơ sầu..

Đến Đưa Em Động Hoa Vàng, Phạm Duy đã như nắm được cái thần của lục bát, giữ nguyên nhịp điệu và lời thơ.

4.
Tuyệt phẩm phổ thơ lục bát của Phạm Duy là ca khúc Ngậm Ngùi, thơ Huy Cận. Phạm Duy gần như đã không thêm bớt một chữ nào trong lời thơ, chỉ một chút lập lại vẫn nhịp nhàng lục bát : 

Ngủ đi em, ngủ đi em. Ngủ đi mộng vẫn bình thường à ơi có tiếng thùy dương mấy bờ 

Trên cái nền của hai câu sáu tám đuổi nhau, ông phổ nên một giai điệu êm mơ của buổi chiều tà, một serenade - dạ khúc, một khúc ru của tình yêu khi em vừa khép mắt khi nắng vàng vừa chớm tắt! Như ông vừa thấu được cái tinh tuyền của bài thơ lục bát!

Giai điệu ma mị làm đắm hồn người nghe, làm đắm điệu lục bát. Chỉ còn những âm thanh mềm dịu rụng rơi xuống theo những nốt nhạc cuối nặng như một trái sầu!

Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đâỵ
 
Lòng anh mơ với quạt này,
trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em mộng bình thường,
ngủ đi em mộng bình thường.
Ru em sẵn tiếng, thùy dương đôi bờ.

Ngủ đi em, ngủ đi em.
 

Ngủ đi mộng vẫn bình thường
à ơi có tiếng thùy dương mấy bờ
Cây dài bóng sẽ ngẩn ngơ
Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau
Tay anh em hãy tựa đầu
cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi!


5.
Có lẽ mãi về sau, sẽ không có ca khúc phổ thơ lục bát nào vượt qua nổi Ngậm Ngùi!

***






»»  read more

27.1.13

chữ

Gần Tết, nhớ Chữ.

Lâu nay cứ nghe nhan nhản mọi nơi mọi lúc ba chữ: Tâm, Tầm, Tài...

Từ báo lề trái sang báo lề phải, từ trung ương tới địa phương, từ chốn thanh cao đến chỗ bụi đời.

Bác lãnh tụ tối cao cũng yêu cầu: đầy tớ nhân dân phải có Tâm có Tầm có Tài. Quý vị doanh nhân cũng đăng đàn giảng dạy: đi buôn cũng phải đủ Tầm, Tài, Tâm. Các nhà thơ văn cũng đòi hỏi: tác phẩm phải đầy ắp Tâm, Tầm, Tài. Đi nhậu, ngà ngà bia, cũng có ông phán: nhậu phải có Tài, có Tâm, có Tầm - (diễn nôm là có tiền dắt túi, có lòng bụng đựng bia, và nhìn thấy đường về).

Líu cả lưỡi. Chối cả tai. Tiền lạm phát đã đành, chữ nghĩa dạo này cũng học đòi... lạm phát! Ba chữ vần T ở tầm cao ni cứ làm miềng liên tưởng một cách phản động tới bốn chữ vần T ở tầm... tối ám: Tình, Tiền, Tù, Tội...

Tâm, Tầm, Tài

Thế giới người ta đi băng băng lên phía trước nhờ ngày càng chuẩn hóa mọi sự, bằng tiêu chí, bằng luật lệ, bằng thực nghiệm, bằng cụ thể, bằng minh bạch... (túm lại là bằng khoa học), còn nhà miềng cứ u u minh minh với mấy cái khái niệm sặc mùi Nho giáo, mơ hồ, rỗng tuếch, muốn diễn giải thế nào cũng được, bí hiểm tới mức vô minh.

Ý chết, mà đổ cho Nho cũng khí oan. Trong 3 chữ này chỉ có 2 chữ Tâm và Tài là gốc Hớn thôi. Còn cái ông Tầm này có vẻ thuần Việt một chút, mang ý nghĩa là có tầm nhìn (tiếng Ăng lê là: vision). Hehe, có tầm là được, còn cái tầm đó ngắn hay dài, cao hay thấp, hẹp hay rộng, gần hay xa thì bố thằng cu nào hiểu nổi!

