29.4.13

thời của... ghẻ

Một thời ghẻ ngứa 

Phạm Hoài Nhân

Sắp tới ngày 30 tháng 4, nhiều người kể về những kỷ niệm, những ấn tượng của mình đối với ngày này. Vui có, buồn có, hân hoan có, uất hận có. Đối với tôi những ấn tượng sâu sắc nhất là tại thời điểm diễn ra trận đánh Long Khánh, 9 đến 21 tháng 4 năm 1975, tôi đã kể lại rồi. Còn 30 tháng Tư và sau đó thì thú thiệt là... không có ấn tượng gì sâu sắc cả. À mà có, có chứ! Những ngày sau 30 tháng Tư năm 1975 đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc, không thể nào quên. Đó là nỗi nhớ cồn cào của một thời ghẻ ngứa!

Từ cha sinh mẹ đẻ cho tới tháng Tư 75 ấy, có đôi khi tôi cũng bị ngứa. Ấy là khi bị muỗi cắn, kiến cắn, hoặc ăn phải cái gì đó bị dị ứng. Thế nhưng ngứa một cách lâu dài, triệt để toàn diện thì chỉ sau 30 tháng 4 năm 75 mới đạt được.


Nói cho chính xác, cơn ngứa 75 ấy không chỉ là toàn diện mà là toàn thân, chỗ nào cũng ngứa. Còn xét về đối tượng thì là  toàn dân, không phân biệt gái trai, già trẻ, sang hèn. Nhà nhà, người người cùng ngứa. Nhà nhà, người người cùng gãi. Gãi mọi lúc, mọi nơi.

Khổ, lúc ấy là lúc giao thời, mọi tiện nghi cơ bản hầu như biến mất. Thuốc men, xà bông tắm không có, thậm chí nước cũng thiếu! Bối cảnh ấy càng làm tinh thần ngứa phát huy cao độ!

Theo quy luật của triết học Mác - Lênin, khi phát triển lên lượng sẽ biến thành chất. Ghẻ ngứa phát triển mạnh sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên ghẻ lở, mụt nhọt. Lúc ấy không chỉ ngứa mà còn đau nhức nữa!

Thuở ấy tôi 15, 16 tuồi, đang tuổi mới lớn, mà khổ thay ghẻ ngứa lại phát huy tác dụng mạnh nhất ở cái chỗ bí mật. Đang trò chuyện, giao tiếp với ai đó mà cơn ngứa chẳng đặng đừng, thò tay vô chỗ đó gãi sồn sột thì thiệt là... Nhưng như vậy vẫn chưa hết, khi ghẻ ngứa phát triển thành ghẻ lở mới là bi kịch. Đi đứng, cử động là chỗ lở bị cọ vô... quần xà-lỏn đau thấu trời. Thế là có tướng đi khệnh khạng, dáng đứng chàng hảng, thiệt là khó coi! Chưa kể là lúc đó còn nhỏ, lại chẳng biết hỏi ai (đi bác sĩ lại càng không thể vì... làm gì có bác sĩ và làm gì có tiền) nên cứ lo lắng, không biết rằng như thế thì liệu rằng cái đó có bị hư luôn không!


Như đã nói, thời đó chả có thuốc men gì cả, nên người lớn bày cho những cách trị dân gian, không tốn tiền. Để trị ngứa thì đi hái lá khổ qua rừng về nấu nước tắm. Để trị nhọt thì lấy lá rau đay đâm nhuyễn ra và đắp lên mụt nhọt, nó sẽ hút mủ ra. Thời ấy mấy thứ đó còn mọc hoang nhiều lắm, đi một chút vô rẫy là hái được. Nói chung cũng có công dụng phần nào.

Tình trạng trên không nhớ là kéo dài bao lâu, nhưng ít ra cũng là cả năm trời. Tại sao lại bị ghẻ ngứa như thế? Tại sao trước giải phóng không có mà ngay khi giải phóng xong là bị ghẻ? Có người giải thích là do vừa qua đợt đánh nhau dữ dội, thuốc súng lan đầy không khí. Có người nói đó là do chất độc da cam. Có người cho rằng tháng 4/75 tại Long Khánh có bỏ bơm hơi ngạt nên ảnh hưởng...
 
Hồi đó thông tin ít, tôi nghĩ chắc chỉ có Long Khánh, nơi mình ở, là bị ghẻ ngứa. Hai năm sau, tôi đi học ở ĐH Bách khoa TPHCM, tiếp xúc với nhiều bạn bè ở khắp các miền đất nước, mới biết là nơi nào cũng bị ghẻ ngứa chứ không chỉ Long Khánh (như vậy nói do bom hơi ngạt ở Long Khánh là sai!).

Tôi cũng được nghe một nickname của cái bệnh ghẻ ngứa ấy là Ghẻ bộ đội, kèm với lời giải thích nguyên do ghẻ là do... mấy anh bộ đội đem từ Bắc vô!

