31.12.12

nghe gió suốt đêm


1.
Ngày cuối năm, trời đỏng đảnh, khi mưa khi nắng, khi gió khi mây. Thoắt một cái, rắc xuống đầy những hạt mưa lớn, khiến người ta phải tay ôm chìa khóa thuốc lá hộp quẹt, tay bế ly cà phê chồng lên ly trà đá, lật đật bỏ bàn ngoài trời "di tản" vào chỗ trong nhà. Thoắt một cái, lại tạnh ráo trong se lạnh gió. Gió xua mưa đi hay lấp đầy chỗ cho mưa. Ừ thì cũng có tí mùa đông cho xứ biển hai mùa mưa nắng này chứ!

2.
Bạn nhắn: "Chỗ mình đầy gió!". Chỗ tôi cũng đầy gió! Những cơn gió đang mê mải suốt đêm, gõ lạch xạch trên mái tôn, lướt lạo xạo trên mái ngói, giũ nốt những chiếc lá xoài úa quắt, những chiếc lá sứ đen khô của mùa cũ. Bông sứ cũng rụng đầy sân, nhường chỗ cho những mầm nụ mới. Thức giấc nửa đêm, lúc nào cũng xao xác gió. Gió đến nỗi con chim quen thuộc thường hót từng tràng dài trong vườn buổi đêm, cũng bặt giọng, chắc trốn vào lùm kín nào rồi! Gió khua động những ngôi sao thủy tinh của chùm phong linh, như mang lời nhắn gửi, tình tự từ nơi xa xăm nào về gõ ray rứt trước hiên. Gió thầm thì trong những lá trầu bà tím. Gió như xốc vào cả giấc ngủ, làm thành một cơn mơ bay Chagall đầy sắc màu siêu thực.

3.
Những lá môn cảnh đã xum xuê màu ngày Giáng Sinh: xanh lục và hồng phấn. Những chùm hoa đỏ năm ngoái từ nhà Phù Vân tận Vĩnh Phương mang về trồng đang hé những nụ hiếm hoi. Vẫn còn đầy một trời gió và mây xám cho ngày cuối, ngày cũ.

4.
Mai sẽ là một ngày mới, phải không?




»»  read more

28.12.12

cuối năm


Cuối năm, vẫn ly cà phê đá buổi sáng ở góc quán mới ngồi hơn tháng nay, giá lại tăng thêm 2k sau Noel. Thêm một chút lạm phát đầu ngày.

Nắng vàng như ngày Tết trong gió nhẹ hiu hiu, rồi lẩn mất trong mây dày, cho một ngày cũng nhẹ hiu hiu, xúi người ta tìm một nơi chốn ven sông để bù khú bia rượu!


Tán bàng già trên đầu vẫn còn xanh ngắt, chẳng có tí mùa đông nào! Bên đường biển phía Đồng Đế, hai ba tàng phượng vẫn còn đối màu hoa và trên vỉa hè Ngô Gia Tông già vẫn bày bán những bó sen cho ngày rằm tháng Một, như mùa hè còn vương mãi đến lúc cận xuân!
Ai đó vừa buông một câu bâng quơ: "Sắp đến Tết rồi!"

Nhớ hai câu thơ của thằng bạn dọa vợ thuở cơ hàn: "Hết rồi em năm cùng tháng tận. Ta sẽ cho em một năm mới lận đận, một năm mới nợ nần!"


Năm nay nghe cái mùi lận đận vây quanh, khá đậm! Quanh bàn cà phê, một cuốn sách mới được chộn rộn đọc, chộn rộn kể, chộn rộn gợi nhớ thuở còn thấp dưới cơ hàn!


»»  read more

22.12.12

noel



1.
Cây thông Noel và hang đá Giáng Sinh đã chớp đèn trước hiên nhà. Một năm sắp qua. Một năm mơ mơ màng màng chỉ giải quyết những việc của năm cũ, mà tới giờ này cũng vẫn màng màng mơ mơ.

2.
Nhớ năm ngoái, cũng những ngày cận Giáng Sinh, lại xảy ra chút xích mích, chút bất hòa, chút cãi cọ... Năm nay cũng y vậy. Hay quá ha! 

