24.12.13

món quà


*
Ông Joulupukki ơi,

Con là  Uljas. Con muốn nói điều này với ông, từ Sodankylä, nơi con ở với bố mẹ, không cách xa nhà ông lắm. Con biết ông đang ở Korvatunturi, cái núi hình lổ tai, cũng thuộc Phần Lan của con. Nhờ cái lổ tai to bự chảng đó, ông có thể nghe tất cả mọi đứa bé trên toàn thế giới như con, thậm chí nhỏ hơn con, chưa đi học chưa biết chữ, khi thầm thì những ước nguyện trong mùa Giáng Sinh!

Năm nay, con muốn ông bắt đầu buổi phát quà sang hướng Đông. Ông sẽ băng qua nước Nga, Trung Á, Ấn Độ, Trung Quốc đang ngập đầy tuyết lạnh mùa đông, vòng xuống châu Úc vượt qua châu Phi đang trong mùa hè nóng lắm đấy ông ạ, và quay trở lại châu Âu băng giá. Một vòng đi lớn cỡ đó chỉ trong một đêm, leo lên leo xuống các mái nhà, trèo qua cửa sổ, chui vào ống khói chắc vất vả lắm ông nhỉ! Nhưng mỗi lần đáp xuống là xe quà vơi đi, nhẹ đi một chút, mấy chú tuần lộc cũng bớt mệt.

Khi trở về Phần Lan, ông "canh me" phát quà hết cho các bạn, và dành cho con là người cuối cùng nhận quà ông nhé! Con sẽ treo chiếc vớ bên ngoài cửa chính, ông chỉ việc đặt vào đó món quà của con, khỏi phải leo trèo mất công. Suốt đêm, nhà sẽ rực sáng ánh đèn mà bố con đã giăng mắc cả tuần nay, ông khỏi phải mò mẫm trong bóng tối. Chắc lúc đó, các chú tuần lộc đã mệt rũ, thở phì phò hơi trắng xóa và bộ áo đỏ viền trắng của ông đã ướt sũng sương lạnh cùng băng tuyết.

Món quà cho con là món quà cuối cùng của đêm Giáng Sinh này ông nhé. Chiếc xe kéo của ông sẽ nhẹ thênh, trống rỗng!

Nhưng mà, con nói ông nghe nè. Chiếc xe đó sẽ không trống rỗng đâu!

**
Rạng sáng ngày 25 tháng Mười Hai, trên con đường rừng còn chìm trong bóng tối - mùa này những tia nắng bình minh đến rất chậm, bên những cây thông phủ đầy băng giá run rẩy trong gió lạnh, người ta thấy một ông già râu dài trắng xóa, vận bộ đồ dạ đỏ, đôi ủng da ngập trong tuyết, ngồi trầm ngâm trên chiếc xe kéo cùng bầy tuần lộc. Dưới ánh sáng vần vũ đầy màu sắc của Bắc cực quang, người ta thấy trong hai bàn tay lớn của ông là một cái hộp nhỏ, gói giấy hoa vụng về, gắn một mảnh giấy bé xíu với dòng chữ nguệch ngoạc của một đứa bé có lẽ chưa biết chữ, đồ lại theo những ký tự của người lớn: "Uljas dành cho Joulupukki".

Món quà của Uljas. Cậu bé luôn tự hỏi: "Joulupukki phát quà cho hết thảy mọi trẻ em. Vậy có ai tặng quà cho Joulupukki không?".

Chiếc xe kéo lại bay lên không trung với bầy tuần lộc trở về Korvatunturi. Xe không còn trĩu nặng bởi những gói quà, nhưng sao lại hơi chòng chành. Chắc già Joulupukki đang thổn thức!

»»  read more

merry Xmas

Chúc Mừng Giáng Sinh

»»  read more

13.12.13

chạm tay vào tuyết

1.
Đứa bé ngồi trước quả cầu tuyết. Những cây thông xanh, mái nhà ngói đỏ, con đường nhỏ và đoạn hàng rào gỗ cùng những hình người và những con vật tí hon ngộ nghĩnh – một thế giới bé xinh dưới bầu trời bằng thủy tinh. Xoay ngược bàn tay, lắc nhẹ, một cơn bão tuyết nổi lên trong lòng quả cầu, những bông tuyết trắng bay mù mịt, lả tả rắc xuống một làn bụi trắng trên những ngọn thông, trên mái nhà, trên con đường và đoạn hàng rào gỗ cùng những hình người và vật tí hon.

