9.7.18

frankenstein

Năm 1972, Mỹ bắt tay với Trung Cộng. Hậu quả nhỡn tiền là hai đồng minh của Mỹ là Đài Loan và VNCH đều bị bỏ rơi.

Đài Loan, một trong tứ cường thành viên Hội đồng bảo an, phải xách cặp rời khỏi Liên hợp quốc; một đất nước độc lập trở thành một "vùng lãnh thổ chưa thu hồi" của Trung Cộng và đang bị Đại Lục o ép tứ bề.

VNCH bị Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa 1974 và sau đó không còn nhận viện trợ từ Mỹ, mau chóng thất trận vào tháng 4/1975.

Các trào tổng thống Mỹ sau đó đều hân hoan với mối quan hệ Mỹ – Trung và sự biến Liên Xô-Đông Âu sụp đổ đã khiến họ càng ngây ngất hơn. Người Mỹ đã đổ tiền của, thông tin, kinh nghiệm, kỹ thuật... vào Trung Quốc với hy vọng khi giàu có thịnh vượng, quốc gia này sẽ hướng đến với những giá trị dân chủ văn minh của thế giới tự do.

Nhưng họ đã lầm, như Nixon cay đắng thú nhận vào cuối đời: "Chúng tôi đã tạo nên con quái vật Frankeinstein!" (một con quái vật kinh khủng dạng người được bác sĩ Frankeinstein tạo ra và sau này trở nên mạnh mẽ đến mức khống chế cả người sinh ra nó). Trung Quốc đã trỗi dậy thành một cường quốc hung hăng nham hiểm và dần dần đang bắt thế giới chơi theo luật của mình.

Mỹ có tỉnh ngộ và sửa sai chăng?
____________
Trông người lại nghĩ đến ta, tiền của từ đầu tư nước ngoài đã giúp Việt Nam vượt qua cơn suy thoái cách đây 30 năm đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thế giới có lầm lẫn khi suy nghĩ: "Sự thịnh vượng về kinh tế sẽ khiến Việt Nam trở nên dân chủ và tự do hơn."???
»»  read more

1.7.18

tour cội-nguồn


1. Nhớ ngày trước, đọc "Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà" thấy Victor Hugo miêu tả Paris với những chi tiết thật sống động. Tưởng chừng như ta có thể biết rõ từng viên đá lát đường, từng góc phố, từng quái tượng trên tận nóc Notre Dame. Đến nay, người ta nói có thể lần giở những trang sách và tìm được chính xác nơi nhà văn đã mô tả. Các thành phố châu Âu còn nguyên vẹn khá nhiều qua trăm năm thời gian.

Dan Brown cũng cho ta những trải nghiệm tương tự. Trong "Cội Nguồn", ta có thể thấy không gian sống động của các thành phố Tây Ban Nha, nơi các nhân vật đã cùng nhau vượt qua từng thử thách. Nếu tổ chức một tour du lịch đến từng địa điểm sẽ là một cuộc du hành thú vị.

2. Đầu tiên chúng ta sẽ đến Bảo tàng Guiggenheim của thành phố Bilbao, nơi diễn ra buổi công bố phát minh của thiên tài công nghệ máy tính - tỷ phú Edmond Kirsch dẫn đến vụ ám sát ông (một công bố được coi là sẽ làm sụp đổ mọi tôn giáo). Đây là một kiến trúc hiện đại nổi tiếng của Frank Gehry, với những tấm titan màu trắng bạc uốn cong mọi hướng như một đóa hoa mãn khai khổng lổ. Mô-tip này còn được ông sử dụng ở nhiều công trình khác: Walt Disney Concert Hall (Los Angeles), Fondation Louis Vuitton (Paris), Weisman Art Museum (Minneapolis)...

Băng qua cầu dây văng La Salve với cái trụ chữ H màu đỏ, ta du hành một đoạn trên sông Nervion bằng water-taxi, đến sân bay Bilbao và làm một chuyến bay sang Barcelona.

Cầu La Salve - bên sông Nervion cùng toàn cảnh bào tàng Guiggenheim và con nhện Maman.
3. Ta sẽ thăm Casa Mila, một kiến trúc dị kỳ của Antonio Gaudi. Một tòa nhà sáu tầng có mặt tiền uốn lượn như những đợt sóng, những ban-công ưỡn bụng với tấm lan can như đám dây leo cựa quậy vươn lên tầng không. Trong truyện, E. Kirsch trú ngụ tại đây, trên tầng thượng và GS Langdon đến đây tìm mật mã để mở bài thuyết trình, dở dang vì cái chết của Kirsch. GS muốn công bố cho toàn thế giới bài thuyết trình này, hoàn tất ý nguyện của người đã mất.

Từ manh mối tìm được ở Casa Mila, Langdon bay đến một tác phẩm khác, khổng lồ theo mọi ý nghĩa, của Gaudi, đó là Sagrada Familia. Một thánh đường công giáo cao nhất châu Âu với cái tháp 172m, một kiến trúc xây dựng xuyên thủng cả thế kỷ 20, khởi công từ 1882 và dự kiến hoàn thành vào 2026 (!). Một kiến trúc kỳ dị kiểu Gaudi, thoạt trông như một tòa lâu đài bằng đất sét, vừa vươn lên cao vừa tan chảy xuống, thành những ngọn tháp nhọn phủ đầy vi vảy, những mặt tiền đầy tranh tượng hoa lá và khá lạ lùng là những phù điêu toàn các con chữ, những cột trụ nghiêng ngả tạo nên lối vào...

Nấm mồ của tác giả nằm trong hầm mộ của tác phẩm. Ta sẽ đốt một ngọn nến, tưởng nhớ Gaudi, một quái kiệt kiến trúc của mọi thời đại. Tại đây, Langdon đã nắm rõ mật mã để mở bài thuyết trình của E. Kirsch, qua cuốn sách Toàn tập của họa sĩ-thi sĩ William Blade, người chỉ cho ta thấy "thế giới trong một hạt cát".

Đào thoát khỏi khỏi cuộc truy lùng ở Sagrada Familia, Langdon dẫn ta đến đại-bản-doanh của Kirsch, nơi có cỗ máy-tính-lượng-tử có sức mạnh xử lý vượt xa mọi máy-tính-nhị-phân.

Tòa nhà đó có tên Super Computing Barcelona, một địa điểm CÓ THẬT mà tưởng như được sinh ra trong trí tưởng tượng hư cấu của Dan Brown. Trong tòa nhà này, cũng đang hiện diện một siêu máy tính. Tất nhiên, không phải là cỗ máy của Kirsch.

4. Cỗ máy-tính-lượng-tử của E. Kirsch, trong truyện, đã giúp ông tìm ra câu trả lời cho hai câu hỏi lớn của loài người:

"CHÚNG TA SINH RA TỪ ĐÂU?" và "CHÚNG TA SẼ ĐI VỀ ĐÂU?"

Hai câu hỏi mà chính mỗi con người không ít lần tự hỏi và luôn mong ngóng được trả lời rốt ráo.
_____
Tour "Cội Nguồn" tạm dừng ở đây, xin quí vị chuẩn bị tiền tip cho tourguide như thông lệ. :p
»»  read more