Cho đến giờ tôi cũng không biết nguyên nhân chính của cơn ghẻ ngứa năm ấy là gì. Đọc bài này, bạn nào biết xin giải thích giúp tôi nhé. 

Tuy nhiên, biết nguyên nhân gây ra ghẻ ngứa không phải ý chính của bài viết này. Ý chính là thế này: Có người hỏi tôi kỷ niệm sâu sắc của ngày 30 tháng Tư năm 75 đối với tôi là là gì. Thì đó, tôi chỉ nhớ nhất kỷ niệm ghẻ ngứa ấy thôi!....


___________________
P/S của Nô: Khoái bài viết này vì nhắc lại một cách dí dỏm cái thời đau thương ấy. Những đứa bạn tui từng bị "ghẻ bộ đội" đầy cả mười ngón tay, không cầm bút được, đành phải nghỉ học. Toàn dân ngồi đâu gãi đó, dân xứ Quảng tui gọi là "gảy đàn Ta Lư" (nhại theo tên bài hát cách mạng: Tiếng Đàn Ta Lư). Riêng tui thì đến giờ vẫn còn mãi "dấu tích không phai" là mông và háng chàm hóa đen thui! Hic!

»»  read more

23.4.13

những ý nghĩ lờ mờ

Khi ngôi Tịnh Xá Ngọc Giáng hoàn thành trên dải đất nhô ra bàu nước đầy sen súng lục bình, những lương dân của cái xóm nhỏ lọt thỏm giữa bốn bề là người di cư Công giáo, cảm thấy có một chỗ tựa bình an!
Ngày rằm, mùng một, các bà các cô sửa soạn đèn nhang hoa quả cúng Phật. Đám đàn ông thì sẵn sàng làm các việc công quả: trồng cây, dựng liêu(*), đắp đường. Bọn trẻ nhỏ thì có chỗ chơi đùa, săm soi bầy chim sẻ chim sáo, chơi cút bắt với những con cúc(**) trong phểu cát, và nằm khểnh trên hàng hiên rộng thênh của tòa bát giác chánh điện, mát rượi lưng gạch bông, thả mình hiu hiu trong giấc trưa gió lộng!
Rồi khi người lớn lập khuôn hội, may áo lam sắm tràng hạt học thuộc kinh kệ, bọn nhỏ được vào Gia Đình Phật Tử, áo sơ mi lam cộc tay, trai quần soóc, gái váy xếp nếp màu xanh đậm có hai quai đeo lên vai, xéo dấu nhân đàng lưng. Rồi khăn quàng viền màu, rồi mũ vành chóp nhọn, rồi gậy dựng lều, ba lô tăng bạt.... hễ chiều chủ nhật là tập trung đến vườn chùa, chơi trò chơi, thổi còi morse toe toét, phất cờ sémaphore phần phật. Vui quá là vui!
Bức tượng Phật ngồi trên tòa sen áo vàng rực rỡ, đầu tỏa một vòng hào quang năm màu chớp sáng, dần trở nên thân thuộc gần gũi, bớt xa lạ tôn nghiêm như những ngày đầu!

Ở nhà, bắt đầu xuất hiện những sách kinh nhà Phật. Cái thằng bé là tôi, hễ thấy trang giấy có chữ là sáng rỡ cặp mắt như nghiện thấy xì ke! Người lớn có những cuốn kinh toàn tiếng...ông ra bà ra, bà ra tui ra, chẳng hiểu gì ráo, con nít thì có những chuyện tích Phật Giáo, còn nhớ (mà chắc nhiều người cũng còn nhớ) như vầy:

1. Có một công chúa thấy những giọt sương sớm đọng trên lá, long lanh trong nắng, óng ánh bao sắc cầu vồng, cô cầu xin vua cha tìm người xâu cho cô một chuỗi ngọc bằng những hạt sương tuyệt đẹp đó. Chiều con, nhà vua cho loan báo khắp nơi!
Có một vị đạo sĩ già đến để xin thực hiện yêu cầu của công chúa. Ông cùng công chúa ra vườn trong buổi sớm và với lý do mắt đã mờ ông nhờ công chúa chọn và nhặt những hạt sương đẹp nhất trao cho ông, để xâu thành chuỗi. Tất nhiên, công chúa chẳng nhặt được hạt nào. Những hạt sương vỡ tan giữa những ngón tay của cô như một thức tỉnh về những ảo ảnh, những hư không, những vô thường của chính cuộc đời mà lâu nay vẫn ngộ nhận!

