14.1.11

Chuyện của ba (2)



Đời phong lưu

1.
Từ lúc còn trẻ, ba luôn để ý đến chuyện ăn mặc. Còn đó tấm hình ngày xưa với cái mũ phớt đen, bộ đồ âu trắng và đôi giày da đơ-cu-lơ.

Không biết lúc ba đi hớt tóc dạo ăn mặc ra sao, nhưng dứt khoát là không lôi thôi bao giờ. Gì chứ quần áo của ba lúc nào cũng phẳng phiu, láng lẩy.

Khi mần ăn khấm khá, ba mặc áo thun montague, áo khoác pilot. Mốt thời thượng hồi đó. Mẹ tôi phát mệt vì ủi đồ cho ba, còn chúng tôi thì khổ vì phải đánh xira những đôi giày của ông. Kỹ cỡ nào cũng bị ba săm soi, bắt làm lại.

Sau bảy-lăm, dù khốn khó, ba vẫn giữ lề trong chuyện ăn mặc. Quần áo cũ sờn, nhưng luôn tươm tất. Không còn mang giày (cất vô trong tủ), ba mang dép sa-bô da, không bao giờ ra đường lại mang dép lê, dép nhựa.

Tôi thích nhất mùi thơm đặc biệt trong đám quần áo của ba. Không phải mùi xà bông, nước hoa, mà mùi của người, của da thịt, khiến tôi cứ hít hà mãi không thôi!

(Bà xã cũng khen quần áo tôi có mùi thơm như của ông nội. Đứa con trai tôi cũng có mùi y vậy. Gen trội này tốt nhen!)

Sau này, về già, ba tập thể dục dưỡng sinh. Thế là áo thun quần sọt trắng bóc. Đúng kiểu phong lưu, mùa nào, thời nào, thức ấy!



* Đại gia đình 198x

2.
Ba cũng là người có hoa tay, vẽ vời, trang trí nhà cửa và ham chơi nữa.

Tôi còn nhớ ba bỏ gần cả chục ngày trời vẽ một bức tranh sơn dầu trên tấm carton. Bức họa vẽ con chim chích nuôi con chim tu hú. Con chim mẹ nhỏ bé phải tìm mồi về nuôi đứa con khác giống khổng lồ. Nội dung bức vẽ làm tôi không yên ổn, nó ám ảnh tôi bởi sự bất công và bất nhẫn.

Khi nhà được xây xong, ba mua các thanh gỗ thông (từ các palet thùng hàng), cưa nhọn đầu làm một hàng rào gỗ xinh xắn, sơn trắng và trồng một luống hoa đủ màu. Cái hàng rào đẹp như trong các bức vẽ nước ngoài khiến tôi thích mê.

Ba sắm sửa trong nhà không thiếu món gì. Nhà tôi trở nên khá khá. Ba là người mua chiếc Honda dame đầu tiên, sắm cái tivi Panasonic bốn chân có cửa đóng mở thứ nhì (sau bác Năm Huế) trong xóm.

(Xóm tôi có hai nhà giàu: bác Năm Lương chủ lò bún và bác Năm Huế làm công chức. Sở dĩ ba tôi là người có xe honda đầu tiên, vì bác Năm Huế trước đó đã đi xe môbilet, còn bác Năm Lương thì làm ăn căn cơ, không phóng tay như ba tôi).

Ba cũng sắm nhiều món đồ chơi (và ông chơi là chính, bọn tôi khó mà được chạm vào): một chiếc xe cảnh sát Mỹ chạy hú còi inh ỏi, đụng chướng ngại vật, nó tự động lùi và quay sang hướng khác; một mô hình lắp ráp chiếc tàu chiến ba cột buồm với đầy đủ mọi thứ: bánh lái mỏ neo, thuyền trưởng và thủy thủ, súng ống đại bác linh đình…

Từ dàn máy hát Akai của ba, tôi được đắm chìm trong âm nhạc của Văn Cao, Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và sau này Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… Một người học hành không nhiều như ba, xuất thân từ nông thôn, có cái gu âm nhạc như vậy, thật là đặc biệt. Và đặc biệt, ba mê nhạc Trịnh. Gần như những băng nhạc của Trịnh thời đó đều có trên kệ của ba.