Năm ngoái đã giảng bài "xử lý" bất hòa xích mích như vầy:
(Có câu chuyện trong Kinh Thánh, một người mang của lễ đến đền thờ để dâng lên Thiên Chúa, anh ta bộc bạch với Ngài là người hàng xóm của anh ta quá tệ và hai người đang có chuyện xích mích với nhau. Thiên Chúa mới bảo anh ta rằng: Con hãy mang của lễ này về, làm lành với người anh em của con đi, rồi hãy quay lại đây! Sự hòa giải với người con ghét bỏ, tức giận, mới là của lễ mà ta cần
 Hôm nay, Giáng Sinh, đến lễ bái Chúa, tôi không biết mình có chưa kịp hòa giải với người anh em nào của tôi chăng!)

Hic, đời lắm lúc là cái vòng xoay lặp lại những mâu thuẫn cũ cần những hòa giải mới!

3.
Mong mong cái rét xứ Bắc tràn vào trong này một tí, để ngày cuối năm thấy được những áo ấm đông, những mũ len xinh và những khăn quàng cổ tha thướt.
Cả năm, các kiều nữ xứ biển áo hai dây và quần short ngắn, dù thật hấp dẫn mê ly, nhưng cũng vẫn muốn một phong vị khác để giã từ năm cũ!

»»  read more

20.12.12

đến rồi đi

Đọc được lời khuyên của một bạn trẻ: "Bạn hãy học cách để tập trung vào những thành tựu của mình, chứ đừng nhăm nhăm vào những gì mình chưa làm được". Lời khuyên hay ho, đầy lạc quan.

Nhưng cái đạt được đâu có hấp dẫn, ray rứt bằng cái mình chưa làm được.

Và...

Chơi gì cũng vậy, vui sướng khi đang chơi. Chứ xong cuộc rồi, thắng hay thua cũng không còn cho mình sự háo hức mấy.

Uống ly rượu nho, cảm giác phấn hứng khi nhìn ngắm sắc đỏ trong vắt, khi lắc nhẹ chiếc ly ngửi hương rượu nồng nàn, khi ngậm ngụm rượu trong miệng nghe ngất ngây trên đầu môi, gốc mũi. Chứ khi trôi tuột xuống dạ dày rồi, cảm giác thỏa mãn chỉ còn xíu xiu thôi.

Và...

Phải tiến lên trong cuộc đời với những đích ngắm mình chưa đạt tới, chứ đâu có gặm nhm mãi những vinh quang cũ. "Ăn mày quá khứ" thật đáng buồn.

Cũng mệt. Khi nghĩ đến những sợi tóc bạc dần trên đầu.

Thôi, thì đành: Tình yêu đến em không mong đợi gì. Tình yêu đi em không hề hối tiếc.

Hơi sến. Nhưng yên lòng. Khỏi mong đợi, khỏi hối tiếc. Mất công!
»»  read more

13.12.12

12.12.12


Càng đến những ngày cuối cùng của năm 2012, càng nhiều đồn đoán về ngày tận thế (21.12.2012) từ bộ lịch cổ đại của người Maya. Những ngày tận thế vẫn được người ta nhắc đến, từ hàng ngàn năm nay. Những trận đại hồng thủy vẫn được ghi chép lại trong các trang cổ sử của các dân tộc. Nhưng loài người vẫn tồn tại, vẫn sống, vẫn yêu đương, vẫn hận thù, vẫn giết chóc nhau và vẫn tự hủy diệt, hủy diệt ngay cả chiếc nôi êm ấm của mình - Trái Đất.

Nếu biết trước ngày tận số ta sẽ làm gì đây:
Làm mọi cách để tận hưởng mọi thú vui trần thế chăng? Dừng mọi công việc làm ăn lại chăng? Xóa nợ cho người, rũ nợ cho ta chăng?...

Không ai làm điều đó cả, mọi người vẫn cứ sống như thường ngày với bao tất bật lo toan, bởi vì, đã quá lâu, những lời tiên tri đó không làm con người tin tưởng nữa!