2. [Lại] có một tỳ kheo trẻ, tình cờ gặp một cô gái tuyệt đẹp, về ốm tương tư, bỏ cả tu tập. Sư phụ biết chuyện, bèn đến gặp vị tỳ kheo trẻ này.
Hỏi: Con thấy cô ta thế nào?
Đáp: Con thấy cô ta thật là đẹp. Đôi mắt huyền đắm đuối. Cái mũi nhỏ thẳng xinh. Đôi môi đỏ gợi cảm. Vóc dáng nàng thanh thoát. (Hihi, thời bây giờ, phải thêm một chút: ba vòng chuẩn không cần chỉnh, thầy ơi!)
Giảng: Con ơi, những cái con thấy chỉ là hình thức bên ngoài. Con không biết đàng sau đôi mắt, cái mũi, đôi môi... kia chứa biết bao ghèn dỉ, đàm rãi, máu huyết, cặn bã hôi thối. Theo thời gian, đôi mắt sẽ mờ đục, cánh mũi sẽ nhăn nheo, đôi môi sẽ héo hắt...
Đại khái là sư phụ bác hết, nói xấu cô gái tùm lum. Tất nhiên kết thúc chuyện chú tỳ kheo sẽ ngộ ra, thức tỉnh về những ảo ảnh, những hư không, những vô thường của chính cuộc đời mà lâu nay vẫn ngộ nhận! Giống cô công chúa ở trển vậy!

Đọc xong, trong cái đầu còn bé ngày ấy, cứ nổi lên những ý nghĩ lờ mờ, làm sao những điều đơn sơ đó lại hóa ngộ được người ta một cách dễ dàng như vậy. Mãi về sau, tra tra rồi, lại đọc được chuyện vầy:

3. Thầy chán đời kiếm một đứa nhỏ mồ côi mang tuốt lên núi cao tu tập xa hẳn chốn thị thành. Đến khi trò lớn lên, thầy đã già mới hạ sơn một chuyến.
Trò chưa rời khỏi núi bao giờ, trông vật gì cũng lạ lẫm. Đến chợ, trò gặp một cô gái đẹp tuyệt trần, hốt nhiên mê mẩn tâm thần, đúng ngẩn ra nhìn không chớp mắt. Trò mới hỏi thầy: Con đó là con gì hở thầy? Thầy đáp: Đó là con cọp ở chợ. Con biết con cọp trên rừng hung ác cỡ nào thì con cọp ở chợ cũng y như vậy! Đi thôi con, nguy hiểm lắm!
Về lại cốc trên núi, tối hôm đó, thầy thấy trò biếng ăn, mặt mày buồn xo, ngồi thù lù một đống, bèn hỏi: Có chuyện gì vậy con? Trò thở dài: Thầy ơi, sao con nhớ con cọp ở chợ quá chừng!

Không biết thầy có mang chuyện tích Phật để hóa ngộ cho trò? Và trong cái đầu sắp thành bã mía của mình bây giờ, lại nổi lên những ý nghĩ lờ mờ rằng chẳng có luật lệ, điều răn, chủ nghĩa, lý luận... nào ngăn trở được trái tim!

Trái tim đôi khi ngu ngơ, khờ khạo, để rồi cứ khao khát một chuỗi vòng ảo tưởng kết bằng những hạt sương mong manh dễ vỡ!
Câu than: Thầy ơi, sao con nhớ con cọp ở chợ quá chừng! mới chính là tiếng của con người!

___________
(*) liêu: còn gọi là cốc, chòi nhỏ làm nơi ở của một nhà sư.
(**) cúc: một loại côn trùng, giai đoạn ấu trùng là một con bọ sống trong cát, giai đoạn trưởng thành giống như con chuồn chuồn kim, còn gọi là kiến sư tử. Xem thêm ở đây .


»»  read more

18.4.13

ký ức vòng vèo

W. Saroyan
1.Buổi sáng, trong chòm lá rậm nở đầy những chuỗi hoa tím còn ướt sũng mưa tối qua, chợt thấy bay chấp chới một chú chim ruồi.

Lần đầu tiên trong đời thấy chim ruồi. Lâu nay tưởng không có ở xứ miềng!

Chú chàng bé bằng ngón tay cái, thân xanh ánh pha tím biếc, lấp lánh phản chiếu ánh sáng theo nhịp cánh vỗ. Cái mỏ dài cong bé như vòi lọ keo chọc vào những nụ hoa. Chú đang say sưa hút mật! Chuyển động chim ruồi thật lạ lùng: đôi cánh vỗ nhanh đến mức như vô hình, khiến chú có thể đứng yên giữa không trung, hoặc giật lùi, lên xuống. Một tạo vật của thiên nhiên với những chuyển động như một cỗ máy nhân tạo tí hon.

Đứng thần ra ngắm cho đến khi khi vụt một cái, chú chao cánh biến mất!

2.Bất giác nhớ W. Saroyan với cuốn "Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay" trong đó có loạt truyện ngắn dưới tựa chung Người có trái tim trên miền cao nguyên, có nói về một chú chim ruồi sống qua mùa đông.

