21.9.11

danang 911


Đợt này về ĐN, giỗ ba và đi La Vang, hết 5 ngày, trưa nay mới có bữa cơm đầu tiên. Ngày đầu lười chợ búa, trưa chiều ăn bún. Ngày thứ 2 đám giỗ, miễn cơm. Ngày thứ 3, điện cúp lại bún, bánh mì. Ngày thứ 4, đi La Vang, ăn dọc đường đủ thứ, trừ cơm.

Trưa nay mới được ăn cơm, có rau lang luộc, rau sống, mắm cà, mắm tép, cá kho cộng với tí thịt heo luộc. Đơn sơ vậy mà ngon.

Hihi, mần cái nhan đề danang 911 cho nó... sang, dù răng thì cũng là những ngày tháng chín năm 20 một một đó thôi!

1.
ĐN dạo này lại cúp điện, lại nhằm ngày CN, trời hầm dông oi nồng như muốn xua người ta ra khỏi nhà, nhất là ra khỏi những cái hộp bê tông đô thị bịt bùng ngột ngạt. Hehe, ý nhà nước miềng muốn bà con ta ngày CN đi chơi bời đừng có ở nhà để "kích cầu" cho cái nền kinh tế nghe nói phì phọp này!

Nha Trang mùa hè này không thấy cúp điện, thành ra gặp ĐN cúp điện hơi bị ngạc nhiên. Mà chơi một lèo từ 4h sáng đến 8h tối luôn. Pó tay ông nhà đèn xứ Touranne! Nhân vụ cúp điện tui lập kỷ lục chạy sô. Sáng đi cà phê với tốp bạn cũ, sau đó lại chạy tiếp đến quán cà phê thứ 2 ngồi cùng mấy anh em trong nhà (có bà xã làm chủ trì, cấm không được vắng mặt!), sau đó 10h dạt qua đám bạn thời lớp 6, nhậu canh trưa. Nhậu một lát đến 11h30 tan hàng, thằng đi đám giỗ má vợ, thằng đi đám cưới con sếp, tui về nhà kịp ăn trưa với bà xã và gia đình. Một buổi sáng công tư vẹn toàn, thành công tốt đẹp.

2.
Ngày đi La Vang cũng... thành công tốt đẹp mọi đàng. Tài xế là thằng cháu con bà chị, chuyên lái đường dài nên rành sáu câu vụ ăn uống trên đường.

Hết buổi sáng xong việc tại La Vang, quay lại ĐN. Được giới thiệu các món trên đường, cả đoàn nhất trí sẽ nếm qua hết các thứ. Thế là ghé Thủy Dương, ăn bánh canh cá lóc 10k/tô, cá được ướp gia vị, tao sơ thật đậm đà, bánh canh kiểu Huế giòn sừn sựt, nước dùng nóng rãy và cay bỏng. Vừa ăn vừa xuýt xoa, mồ hôi tuôn giọt mẹ giọt con. Rất thú vị!

Tiếp tục đến Phú Lộc mần bánh ướt heo quay, bánh ướt trắng tinh, mềm mại, heo quay da dòn tan, mỡ săn, nạc thơm kèm rau sống tươi rói, rất hấp dẫn! Vì đã có tô bánh canh dằn bụng nên chỉ kêu 3 phần cho 8 người ăn, thế là đủ! Mỗi phần 30k, không đắt, vì cỡ ba thằng như miềng chén 2 phần là no cái bụng rồi!

Sau đó ghé lò bánh bột lọc. Gọi lò vì chỉ mua mang đi. Người ta bày ra làm cho khách xem từng công đoạn gói bánh, luộc bánh. Khá hấp dẫn và vui vẻ. Giá đồng hạng 2k/bánh, bánh nậm hay bánh bột lọc cũng vậy.

Rồi tà tà đến 5h chiều, qua hầm Hải Vân, về Nam Ô. Ở đây có món gỏi cá, nghe tiếng nhưng chưa được thưởng thức, lần này ghé mần luôn cho đủ bộ. Gỏi làm bằng cá trích lạng phi lê xắt mỏng, trộn thính rang, cuốn bánh tráng với rau sống, chấm nước tương sền sệt. Ăn cũng được, nhưng không hợp khẩu bằng gỏi cá Nha Trang. Thính làm miếng cá khô săn lại, nên mất ít nhiều hương vị cá tươi. Trong rau sống có lá xoài non, cũng hay hay! 60k/đĩa lớn, đắt rẻ... tùy lòng thực khách hỉ!

Ôi trời, có một buổi mà ăn quá là ăn!

3.
Chuyến La Vang này vui còn vì có chú em kề tui cùng đi chơi. Ẻm chịu trách nhiệm chăm sóc mẹ nên khó có dịp đi đây đó. Chỉ khi có việc anh em tụ về, ẻm mới rảnh một chút! Dạo này, ẻm để tóc dài, búi thành cái đuôi sau ót, mặt mày ròm ròm như ông nghệ sĩ thứ thiệt!

Đúng ra, hổng phải ông nghệ sĩ, "lão nghệ sĩ" mới đúng, vì ẻm già trước tuổi quá trời!


1.Bánh canh cá lóc 2.Bánh ướt thịt quay
3.Gỏi cá nam Ô 4. Em tui
»»  read more

19.7.11

mười năm cổ tích



Câu chuyện về cậu bé phù thủy Harry Potter của J.K. Rowling, đến VN vào năm 2000, với những tập sách mỏng, khổ 11x18cm, độ 120 trang. Lúc đó Bi mới vào trung học, đi đón Bi về hai cha con luôn ngóng chờ xem trong hiệu sách nhỏ trước trường tập sách mới đã ra chưa. Mỗi tuần một tập, đọc xong, thòm thèm cả sáu ngày. Hết một cuốn lại dài cổ chờ cuốn mới.

Harry Potter trở thành niềm vui và nỗi đợi chờ chung của hai ba con, (chị Mơ xem ké, hổng tính).

Năm cuốn đầu đi qua với 61 tập nhỏ, tập cuối đã vào cuối năm 2003. Mãi hai năm sau mới có cuốn thứ 6 - HP và Hoàng tử lai, lúc này đã trọn cuốn, không làm từng tập bé bé nữa, dày 670 trang, khổ lớn 14x20. Cuốn thứ 7 - HP và Bảo bối tử thần càng dày thêm >780 trang, thời gian bổn cũ soạn lại, thêm hai năm nữa: cuối 2007.

Bảy năm, cộng với các bộ phim đến nay, bộ phim cuối cùng ra mắt, đã mười năm, cả thế giới say sưa với cuộc đời cậu bé phù thủy, cùng hai bạn thân là Hermion Granger và Ron Weasley. Tuổi của Harry Potter ngang với tuổi của Bi. Thoắt một cái, cậu bé dễ thương ngày nào đã trở thành một thanh niên với ít vẻ dễ thương hơn.

Bi hồi bé, đeo kính cận, khuôn mặt cũng hao hao HP trong phim, tài tử Daniel Radcliffe.

Mười năm cho một giấc mơ thần thoại vừa kỳ bí vừa thấm đẫm nhân văn. Mười năm để HP trở thành kỷ niệm đẹp với Bi thời niên thiếu. Mười năm để tôi có những giây phút trở lại với cảm giác hồi hộp phiêu lưu mạo hiểm khi xem những chuyện cổ, truyện tranh và phim hoạt hình của tuổi ấu thơ.

Mười năm để tiếp tục cảm nghiệm sức mạnh đầy quyền năng của tình yêu: vượt thắng mọi cái ác, bảo vệ cuộc đời và bảo vệ trái tim nhân ái của con người, dù người đó có đặc biệt như một phù thủy đi nữa.

Như một món-quà-mộng-tưởng-lớn của thế kỷ 21, thế kỷ tưởng chừng như mọi điều trên thế giới không còn huyền hoặc nữa.
»»  read more

14.7.11

mấy bữa về nhà




Mỗi lần về Đà Nẵng, vui thích nhất là được gặp gỡ bù khú với bạn xưa, những thằng bạn cùng lứa, như trẻ mãi không già, vẫn hồn nhiên tinh nghịch chòng ghẹo nhau như thuở thiếu niên.