Bạn hãy ghé One Day On Earth - Một Ngày Trên Trái Đất. Từ 2010, cứ hàng năm, người ta chọn một ngày (trùng ngày, tháng, năm - 10.10.10) để ghi chép lại tất cả các hình ảnh trong ngày về mọi nơi trên trái đất, như một trang sử, như một tài liệu cần được giữ gìn.

Gìn vàng giữ ngọc, dẫu ngày mai là tận thế!

One Day On Earth năm nay: ngày 12.12.12.

(Hihi, hổng biết sang năm 2013, mấy ông này chọn ngày nào, vì đâu có tháng 13???)
»»  read more

30.11.12

thư gửi... người chưa quen biết

Hồi tháng 3 viết bài Thư gửi người chưa quen biết,
giờ người chưa quen biết ni tìm tới gặp Nô lúc 10h10ph ngày 29/11/2012.

Post lại bài để tự nhắc miềng kiên định lập trường.
Bạn nào đã đọc bài này rồi xin hai chữ.... đại xá!




thư gửi... người chưa quen biết!

Kính gửi cháu ngoại,

nhân tiện gửi cháu nội luôn thể,

Ngày ông viết bức thư ni, mấy cháu chưa ra đời! Nhưng lúc nào ông cũng nhớ tới mấy cháu, vì sau khi con gái đầu của ông (tức là mẹ của mấy cháu ngoại của ông) lấy chồng, bạn bè, người quen, người thân... ai gặp cũng hỏi:"Có gì chưa?" Ban đầu ông tưởng người ta hỏi thăm ông có mánh nào zô không, hoặc được thăng chức tước gì bự bự, hoặc có... bà nào lạ lạ ngắm nghé không? Ai dè, ông toàn bị ăn dưa bở, người ta hỏng phải hỏi thăm mấy thứ vặt vãnh đó, người ta hỏi thăm mí cháu đó!

Có gì chưa, nghĩa là cháu ngoại sắp ra đời chưa!

Ông cũng vô cùng phấn khởi trả lời: "Có có, sắp có!" Rồi lọ mọ về hỏi bà: "Có gì chưa?" Bà lại tưởng chuyện gì, "dợt" lại ông: "Cơm nước cũng từ từ nấu mới có, chưa kịp bước chân vô nhà đã cơm cơm!"

"Hehe, bé cái nhầm nhé bà, tui hỏi chuyện thế hệ kế tục thứ ba chứ cơm nước gì!"

Mấy cháu biết không, thời của ông, mỗi nhà chỉ có hai con (gọi là chận nạn tăng dân số), ông nào làm cơ quan nhà nước hoặc cộm cán, mà xí xớn không kịp ngăn cái sự sung sướng lại, để tòi ra đứa thứ ba là kỷ luật ngay, đuổi việc, mất ghế như chơi!  (Cái này hỏi nhỏ: hổng biết sao bác Thủ nhà miềng lại có thêm chú thứ ba, đặc cách chăng???)

Cho nên, dân miền Trung như ông đây, nuôi con (tức ba mẹ mấy cháu) lớn lên, hễ mấy ngài được vô Sài Gòn học hành, mần ăn là y như rằng ở riệt trong đó, hỏng chịu về quê! Thành ra, mấy cháu xét về cơ bản đều sinh ra tại Sài Gòn, công dân thành phố Hồ Chí Minh quang vinh cả! Ông bà tự nhiên thành cặp vợ chồng son, nhà cửa tự nhiên cũng trống hoác, vắng ngơ vắng ngắt! Rồi ông bà về hưu, rảnh như con cá cảnh!!!

Ở cái thành phố đất rộng người quá đông đó, cuộc mưu sinh cuốn bố mẹ các cháu phăng đi, không có thì giờ lo được cho các cháu, khiến các cháu từ rất sớm đã là thành viên của "tổ xa mẹ". Hic! Ông bà nghe mà xót cho cháu, nhất là các tin bạo hành trẻ nhỏ giăng đầy các mặt báo!

Ông bà đang quá rảnh, ba mẹ các cháu thì bận tít mù!