Tôi nghe nói rằng chim ruồi du hành những chặng đường dài, thật khó có thể tin được khi nhìn thấy một sức lực yếu ớt và mỏng manh đến thế. Vậy thì cái gì chở tải nó? Tinh thần ư? Nhưng những điều tôi biết rõ nhất về chim ruồi chính là do những gì tôi quan sát được về chúng: chúng ta chỉ thấy được chim ruồi khi mặt trời thật sự xuất hiện, khi có hoa nở, và khắp nơi đều có hương hoa. Hiếm có khi đi suốt một ngày đẹp trời mà lại không thấy bóng con chim ruồi lờ lững như một phép lạ nhỏ bé trong nắng ấm hoặc trên một đoá hoa lớn hay một chùm bông nhỏ. Hoặc quay tròn như một cơn điên vui hay bắn thẳng lên như một mũi tên không về một nơi nào cả và cũng chẳng bởi một nguồn cơn nào, có thể vì một lý do là nó cần sống. Vậy thì, làm thế nào mà những sinh vật như vậy - quá xinh đẹp, quá dịu dàng và một chút điên dại thơ mộng - có thể có thì giờ để làm cái công việc tầm thường như sinh con đẻ cái, các thứ? Hoặc phải theo luyện cho được cái bản năng tự tồn tại kia chứ? Thế nhưng dù gì đi nữa, cũng cầu trời sao cho một ngày đẹp sẽ đến, và lung linh chim ruồi bay đầy khắp... (W.Saroyan)

Chú chim ruồi được cứu bởi Dikran, một nông dân Armenia già mắt gần như mù. Hình ảnh chú chim nhỏ xíu hồi sinh với một thìa mật ong nóng trong bàn tay to lớn nhăn nheo già cỗi hằn mãi trong ký ức! Như một tác phẩm nhiếp ảnh diệu kỳ!

3. Cuốn truyện trên là cuốn sách duy nhất tôi mang theo, sau biến cố 75, khi ra Huế, về Đồng Di, quê của một thằng bạn. Hai thằng đón xe bộ đội (thời điểm đó chưa có xe đò xe khách gì ráo) vượt đèo Hải Vân. Những chuyến xe mang quả tên lửa lừng lững trên lưng chạy ra chạy vào Huế - Đà Nẵng suốt cả ngày. Tôi nói với bạn: Ra vào thế này là kiểu nghi binh!?

Về đến quê bạn, nằm dài trong đống rơm vàng óng thơm nức mùi lúa chín, đọc Saroyan. Cơm gạo mới ăn với cá đồng, tôm đồng kho khô quắn lưỡi vị cay xứ Huế, ngon không gì tả nổi. Tối ra sân đình đập lúa nghe tiếng líu lo của mấy o thôn nữ Huế với nhiều từ địa phương, nghe như hát chứ không hiểu kịp mấy o nói gì!

Mãi sau này khi thấm thía cái khổ những năm hậu chiến, tự dưng tôi cứ nhớ câu chuyện thằng bé Luke nghèo đi bán cam bên đường của Saroyan.

... Nhiều xe tiếp tục lướt qua và dường như là, nó nên ngồi xuống, thôi cười và khóc vì khủng khiếp quá đi mất. Họ chả muốn mua cam và lại không ham nhìn nó cười theo cái lối mà chú Jake bảo là họ sẽ khoái.

Trời nhá nhem tối và có tận thế đi nữa nó cũng chả thiết. Nó mơ hồ tin rằng nó sẽ còn đứng đó, giơ tay lên và cười cho đến khi tận thế.

Nó thầm đoán rằng, nó sinh ra chỉ để làm vậy, chỉ để đứng ở góc phố, giơ cam lên vẫy và cười với thiên hạ cùng những giọt nước mắt to tướng và nóng hổi lăn trên gò má cho đến ngày tận thế. Tất cả đều đen tối, trống rỗng, và nó thì cứ đứng đó cười cho đến khi gò má đau buốt, và khóc lặng lẽ vì chẳng ai cười lại với nó, và cả thế giới có muốn chìm vào bóng tối và tiêu tán thành tro bụi, và Jake có thể chết, và cô vợ chú cũng thế, tất cả nhà cửa đường phố người ngợm sông ngòi cánh đồng bầu trời có thể tiêu ma đến tận cùng, và có thể chẳng còn ai trong cõi người ta này, hay một con đường hoang vắng, một cửa sổ tối đen một cánh vừa khép kín vì họ không muốn mua không muốn cười với nó, và cả thế giới dẫu có trôi biến về tận cùng, nó cũng cóc cần. Cóc cần tí nào, phải không? - (W.Saroyan)


4. Quá 50 tuổi đầu rồi, mà đôi khi lẩn thẩn cứ nghĩ mình sao mà giống thằng bé Luke này quá. Cũng đứng bên đường, tay giơ lên cầm hai quả cam, xoạc miệng cười để thiên hạ có cảm tình, mong cho kiếm được đồng tiền!

Mà đứng mãi, vô vọng giữa trời chiều!

Ôi cái ký ức bắt đầu từ một cánh chim ruồi kỳ diệu lại dẫn ta vòng vèo đến hình ảnh ảm đạm thế này ư!
»»  read more

16.4.13

chuyện không muốn nói



Các cụ cả lề trái lẫn lề phải, nhân dịp thay Hiến Pháp, 
lại lăm le đề xuất thay tên nước bằng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Lạy các cụ cả nón, thay cái gì cho dân mạnh nước giàu thì thay, 
thay mấy cái láp nháp này, nội cái việc đổi tiềnđổi con dấu cũng đủ mạt!