1.
Người Đà Nẵng có cái lối nói nghịch ngầm, chọt lét người nghe, ai không quen dễ bất mãn, giận dỗi. Cái thèng ni núa chi mà gai rứa! (Thằng này nói gì mà gay vậy!). Và dễ cãi nhau, cãi nhau rất to, trợn mắt, phùng mang, văng nước miếng chưa chịu thua. Và đề tài nào cũng có thể dẫn đến cuộc cãi nổ trời như vậy. Đám bạn Quảng ở Sài Gòn hơn ba mươi năm có dư, vẫn bổn tính không đổi thay gì ráo, gặp nhau, ngồi một hồi là "sôi nổi" cãi, mỗi ông một phe, không ông nào chịu ông nào! Quảng Nam hay cãi mà!

Đà Nẵng đang trở thành đô thị bự nhất miền Trung. Lòng tự hào của dân Đà Nẵng cũng phình to theo quy mô của thành phố. Đừng có dại mà về đó mà cất giọng chê bai Đà Nẵng. Tôi ngồi cười đủ nguyên cả hàm răng, khi các ông bạn say sưa đưa quê miềng đến tận trời xanh.

Biển ư, biển Mỹ Khê là nhứt, nước trong, cát mịn, bờ thoai thoải dễ tắm. Biển Nha Trang chỉ là cái đinh rỉ, cát thì to, biển thì sâu, bước mấy bước đã ngập đầu, tắm cái gì!

Hải sản ư, Đà Nẵng là số một, thứ chi cũng có, tươi ngon bổ rẻ. Tôm mực Nha Trang chỉ có xách dép chạy theo mà thôi!

Đảo Vinpearl hả, không bằng cái móng tay của bán đảo Sơn Trà!

Còn rau tươi hả, mi đừng thấy rau lá nhỏ nhỏ rứa rồi chê nghe, nhỏ mà nhỏ hạt tiêu, nhỏ mà thơm, chớ mấy thứ rau to xác lạt phèo phèo!

Tau hỏi mi ở mô có được cái Bà Nà, ở mô có cái tượng to như chùa Linh Ứng!

Hehe, miệng mình đành câm như thóc! Nói chung, Đà Nẵng là nhứt, quê miềng mà, cãi mần chi. Chỉ tiếc là chưa được chọn để làm thủ đô thôi!

Tui còn thấy thêm cái nhứt nữa của Đà Nẵng, nhiều đất nhứt nước luôn, đi chỗ mô cũng thấy đất bạt ngàn, lô nhỏ lô to, đủ hết. Chỉ tiếc là đất còn là đất, chưa có nhà cửa chi, thấy cỏ dại mọc bời bời!

2.
Đà Nẵng ngoài mì quảng truyền thống (mì tôm thịt, mì gà, mì cá lóc), ngoài phở dành cho dân xứ Bắc, món bún cực kỳ phong phú. Tôi tiếp ông bạn Đà Nẵng tại Nha Trang, giới thiệu ổng hai ngày hai món phở Nha Trang, là ông bắt đầu quạu: "Bữa mô cũng phở, trong ni không có bán bún hả mi?"

Đà Nẵng hằng hà sa số... bún: bún bò, bún giò, bún xương, bún gân, bún lưỡi, bún chả, bún mắm, bún cá, bún măng.... Muốn gì có nấy, rất phong nhiêu!

3.
Có mấy món nhậu lạ lạ: gà lên mâm (gà luộc với xôi, đã được thưởng thức), lòng thả (chưa biết)! Bia sành điệu của Đà Nẵng là Larue: có ba loại trắng, xanh, vàng. Các nhãn bia khác chỉ tồn tại lây lất như cho có ở Đà Nẵng mà thôi!
»»  read more

20.6.11

Father's Day



Ba tôi, nếu nói theo ngôn ngữ bây giờ, thuộc loại dân “tech-mania”, ưa máy móc, ưa tìm tòi săm soi, ưa tháo tung mọi thứ ra xem “ở trỏng là cái gì?”

Khi sắm được dàn máy Akai, chiếc xe dame, ông bắt đầu không có những ngày chủ nhật yên ổn nữa. Không rị mọ cái xe máy, thì cũng rờ rẫm cái máy Akai. Và hai thằng con trai đầu, anh Ba và tôi, cũng bắt đầu tiêu tùng những ngày nghỉ được chạy nhảy rong chơi đầu làng cuối xóm.

Phải ngồi chò hỏ quanh ông để chờ sai vặt. Lấy cái kềm, cái tuốc nơ vít, cái cơ lê hoặc xáo xào mấy cái thùng đựng trăm thứ bà rằn tìm một con ốc, cái rông đen theo yêu cầu của… cấp trên!

Vừa thi hành nhiệm vụ vừa chong mắt ra ngoài ngõ, ngóng tiếng mấy thằng bạn chơi giỡn rần trời đất, trong lòng bồn chồn, tâm trí rối như canh hẹ.

Anh Ba nhà tôi có chút nghề điện tử, còn ham thích vầy vò máy móc, còn cái thằng tôi ưa chuyện vẽ vời văn nghệ, nhìn đống sắt thép vô tri, ngán tới tận cổ.

Nhưng ba tôi nóng tính lắm. Giận lên, ổng sẵn sàng quất vô mông chúng tôi bằng cái nịt da, hoặc cây roi mây to bằng ngón chân cái. Thành thử, chấp hành mệnh lệnh tuyệt đối, miễn ý kiến ý cò.

Cũng do nóng tính, khi sai bảo hai thằng nhỏ, mà “mần ăn” chậm lụt, thế nào ba cũng tương sấm sét trên đầu. Nhẹ thì la mắng um sùm, nặng thì một cái bạt tai chúi đầu chúi óc.

Thành ra, sáng chủ nhật, thấy ba cà phê cà pháo xong, bắt đầu dựng xe máy trước sân hoặc bê dàn Akai xuống đất, xách thùng đồ nghề ra, hai ông nhỏ mặt xàu nhau như tàu lá héo.

Và thường thường, do tay nghề hổng được cao lắm, chuyện máy móc kéo dài đến trưa đứng bóng vẫn không xong. Mẹ tôi dọn cơm lên bàn rồi, mà lấm lét ở nhà dưới, không dám kêu cả nhà ăn cơm, vì biết tính ba, kêu lúc này là dễ bị xì nẹt bất tử.

Thế là mẹ cho mấy đứa em ăn trước, còn hai ông “lớn” đang đóng vai phụ trên phim, đành bóp bụng chờ vai chính diễn xuất xong xuôi.

*
Hôm nay, nhân Ngày Các Ông Bố, nhớ tới ba, ghi lại một trong những kỷ niệm xưa. Ba đi xa trên mười năm rồi nhưng những buồn vui giữa cha và con vẫn còn nguyên vẹn đó!
»»  read more

26.5.11

đám cưới con gái



1.
Cưới nhau là cùng trồng một cái cây. Cây đó gọi là gia đình.

Để tự gia đình lớn lên, không có bàn tay vun đắp, nó sẽ còi cọc, cong queo, cành lá um tùm mất trật tự, khó mà trở thành một tàng cây rộng lớn, mạnh khỏe, bền lâu.

Vun xới gia đình, là tạo bóng mát cho mình và các thế hệ sau cùng nhau sum vầy, vui sống.

Vun xới gia đình là xây dựng thiên đàng cho cuộc đời, để ở đó có nhiều nụ cười và tiếng nói của hạnh phúc.

2.
Gia đình được tạo dựng bằng sự tin cậy. Tiền bạc kiếm được trở thành của chung. Dẫu thời này, mỗi người có thể lập một ngân khoản riêng, nhưng phải ý thức đó vẫn là của chung. Bất đồng về tiền bạc phá vỡ gia đình rất nhanh và để lại nhiều di chấn trầm trọng.