Tôi không thể quên những băng Ca Khúc Da Vàng, Tình Khúc của Trịnh với những hòa âm giản dị, khúc chiết: tiếng guitar bập bùng, tiếng mandolin dòn tan, tiếng kèn trumpet thôi thúc, tiếng saxophone da diết với tiếng hát ma túy Khánh Ly đặc tả cái không khí đô thị thời chiến trộn lẫn niềm hy vọng nát tan của tuổi trẻ.

Ba còn sắm một cái máy ảnh, món xa xỉ thời đó, và chụp hình cả xóm. Lũ trẻ nít quấn lấy ba, xin chụp hình. Ông lang thang đi tìm cảnh đẹp, sang cả Tân An, chùa Ngọc Giáng…

Và những ngày Tết đến, tôi thấy ba lích kích chuẩn bị từ đầu tháng Chạp. Rượu, thuốc lá, đồ nhắm. Rượu tôi không rành vì quá nhỏ, chứ thuốc lá thì còn nhớ nào là Pallmall, Salem, Lạc đà, Lucky… Chắc là bạn của ba hút nhiều gu thuốc khác nhau. Thức nhắm truyền thống là một xoong thịt đông tự tay ba nấu lấy.

Tất nhiên, những thức trên có ở những ngày khấm khá. Chứ lúc gian khổ thì phải giản lược đi nhiều.

Chỉ có một thứ không thể thiếu trong những ngày xuân, dù sang hay hèn. Thiếu món này, với ba, Tết là vô nghĩa.

Đó là cành mai vàng. Sắc hoa chưa bao giờ thiếu trong ngày Tết nhà tôi. Thường cuối năm, nghề hớt tóc rất bận rộn, nhưng ba cũng luôn dành thì giờ để dạo chợ hoa, tìm cho ra cành mai ưng ý. Những năm túng ngặt thì nhánh mai nhỏ thôi, những lúc khấm khá thì được gốc mai lớn, cành nhánh sum suê.

Những cánh hoa mai nở đều, nhiều và đẹp trong những ngày đầu năm mang đến cho ba niềm hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn.

Ba mê nuôi chim, từ sáo, nhồng, chào mào dần dà chuyển qua chuyên nuôi chim yến: giống chim thuộc họ két, con lông vàng là hoàng yến, con lông trắng là bạch yến. Ba là một trong những người nuôi được chim yến đẻ trứng tại Đà Nẵng. Giống chim này khó đẻ trong điều kiện nuôi nhốt, khiến nhiều người phải đến học nghề.

Những năm cuối đời, ba chuyển sang chơi khắc tượng trên rễ cây. Cái to cái nhỏ, hình này dáng kia. Có người thích, ba vui vẻ biếu tặng. Ba mang vào Nha Trang cho tôi bức tượng đại bàng đấu với mãng xà (xem hình).

Những tác phẩm gỗ của ba còn để đầy một tủ tại Đà Nẵng, chúng luôn nhắc tôi nhớ hình ảnh ba ngồi cặm cụi đục khắc, tư thế khó khăn vì cái chân thương tật phải duỗi thẳng, nhưng đầy đam mê của một nghệ sĩ đang say sưa sáng tạo.

Niềm đam mê ấy truyền lại trong những đứa con của ba, đứa biết hát, đứa biết đàn, đứa biết vẽ vời, đứa biết viết văn làm thơ, mỗi khi hội ngộ là tưng bừng vui vẻ cả đêm!

3.
Ba cũng là tay uống rượu có hạng. Tôi viết vậy, vì gần như ba uống rượu uống bia cả đời, và tôi chưa thấy lần nào ba “quấy quá” vì say.

Thỉnh thoảng, mấy anh em tôi được ba chở ra Nam Ô, ăn nhậu cùng mấy ông bạn của ba ở mấy quán hải sản. Bãi Nam Ô rất kỳ thú vì có núi, có rừng ven bãi biển sóng vỗ ầm ào. Các hàng quán dựng bằng tranh tre nứa lá, sát mép nước, đầy những món cua ghẹ tôm mực thơm ngon, mùi thơm ngào ngạt trong gió lộng.
Những giây phút đó thật là sung sướng.