Mùa đông đến phủ chiếc khăn choàng trắng muốt trên mọi vật, trên một thế giới trong lòng bàn tay mà xa lăng lắc, tận miền ôn đới mịt mù, cơ hồ như chỉ tồn tại trong những giấc mơ của đứa bé vùng nhiệt đới đang mở to đôi mắt đầy ngạc nhiên và thích thú như vừa chứng kiến một phép màu!

Mỗi mùa đông đến, Noel, Tết tây, rồi Tết ta – những ngày vui ấy cứ in mãi trong tâm tưởng đứa bé, bên cạnh những đèn màu nhấp nhánh, những bài hát leng keng tiếng chuông, là những bông tuyết rơi trắng trong những đêm xanh thẫm.

Mãi đến khi đứa bé lớn lên và già đi, hình ảnh ấy vẫn làm xúc động, những xúc động nguyên sơ, trắng tinh, trong trẻo như làn tuyết mới đầu đông!

2.
Đặt chân đến Bắc Kinh, ngày chớm đông, mùa thu đã qua lâu trên những chiếc lá dây leo úa rũ, đen xạm trên những bức tường thành gạch xám, tôi chạm mặt với cái rét cóng chưa hề biết, vội mặc thêm chiếc áo khoác dầy cộp ngoài chiếc áo len, mũ len trùm đầu, khăn len quấn cổ, găng len tròng tay. Quấn một vòng khăn len qua mũi miệng, chỉ để cặp mắt nhìn xứ người qua cặp kính cận, mới tạm tạm chống được cái rét đang tìm mọi cách để luồn vào người!

Nhìn trong gương, thấy mình như một con gấu già, chùm hum, xù xì, và béo ục!

Tuyết mới rơi hôm qua, lưa thưa, đọng lại ở chân tường, góc phố những đám băng xốp, lẫn bùn rác đen bẩn! Tự nhủ: ta được may mắn thấy tuyết rơi chăng? 


Thật may, khi đến Vạn Lý Trường Thành, tuyết bắt đầu rơi. Những bông tuyết xoay tròn trong không trung, lặng lẽ, dần dà phủ một lớp băng trơn trượt trên mặt đá. Đi phải cẩn thận, rất dễ ngã. Nhìn thật kỹ một bông tuyết rơi trên ngón tay, thấy đúng là hình một bông hoa tinh thể tám cánh, bé tí xíu như một ảo ảnh! Thật là kỳ diệu!

Một cô gái Trung Hoa, cao lớn, má đỏ au nấp sau viền lông thú của chiếc mũ trùm, váy đỏ ngắn, tất len màu tím thẫm, giày ống da cao gót xoay mình dang tay đón tuyết rơi, buông tiếng cười trong như pha lê giữa muôn trùng bông tuyết!

3.
Năm năm sau, quay lại xứ người lần nữa, vào những ngày đầu Xuân, lồng đèn đỏ còn giăng mắc ngập trời phố xá! Lần này, lên Tứ Xuyên, tính đường đạp tuyết Nga Mi Sơn!

Đúng ngày lên núi, tuyết rơi, theo lời người dẫn đường, trận mưa tuyết này lớn nhất trong nhiều năm gần đây! Dõi theo hai bên đường khi xe vượt đèo, tuyết rơi trắng xóa mỗi giờ mỗi nặng, phủ dần những ngọn bách tùng kiên gan với giá rét, phủ dần những mái nhà lấp ló trong rừng, cảnh vật chuyển dần sang màu trắng tinh, như xốp, như bông. Người đi trong rừng ra, chân ngập tuyết đến gối! Cảnh vật thì ngoạn mục, đẹp tuyệt vời, nhưng cái sống của con người chìm trong tuyết băng này chắc là khốn đốn!

Những cành cây trĩu nặng tuyết, oằn xuống, rồi bật lên khi đám tuyết quá dầy rời cành, tung bụi tuyết mù mịt như có ai rùng mình trong rừng!

Từ chân núi, bắt đầu đi bộ lên đỉnh, đường đóng băng hoặc ngập tuyết, phải mua bốn cái móng sắt buộc vào giày (như đóng móng cho ngựa vậy!). Có những móng sắt này găm vào trong băng tuyết mới đi vững được! Ai kém chân thì có cáng của dân bản xứ đưa lên tận đỉnh!