Đẹp nhất là vợ quản lý tiền nong và thỉnh thoảng liếc xem ví chồng hết tiền chưa để "bơm" thêm vào.

Mọi giúp đỡ cho họ hàng hai bên phải được cả hai biết và cùng đồng ý. Khi dư dả về tiền bạc, nên lập một danh sách những người thân cần trợ giúp và dành một khoản để chi thường xuyên cho việc đó.

3.
Phải có bữa ăn gia đình, bên bàn ăn, bên bếp lửa nhà mình. Ăn sang, tất nhiên là tốt, nhưng phải biết ăn những món… không sang.

Bún tươi chan xì dầu giằm ớt là đủ cho một bữa. Rau muống luộc lấy nước làm canh (nêm nước mắm ớt tỏi chanh) là có được hai món cho bữa cơm. Đó là những món đơn giản, dễ làm, ngon, rẻ dành cho những lúc… hết tiền.

Biết thích nghi và vui sống trong những lúc ngặt nghèo là chìa khóa mở cửa thiên đàng gia đình.

4.
Chăm sóc nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, xinh đẹp. Trồng một cái cây, treo một bức tranh, bày một món trang trí nhỏ. Thỉnh thoảng thay đổi bài trí trong nhà, cho nó mới.

Và không chỉ làm mới tổ ấm, làm mới cả mình nữa.

5.
Có một ít bạn bè để chơi.

Có nhiều anh chị em ruột thịt cô dì cậu mợ… để gần gũi.

Lâu lâu mời về nhà, cùng nấu nướng ăn nhậu một chút, casino một chút.

6.
Tuyệt đối không… thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Tuyệt đối không, tuyệt đối không và tuyệt đối không…

7.
Bắt đầu từ những điều trên, rồi mọi thứ đẹp đẽ sẽ đến dần trong cuộc sống gia đình.
»»  read more

19.5.11

cô và trò


Cô Phan Mộng Hoàn (giáo sư trung học Phan Châu Trinh và Kỹ Thuật Đà Nẵng), trong chuyến từ Mỹ về nước ghé thăm các học trò cũ ở Nha Trang.

Tối 14/5 Hồ Tân (CHS PCT) đón cô ở ga Nha Trang lúc 23h, và đưa cô về "ngự" tại tư dinh. Lúc tàu đến ga, cô đã chuẩn bị phương án 2, nếu không ai đón, sẽ tháp tùng mấy ngài Tây ba lô về khách sạn. Bà già trầu có khác!

Ngày 15/5, cô được phu nhân Hồ Tân (CHS Hồng Đức ĐN) đưa đi thăm Nha Trang và một số người quen.

Đến tối, tại nhà Hồ Tân, cô và các học trò gồm: gia chủ và phu nhân, anh Lê Tấn Hòa (CHS PCT - từ Phan Thiết chạy ra đón cô), Nguyễn Hoàng Phúc, Phạm Hùng Dũng (CHS KTĐN) dùng cơm thân mật. Có mực, cá tươi rói xứ biển. Cóđétxe bằng chè đậu ngự do cô Hoàn đích thân lột vỏ và gia chủ đích thân nấu. Ngon đến nỗi cô phải cảm thán: ngậm mà nghe hỉ!!!

Hai CHS KTĐN là chị Lánh và Công bận việc không đến được. Thật tiếc!

Cô tặng cho tôi tập truyện ngắn Hoàng hôn Thôn Vỹ và quà gốm sứ vẽ chân dung con gái tôi do cô tự làm.

Cô trò hàn huyên, ôn lại kỷ niệm xưa đến gần 23h mới... tan hàng!

Sáng 16/5, phe ta uống cà phê tại Bốn Mùa, bên bờ biển Nha Trang xinh đẹp, đầy nắng sớm và gió mát. Lúc này có thêm phu nhân Hoàng Phúc.

Đến 8h, cô lên đường cùng Lê Tấn Hòa, tiếp tục cuộc lãng du vào Phan Rang, Phan Thiết và ghé nhà Hòa tại thị xã LaGi.

Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi, nhưng tình cảm cô trò xa nhau gần bốn mươi năm mới gặp lại, thật xúc động và nồng ấm. Anh em đều mừng khi thấy cô còn khỏe mạnh, trẻ trung so với tuổi, vẫn thao thao bất tuyệt với những từ ngữ sinh động, hóm hỉnh như ngày nào là một cô giáo dạy văn vừa quá ba mươi, được lũ học trò yêu mến, thân thương những lúc cô vui, và cũng thiệt ớn lạnh những khi tarzan... nổi giận!
»»  read more

26.4.11

Bờm và Anh


Thi Văn Đoàn Thằng Bờm do thi sĩ Nguyễn Vỹ thành lập (1970) tại Sài Gòn. Sau đó một số tỉnh thành cũng có các phân đoàn: Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Huế... Anh Lê Khắc Văn là Phân đoàn trưởng Đà Nẵng.

Lúc này thật êm vắng, không một tiếng động ngoài vườn nửa khuya. Lũ ếch xanh xám cũng đi đã ngủ trong hồ nước nhỏ. Chắc chỉ có cây sứ già mơ màng thả nhẹ nhàng những bông rơi trong bóng tối, để mai thấy trắng cả góc vườn. Thơm lắm nào hương nguyệt quế, hương khuyên tai, hương ngọc lan, hương cau, hương nhài. Tôi ngồi trước PC, đọc email Bờm, đọc trang web Bờm và nhớ.

1.
Tôi vào Bờm Đà Nẵng muộn, qua Lê Văn Quang (học cùng tôi hai năm lớp sáu, bảy trường Phan Chu Trinh) và sau đó Dương Đăng Cả (học cùng ở Trường Kỹ Thuật) giới thiệu. Chúng tôi cùng nhóm Đinh Bộ Lĩnh với Nguyễn Hữu Cử, sau này có thêm Nguyễn Sanh Ngọc, Đinh Thanh và… nhiều anh em nữa. Lúc này Bờm không chỉ thơ văn, đã chuyển qua hoạt động như hướng đạo với đồng phục, khăn quàng.

Tôi nhớ cái áo Bờm màu hoàng yến, vốn là áo trắng học sinh được nhuộm từ giấy bóng kiếng màu vàng (loại dán lồng đèn Trung Thu) nấu trong nước sôi,

Sau này, năm anh em, Dũng Quang Cả Ngọc Cử, rủ nhau lập một nhóm nhỏ nữa, gọi là nhóm Lam và đặt các bút hiệu: Mai Lam, Thụy Lam, Dạ Lam, Vi Lam, Đan Lam. Tôi là chàng láu táu, lắm tài vặt nên bị bốn chàng còn lại đẩy vào tư thế… lãnh đạo. Mấy anh em cùng nhau viết văn làm thơ. Tài hoa nhất là Ngọc-Vi Lam, có thơ đăng báo đàng hoàng.

Trong ba năm cùng Bờm với nhau (thời gian ngắn ngủi mà sao tình gắn bó thật dài), cả nhóm có một tập thơ chung. Thật tiếc qua nhiều biến động, không ai còn lưu giữ được cái kỷ niệm hiếm có ấy. Nhưng những ngày hăng hái lăng xăng để ra được tập thơ thì không thể ai quên!

Đó là tập thơ mỏng được đánh máy làm năm bản trên giấy pelure hồng, mỗi chàng năm bảy bài, và tất nhiên có các bức vẽ minh họa và trình bày bìa do Dũng-Mai Lam thực hiện. Bìa trang trọng lắm, được quay ronéo nét trên giấy croquis, sau đó tô màu nước, bọc nilon. Phải nói là tập thơ đầy vẻ đẹp lãng mạn của tuổi học trò.