Nghe kể lại, cũng có lúc ba uống rượu say, bỏ cả xe máy lại quán, đi xích lô về.

Còn Mỹ, uống rượu tây; hết Mỹ, uống rượu… sắn! Bao cấp, có gì xài nấy; đổi mới, quay lại rượu tây!

Vào Nha Trang, đi chơi với đám bạn nhậu của tôi, đứa nào cũng tấm tắc: “Ông già uống cứng quá trời!” Không qua tua ly nào. Trẻ tới đâu, già tới đó. Vừa uống vừa nói chuyện tiếu lâm, càng uống càng tỉnh táo!

Đến khi tuyên bố bỏ rượu, chưa đầy một năm sau, ba mất!

4.
Đám tang ba thật đông anh em bè bạn phúng viếng. Ba từ giã cõi đời này trong niềm thanh thản của một con người đã biết sống đầy đặn khi đang sống, biết phong lưu phóng dật trong mọi lúc mọi thời.

Cơn gió mang đến cuộc đời một mùi hương, rồi khi cơn gió đi mất, mùi hương vẫn còn đọng lại.
»»  read more

9.1.11

Chuyện của ba (1)


Đời cần lao

1.

Từ nhỏ, ba là ám ảnh đặc biệt với tất cả anh chị em tôi. Vì ba rất nóng tính, lại dữ đòn. Những cái roi mây, thước gỗ, dây nịt… luôn là niềm kinh hãi khi chúng tôi phạm lỗi.

Chúng tôi lớn lên trong khuôn phép đó. Ba thì nghiêm khắc trừng phạt, mẹ thì bảo bọc bao dung. Mỗi lần bị ba cho ăn đòn xong, mẹ là người xoa dịu những chỗ lằn roi, ôi cái nước muối xót không thể tả. Chúng tôi cũng biết không chỉ mẹ xót lòng, mà ba chắc cũng chẳng vui vẻ gì hơn. Có ai vui khi trừng phạt con bao giờ.

Nhờ vậy chúng tôi lớn lên đàng hoàng hơn trong môi trường khá là phức tạp, xung quanh xóm đầy rẫy cao bồi du đãng, đĩ điếm xì ke.

Đến bây giờ, đã quá năm mươi, con cái đã lớn, tôi vẫn chưa quen được với cái phương pháp dạy con không cần đến roi vọt. Một chút roi vọt đúng mức vẫn tốt cho việc giáo dục con cái.

Ngay chúng tôi đây, bị đòn roi dữ như vậy, nhưng từ nhỏ đến lớn vẫn một niềm kính yêu, đâu có ai oán hận, mặc cảm gì với ba mình!

Và chúng tôi càng lớn lên, ba càng già đi, sự kính yêu càng sâu lắng hơn. Vì có con rồi mới biết lòng cha mẹ.

2.

Ba mẹ cưới nhau trước 1945 không lâu. Sau cách mạng nổ ra, Pháp đánh lại Đà Nẵng, ba cũng nằm trong tốp ở lại chận đường quân địch, rồi bị bắt. Mẹ tản cư theo ông bà nội ngoại chạy tuốt lên vùng núi Trung Phước Đại Bường.

Ra tù, ba bị kẹt lại Đà Nẵng. Mãi khi hòa bình lập lại 1954, ba mẹ mới gặp nhau. Chuyện tình cách trở của hai người ly kỳ lắm, tôi sẽ kể trong một dịp khác.

Gặp lại, ba mẹ mới bắt đầu sinh anh em chúng tôi, cả thảy bảy đứa con, được nuôi dưỡng tròn trịa, không mất đứa nào. Ngày đó “hữu sinh vô dưỡng” là chuyện thường.