Xin can! Xin can! Xin can!
»»  read more

14.4.13

kỷ niệm rời

1.
Hôm nay, tình cờ lục trong kệ sách, thấy tập Tình Khúc của Vũ Thành An (VTA) do NXB Mặt Trời in năm 1968. Hôm trước, viết bài nhân ngày giỗ Trịnh Công Sơn, nhớ là mình có một tập nhạc lời chép tay của VTA, nhưng tìm hoài không được, nay không chủ ý tìm lại thấy.

Tập Tình Khúc này là tập nhạc đầu tay của VTA, gồm 10 ca khúc:

1. Tình Khúc Thứ Nhất - phổ thơ Nguyễn Đình Toàn (sáng tác năm 1965, lúc tác giả mới 22 tuổi).
2. Yêu Cho Nhau (yêu nhau cho nhau nụ cười, thương nhau cho nhau cuộc đời...)
3. Tình Khúc Thứ Ba.
4. Chua Sót (sic - thời đó in ấn khá cẩn thận, mà sao sai chính tả ngay cái nhan đề zậy trời).
5. Tình Khúc Thứ Năm - ý thơ Prévert.
6. Khi Em Về - phổ thơ Nguyễn Đình Toàn.
7. Kỷ Niệm Rời Một Người Yêu - phổ thơ Nguyễn Đình Toàn.
8. Lời Tình Buồn - phổ thơ Chu Trầm Nguyên Minh (anh đi rồi còn ai vuốt tóc, lời tình thơm sách vở học trò...)
9. Tình Khúc Thứ Chín (em đến đây cho người dậy mơ...)
10. Quê Hương Đau Khổ - phổ thơ Đỗ Văn Thảo.

Những bài nhan đề màu tím không được phổ biến rộng rãi, chắc vì không hay! Hổng biết mấy cái tình khúc thứ 2, 4, 6, 7, 8... rụng rơi ở đâu mà nhảy cóc 1-3-5-9!?

Tập nhạc này lời chép tay, nhưng chắc không phải thủ bút của VTA. 
Nét chữ gò gẫm cẩn thận của người thợ chép nhạc thì đúng hơn.


Sau này VTA nổi tiếng thêm với Những bài không tên bất hủ!

2.
Đã nhiều năm, nhóm bạn nhậu chúng tôi, có lệ, chiều ba mươi Tết, sau một cuộc bida, thường tụ nhau làm một chầu, như một cách giã từ năm cũ. Dần dà, theo năm tháng, vì lý do này, lý do kia, nhóm nhậu nhỏ dần, nhỏ dần. Tôi cũng không còn tham dự buổi nhậu cuối năm đó cách đây mấy năm.

Năm vừa rồi, buổi nhậu nghe đâu chỉ còn 2 thành viên cũ, cộng với 2 người bạn mới! Không biết cuộc nhậu có còn vui!?

Rượu vào, chúng tôi hay nghêu ngao hát bài Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi. Một ca khúc rất hợp với không khí lúc đó, ca khúc khi xuất bản lần đầu, mang cái tên chắc không mấy ai còn nhớ: Kỷ Niệm Rời Một Người Yêu.

Em đến thăm anh đêm ba mươi
còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
anh nói với người phu quét đường
xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.

 

Tay em lạnh để cho tình mình ấm
môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm
sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết

 

Tháng ngày đã trôi qua, tình đã phôi pha, người khuất xa
chỉ còn chút hương xưa, rồi cũng phong ba rụng cùng mùa

 

Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức
ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau
đá buồn chết theo sau ngày vực sâu
rớt hoài xuống hư không cuộc tình đau.


Với thời gian, mọi chuyện cứ đổi thay, tan loãng, hiu hắt, tàn rũ... thành những kỷ niệm rời, khi tháng ngày đã trôi qua, tình đã phôi pha, người khuất xa, như những buổi nhậu chiều cuối năm không biết mai đây có còn có mất!
»»  read more

12.4.13

vấn vương năm cũ

Năm ngoái, táy máy điểm vài con số về tiền nong tầm quốc gia của năm 2011 (cột bên trái). 
Thôi thì mần luôn năm 2012 (cột bên phải) và sẽ điểm hàng năm 
để coi thử tài chính nước nhà đang đi về đâu.


Nguồn lấy từ các báo, nhưng bà con thông cảm cho những số liệu thống kê nhà miềng, 
đôi khi nó cũng "gà nhà bôi mặt đá nhau"!
»»  read more

7.4.13

lam và i

Một là vì thích ý tưởng của tác gi
Hai là vì 2 công trình này (đoạt giải Kiến trúc xanh VN 2012) 
đều ở Nha Trang nhà miềng!
Ba là để nói rằng VN ta cũng có những KTS xịn!