Chúng tôi cũng hãnh diện ngầm, cái hãnh diện trẻ con, rằng mình cũng có tác phẩm được… in ấn xuất bản đàng hoàng chớ bộ. Cũng có cái để ngước nhìn được lên các đàn anh: Trần Hoàn làm thơ “thần sầu”, Dương Đăng Cao văn thơ họa “bay bướm”…, cùng các đàn chị tài hoa: Như Hòa, Kim Hương, Tố Trinh… và nhiều “cây đa cây đề” khác nữa.

2.
Câu trích cũ mòn, sáo và sến nữa, nhưng sao vẫn đúng: một thời để yêu và một thời để chết.
3.
Để nhớ một người, Anh, Lê Khắc Văn.

Trong bài viết nhân 40 năm Bờm, tôi gọi anh là người anh hùng trong tâm tưởng thời niên thiếu của tôi. Và đến bây giờ, trong tâm tưởng của một người quá tuổi 50, vẫn chỉ có một anh hùng duy nhất ấy!

Anh hùng vì thuở đó tuổi anh còn nhỏ hơn con tôi bây giờ, nhưng thừa bản lĩnh, niềm tin và sức mạnh tinh thần để dẫn dắt những-thiếu-niên-chúng-ta vui chơi, phiêu lưu, thương yêu nhau trong mấy năm trời. Tình yêu ấy, còn cháy sáng trong tim, đến tận những ngày này chưa tắt.

Anh hùng vì qua Anh, với Anh từng người chúng ta đều cố rèn nên một bản lĩnh. Những chiều chủ nhật sinh hoạt, những đợt trại ngắn ngày, những chuyến trại bay dài ngày trong tuổi nhỏ ngày ấy, chúng ta tràn đầy sinh lực và ý chí tự chủ, không hề thấy mình yếu đuối, bé bỏng phải dựa dẫm, nhờ vả vào ai.

4.
Tôi có hai kỷ niệm nhỏ với riêng Anh.

Anh là người giúp tôi hiểu trọn vẹn những kiến thức về âm nhạc của mình. Anh không trực tiếp dạy tôi về âm nhạc, nhưng qua lớp guitar của Anh ở nhà Trần Hoàn (hồi đó, tôi đã chơi được vài loại đàn rồi), nói như kiểu nhà Phật: tôi được-khai-thị về nhạc. Các bạn có thể cho tôi nói quá, nhưng sự thật là vậy.

Trước đó, tôi đã được học nhiều về nhạc lý, nhưng vẫn mù mờ một cái gì đó, lướng vướng một cái gì đó khiến mớ kiến thức của mình cứ u u minh minh. Một buổi chiều, tham gia lớp guitar, nghe anh Văn nói về nhịp điệu, tự nhiên trong đầu tôi như có cái gì vỡ ra, sáng ra và toàn bộ những cái tôi biết về âm nhạc tự nhiên mạch lạc, rõ ràng, khúc chiết.

Chắc một thiền sư ở giây phút ngộ giác, cũng vui sướng hoan lạc như tôi vào lúc đó!

Đó là duyên, là cái để ghi nhớ mãi!

Chuyện thứ hai, trong chuyến trại Đà Lạt. Chiều hôm đó, sau khi cả đoàn đã lên Đà Lạt, chỉ còn Anh và tôi ở Phi Nôm, giữ đám xe đạp sứt mẻ sau chuyến đi dài.

Phi Nôm thuở đó là ngã ba đường thiên lý, nhỏ bé, đìu hiu, đất đỏ mịt mù. Những mái nhà tôn rỉ sét nép trong các tàng cây. Đang hè, nhưng trời xám mây, lất phất sương mưa.

Ăn tối xong, đang gặm ổi, Anh rủ tôi lên Prenn chơi hè! Thì đi, chọn hai chiếc xế điếc còn tươm tươm. Đến Prenn đã chiều muộn, cổng ngõ bỏ không, hai anh em được vào chơi miễn phí. Đi một vòng thác, anh rủ tiếp: Hay mình lên Đà Lạt luôn hè, không còn xa nữa mô! Đạp nổi lên đèo không anh? Lo chi, dắt bộ một chút lên đỉnh đèo, thả xe dong xuống!

Sau này, tôi biết chẳng có đỉnh đèo nào hết. Đà Lạt là đỉnh mà!

Hai anh em dắt xe đi bộ, trong đêm giá buốt, một gần đôi mươi - một mười lăm, trong bóng tối. Không thấy có một chiếc xe nào qua đèo vào thời khắc đó. Khoảng giữa đường, gặp một chiếc xe tải bị pan, tài xế đang đốt đống lửa bập bùng. Những người ngồi quanh đống lửa đó chắc tự hỏi hai ông nhóc nào lại vượt đèo trong đêm khuya khoắt thế này!

Đi mãi, đến khi thấy đèn thị xã ánh lên trong sương mù, tôi mới biết mình vượt qua một chặng đèo dài hơn mười cây số. Mồ hôi đẫm áo, làm bớt đi giá lạnh.

5.
Anh rời cuộc đời quá sớm. Cái chết là mất mát, tiếc nuối và đau thương. Nhưng nó cũng giữ lại mãi hình ảnh trẻ trung của Anh trong tâm tưởng mọi người.

Như một biểu tượng của tuổi-trẻ-tôi!

Như một kỷ niệm không bao giờ già nua, phai tàn, úa nhòa theo năm tháng!

6.
11 tháng 4 này là ngày giỗ Anh Lê Khắc Văn, không biết tôi có về Đà Nẵng được không? Hay lại vuột qua như hai lần 40 năm Bờm!


06/4/2011
»»  read more

1.4.11

ký ức trịnh



 
Mười năm sau ngày mất, Trịnh Công Sơn được nhắc đến ở mọi nơi. Hiếm có một nghệ sĩ nào được công chúng yêu mến, hâm mộ và tưởng nhớ đến như vậy. Có lẽ, anh đã trở thành một ký ức-hoài niệm-kỷ niệm không quên, một người thân ruột rà, một người tình mãi yêu, một người bạn thủy chung, một phần đời của mọi người.

1. TCS luôn làm tôi nhớ đến ba tôi. Khi sắm được dàn Akai, ông - một người lao động nghèo làm nghề hớt tóc, đã mở cuốn băng đầu tiên: Ca khúc da vàng. Giọng hát Khánh Ly, tiếng kèn trumpet, tiếng mandolin, tiếng guitar trong các hòa âm đơn giản ùa ra tràn đầy không gian nhà tôi, khắc sâu vào lòng tôi tình yêu cái đẹp giản dị và tối thiểu (minimalism).

2. Âm nhạc của TCS cho tôi cái gan cùng mình, khi võ vẽ viết những bản nhạc đầu đời vào năm 12 tuổi. Mười mấy ca khúc non nớt và ngây thơ ấy, được kẻ nhạc, đóng tập cẩn thận, rồi thất lạc trong những biến-loạn-tháng-tư.

3. Với tôi, ở Việt Nam, có ba người thật lạ lùng: Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn. Thuở nhỏ tôi cực kỳ say mê từng dòng văn, dòng thơ, lời nhạc của họ, nhưng lại hầu như không hiểu họ viết gì. Không hiểu mà vẫn cứ mê, như là ma ám!

4. Tiết tấu trong từng ca khúc TCS thường chỉ một, không biến đổi nhiều, có thể cho là đơn điệu. Nhưng cái điệu thức đơn giản ấy lại cuốn hút người nghe đầy ma lực. Tại sao? Có lẽ nó đã đạt được cái ảo diệu của một lời ru, một điệu lục bát, một nhánh ikebana?