Không nghề nghiệp, ba bắt đầu mưu sinh bằng nghề hớt tóc dạo. Khi chưa rành nghề phải cuốc bộ về những vùng quê xa, ban đầu hớt cho con nít, lỡ hư thì cạo trọc luôn, không ai phàn nàn. Dần dà tay nghề cứng mới dám hớt cho người lớn. Dân quê chắc cũng không “model” kiểu cọ gì, cứ ca rê hoặc ba phân là xong thôi!

Dần dà, sắm cái xe đạp trành, cho đỡ mỏi chân.

Dần dà mua được miếng đất, dời gia đình đang ở nhờ bên đất cô Bốn (Thạc Gián), về nơi mới (Chính Trạch), lập nhà cho gia đình ở đến bây giờ.

“Đà Nẵng thời đó, ra khỏi lõm phố xá Chợ Mới, Chợ Cồn, bờ sông Bạch Đằng, là ngoại ô đầy trúc tre, lau lách, bàu nước sen súng bèo tây bèo tấm xanh ngút ngát. Mang danh phố thị nhưng có khác gì chốn nhà quê, mái lá mái tôn giữa những khu vườn rộng, rào dậu quấy quá liêu xiêu, ngõ cát bỏng chân mùa hè, lụt lội mùa đông, ra đến lộ gập ghềnh đá cuội, rợp bóng xà cừ phượng vĩ, thi thoảng một chiếc xe đò ngang qua, bụi mịt mù trong khói xăng thơm thơm… (Bán dạo.PHD)”

Vài năm sau, ba thôi hớt dạo, thuê nhà mở tiệm ở đường Ông Ích Khiêm, cạnh đường rầy xe lửa. Gia đình sống tùng tiệm như mọi người dân nghèo đô thị.

Đến khi Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, biến thị xã nhỏ bé thành một đô thị thời chiến với các trại lính mọc lên như nấm, ba nghỉ tiệm, làm thuê cho nhà thầu Lý Lệ Hoa, vô hớt tóc cho lính Mỹ trong phi trường.

Nhu cầu cần phục vụ của đội quân viễn chinh Huê Kỳ làm xáo trộn cuộc sống dân chúng những nơi họ đóng quân. Ai cũng đua nhau đi làm sở Mỹ. Và có tiền, nhà thầu thì giàu lên, người làm thuê cũng kiếm chác được, đời sống dễ thở hơn, dù bóng đen ghê sợ của cuộc chiến bắt đầu ám ảnh, ngày một tối ám.

Lúc này, ba xây được nhà, mua sắm xe máy, tivi, dàn Akai, tủ lạnh. Bữa ăn thường ngày đầy đặn hơn, có thịt có cá. Chiều chiều, người ta mang từ đâu đó về bán trong cái xóm nhỏ thức ăn của lính Mỹ: đồ hộp, thịt muối, xúc xích pa tê, tôm lăn bột đông lạnh, táo lê nho, bơ sữa… Ngó bộ lính Mỹ xài cái gì, dân ta xài cái đó!

Rồi hiệp định Pari, rồi lính Mỹ phải rút về nước. Trong thời điểm chộn rộn này, mất việc trong phi trường, về chạy xe thồ kiếm sống, ba tôi bị xe Jeep lính Mỹ say tông gãy chân. Tai nạn khá nặng, khiến ba thương tật vĩnh viễn, chân trái không co duỗi được. Bắt đầu chuỗi ngày khốn khó cho ba, và tất nhiên cho cả gia đình tôi.

Khi tập tễnh đi lại được, ông lại ra trước đường Thống Nhất (nhà tôi trong kiệt cách đường khoảng trăm mét), thuê nhà mở tiệm hớt tóc tiếp để nuôi vợ con. Chị cả tôi đã lập gia đình, còn lại sáu anh em sắp hàng một… đi học. Ba đặt tên tiệm là Thiên Hương, sau này nhiều người quen miệng gọi ba là ông Thiên Hương.