Đôi khi có cái tầm... lì. Cả thiên hạ đi đường quang lối tỏ, riêng mình cứ đâm quàng bụi rậm, càng đi càng mù mịt, ai bảo cũng chẳng nghe.

Ôi mẹ ơi, không phải tầm lì, ắt là tầm bậy!


 
»»  read more

23.1.13

lặt lá cho mai

Sắp rằm tháng Chạp, 
sáng nay đã thấy nhà nhà lặt lá cho cây mai ngày Tết, 
tính viết một entry, rồi thấy dở hơn bài năm ngoái, 
bèn bổn cũ xào lại vậy! 
Chán cho cái bút mòn của cụ Nô này quá!

Quá rằm tháng Chạp, những nhà vườn trồng mai, những người chơi mai, hoặc những nhà có cây mai trước sân, bắt đầu lặt lá mai. Ngày giờ lặt lá, tùy từng năm, tùy thời tiết ấm lạnh, tùy kinh nghiệm, với mong muốn vào những ngày Tết, mai nở rộ những cánh vàng rực rỡ đầu năm!
 

1.
Nở hoa là hoạt động tự nhiên của các loài có hoa. Hoa là cơ quan sinh dục của cây, qua quá trình thụ phấn tạo ra mầm sống để cây sinh tồn. Hình ảnh phấn thông vàng bay ngập trời trong áng văn đầy chất thơ của Xuân Diệu mô tả cảnh tượng giao hoan hùng vĩ của rừng thông khi đến mùa yêu đương!

Có người cảm thán: “Tại sao người ta lại mang hoa hiến Phật???

Mùa đông đến, trời lạnh nước hấp thụ vào rễ cây ít đi, không khí khô hanh khiến hơi nước thoát ra từ lá nhiều lên. Cây bắt đầu điều tiết để giữ lại nước trong thân, bằng cách ngưng cung cấp nước cho lá. Lá khô dần, giảm chất diệp lục, trở nên vàng úa cho ta một mùa thu vàng lộng lẫy, hoặc chuyển sang đỏ rực một màu quan san trên những lá thu phong! Cây co mình lại chuẩn bị cho một mùa đói rét!

Khi khí trời ấm lại, cây trổ lá non, đồng thời bung các nụ hoa! Phản ứng của một kẻ vừa qua chốn nguy nan, lấy hết sức và làm mọi cách để gieo hạt giống của mình lại cho cuộc đời!

Như thế, qua các loài thực vật ta có một mùa thu buồn tênh, một mùa đông ảm đạm và một mùa xuân tươi sáng, ngập tràn hoa!

2.
Thiên nhiên hoạt động theo mùa. Con người hoạt động theo lịch. Mà lắm khi, lịch mùa lại chênh nhau! Nắng có thể đổ lửa trên đầu mùa Xuân, và mưa có thể tuôn xối xả trên lưng ngày Tết, và Năm Mới đến không trùng với cuộc nở hoa!

Lúc đó, Con Người sẽ ra tay: lặt lá cho cây!

Hình như khó thay từ lặt bằng một từ nào khác! Dù từ này cũng dễ lắm nỗi sự sinh! Không thể dùng các từ trảy lá, hái lá, bứt lá… được.

Và phải lặt lá bằng tay, đừng có vác dao kéo ra hành sự nhé bạn! Ấy là còn nghe nói, nếu trong nhà có con gái, nên để mấy cô lặt lá mai thì bông sẽ nở nhiều hơn, đẹp hơn và sum suê hơn! (Nói nhỏ: cái gì mà tay tiên mấy cô gái trẻ động tới thì chắc chắn nhiều hơn, đẹp hơn và sum suê hơn là cái chắc rồi!)

Cây cũng biết yêu cái dịu dàng, êm ái của những đôi tay ngà ấy chứ!