5. Ai hát hay nhất nhạc của TCS? Để cho công chúng: Khánh Ly. Để cho những cuộc nhậu: bạn tôi. Để cho khi một mình: tôi.

6. Và sau hết, âm nhạc TCS làm tôi nhớ mãi đến không khí đô thị miền Nam thời chiến tranh. Tôi không còn nhớ đến tiếng gầm của máy bay phản lực trên bầu trời Đà Nẵng, không còn nhớ tiếng đạn pháo kích rít từng đêm lật đật chạy xuống hầm trú ẩn (xây bằng những bao cát trong một góc nhà). Còn lại trong tâm trí tôi là đám bụi mù trên con lộ đá với những bót gác, những mái nhà tôn rỉ sét dưới cái nắng chói chang của buổi trưa vùng cát bỏng cháy, những chuyến xe lam lầm lũi với hành khách đa phần là đàn bà, người già, con nít mang trên khuôn mặt cam chịu những ánh mắt ngơ ngác trước cuộc chiến khốc liệt như một định mệnh trót an bài.
»»  read more

27.2.11

con nít?


1.
Bi đi học xa, bỏ lại nhà nhiều thứ của thời trẻ nhỏ. Những tập truyện tranh Nhật bổn, trọn bộ Harry Potter từ những tập mỏng ngày đầu đến từng cuốn to đùng dày cộp các kỳ sau, những cuốn Lucky Luke, Spirou, Xì trum. Và còn lại vài ba con rô bốt, sau không biết bao nhiêu con sứt đầu mẻ trán, quẳng đầy cả sọt nhựa, lưu lạc không biết chốn nào.

Nhớ những chiều Chủ Nhật, cả nhà đi lễ đi chơi, ăn uống cuối tuần. Xà quần một hồi rồi cũng ghé lại mấy cửa hàng đồ chơi, cho Bi tìm mua một món.

Nhớ những ngày đón Bi học về, ngang qua hiệu sách háo hức xem thử tuần này Harry Potter đã ra chưa?

Hai ba con đều mê truyện tranh, phim hoạt hình, Harry Potter… như nhau.

2.
Con rô bốt bự nhất của Bi hiện nay vẫn đang ở nhà. Năm ngoái Bi mới tự mình mua con rô bốt này, mang về lắp ráp, nhìn ngắm, chụp hình đã đời, rồi xếp lên kệ, trong khi tôi tưởng Bi sẽ mang nó vào SG, với ý nghĩ: ông nhỏ lớn ù rồi mà còn mê đồ chơi con nít.

Té ra là một câu chuyện cũ mà tôi đã quên!

Đấy là con rô bốt mẹ mua cho Bi, tôi bắt mang trả lại cửa hàng, vì quá đắt và xa xỉ so với giá cả và tuổi Bi hồi đó.

Hình như, có mua thay thế con này bằng một con khác nhỏ hơn. Bi cũng ngoan, nghe lời, không đòi hỏi gì. Thành ra chuyện trôi đi, không có gì ầm ĩ, đáng nhớ. Không ai để tâm xem Bi có ấm ức, ray rức hay không?

Ai dè cái mong ước có con rô bốt bự đó vẫn còn nguyên trong lòng cậu nhỏ. Khổ một nỗi, vài năm sau, khi Bi lớn thêm, có thể mua được, thì con rô bốt không thấy xuất hiện ở cửa hàng nữa!

Nỗi mong ước cứ nung nấu ngót mươi năm! Có bao nhiêu Chủ Nhật Bi mò mẫm trong các cửa hàng tìm món đồ chơi đó? Kiếm tìm như tìm kiếm cố nhân.

Cho đến năm ngoái, thằng bé ngày trước giờ đã là cậu sinh viên năm thứ hai, mới thỏa ước mong xưa. Và còn kể lại với một chút chì chiết giả đò cố ý: hồi đó, tại cô Y. mang trả con rô bốt của con đó!

3.
Thỉnh thoảng vào phòng Bi, thấy con rô bốt đứng trên đầu kệ, nhớ chuyện cũ, tự hỏi không biết việc mình bắt trả lại món đồ chơi con mong ước là đúng hay sai!

Và thấy nao lòng, bàn tay bất giác muốn sờ vào con rô bốt.
»»  read more

14.1.11

Chuyện của ba (2)



Đời phong lưu

1.
Từ lúc còn trẻ, ba luôn để ý đến chuyện ăn mặc. Còn đó tấm hình ngày xưa với cái mũ phớt đen, bộ đồ âu trắng và đôi giày da đơ-cu-lơ.

Không biết lúc ba đi hớt tóc dạo ăn mặc ra sao, nhưng dứt khoát là không lôi thôi bao giờ. Gì chứ quần áo của ba lúc nào cũng phẳng phiu, láng lẩy.

Khi mần ăn khấm khá, ba mặc áo thun montague, áo khoác pilot. Mốt thời thượng hồi đó. Mẹ tôi phát mệt vì ủi đồ cho ba, còn chúng tôi thì khổ vì phải đánh xira những đôi giày của ông. Kỹ cỡ nào cũng bị ba săm soi, bắt làm lại.

Sau bảy-lăm, dù khốn khó, ba vẫn giữ lề trong chuyện ăn mặc. Quần áo cũ sờn, nhưng luôn tươm tất. Không còn mang giày (cất vô trong tủ), ba mang dép sa-bô da, không bao giờ ra đường lại mang dép lê, dép nhựa.

Tôi thích nhất mùi thơm đặc biệt trong đám quần áo của ba. Không phải mùi xà bông, nước hoa, mà mùi của người, của da thịt, khiến tôi cứ hít hà mãi không thôi!

(Bà xã cũng khen quần áo tôi có mùi thơm như của ông nội. Đứa con trai tôi cũng có mùi y vậy. Gen trội này tốt nhen!)

Sau này, về già, ba tập thể dục dưỡng sinh. Thế là áo thun quần sọt trắng bóc. Đúng kiểu phong lưu, mùa nào, thời nào, thức ấy!



* Đại gia đình 198x

2.
Ba cũng là người có hoa tay, vẽ vời, trang trí nhà cửa và ham chơi nữa.

Tôi còn nhớ ba bỏ gần cả chục ngày trời vẽ một bức tranh sơn dầu trên tấm carton. Bức họa vẽ con chim chích nuôi con chim tu hú. Con chim mẹ nhỏ bé phải tìm mồi về nuôi đứa con khác giống khổng lồ. Nội dung bức vẽ làm tôi không yên ổn, nó ám ảnh tôi bởi sự bất công và bất nhẫn.

Khi nhà được xây xong, ba mua các thanh gỗ thông (từ các palet thùng hàng), cưa nhọn đầu làm một hàng rào gỗ xinh xắn, sơn trắng và trồng một luống hoa đủ màu. Cái hàng rào đẹp như trong các bức vẽ nước ngoài khiến tôi thích mê.

Ba sắm sửa trong nhà không thiếu món gì. Nhà tôi trở nên khá khá. Ba là người mua chiếc Honda dame đầu tiên, sắm cái tivi Panasonic bốn chân có cửa đóng mở thứ nhì (sau bác Năm Huế) trong xóm.

(Xóm tôi có hai nhà giàu: bác Năm Lương chủ lò bún và bác Năm Huế làm công chức. Sở dĩ ba tôi là người có xe honda đầu tiên, vì bác Năm Huế trước đó đã đi xe môbilet, còn bác Năm Lương thì làm ăn căn cơ, không phóng tay như ba tôi).

Ba cũng sắm nhiều món đồ chơi (và ông chơi là chính, bọn tôi khó mà được chạm vào): một chiếc xe cảnh sát Mỹ chạy hú còi inh ỏi, đụng chướng ngại vật, nó tự động lùi và quay sang hướng khác; một mô hình lắp ráp chiếc tàu chiến ba cột buồm với đầy đủ mọi thứ: bánh lái mỏ neo, thuyền trưởng và thủy thủ, súng ống đại bác linh đình…

Từ dàn máy hát Akai của ba, tôi được đắm chìm trong âm nhạc của Văn Cao, Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và sau này Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… Một người học hành không nhiều như ba, xuất thân từ nông thôn, có cái gu âm nhạc như vậy, thật là đặc biệt. Và đặc biệt, ba mê nhạc Trịnh. Gần như những băng nhạc của Trịnh thời đó đều có trên kệ của ba.