Cái tiệm nhỏ bé đó nuôi cả nhà qua cả những năm trước và sau bảy lăm, nhưng cực kỳ khó khăn. Chỉ có tôi vượt lên vào Đại học, còn mấy anh em đành bỏ dở học hành, trai đi bộ đội rồi về làm công nhân viên, gái xoay sở buôn bán vặt qua ngày. Như mọi gia đình nghèo thành thị sau giải phóng, thời của sổ gạo, tem phiếu, khoai sắn độn, mì sợi, bobo...

3.

Một đời như những người cha cần lao khác, với một nghề nhỏ mọn: hớt tóc, đạp xích lô, chạy ba gác… ba đã gồng gánh một gia đình lớn.

Nhưng ba không quá lam lũ, đầu tắt mặt tối. Với tính tình và bẩm sinh nghệ sĩ, tài hoa ông vẫn phong lưu từng ngày, “biết sống khi không dư dật cái để sống(1)”.

_________________

(1) Sống phong lưu - Hoàng Đạo Kính

»»  read more

6.1.11

Năm

Trời phật không để số mệnh mãi quăng quật kiếp người. Mưa hoài rồi cũng ráo tạnh chớ, đâu có dầm dề suốt đời, ai chịu cho thấu.

Nhà tôi có bốn anh em trai liền nhau. Mở đầu là chị Hai, khóa đuôi là cô Bảy, cô Út. Ai cũng khen là nhà có tứ quý.

Năm, kề tôi, hồi nhỏ sinh ra, được mọi người trầm trồ là đẹp như Đức. Tại sao không đẹp như Tây, như Mỹ mà lại đẹp như Đức, bó tay, chắc là Năm-bé đẹp rất đặc biệt. Giờ vẫn còn đó cái mũi cao gồ.



Bây giờ ba anh em đứng với nhau (Sáu đang ở Mỹ), người ngoài phân vân không biết ai là anh, ai là em. Thường người ta xếp ngược trở lại. Năm già nhất, kế đến Tư tôi, rồi mới tới Ba. Kỳ zậy đó. Tôi hay đùa, anh em miềng càng lớn tuổi càng "trẻ' ra. (Xem hình Năm, tôi với Ba trên đây là rõ).

Trở lại chuyện của Năm.

Năm học violon rất sớm, khi được khá rồi thì bảy lăm; cây đờn violon cũng theo tủ lạnh, tủ buypphê, bàn ghế, giường, máy móc, xe cộ... ra chợ trời biến thành cơm gạo nuôi cả nhà. Giấc mơ âm nhạc cũng âm thầm tàn lụi.

Năm đi bộ đội, rồi về làm công nhân điện lực. Năm đẹp trai trắng trẻo, có công ăn việc làm đàng hoàng, không tào lao chơi bời, ăn uống cũng khoái rau cá chớ không mê thịt thà. Mọi chuyện tưởng sẽ êm đềm, xuôi chèo mát mái.

Ai dè, vấp một cái, american dream, nghề nghiệp đứt ngang, đi cũng dở ở cũng không xong, Năm thất chí về đi làm phụ hồ rồi sa vào hũ rượu. Những năm đó, tôi đã vào Nha Trang, mỗi lần về nhà thấy Năm ngày càng bê bết, không biết làm sao mà kéo lên.

Ba mươi tuổi qua đi trong rượu, bốn mươi tuổi đắm chìm trong rượu. Riết rồi tay chân run rẩy, sức khỏe tụt luốt, bao xi măng vác không trôi, leo dàn giáo không nổi, phụ hồ cũng đành bỏ nghiệp.

Không vợ con, không nghề nghiệp, ngày tháng trôi đi dưới đáy chai xị, lúc nào cũng say lè nhè. Khi chưa say cạy một tiếng không ra, khi say rồi nói tầm bậy can không nổi. Một lần, tôi ráng đưa Năm vô Nha Trang, nghĩ mình kèm bên cạnh sẽ khá, té ra kèm không xiết, sểnh ra một cái là say mát trời ông địa, chạy đi tìm thì thấy đạp xe lạng quạng giữa đường, đành bóp bụng cho Năm phục viên.

Nghĩ như vậy là hết, là xong một kiếp người, uống như Năm thì thọ sao nổi, gan ruột phèo phổi chắc tanh bành té bẹ bên trong, nói dại miệng, khéo lá vàng khóc lá xanh chớ chẳng chơi.