KTS NGUYỄN HÒA HIỆP: THIỀN BẰNG KIẾN TRÚC
Tác giả: Nhà báo XUÂN BÌNH

Trong khi Võ Trọng Nghĩa và Hoàng Thúc Hào cứ cố săn tìm bộ sưu tập các giải thưởng kiến trúc xanh cho các công trình không biết là có màu gì, xin tạm kể về một vài hành trình mà KTS Nguyễn Hòa Hiệp cùng I resort và Lam café đang nỗ lực đi tìm những giá trị thực của kiến trúc Việt?

Nhân cách của công trình

Trong vài ngày ngắn ngủi ở Nha Trang, cứ rảnh lúc nào là tôi lại nhào tới ngắm nghía, trò chuyện với kiến trúc. Trong quán Lam, vào lúc sáng sớm, tôi thích nhảy nhót, xê dịch cùng những tia nắng tinh sương ở góc vườn. Trưa, đứng nắng, nóng sục, không gì thú vị hơn khi nằm khèo dưới góc sàn lệch cốt, nơi lớp mái xà xuống rất thấp. Đó là vị trí tốt nhất để hướng mọi cảm nhận của mình tới câu chuyện và “bóng mát” của kiến trúc. Vào lúc xẩm tối, ánh đèn dìu dịu lung linh trên mặt hồ sen của I resort nhắc những người đa cảm rằng họ đang có cơ hội ngược dòng thời gian để trở về một không gian thuần Việt.

i-resort trong đêm

I resort và Lam café mang đến cho riêng tôi rất nhiều cảm xúc trái ngược, khác lạ nhưng rõ ràng, mạch lạc và chân tình.  Lần đầu tiên tôi không bắt đầu tiếp cận tác phẩm từ góc độ… kiến trúc. Chẳng mấy quan tâm đến những giải thưởng mà nó đã và sẽ đoạt được. Đứng trước công trình tôi tưởng tượng như gặp được tri âm, tri kỷ. Kiến trúc dành cho tôi nhiều đối thoại, tâm sự như là một CON NGƯỜI đầy trải nghiệm.

Tuy là lần đầu tiên diện kiến hai công trình này nhưng ngay lập tức tôi đã thấy rất thân quen. Bảy năm qua, tôi đã không uổng công khi lặng lẽ tìm kiếm, nhận diện, tập hợp, khảo sát, so sánh hàng loạt những “chữ ký”, tín hiệu và cả biểu tượng rất riêng mà Nguyễn Hòa Hiệp lặng lẽ đặt dấu ấn vào từng tác phẩm. Mất công và cẩn trọng nhất trong khi tìm kiếm, phát hiện ra những đóng góp rất quan trọng, tạo nên linh hồn tác phẩm Cà phê Gió và Nước của KTS. Công trình này quá hay và rất nổi tiếng nhưng người đời … vô tình “quên” danh tính của anh. Nhưng KTS hơn hẳn tôi ở chỗ là anh chẳng mấy bận tâm vì sự… cố đó. Năm 2008, sau nhiều năm quan sát nghiên cứu rất cẩn trọng tôi mới dám viết bài “Giải mã hiện tượng Võ Trọng Nghĩa”. Ngay lập tức quá đông người chửi tôi là điên, ngu, khùng, dở hơi… Phần lớn trong số họ là… kiến… trúc…sư… Hơn 4 năm qua, vẫn rất nhiều người vào đọc bài để hiểu VTN. Tôi nhìn nhận hiện tượng này như một dấu hiệu tích cực. Nhưng tôi thực sự “điếng” người khi Nguyễn Hòa Hiệp nói rằng: “Chưa có ai thương Võ Trọng Nghĩa hơn anh”

Triết lý của chất liệu

Vẫn là tre, lá dừa nước, gạch mộc, gỗ phẩm cấp thấp, đá mồ côi, cát trắng, vỏ chai và cả ngói cũ. … những vật liệu giản đơn, rẻ tiền, dễ tìm kiếm, dễ thay thế, tiết kiệm chi phí.

Với đá, cát, mặt nước, sự xếp đặt rất dụng công về màu sắc, tỷ lệ, phong thủy đều có kế thừa những tinh hoa của kiến trúc Nhật Bản- Trung Hoa. Thái độ nghiêm cẩn, tỷ mỉ của KTS cho tôi nhận thấy một phương cách mà anh nhận thức và lý giải về trật tự trời đất, các quy luật tương tác, vận hành của vũ trụ.

Với gạch mộc, ngói cũ, vỏ chai, thì hơn cả những lựa chọn, chăm chút cẩn trọng hay tinh thần khám phá, KTS đã dành cho những vật liệu này một tình cảm trân trọng.