Tôi không thể quên những băng Ca Khúc Da Vàng, Tình Khúc của Trịnh với những hòa âm giản dị, khúc chiết: tiếng guitar bập bùng, tiếng mandolin dòn tan, tiếng kèn trumpet thôi thúc, tiếng saxophone da diết với tiếng hát ma túy Khánh Ly đặc tả cái không khí đô thị thời chiến trộn lẫn niềm hy vọng nát tan của tuổi trẻ.

Ba còn sắm một cái máy ảnh, món xa xỉ thời đó, và chụp hình cả xóm. Lũ trẻ nít quấn lấy ba, xin chụp hình. Ông lang thang đi tìm cảnh đẹp, sang cả Tân An, chùa Ngọc Giáng…

Và những ngày Tết đến, tôi thấy ba lích kích chuẩn bị từ đầu tháng Chạp. Rượu, thuốc lá, đồ nhắm. Rượu tôi không rành vì quá nhỏ, chứ thuốc lá thì còn nhớ nào là Pallmall, Salem, Lạc đà, Lucky… Chắc là bạn của ba hút nhiều gu thuốc khác nhau. Thức nhắm truyền thống là một xoong thịt đông tự tay ba nấu lấy.

Tất nhiên, những thức trên có ở những ngày khấm khá. Chứ lúc gian khổ thì phải giản lược đi nhiều.

Chỉ có một thứ không thể thiếu trong những ngày xuân, dù sang hay hèn. Thiếu món này, với ba, Tết là vô nghĩa.

Đó là cành mai vàng. Sắc hoa chưa bao giờ thiếu trong ngày Tết nhà tôi. Thường cuối năm, nghề hớt tóc rất bận rộn, nhưng ba cũng luôn dành thì giờ để dạo chợ hoa, tìm cho ra cành mai ưng ý. Những năm túng ngặt thì nhánh mai nhỏ thôi, những lúc khấm khá thì được gốc mai lớn, cành nhánh sum suê.

Những cánh hoa mai nở đều, nhiều và đẹp trong những ngày đầu năm mang đến cho ba niềm hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn.

Ba mê nuôi chim, từ sáo, nhồng, chào mào dần dà chuyển qua chuyên nuôi chim yến: giống chim thuộc họ két, con lông vàng là hoàng yến, con lông trắng là bạch yến. Ba là một trong những người nuôi được chim yến đẻ trứng tại Đà Nẵng. Giống chim này khó đẻ trong điều kiện nuôi nhốt, khiến nhiều người phải đến học nghề.

Những năm cuối đời, ba chuyển sang chơi khắc tượng trên rễ cây. Cái to cái nhỏ, hình này dáng kia. Có người thích, ba vui vẻ biếu tặng. Ba mang vào Nha Trang cho tôi bức tượng đại bàng đấu với mãng xà (xem hình).

Những tác phẩm gỗ của ba còn để đầy một tủ tại Đà Nẵng, chúng luôn nhắc tôi nhớ hình ảnh ba ngồi cặm cụi đục khắc, tư thế khó khăn vì cái chân thương tật phải duỗi thẳng, nhưng đầy đam mê của một nghệ sĩ đang say sưa sáng tạo.

Niềm đam mê ấy truyền lại trong những đứa con của ba, đứa biết hát, đứa biết đàn, đứa biết vẽ vời, đứa biết viết văn làm thơ, mỗi khi hội ngộ là tưng bừng vui vẻ cả đêm!

3.
Ba cũng là tay uống rượu có hạng. Tôi viết vậy, vì gần như ba uống rượu uống bia cả đời, và tôi chưa thấy lần nào ba “quấy quá” vì say.

Thỉnh thoảng, mấy anh em tôi được ba chở ra Nam Ô, ăn nhậu cùng mấy ông bạn của ba ở mấy quán hải sản. Bãi Nam Ô rất kỳ thú vì có núi, có rừng ven bãi biển sóng vỗ ầm ào. Các hàng quán dựng bằng tranh tre nứa lá, sát mép nước, đầy những món cua ghẹ tôm mực thơm ngon, mùi thơm ngào ngạt trong gió lộng.
Những giây phút đó thật là sung sướng.

Nghe kể lại, cũng có lúc ba uống rượu say, bỏ cả xe máy lại quán, đi xích lô về.

Còn Mỹ, uống rượu tây; hết Mỹ, uống rượu… sắn! Bao cấp, có gì xài nấy; đổi mới, quay lại rượu tây!

Vào Nha Trang, đi chơi với đám bạn nhậu của tôi, đứa nào cũng tấm tắc: “Ông già uống cứng quá trời!” Không qua tua ly nào. Trẻ tới đâu, già tới đó. Vừa uống vừa nói chuyện tiếu lâm, càng uống càng tỉnh táo!

Đến khi tuyên bố bỏ rượu, chưa đầy một năm sau, ba mất!

4.
Đám tang ba thật đông anh em bè bạn phúng viếng. Ba từ giã cõi đời này trong niềm thanh thản của một con người đã biết sống đầy đặn khi đang sống, biết phong lưu phóng dật trong mọi lúc mọi thời.

Cơn gió mang đến cuộc đời một mùi hương, rồi khi cơn gió đi mất, mùi hương vẫn còn đọng lại.
»»  read more

9.1.11

Chuyện của ba (1)


Đời cần lao

1.

Từ nhỏ, ba là ám ảnh đặc biệt với tất cả anh chị em tôi. Vì ba rất nóng tính, lại dữ đòn. Những cái roi mây, thước gỗ, dây nịt… luôn là niềm kinh hãi khi chúng tôi phạm lỗi.

Chúng tôi lớn lên trong khuôn phép đó. Ba thì nghiêm khắc trừng phạt, mẹ thì bảo bọc bao dung. Mỗi lần bị ba cho ăn đòn xong, mẹ là người xoa dịu những chỗ lằn roi, ôi cái nước muối xót không thể tả. Chúng tôi cũng biết không chỉ mẹ xót lòng, mà ba chắc cũng chẳng vui vẻ gì hơn. Có ai vui khi trừng phạt con bao giờ.

Nhờ vậy chúng tôi lớn lên đàng hoàng hơn trong môi trường khá là phức tạp, xung quanh xóm đầy rẫy cao bồi du đãng, đĩ điếm xì ke.

Đến bây giờ, đã quá năm mươi, con cái đã lớn, tôi vẫn chưa quen được với cái phương pháp dạy con không cần đến roi vọt. Một chút roi vọt đúng mức vẫn tốt cho việc giáo dục con cái.

Ngay chúng tôi đây, bị đòn roi dữ như vậy, nhưng từ nhỏ đến lớn vẫn một niềm kính yêu, đâu có ai oán hận, mặc cảm gì với ba mình!

Và chúng tôi càng lớn lên, ba càng già đi, sự kính yêu càng sâu lắng hơn. Vì có con rồi mới biết lòng cha mẹ.

2.

Ba mẹ cưới nhau trước 1945 không lâu. Sau cách mạng nổ ra, Pháp đánh lại Đà Nẵng, ba cũng nằm trong tốp ở lại chận đường quân địch, rồi bị bắt. Mẹ tản cư theo ông bà nội ngoại chạy tuốt lên vùng núi Trung Phước Đại Bường.

Ra tù, ba bị kẹt lại Đà Nẵng. Mãi khi hòa bình lập lại 1954, ba mẹ mới gặp nhau. Chuyện tình cách trở của hai người ly kỳ lắm, tôi sẽ kể trong một dịp khác.

Gặp lại, ba mẹ mới bắt đầu sinh anh em chúng tôi, cả thảy bảy đứa con, được nuôi dưỡng tròn trịa, không mất đứa nào. Ngày đó “hữu sinh vô dưỡng” là chuyện thường.

Không nghề nghiệp, ba bắt đầu mưu sinh bằng nghề hớt tóc dạo. Khi chưa rành nghề phải cuốc bộ về những vùng quê xa, ban đầu hớt cho con nít, lỡ hư thì cạo trọc luôn, không ai phàn nàn. Dần dà tay nghề cứng mới dám hớt cho người lớn. Dân quê chắc cũng không “model” kiểu cọ gì, cứ ca rê hoặc ba phân là xong thôi!