Con so nhà mạ, con rạ nhà chồng! Hâyzzzza, đằng mô thì bà cũng phải khăn gói quả mướp vô SG để nuôi đẻ mẹ các cháu, thôi thì tiếp tục nuôi các cháu lớn lớn đến tuổi đi mẫu giáo cho rồi!

Thế là, bà vô với các cháu, để ông ở lại nhà, làm người đàn ông xa vợ, tiếp tục hy sinh đời mình cho các cháu! Dẫu có mạnh mẽ đến đâu các ông cũng đâm buồn trước căn nhà chông chênh thiếu bàn tay phụ nữ, trước bữa cơm thất thường (nhất là các ông hay lạt lòng trước lời nhắn gọi mỗi chiều: "Đi mần vài ve chứ!"). Nhiều ông bày cơm ra ăn, phải kèm theo tấm chân dung của bà đặt trên bàn mới xong bữa được!

Nhưng một cảnh hai quê cũng khổ, được cháu mất chồng, các bà bèn mang mấy cháu về ngoài này nuôi luôn vài năm, vừa nuôi cháu vừa chăm ông. Và có ông, cũng được một tay đỡ đần, khi nuôi một đứa cháu đang tuổi... thành siêu quậy! Tình ông cháu nảy nở, nựng nịu, bồng ẳm, chơi đùa, thương yêu cháu còn hơn ngày xưa thương yêu con! Thấy cháu làm "xấu" được cái gì mới là chạy cùng khắp từ hàng xóm, bàn cà phê, bàn nhậu để... khoe!

Ấy gọi là giữ cháu có... tâm hồn! Nhờ vậy mới vượt qua khó khăn, khi cháu ốm đau, sút cân, trầy xướt... Xưa nuôi con, ốm đau sút cân trầy sướt, mình tự mình lo. Giờ nuôi cháu, sơ sẩy, còn sợ các con rầy la buồn phiền nữa!

Các cháu yêu quí,

Vì những lẽ trên, ông thường "nhắn nhe" với bà kiểu mưa dầm thấm lâu, rằng xin miễn cho ông cái trách nhiệm nuôi cháu đi nhé! Không phải ông không thương các cháu, mà vì ông còn thương bản thân nữa! Hihi, ai nói ông ích kỷ, thiếu đức hy sinh, ông xin chịu tất! Một đời ông lo cho bố mẹ các cháu rồi, giờ này ông hỏng còn sức mô để lo cho các cháu nữa, xin cho ông hai chữ bình an, thong dong ngày hai bữa cà phê, thi thoảng mần vài ve, các cháu nhé!

Nếu bà muốn mang các cháu về nuôi, ông hỏng dám có ý kiến, nhưng cũng "me" trước với bà, khi đó phải tự lo, đừng kêu tui!

Lâu lâu, các cháu nhớ ông bà, biểu ba mẹ đưa về thăm! Lâu lâu, ông bà nhớ các cháu, ông bà sẽ tự khăn gói vô thăm!

Thế nhé,

Ký tên:
Người ông dũng cảm của mấy cháu!

P/S: Mấy bạn ông cũng như bà, đều cảnh báo ngược lại với ông rằng: "Đến khi có cháu mới biết, không khéo khi đó còn mê cháu hơn cả bà!" Hehe, ông cũng hỏng bói được tương lai, nhưng kinh nghiệm hơn ba mươi năm đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã chọn, ông thấy ông là người kiên định lập trường số một!
»»  read more

29.10.12

thuở ấy ban đầu

 
Để nhớ đã tròn 30 năm vào xứ Nha Trang


Bạn rủ đi Hà Nội, làm dậy lên những nỗi nhớ xưa!

Chạm mặt với Hà Nội cách đây trên ba mươi năm, cái chạm đầu tiên với một thế giới mà mình chưa biết, nhưng không xa lạ. Bởi mưa phùn gió bấc Thạch Lam, bởi bóng hoàng lan Nhất Linh, bởi vàng son Văn Cao Đoàn Chuẩn, bởi rêu phong nếp cũ Nguyễn Tuân, bởi tinh tế nhớ thương Vũ Bằng... Hà Nội tôi gặp ngày đó còn là Hà Nội của khép nép. của tĩnh lặng, của thanh bạch... còn nguyên như hình dung trong tâm tưởng.