Vậy mà ơn trời phật, khi mẹ đau nhức hai chân, đi lại sinh hoạt khó khăn, cần người chăm sóc bên cạnh, Năm bỗng trở thành "cận vệ" số một. Hơn năm nay, Năm ân cần bên mẹ, chăm sóc từ miếng ăn viên thuốc đúng giờ đúng giấc đến việc sinh hoạt hàng ngày. Mọi việc đều một tay Năm, ai rờ vô, trật ý là Năm "nổi khùng" ngay. Không thấy Năm say xỉn nữa, uống vẫn có, nhưng một xị rượu pha vô vài xị... nước.

Về nhà, thấy vậy, thiệt là mừng, thấy mẹ tôi cuối đời có con trai chăm sóc kề bên, mẹ có phước mà Năm cũng có phước.

Tướng tá Năm giờ dễ coi hơn, nhưng lại khoái cái món tóc dài (chưa hiểu tại sao). Thôi cũng được, cho có vẻ nghệ sĩ một chút, dẫu gì Năm cũng có hoa tay, lúc rảnh là tạc đủ thứ tượng hình bằng xi măng để đầy một gác xép. Đây là ngón "gia truyền", ba tôi và mấy anh em tôi cũng như mấy cháu đều có "nghề" vẽ tranh đục tượng cả.

Một hình tượng làm tôi rất thích, Năm đục một lỗ trên tường (mặt tiền nhà), gắn vào đó nửa cái lồng, bên trong đặt tượng một con chim, đang ngóng mỏ ra ngoài trời.

Mong ngóng gì vậy Năm?
»»  read more

5.1.11

mẹ

Về nhà, là về với mẹ. Mẹ càng lớn tuổi, càng muốn về với mẹ dài hơn, lâu hơn.

Tôi xa nhà từ khi học đại học - 1977, dẫu chỉ cách Đà Nẵng hơn chục cây số, nhưng thời đó đi học là phải ở nội trú, ăn cơm tập thể, giờ giấc học hành khắc khe, cuối tuần mới về được. Mà cũng lúc về lúc không. Học xong ra trường lại biệt vô Nha Trang, thêm gần ba mươi năm nữa.

Đây là hình mẹ tôi hồi còn thiếu nữ, và hình mẹ bây giờ xấp xỉ chín mươi.

Tôi cứ lần lữa mãi, khi nghĩ mình sẽ viết về mẹ, vì biết có nói bao nhiêu cũng không thể nói hết tình mẹ thương con và tình con thương mẹ.

Mẹ tôi rất hiền. Có thể nói cả xóm tôi, với những người láng giềng xung quanh, mới cũ, còn mất, từ bậc cao niên đến bọn trẻ nít, mẹ chưa hề làm mất lòng ai, chưa hề đôi co to tiếng với bất kỳ ai.

(Trái lại, ba tôi là ông Trương Phi thứ thiệt. Nên có chuyện một dạo, cứ tầm tối tối, là có người quăng đá rầm rầm trên mái tôn. Ghét ba tôi ấy mà).

Mẹ học ít, đủ để đọc chữ và ký tên mình, nhưng mẹ có những suy nghĩ rất mới so với thế hệ của mẹ: mẹ không hề đốt vàng mã khi cúng bái; giỗ ông bà làm theo kiểu giỗ dồn: các vị thứ bậc nhỏ hơn sẽ gộp lại và ăn theo một cái giỗ của vị có thứ bậc lớn gần về thời gian; Tết chỉ có cúng đưa rước ông bà, chứ không có tất niên; những việc cúng đất, cúng giếng, cúng ông táo, mẹ cũng giản lược. Có lẽ, với mẹ cái tâm thành quan trọng hơn hình thức màu mè, và không mê tín.