Dần dà, sắm cái xe đạp trành, cho đỡ mỏi chân.

Dần dà mua được miếng đất, dời gia đình đang ở nhờ bên đất cô Bốn (Thạc Gián), về nơi mới (Chính Trạch), lập nhà cho gia đình ở đến bây giờ.

“Đà Nẵng thời đó, ra khỏi lõm phố xá Chợ Mới, Chợ Cồn, bờ sông Bạch Đằng, là ngoại ô đầy trúc tre, lau lách, bàu nước sen súng bèo tây bèo tấm xanh ngút ngát. Mang danh phố thị nhưng có khác gì chốn nhà quê, mái lá mái tôn giữa những khu vườn rộng, rào dậu quấy quá liêu xiêu, ngõ cát bỏng chân mùa hè, lụt lội mùa đông, ra đến lộ gập ghềnh đá cuội, rợp bóng xà cừ phượng vĩ, thi thoảng một chiếc xe đò ngang qua, bụi mịt mù trong khói xăng thơm thơm… (Bán dạo.PHD)”

Vài năm sau, ba thôi hớt dạo, thuê nhà mở tiệm ở đường Ông Ích Khiêm, cạnh đường rầy xe lửa. Gia đình sống tùng tiệm như mọi người dân nghèo đô thị.

Đến khi Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, biến thị xã nhỏ bé thành một đô thị thời chiến với các trại lính mọc lên như nấm, ba nghỉ tiệm, làm thuê cho nhà thầu Lý Lệ Hoa, vô hớt tóc cho lính Mỹ trong phi trường.

Nhu cầu cần phục vụ của đội quân viễn chinh Huê Kỳ làm xáo trộn cuộc sống dân chúng những nơi họ đóng quân. Ai cũng đua nhau đi làm sở Mỹ. Và có tiền, nhà thầu thì giàu lên, người làm thuê cũng kiếm chác được, đời sống dễ thở hơn, dù bóng đen ghê sợ của cuộc chiến bắt đầu ám ảnh, ngày một tối ám.

Lúc này, ba xây được nhà, mua sắm xe máy, tivi, dàn Akai, tủ lạnh. Bữa ăn thường ngày đầy đặn hơn, có thịt có cá. Chiều chiều, người ta mang từ đâu đó về bán trong cái xóm nhỏ thức ăn của lính Mỹ: đồ hộp, thịt muối, xúc xích pa tê, tôm lăn bột đông lạnh, táo lê nho, bơ sữa… Ngó bộ lính Mỹ xài cái gì, dân ta xài cái đó!

Rồi hiệp định Pari, rồi lính Mỹ phải rút về nước. Trong thời điểm chộn rộn này, mất việc trong phi trường, về chạy xe thồ kiếm sống, ba tôi bị xe Jeep lính Mỹ say tông gãy chân. Tai nạn khá nặng, khiến ba thương tật vĩnh viễn, chân trái không co duỗi được. Bắt đầu chuỗi ngày khốn khó cho ba, và tất nhiên cho cả gia đình tôi.

Khi tập tễnh đi lại được, ông lại ra trước đường Thống Nhất (nhà tôi trong kiệt cách đường khoảng trăm mét), thuê nhà mở tiệm hớt tóc tiếp để nuôi vợ con. Chị cả tôi đã lập gia đình, còn lại sáu anh em sắp hàng một… đi học. Ba đặt tên tiệm là Thiên Hương, sau này nhiều người quen miệng gọi ba là ông Thiên Hương.

Cái tiệm nhỏ bé đó nuôi cả nhà qua cả những năm trước và sau bảy lăm, nhưng cực kỳ khó khăn. Chỉ có tôi vượt lên vào Đại học, còn mấy anh em đành bỏ dở học hành, trai đi bộ đội rồi về làm công nhân viên, gái xoay sở buôn bán vặt qua ngày. Như mọi gia đình nghèo thành thị sau giải phóng, thời của sổ gạo, tem phiếu, khoai sắn độn, mì sợi, bobo...

3.

Một đời như những người cha cần lao khác, với một nghề nhỏ mọn: hớt tóc, đạp xích lô, chạy ba gác… ba đã gồng gánh một gia đình lớn.

Nhưng ba không quá lam lũ, đầu tắt mặt tối. Với tính tình và bẩm sinh nghệ sĩ, tài hoa ông vẫn phong lưu từng ngày, “biết sống khi không dư dật cái để sống(1)”.

_________________

(1) Sống phong lưu - Hoàng Đạo Kính

»»  read more

6.1.11

Năm

Trời phật không để số mệnh mãi quăng quật kiếp người. Mưa hoài rồi cũng ráo tạnh chớ, đâu có dầm dề suốt đời, ai chịu cho thấu.

Nhà tôi có bốn anh em trai liền nhau. Mở đầu là chị Hai, khóa đuôi là cô Bảy, cô Út. Ai cũng khen là nhà có tứ quý.

Năm, kề tôi, hồi nhỏ sinh ra, được mọi người trầm trồ là đẹp như Đức. Tại sao không đẹp như Tây, như Mỹ mà lại đẹp như Đức, bó tay, chắc là Năm-bé đẹp rất đặc biệt. Giờ vẫn còn đó cái mũi cao gồ.



Bây giờ ba anh em đứng với nhau (Sáu đang ở Mỹ), người ngoài phân vân không biết ai là anh, ai là em. Thường người ta xếp ngược trở lại. Năm già nhất, kế đến Tư tôi, rồi mới tới Ba. Kỳ zậy đó. Tôi hay đùa, anh em miềng càng lớn tuổi càng "trẻ' ra. (Xem hình Năm, tôi với Ba trên đây là rõ).

Trở lại chuyện của Năm.

Năm học violon rất sớm, khi được khá rồi thì bảy lăm; cây đờn violon cũng theo tủ lạnh, tủ buypphê, bàn ghế, giường, máy móc, xe cộ... ra chợ trời biến thành cơm gạo nuôi cả nhà. Giấc mơ âm nhạc cũng âm thầm tàn lụi.

Năm đi bộ đội, rồi về làm công nhân điện lực. Năm đẹp trai trắng trẻo, có công ăn việc làm đàng hoàng, không tào lao chơi bời, ăn uống cũng khoái rau cá chớ không mê thịt thà. Mọi chuyện tưởng sẽ êm đềm, xuôi chèo mát mái.

Ai dè, vấp một cái, american dream, nghề nghiệp đứt ngang, đi cũng dở ở cũng không xong, Năm thất chí về đi làm phụ hồ rồi sa vào hũ rượu. Những năm đó, tôi đã vào Nha Trang, mỗi lần về nhà thấy Năm ngày càng bê bết, không biết làm sao mà kéo lên.

Ba mươi tuổi qua đi trong rượu, bốn mươi tuổi đắm chìm trong rượu. Riết rồi tay chân run rẩy, sức khỏe tụt luốt, bao xi măng vác không trôi, leo dàn giáo không nổi, phụ hồ cũng đành bỏ nghiệp.

Không vợ con, không nghề nghiệp, ngày tháng trôi đi dưới đáy chai xị, lúc nào cũng say lè nhè. Khi chưa say cạy một tiếng không ra, khi say rồi nói tầm bậy can không nổi. Một lần, tôi ráng đưa Năm vô Nha Trang, nghĩ mình kèm bên cạnh sẽ khá, té ra kèm không xiết, sểnh ra một cái là say mát trời ông địa, chạy đi tìm thì thấy đạp xe lạng quạng giữa đường, đành bóp bụng cho Năm phục viên.

Nghĩ như vậy là hết, là xong một kiếp người, uống như Năm thì thọ sao nổi, gan ruột phèo phổi chắc tanh bành té bẹ bên trong, nói dại miệng, khéo lá vàng khóc lá xanh chớ chẳng chơi.