1.
Khi xe lửa về đến Ga Hàng Cỏ, tôi thò đầu ra cửa nhìn con đường Nam Bộ, cảm thấy cái se lạnh đất Bắc miết trên da mặt trong gió đầy muội than của đầu tàu hơi nước. Hai bên đường những hàng cây trơ trụi lá, vươn cành nhánh đen xì lên bầu trời xám mù. Đã vào tiết Đông, sắp có đợt gió mùa đông bắc!

Đà Nẵng, quê tôi, mùa đông cũng lạnh lẽo, cũng mưa dầm dề, cũng gió thao thiết... nhưng chả thấm gì so với cái rét, cái mưa, cái gió ở đây!  Đêm nằm ở cái nhà trọ bé xíu, trên gác 2, ẩm ướt mùi mốc, lần đầu tiên tôi biết cái rét thấu xương, lần đầu tiên biết cái chăn bông (trong vỏ chăn còn cái ruột chăn dày cui nữa), lần đầu tiên biết cái run cầm cập, hai hàm răng đánh dập vào nhau, lần đầu tiên biết cái tê buốt ở mười đầu ngón tay, mười đầu ngón chân, lần đầu tiên hiểu thấu hai chữ đêm trường!

2.
Tôi gặp em, ở khu tập thể Kim Liên Nam Cường, những dãy nhà hộp buồn thiu với rêu đen từng vệt, những cái ổ người chật chội, thâm thấp, với khu vệ sinh chung cuối dãy và những cái bếp củi dọc hành lang đứng chung một bộ với cái ấm nước và cái bình thủy. "Nhà chật lắm, anh em mình ra ngoài đi!". Em ngày đó thanh mảnh, xinh xẻo, giọng nói mê hoặc mà giờ đây nhớ lại tôi cứ mường tượng những cánh hoa hồng mịn màng như má em, thơm dịu như tóc em và mong manh như em đứng bên hồ, hai bím tóc thả dài trên ngực.

Tôi gặp em ở ký túc xá với nồi canh cá (hình như em gọi là nấu dấm) với những quả tai chua xứ bắc lạ lùng, với những cốc rượu làng Vân trong vắt, nóng rực lửa, chạy thẳng xuống ruột gan! Cái xứ này nhiều đồ chua lắm, trong quả sấu dầm, trong trái mơ ngâm, trong trăm loại ô mai và trong thanh điệu của em lúc dấm dẳng giận hờn!

Tôi gặp em, ở bên vỉa hè khấp khểnh với bộ quần áo nâu ngoại thành thắt eo thon thả, với mắt cũng nâu sẫm, với tóc cũng nâu nhánh, với quang thúng đầy hoa đồng tiền, hoa hồng, hoa cúc... làm tôi ngạc nhiên, (mùa đông lạnh vầy sao vẫn có những nhánh hoa tươi rói!).

Tôi gặp em, những em, với bộ cánh sắc màu tươi hồng vàng tím đỏ, túm tụm bên các cửa hàng - mà người ta gọi một cách dè bỉu: đám con phe -  với ngôn ngữ bổ bã, nhức cả tai, khiến tôi phải dè chừng, rằng ở thủ đô: con gái mặc càng đẹp, càng mốt, môi càng bóng đỏ thì phải biết điều mà tránh cho... xa!

3.
Tôi gặp những phố lặng lẽ, dẫu ngắn mà hun hút, dưới những tàng cây mùa đông thảng thốt, ngày mới nhập nhoạng chiều mà như đi vào tối, kéo làn gió lướt thướt theo đám lá nâu khô.

Tôi gặp những sóng nước hồ tĩnh lặng trong mưa lún phún, những con hồ xanh, những con mắt của Hà Nội từ Thiền Quang, Gươm, Trúc Bạch đến
mảnh tâm hồn Hà Nội - hồ Tây với bát ngát xa mờ. Đứng trên Cổ Ngư nhìn về phía Nghi Tàm sóng nước lẫn với bờ xanh, không thấy nhà thấy cửa.