Với tre, lá, gỗ, KTS chỉ tạo nên đường link khiêm tốn để gợi cho người sử dụng một thái độ sống gần gũi, trân trọng thiên nhiên. Khác hẳn với Võ Trọng Nghĩa và Hoàng Thúc Hào (trong hai công trình Suối rè và Đại Lải) Nguyễn Hòa Hiệp không đối xử với các chất liệu này như một thứ osin giúp việc, hầu hạ. KTS không cố thúc tre phải đi tìm cho nó một phẩm chất của sắt thép hoặc là tạo vỏ bọc mỹ miều cho kết cấu. KTS không bắt tre phải băng bó, cắt dán để vượt khẩu độ, tạo nên hình thức xa lạ, để hầu hạ, chiều chuộc tâm lý vừa tự kỷ vừa háo danh. KTS không tháu cáy vay mượn chất liệu tự nhiên để làm bùi tai người sử dụng đang quá chán high tech. Có vẻ như KTS cũng chẳng mấy quan tâm làm thế nào để tạo nên những tiếng ồ à từ các kênh truyền thông. Anh cũng không có khiếu làm những thao tác để vừa mắt, thuận tình ban giám khảo các cuộc thi.

Khi được KTS gọi đúng tên, đặt đúng chỗ, những chất liệu bình thường, tầm thường bất ngờ có một danh phận khác thường. Và thú vị nhất là mỗi lựa chọn đều tìm được một tỷ lệ tương thích, kết nối, hài hòa với chung quanh. Sẽ không quá lời khi nhận thấy I resort và Lam café chỉ sử dụng duy nhất một chất liệu, một giá trị riêng biệt mà chỉ có thể tìm thấy từ tâm cảm của người thiết kế.

Nếu trong sử dụng chất liệu của KTS cho tôi nhận diện một thái độ sống thân thiện đối với môi trường, thiên nhiên, tự nhiên thì tư duy sáng tạo, thủ pháp thiết kế, cách đặt vấn đề khi bắt tay giải một đề bài của anh lại cho thấy một ứng xử đầy nhân văn.

Giải pháp hiệu quả

Nếu cái hay nhất của I resort là đặt nền tảng có tính phương pháp luận, mở ra một lộ trình lớn cho KTS thì Lam café lại cho thấy một giải pháp rất cụ thể, thực dụng, đơn giản. Một không gian mới lạ, đầy cá tính, không những không xung đột mà còn thỏa mãn tối đa nhu cầu kinh doanh.

Với thời gian thuê địa điểm không dài, suất đầu tư thấp, môi trường cạnh tranh cao, hiệu quả đầu tư dự án phụ thuộc rất nhiều vào sự thông minh của ý tưởng thiết kế và thái độ đồng cảm của KTS.

KTS sử dụng gỗ phẩm cấp thấp làm thành khung gỗ chịu lực, giảm tải trọng công trình, thi công nhanh gọn, tháo lắp, dịch chuyển dễ dàng. Những lam gỗ còn là những vách ngăn thông minh, không chỉ tăng tối đa diện tích sử dụng mà còn góp phần thay đổi chất lượng không gian.

Vận dụng nghệ thuật gấp giấy Origami, KTS có thiết kế cho mái một nhịp điệu, vần điệu mới, lạ mà gần gũi. Giản dị mà khó quên. KTS còn có chủ đích tạo nên lớp mái dốc, xà xuống rất thấp để hạn chế tối đa tầm nhìn của người sử dụng, mách họ quay lưng lại những góc phố rất lộn xộn, nham nhở và xoay hướng quan sát vào “cảnh quan” mới của nội thất. Mái  có 5 lớp gỗ, lá dừa nước, tôn, lưới và dàn dây leo. Với cấu tạo này lớp mái góp phần làm mát rất hiệu quả cho công trình. Nhiệt độ trong ngoài chênh nhau rất lớn. Cả quán Lam chỉ dùng quạt, không hề dùng máy điều hòa nhiệt độ.

Khi kiến trúc trở thành…. tôn giáo

Một điều thật lạ là hầu hết mối quan hệ giữa KTS và chủ đầu tư đều không tốt đẹp gì. Từng có những KTS tự hào vì đã thiết kế mặt tiền nhà giống như bia mộ để “trả thù” sự “ngu xuẩn, đểu giả” của chủ đầu tư.

Nhưng vì lẽ gì trong cả hai công trình trên của Hiệp, từ cái khá nhỏ đến cái rất lớn, từ cái phải chắt chiu từng đồng vốn đến dự án đầu tư của các đại gia… hầu như các chủ đầu tư đều cấp sắc “toàn quyền” cho KTS. Có chủ đầu tư  nhận xét: KTS hành thiền bằng kiến trúc.

Không chủ đích nhưng bước đầu I resort, Lam cà phê tiếp tục đặt ra và đã trả lời được rất nhiều vấn đề lớn của kiến trúc Việt Nam đương đại. Kiến trúc của Hiệp mách bảo rằng: Nếu đi tới tận cùng cái hồn cốt của dân tộc thì Kiến trúc Việt hoàn toàn có nhiều cơ hội để hòa đồng, đối thoại với thế giới.