Trên đỉnh Nga Mi Sơn cao hơn ba ngàn thước là tượng Phổ Hiền bồ tát cưỡi voi khổng lồ dát vàng sáng chói. Người Tàu chuộng cái vĩ đại, làm cái gì cũng làm thật to, nhiều món khó tưởng tượng nổi. Mà cái bệnh chuộng to này cũng bắt đầu đang lan sang ta!

Khi xuống núi, tuyết lại rơi đậm, chúng tôi bì bõm trong tuyết lạnh dày đến gối hơn hai tiếng đồng hồ. Cả một đoạn đường băng qua rừng vắng tênh chỉ có mười mấy người chúng tôi. Tuyền một màu trắng thinh lặng từ trời xuống đất, tiếng cười, tiếng la của chúng tôi khi ngã dúi dụi trong tuyết cũng mang cảm giác như vọng lại từ nơi chốn xa xôi nào! 

Tất cả các xe xuống đèo đều bị công an chận lại kiểm tra và yêu cầu phải quấn xích sắt vào bánh xe đầy đủ mới cho phép đi!

4.
Mỗi lần lạc vào xứ tuyết, trong lòng lại tràn ngập cảm xúc ngày xưa, khi còn là đứa bé mê mẩn trước những bông tuyết bay mù mịt trong quả cầu thủy tinh, thầm mong một ngày nào đó mình được đứng giữa trời tuyết lạnh!

Giấc mơ gọi giấc mơ, thôi thúc chân người những phút lên đường!
»»  read more

10.12.13

quota tình

Bộ phim Las Vegas, với nhan đề tiếng Việt là Bô lão xì tin.

Bốn người bạn, từng gắn bó với nhau thuở thiếu niên, giờ đã có trong tay 6 bó, quyết định bước ra khỏi cuộc sống thường nhật nhàm chán, tổ chức một bữa tiệc ở Las Vegas để tiễn một "cụ" còn độc thân lăm le... cưới vợ!

Las Vegas, một sodom-thời-hiện-đại, nơi ánh đèn màu lộng lẫy, nơi các sòng bạc náo nhiệt, nơi các cuộc vui thâu đêm, nơi rượu chảy tràn như suối, nơi đầy các mỹ nhân nóng bỏng, phóng khoáng và tự do, nơi con người trở về bản năng gốc phi tuổi tác!

Phim qui tụ 4 tài tử gạo cội của Hollywood: M. Douglas, M. Freeman, R. de Niro, K. Kline. Trong bốn tài danh này, có thể tiếng tăm Kline kém nổi một chút. Ông đóng vai Sam, "cụ" duy nhất còn... vợ!

Tôi thích nhất tình tiết khi phu nhân tiễn cụ Sam lên đường vi vu với đám bạn già tại một thành phố đầy những cạm bẫy tình. Nàng đưa cho chàng một phong bì với lời dặn: Đến Vegas, anh hãy mở! Thế nhưng chàng Sam sốt ruột, mở ngay. Hihi, nếu lỡ nàng có dặn gì khó xử thì còn có cơ may trần tình ngay tại chỗ chứ! Trong phong bì là một tấm thiệp với dòng chữ: Chuyện gì ở Las Vegas thì để lại Las Vegas và bên trong thiệp, được gắn duyên dáng một viên Viagra và một vòng condom!

Sam trợn mắt tròn xoe: Được phép hở em? Nàng gật đầu: Đi đi, cụ!

Sam sẽ làm gì khi gặp được một thiếu nữ trẻ măng xinh đẹp rực lửa, người phải lòng chàng vì: Anh đẹp trai như... ông nội của em!

Sam sẽ làm gì khi đến lúc cao trào, người đẹp tuột hết xiêm y trước một Sam đang dạt dào sức sống: Anh không cần Viagra nữa!

Sam sẽ làm gì để người đẹp khi từ giã, trao cho chàng một nụ hôn nóng bỏng với lời nhắn: Em mong sẽ có một người chồng tuyệt vời như anh!

Sam sẽ làm gì???

Ta sẽ đi xem phim, các bạn nhỉ? Hay cũng chả cần xem, cứ mặc trí tưởng tượng của ta dẫn dắt để hình dung khi có một quota tình ái, người ta sẽ... mần chiện đó ra răng!
»»  read more

5.12.13

sao lạ

1.
Trước Giáng Sinh, người Công giáo có một thời gian phụng vụ, gọi là Mùa Vọng Giáng Sinh, phẩm phục các vị chủ lễ màu tím, màu của mong đợi, hối lỗi, tinh sạch.