3.
Chăm cây mai yêu quí cả một năm, canh chừng thời tiết mưa nắng, tự nhắc mình lặt lá đúng ngày đúng buổi mà lỡ, trời xui đất khiến, đến ngày Tết trông đỏ con mắt chỉ thấy loe ngoe mấy nụ lèo tèo, thì coi như tổ trác xúi quẩy cái Xuân rồi!

Con Người khổ rứa đó! Cứ để yên cho thiên nhiên mần việc đi, có gì hưởng nấy cho nó bình an, việc chi phải làm tài lanh, xua quân can thiệp, rồi thất bại lại sinh buồn lo chất ngất zậy!

Năm nay, những đợt mưa muộn kéo dài thêm cái nóng lạnh thất thường, những người trồng hoa, chơi hoa, có hoa cũng đổ mồ hôi xất bất xang bang theo không kịp ông trời!

Thiền sư Mãn Giác chắc hiểu chuyện nhân tình thế thái éo le, nên mới Cáo tật thị chúng như vầy:

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


Xuân qua, không chắc hoa đã tàn hết, vì đêm qua trước hiên nhà đã nở một đóa mai! Thì có gì mà buồn, khi xuân tới, cây mai ta không ít thì nhiều, trời đất cũng cho khai mở một vài bông đón Tết!

Less is more!
»»  read more

22.1.13

chuyện nửa đêm

Tối hôm qua, buồn ngủ díp cả mắt, thế mà Obama lại dóng dả gọi cho miềng. Lão này hổng học địa lý, hổng biết giờ này bên nhà ming đã tối như hũ nút hay sao í!

Lão hỏi: Giờ tao sắp nhậm chức, nói cái gì đây, mọi thứ tao nói trong diễn văn 2009 hết rồi!
Suy nghĩ một chút, miềng mới "quân sư": Bên tao đang bàn chiện sửa đổi Hiến Pháp. Ông (lịch sự - không gọi "mày" vì lão sắp làm Tổng Mẽo) nói chiện Hiến Pháp Mỹ đi!

Lão mừng nhảy cỡn lên: Đúng đúng roài! Rồi lại "théc méc": Nhà tao 200 năm chỉ có một cái Hiến Pháp, nhà mày (lão này bất lịch sự quá đi) mới chưa tới 70 năm đã thay xoành xoạch!

Chưa kịp vặc lại, lão đã cúp ngang: Đến giờ rồi, tao đi ra cho dân chúng vỗ tay đây!

Sáng ra thấy lão phán như vầy:


"Mỗi lần chúng ta tập trung lại ở đây để nhậm chức cho một tổng thống thì chúng ta lại được chứng kiến sức mạnh bền bỉ của Hiến pháp của chúng ta. Chúng ta khẳng định lời hứa của nền dân chủ của chúng ta. Chúng ta nhớ ra rằng những gì gắn kết quốc gia của chúng ta không phải là mầu da của chúng ta, những nguyên tắc của tín ngưỡng của chúng ta, hay là nguồn gốc tên gọi của chúng ta. Điều làm chúng ta trở thành ngoại lệ, điều làm cho chúng ta là người Mỹ chính là sự tuyên bố trung thành của chúng ta với một lý tưởng đề ra trong một tuyên ngôn đưa ra hơn hai thế kỷ trước:

"Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền Sống, quyền được Tự do và mưu cầu Hạnh phúc."  (Người dịch dùm Nô!)

Đúng là chém gió! Thế mà dân Mỹ lại rầm rộ hưởng ứng mới lạ!

Ảnh Blog Hiệu Minh



»»  read more

14.1.13

mơ nắng

Cái xứ mặt trời chói chang suốt năm, nhưng đến mùa Tết cũng đâm ra mơ màng. Cuối tháng Một âm, đổ mấy ngày mưa, sau đó cái lạnh rây xuống ngày tháng Chạp những áng sương mờ trên biển, kéo đến những mây làm mờ tỏ những đợt nắng êm ả.

Mưa se se, lạnh se se và cái nắng cũng se se!

Mọi thứ như đủ làm se se tâm hồn, để người mơ màng về quá khứ đầy tiếc nhớ, mong mỏi, day dứt và thấy cái ảo ảnh ngày xưa như một hạnh phúc đợi chờ!