Vậy mà ơn trời phật, khi mẹ đau nhức hai chân, đi lại sinh hoạt khó khăn, cần người chăm sóc bên cạnh, Năm bỗng trở thành "cận vệ" số một. Hơn năm nay, Năm ân cần bên mẹ, chăm sóc từ miếng ăn viên thuốc đúng giờ đúng giấc đến việc sinh hoạt hàng ngày. Mọi việc đều một tay Năm, ai rờ vô, trật ý là Năm "nổi khùng" ngay. Không thấy Năm say xỉn nữa, uống vẫn có, nhưng một xị rượu pha vô vài xị... nước.

Về nhà, thấy vậy, thiệt là mừng, thấy mẹ tôi cuối đời có con trai chăm sóc kề bên, mẹ có phước mà Năm cũng có phước.

Tướng tá Năm giờ dễ coi hơn, nhưng lại khoái cái món tóc dài (chưa hiểu tại sao). Thôi cũng được, cho có vẻ nghệ sĩ một chút, dẫu gì Năm cũng có hoa tay, lúc rảnh là tạc đủ thứ tượng hình bằng xi măng để đầy một gác xép. Đây là ngón "gia truyền", ba tôi và mấy anh em tôi cũng như mấy cháu đều có "nghề" vẽ tranh đục tượng cả.

Một hình tượng làm tôi rất thích, Năm đục một lỗ trên tường (mặt tiền nhà), gắn vào đó nửa cái lồng, bên trong đặt tượng một con chim, đang ngóng mỏ ra ngoài trời.

Mong ngóng gì vậy Năm?
»»  read more

5.1.11

mẹ

Về nhà, là về với mẹ. Mẹ càng lớn tuổi, càng muốn về với mẹ dài hơn, lâu hơn.

Tôi xa nhà từ khi học đại học - 1977, dẫu chỉ cách Đà Nẵng hơn chục cây số, nhưng thời đó đi học là phải ở nội trú, ăn cơm tập thể, giờ giấc học hành khắc khe, cuối tuần mới về được. Mà cũng lúc về lúc không. Học xong ra trường lại biệt vô Nha Trang, thêm gần ba mươi năm nữa.

Đây là hình mẹ tôi hồi còn thiếu nữ, và hình mẹ bây giờ xấp xỉ chín mươi.

Tôi cứ lần lữa mãi, khi nghĩ mình sẽ viết về mẹ, vì biết có nói bao nhiêu cũng không thể nói hết tình mẹ thương con và tình con thương mẹ.

Mẹ tôi rất hiền. Có thể nói cả xóm tôi, với những người láng giềng xung quanh, mới cũ, còn mất, từ bậc cao niên đến bọn trẻ nít, mẹ chưa hề làm mất lòng ai, chưa hề đôi co to tiếng với bất kỳ ai.

(Trái lại, ba tôi là ông Trương Phi thứ thiệt. Nên có chuyện một dạo, cứ tầm tối tối, là có người quăng đá rầm rầm trên mái tôn. Ghét ba tôi ấy mà).

Mẹ học ít, đủ để đọc chữ và ký tên mình, nhưng mẹ có những suy nghĩ rất mới so với thế hệ của mẹ: mẹ không hề đốt vàng mã khi cúng bái; giỗ ông bà làm theo kiểu giỗ dồn: các vị thứ bậc nhỏ hơn sẽ gộp lại và ăn theo một cái giỗ của vị có thứ bậc lớn gần về thời gian; Tết chỉ có cúng đưa rước ông bà, chứ không có tất niên; những việc cúng đất, cúng giếng, cúng ông táo, mẹ cũng giản lược. Có lẽ, với mẹ cái tâm thành quan trọng hơn hình thức màu mè, và không mê tín.

Mẹ có bịnh say xe thuộc hàng guiness, không thể đi bất kỳ phương tiện giao thông nào. Người ta say xe khách, tàu thủy, máy bay, còn mẹ hễ cái gì rục rịch chạy là say hết. Xe đạp xe máy xích lô... hễ leo lên là say. Thành thử, mẹ rất thiệt thòi, một đời chỉ loanh quanh với xóm giềng, khi còn sức lễ tết đi chợ Hàn, chợ Cồn là hết mức. Con cái có gia đình ở xa, cũng tự về thăm, chứ mẹ thì... bó tay nếu nhà con không ở trong... tầm đi bộ.

Đám cưới Thu - em gái tôi, mẹ phải đi bộ đến trước, chờ xe chở nhà gái đến rồi mới nhập đoàn. Xong tiệc tùng nghi lễ, ai nấy leo lên xe, còn mẹ lại lững thững cuốc bộ go home.

Mỗi lần mẹ ngã bịnh nặng phải vô nhà thương, xe chở đến nơi, bịnh càng nặng thêm do nhức đầu ói mửa say xe, đến khi chữa lành bịnh chính, lên xe về nhà, lại ói mửa nhức đầu nằm bẹp thêm vài ngày vì vụ... xe say.

(Không như ba tôi, cỡ nào cũng giang hồ được, sau 75 dẫu khó khăn tiền bạc cộng với khó khăn do cái chân thương tật, ông vẫn đi khắp nơi khắp chốn khi có dịp).

Một đời mẹ lúc thúc trong cái không gian ấy, ngày càng hẹp do "đôi chân vượt đường xa có... mỏi". Giờ đôi chân ấy đau nhức hai đầu gối, đi lại phải có nạng đẩy, không gian ấy chỉ còn chút xíu trong nhà. Ở đó mẹ nuôi nấng bảy anh em chúng tôi, chuyên nghề nội trợ, phục vụ chồng con. Sau này, thời kinh tế khó khăn, mẹ xoay sở buôn bán, lúc ra chợ Tam Giác mua gánh bán bưng, lúc xay bột làm bánh bèo, bánh bột lọc bán trong xóm.

Kỳ cục lắm, hàng mẹ làm ra bán sạch sẽ tinh tươm, ngon lành nhưng bán được thời gian ngắn là dẹp tiệm. Bên cạnh có o S. cũng bày bán như mẹ thì hàng họ ngày càng phát triển, bán đắt như tôm. Người ta nói mẹ là không có tay buôn.

Cũng đúng thôi, hiền như mẹ thì mần răng theo nghiệp bán buôn nổi.

Bên ngoại nhà tôi, có gen sống lâu và mẹ là người thọ nhứt, đầu óc nay vẫn còn minh mẫn, kể được những chuyện hồi xưa, chỉ hiềm đôi tai đã lãng và đôi đầu gối đã yếu.

Cũng mừng khi thấy mẹ còn ăn uống được, mỗi bữa đều đặn một tô. Sáng thêm ly sữa, xế bánh bèo, bánh ngọt. Bún bò, cháo vịt còn là món ưa thích của mẹ. Nếu không có chứng đau nhức quái ác ở hai đầu gối, hàng đêm phải uống thuốc thêm, thì mẹ đã có một tuổi già êm đẹp.

Có tôi về, nhà thêm người, mấy anh chị em cháu chắt ghé về thăm hỏi, không khí rộn rã và có người ở bên cạnh khơi chuyện, mẹ vui hẳn lên, cái đau nhức xem chừng cũng bớt.

Chứ hàng ngày nhà vắng, chỉ có anh tôi (làm ca ngày đi ngày nghỉ) và chú em giữ nhiệm vụ chăm sóc mẹ mà thôi.

Có nhiều hình mẹ vui vầy với con cháu, nhưng tôi đưa lên đây tấm hình mẹ ngồi một mình, dõi mắt xa xăm, chìm đắm trong những hoài niệm cũ, với nỗi cô đơn tất yếu của con người, của tuổi già, để tự nhắc mình luôn nhớ tới mẹ và phải tìm mọi cơ hội để về nhà với mẹ.
»»  read more

3.1.11

Năm Mới Blog Mới


Chia tay 2010. Chào mừng 2011.
Lập cái blog này dành cho các bài viết về người thân.
»»  read more