Mẹ có bịnh say xe thuộc hàng guiness, không thể đi bất kỳ phương tiện giao thông nào. Người ta say xe khách, tàu thủy, máy bay, còn mẹ hễ cái gì rục rịch chạy là say hết. Xe đạp xe máy xích lô... hễ leo lên là say. Thành thử, mẹ rất thiệt thòi, một đời chỉ loanh quanh với xóm giềng, khi còn sức lễ tết đi chợ Hàn, chợ Cồn là hết mức. Con cái có gia đình ở xa, cũng tự về thăm, chứ mẹ thì... bó tay nếu nhà con không ở trong... tầm đi bộ.

Đám cưới Thu - em gái tôi, mẹ phải đi bộ đến trước, chờ xe chở nhà gái đến rồi mới nhập đoàn. Xong tiệc tùng nghi lễ, ai nấy leo lên xe, còn mẹ lại lững thững cuốc bộ go home.

Mỗi lần mẹ ngã bịnh nặng phải vô nhà thương, xe chở đến nơi, bịnh càng nặng thêm do nhức đầu ói mửa say xe, đến khi chữa lành bịnh chính, lên xe về nhà, lại ói mửa nhức đầu nằm bẹp thêm vài ngày vì vụ... xe say.

(Không như ba tôi, cỡ nào cũng giang hồ được, sau 75 dẫu khó khăn tiền bạc cộng với khó khăn do cái chân thương tật, ông vẫn đi khắp nơi khắp chốn khi có dịp).

Một đời mẹ lúc thúc trong cái không gian ấy, ngày càng hẹp do "đôi chân vượt đường xa có... mỏi". Giờ đôi chân ấy đau nhức hai đầu gối, đi lại phải có nạng đẩy, không gian ấy chỉ còn chút xíu trong nhà. Ở đó mẹ nuôi nấng bảy anh em chúng tôi, chuyên nghề nội trợ, phục vụ chồng con. Sau này, thời kinh tế khó khăn, mẹ xoay sở buôn bán, lúc ra chợ Tam Giác mua gánh bán bưng, lúc xay bột làm bánh bèo, bánh bột lọc bán trong xóm.

Kỳ cục lắm, hàng mẹ làm ra bán sạch sẽ tinh tươm, ngon lành nhưng bán được thời gian ngắn là dẹp tiệm. Bên cạnh có o S. cũng bày bán như mẹ thì hàng họ ngày càng phát triển, bán đắt như tôm. Người ta nói mẹ là không có tay buôn.

Cũng đúng thôi, hiền như mẹ thì mần răng theo nghiệp bán buôn nổi.

Bên ngoại nhà tôi, có gen sống lâu và mẹ là người thọ nhứt, đầu óc nay vẫn còn minh mẫn, kể được những chuyện hồi xưa, chỉ hiềm đôi tai đã lãng và đôi đầu gối đã yếu.

Cũng mừng khi thấy mẹ còn ăn uống được, mỗi bữa đều đặn một tô. Sáng thêm ly sữa, xế bánh bèo, bánh ngọt. Bún bò, cháo vịt còn là món ưa thích của mẹ. Nếu không có chứng đau nhức quái ác ở hai đầu gối, hàng đêm phải uống thuốc thêm, thì mẹ đã có một tuổi già êm đẹp.

Có tôi về, nhà thêm người, mấy anh chị em cháu chắt ghé về thăm hỏi, không khí rộn rã và có người ở bên cạnh khơi chuyện, mẹ vui hẳn lên, cái đau nhức xem chừng cũng bớt.

Chứ hàng ngày nhà vắng, chỉ có anh tôi (làm ca ngày đi ngày nghỉ) và chú em giữ nhiệm vụ chăm sóc mẹ mà thôi.

Có nhiều hình mẹ vui vầy với con cháu, nhưng tôi đưa lên đây tấm hình mẹ ngồi một mình, dõi mắt xa xăm, chìm đắm trong những hoài niệm cũ, với nỗi cô đơn tất yếu của con người, của tuổi già, để tự nhắc mình luôn nhớ tới mẹ và phải tìm mọi cơ hội để về nhà với mẹ.
»»  read more

3.1.11

Năm Mới Blog Mới


Chia tay 2010. Chào mừng 2011.
Lập cái blog này dành cho các bài viết về người thân.
»»  read more