Tôi gặp những căn nhà biệt thự xưa, ngủ trong vườn rộng, những cánh cửa chớp mở ra, những cánh cửa kính khép hờ, để ánh ngày hắt vệt nắng lên sàn gỗ đã đen bóng thời gian, ở đó, những bước chân khẽ khàng, những cái hắng giọng nghiêm trang, những tiếng nói trầm của người già xưng tôi với con và gọi con bằng anh bằng chị...

4.
Tôi gặp tôi trong những buổi tối, sau khi đưa em về, một mình trở lại nhà trọ, thu tay trong áo khoác mỏng không đủ chắn cái gió tê người, thèm lại bát phở sốt vang nóng hổi lúc ban chiều, thèm một cốc cà phê bốc khói lúc ban sáng, thèm một khoảnh khắc dại dột là muốn hôn lên bờ má hồng mịn của em!

Tôi gặp tôi trong buổi sáng trên sân ga ngày trở về, với một mong ngóng mơ hồ, với một niềm vui òa vỡ khi thấy em vội vàng chạy đến, trao tôi cành hồng gói trong tờ giấy vàng xuộm thô ráp những vệt nứa của Bãi Bằng, với một cái nắm tay như hờ hững đầu tiên từ lúc gặp gỡ cho đến lúc chia tay!

Tôi gặp tôi, khi con tàu chuyển bánh, phun khói đen mù mịt lên trời đầy mây dày và mưa nhỏ, ngồi mân mê những cánh hồng, tự dưng muốn xiết ngón tay mình vào những gai nhọn, muốn thấy một giọt máu đổ ra, như đổ ra từ một niềm-yêu-đau!

5.
Mãi sau này, tôi còn nhiều lần đến Hà Nội, nhưng không còn Hà Nội của tôi thuở ban đầu ấy, em cũng không còn gặp lại, và bạc bẽo làm sao, một cái tên người cũng quên nhòa trong tâm trí của tôi!

Tôi viết những dòng này, để nhớ tròn 30 năm tôi vào sinh sống hẳn ở Nha Trang. Thật là kỳ cục, khi nhớ Nha Trang lại viết về Hà Nội!

Chắc là vì chúng đều là những chuyến đi xa đầu đời. Tôi đến Hà Nội, thuở ấy, rồi lại trở về. Và sau đó không lâu, tôi đến Nha Trang, để mà ở lại!
 
»»  read more

14.5.12

bông giấy tháng Năm


Tháng Năm, mùa hè đang đi tới đỉnh, nhuộm xạm da người, nước biển ấm từ lúc mờ mờ sáng, lăng quăng những sợi tua sứa làm rát làn da nào nhạy cảm. Nắng đang đổ lửa xuống những dàn bông giấy trắng, đỏ, vàng, cam, tím khắp các ngã đường thành phố làm nhớ chiếc cổng bông giấy quê nhà, từng in bóng mẹ vào ra.

Tháng Năm, nhớ bếp lửa nấu củi của Mẹ lúc nào cũng có than vùi trong tro, để chiếc ấm chè xanh luôn nóng ấm! Nước chè xanh nóng, vừa thổi vừa uống, làm lấm tấm những giọt mồ hôi nhỏ quanh bờ môi, lạ thay lại làm tan ngay cái nắng miền Trung rừng rực!

Tháng Năm, nhớ những ly chè giải nhiệt của riêng Mẹ gồm cà rốt, bí đỏ, bí đao xắt hạt lựu và không thể thiếu những củ nén nồng nồng! Ăn chè ni cho mát người! Câu nói thường xuyên của Mẹ khi đưa ly chè tận tay con!

Tháng Năm, nhớ những ngày trải chiếu ngoài sân, con nằm mơ màng theo bóng trăng trên những đọt dừa hoặc ngắm nhìn cả một trời sao đêm cháy sáng, theo tay quạt đẩy đưa của mẹ ngủ tít, để Mẹ ẳm vào giường hồi nào không hay.