Mưa se se, lạnh se se và cái nắng cũng se se! 

Bóng giao mùa đang mơ hồ lướt qua trên vườn nhà, khiến những chùm bông đỏ, những lá ráy đỏ, những quả cau chín vàng xuộm, những bông sứ ngả vàng cũng như mải mê nằm mơ nắng.


Và ở đây, một con người bé nhỏ, cũng đang trong nắng mơ màng! 



Mà cứ gì vào Tết, cuộc đời cứ như giấc mơ, dắt ta đi mê mải, nhiều khi đang leo dốc nắng nhớ những triền mưa, rồi khi lăn xuống triền mưa mới tiếc nuối ngày trên dốc nắng! 
 
»»  read more

7.1.13

ký ức mong manh

Nha Trang, mỗi tuần một chuyện:

Đường biển của Nha Trang vẫn là con đường luôn sôi động những công trường đang xây dựng. Phía Nam, sát khu sân bay cũ, những khách sạn tư nhân mới nhiều tầng hơn chen vào những khoảnh đất còn lại hiếm hoi của khu minihotel loi choi lốc chốc. Phía Bắc, những dự án đầu tư của các tập đoàn cho các khách sạn lớn hơn, cao tầng hơn chiếm lấy những khu đất vàng. Con đường biển xinh đẹp đã bị đè bẹp bởi dãy bê tông cao ốc phía Tây, nay lại tiếp tục bị đào bới phía Đông trên công viên biển với dự án E-land. 

Nó đang dãy dụa giữa bát quái thập diện mai phục của con người, của sức mạnh đồng tiền, của quyền lực từ những con mắt mù lòa và những cái đầu đặc cứng!

Nha Trang đang tự xóa đi ký ức của mình!Những ký ức mỏng manh của một thành phố còn quá mới!

Sót lại: một Viện Pasteur, một Grand Hotel, một Nhà Thờ Đá, một Nhà Ga, một khu lầu Bảo Đại... chỉ vừa đủ ngón tay trên một bàn tay!

Trước Nhà Ga, hai bên góc đường của vườn hoa ga (bây giờ là Công viên Võ Văn Ký), ngày xưa là gồm hai khối khách sạn xây đối xứng giống nhau. Bây giờ, khối nhà phía Đông (Bon Air Hotel) đã bị phá bỏ, đang ngất ngưỡng tòa nhà cao tầng trơ khung bê tông trong thời suy thoái. Khối nhà phía Tây (Terminus Hotel), giờ là phòng CSGT Nha Trang, còn giữ được một phần những hình hài xưa. Bon Air Hotel khá nổi tiếng khi được Hoàng thân Lào Xuphanuvong từng trú ngụ và nẩy nở mối lương duyên với cô Kỳ Nam - con ông chủ khách sạn!

Một tấm hình rất hay về góc đường phía Tây này. Quá khứ và hiện tại đan vào nhau!

Nguôn: Khánh Hmoong

Cũng là một cách gìn vàng giữ ngọc!

»»  read more

1.1.13

năm mới

      
Tính mừng năm mới, súc miệng chai rượu cõng từ Pháp zìa! Hihi, nhưng sức có hạn, một mình cưa ông này (0,75l + 45 độ) hổng nổi, bạn bè chắc xỉn hết từ hôm qua, sáng nay ra cà phê lúc 8h mà hổng thấy bóng dáng ngài nào... Thôi, để dành dịp khác vậy. Nhưng cứ mang lên đây khoe một phát cho nó phê! Chai vin trắng này mò tận lò Wolfberger ở Alsace để mua đấy! 

Làm công chiện quan trọng đầu năm là thay cái lịch bàn mới, rồi nhìn cái bàn văn đầy những thuốc men, thực phẩm chức năng lỉnh kỉnh... mà kinh.


Hihi, cứ từ từ rồi khoai nó nhừ, ta cứ tiến bước vào năm 2013 cái đã! Happy New Year!
»»  read more