Đó không chỉ là công trình có quy mô vươn cao, lan rộng. Nó phải tìm ra ngôn ngữ cho chính mình. Lấy con người làm trung tâm, là thước đo cho mọi tính toán, là mục đích sáng tạo. Cùng với việc phát huy uy lực vô biên của khoa học, công nghệ, kiến trúc phải nâng niu, ôm ấp những vốn liếng của quá khứ, dung hòa, điều tiết mọi mâu thuẫn, chấp nhận sự song tồn, cộng sinh, hướng tới sự đa dạng. Kiến trúc sống trong, sống cùng và hiền hòa với thiên nhiên.

P/S:
Lam xem ở đây.
I resort xem ở đây.
»»  read more

5.4.13

những mảnh băng vỡ cho người ít tiền

Giống như những mảnh băng vỡ, khối nhà ở xã hội Iceberg Dwellings được thiết kế bởi JDS Architects dường như trôi nổi trên vịnh của Aarhus, thành phố lớn thứ hai của Đan Mạch. Mọc lên từ một phần khu cảng bỏ hoang, công trình gồm 200 căn hộ cho thuê với giá rẻ, với những bức tường trắng tinh, những ban công kính xanh da trời, những ô cửa ấm áp ánh sáng vàng.


Những hạn chế về chiều cao xây dựng, những ý tưởng để có tối đa tầm nhìn đẹp ra vịnh và tận dụng ánh sáng mặt trời hiếm hoi của phương Bắc cho các căn hộ, khiến công trình (qua từng bước hình thành và phát triển ý tưởng kiến trúc) có hình dáng thật độc đáo, nổi bật trên mặt nước xanh.

Iceberg Dwellings được mạng kiến trúc trực tuyến Architizer, chọn vào các công trình A+ 2012.


Ta thấy ý tưởng kiến trúc độc đáo được hình thành qua các bước dưới đây, từ những khối truyền thống đóng kín, đã được làm phong phú lên, cởi mở ra, cắt gọt, tổ hợp thành những hình khối mới mẻ, sống động, đầy mỹ cảm và sự thích dụng :


Hihi, lâu lâu lấn sân bác AQ, lạm đăng về kiến trúc một tí! Cũng chỉ vì những mảnh băng trắng tinh này quá đẹp, quá tinh khiết, quá hài hòa, quá độc đáo... cho một công trình chỉ là những căn hộ giá rẻ!

Rồi ngậm ngùi, khi nhìn lại kiến trúc nước nhà!



»»  read more

1.4.13

mần bằng tay


Tập Những tình khúc Trịnh Công Sơn (Nxb Nhân Bản 1967) là tập ca khúc đầu tiên của Trịnh được ấn hành với bản viết tay của tác giả. Trước đó, chưa hề có tập nhạc Việt nào  thực hiện với hình thức như vậy.

Khi đó tôi đã trên dưới 10 tuổi, còn bé nhưng được tiếp xúc với văn nghệ [miền Nam] khá sớm qua tủ sách (đủ loại văn thơ nhạc họa triết...) của bà chị đầu. Hình thức viết tay của tập nhạc khiến tôi rất thích thú và cảm giác người nhạc sĩ thân thuộc và gần gũi mình hơn khi tưởng tượng bàn tay của họ Trịnh với cây bút sắt - dường như lúc nào cũng chực nhòe mực, phóng những khóa sol bay bướm, những nốt móc, nốt đen, nốt trắng, nốt tròn nghiêng nghiêng về bên phải như đang say theo cơn phấn hứng sáng tạo!

Đôi khi, kết thúc một bản nhạc, ta còn thấy một chiếc lá rơi ra từ đầu bút của Trịnh!

Và chữ viết của họ Trịnh mau chóng thành mốt của lớp thanh niên thời đó, thường gọi là kiểu fantasie. Thế hệ anh chị tôi và tiếp sau vài năm nữa là lũ chúng tôi, khi làm các đặc san của tuổi học trò, khi nắn nót trong các lưu bút, đều nghiêng ngòi bút theo kiểu chữ đó!

Một số tập nhạc Trịnh sau đó, cũng thực hiện theo lối này: Ca Khúc Da Vàng (1967, lần 2 - 1969), Cho Con (1991), Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên (1991, chép tay lời nhạc), Lời Của Dòng Sông (1992, chép tay lời nhạc)... Những tập nhạc độc đáo trình diễn một cá tính độc đáo của một nghệ sĩ độc đáo!

Trịnh Công Sơn

Không chỉ lớp thanh niên, mà sau đó, các nhạc sĩ khác cũng "khoái chí" với hình thức viết tay này! Ta có Phạm Duy với nét chữ góc cạnh đầy cá tính, Hoàng Thi Thơ vừa phóng khoáng vừa chỉn chu! Tiếc là hai nhạc sĩ này vẫn còn dùng khuôn nhạc với nét kẻ nốt "cổ điển", chứ không phóng tay luôn như Trịnh!

Dường như, trên thế giới, ấn hành một tập nhạc với hình thức viết tay, duy chỉ có ở Việt Nam!?

Tình Quê
Phạm Duy

trong tập  Tình Hồng Cho Em
Hoàng Thi Thơ

Xem thêm:
Ký Ức Trịnh 
Tự Họa Trịnh
»»  read more