Trong mùa này, tôi thích nhất một bài Thánh Vịnh (những bài ca trong Cựu Ước của dân Do Thái tôn vinh Thiên Chúa) có những câu:

Trời cao hãy đổ sương xuống
Ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu Đời.


Khi đó, Chúa Giêxu chưa ra đời, dân Do Thái đang mong chờ Đấng Cứu Thế đến!

Đất Do Thái, dẫu được coi là miền Đất Hứa – chảy đầy sữa và mật ong – thật ra là vùng đất khô cằn, chắc chỉ có cây ô liu là chịu đựng được. Hiện nay, người Do Thái vẫn có một hệ thống tưới cho cây xanh cực kỳ tiết kiệm, tự động hóa hoàn toàn, khi nào cần mới… nhễu cho cây vài giọt đủ sống thôi!!!

Từ đất đai cằn cỗi đang chờ từng giọt mưa để sinh sôi nảy nở, người Do Thái mang tâm tình ngóng trông đó mong chờ từ trời mưa xuống Đấng Cứu Thế cứu rỗi cuộc đời nhân thế quá trầm luân!

Đó cũng là niềm mơ ước chung của nhân loại. Dân ta cũng có câu:

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày…


Đất mãi mãi mong mưa! Con người mãi mãi hy vọng!

2.
Có câu chuyện trong Kinh Thánh, một người mang của lễ đến đền thờ để dâng lên Thiên Chúa, anh ta bộc bạch với Ngài là người hàng xóm của anh ta quá tệ và hai người đang có chuyện xích mích với nhau. Thiên Chúa mới bảo anh ta rằng: Con hãy mang của lễ này về, làm lành với người anh em của con đi, rồi hãy quay lại đây! Sự hòa giải với người con ghét bỏ, tức giận, mới là của lễ mà ta cần!

3.
Khi chúa phục sinh, gặp lại các môn đệ, câu chào của người là: Bình an cho các con!

Tôi không biết có câu chào nào hàm chứa sâu xa những hy vọng của con người đến vậy. Chúng ta tìm kiếm gì khi đến với cuộc đời này, có phải là sự bình an. Bình an cho tâm hồn mình, bình an cho anh em mình, bình an cho thế giới mình! Tiền bạc, danh vọng, của cải… có ý nghĩa gì khi không có bình an!

Và đêm Giáng Sinh, từ trời cao thiên sứ hát vang:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời!
Bình an cho người dưới thế!


4.
Những điều trên, không phải nói về đạo công giáo, phải không bạn! Dù bạn theo hay không theo bất kỳ một tôn giáo nào, thì mong mỏi hạnh phúc, hòa giải mọi hiềm khích, tìm kiếm sự bình an là những điều ta phải làm, cần làm để thế giới quanh ta như một mầm xanh, được mưa móc, được chăm bón, vươn lên xum xuê dưới ánh sáng!

Ánh sáng của một vì sao lạ!

Rực rỡ trong đêm Giáng Sinh!
»»  read more

3.12.13

về

Đi xa một tuần, chẳng mạng chẳng blog chẳng facebook, về, thấy hoa tỏi nở tím cả tường rào. Biết Nha Trang vừa trở lạnh. Tự dưng nhớ bài thơ, đã hơn 30 năm,
nói với người con gái vừa gãy đổ một tình yêu:

Nha Trang trời vừa trở lạnh
Mặc thêm áo khoác vào em
Tiếng hát bay vào cung thánh
Nhớ về đêm lễ Noel

Sương mù giăng qua lễ sớm
Áo em trắng tựa hoa nhài
Thơm hương tháng ngày chốn cũ
Đọng hoài trong tóc không phai

Trong tay em còn giữ lại
Quãng đời - một cánh hoa khô
Chân bước ngại ngùng lối lạ
Mong manh một chút hẹn hò

Tôi biết tình yêu đẹp lắm
Như là tiếng hát bay cao
... có lẽ, rồi qua năm tháng
Bao nhiêu nước sẽ qua cầu

Có lẽ rồi hoa sẽ nở
Cũng như cuộc đời tin yêu
Hãy để tim mình bỡ ngỡ
Xôn xao nắng đọng cuối chiều

Mong thấy một lần cung thánh
Em cầm hoa trắng trong tay
Nắng ấm mùa xuân sẽ lại
Trở thành giọt rượu thơm say
Vườn cũ ngọt ngào hoa trái
Nụ hôn ngày ấy sẽ dài




»»  read more