Tháng Năm, nhớ những con cá chuồn muộn cuối mùa Mẹ bẻ gập chiên vàng ươm trong chảo, trông giống như con ếch to! Những con cá chuồn từ khi rời quê, con không được ăn nữa. Trong này người ta chê cá chuồn Mẹ ơi, bảo ăn vô nổi phong nổi ngứa, người ta phơi khô mang đến vùng xa xôi nào, để vương trong nắng cái mùi chuồn quen thuộc ngày thơ ấu đến nao lòng!

Tháng Năm đến rồi đó Mẹ, bây giờ thời tân tiến, người ta có Mother Day – Ngày Của Mẹ để những đứa con nhớ đến, tri ân bậc sinh ra mình! Người ta nói: Thượng Đế biết người không thể có mặt mọi nơi nên sinh ra cho chúng ta Người Mẹ! 

Tháng Năm, con nhớ Mẹ, vì biết Mẹ đang ngồi trông ra dàn bông giấy rực rỡ trên cổng nhà, Mẹ biết mùa hè đang về, những đứa con, những đứa cháu của Mẹ sắp rảnh, sắp nghỉ hè, sắp về thăm Mẹ! Người ta đang mua hoa cẩm chướng để tặng Mẹ, nhưng với con những bông giấy đang trải sắc trong nắng cháy mùa hè, lại gợi nhớ hình ảnh thương yêu của Mẹ trong con đó!
»»  read more

1.4.12

tự họa trịnh

Tháng Tư mở ra, nhắc ta có một lời nói dối thật về cái chết của một người nghệ sĩ. Nhưng dù sống hay chết, những nốt nhạc trong trẻo, những tiết tấu đơn sơ, những ca từ ma mị của anh vẫn nằm sâu trong trái tim, vẫn hòa tan trong máu thịt, vẫn khắc khoải với buồn vui trong từng số phận con người.

Anh tự họa tình yêu và thân phận của mình mà như vẽ hộ tình yêu và thân phận của chúng ta.

Xin giới thiệu 10 bức tự họa của người nghệ sĩ, để chiêm nghiệm bổn lai diện mục bên trong qua những đường nét bên ngoài .


Nghệ sĩ Việt Nam, theo truyền thống cầm kỳ thi họa, có nhiều người đa năng và xuất sắc trên nhiều lĩnh vực.

Nguyễn Đình Thi: âm nhạc, thơ, văn… mảng nào cũng xuất sắc! Văn Cao: âm nhạc, thơ, hội họa… miếng nào cũng tài hoa! Trần Dần: thơ, ký họa...; Tạ Tỵ: hội họa, văn… cái nào cũng độc đáo; ngay Trung Niên thi sĩ Bùi Giáng cũng lộng lẫy ngao du giữa thơ và họa!

Ngoài âm nhạc, Trịnh Công Sơn là một họa sĩ có hạng. Tất nhiên, danh hiệu nhạc sĩ nổi tiếng cũng nâng danh giá anh trong hội họa. Tranh của anh có bản sắc riêng, từ đường nét đến cách dùng màu đều rất phóng khoáng, có phần phóng túng, không câu thúc, như một kiểu ngứa tay nghệch ngoạc mà chơi…

Duy có một bức chân dung tự họa bằng bút sắt, thời còn trẻ (bức giữa hàng thứ 3), cho biết kỹ thuật và bút lực hội họa vững vàng của người nhạc sĩ. Bức họa đứng riêng một mình với những nét vẽ gọn gàng, sắc sảo, chính xác, duy mỹ, anh vẽ mình mà như vẽ một cái logo.

Cái logo chân dung Trịnh: cặp mắt kiếng tròn kiểu Lennon, vầng trán cao, tóc bềnh bồng, râu ria lún phún, cái miệng cười chỉ để chực nói hai từ: “Thôi kệ!”.

Logo này đã là mẫu mực cho những bức chân dung khác của anh, tự họa hay bạn bè vẽ. Thiếu những nét căn bản đó, sẽ không còn cái thần của Trịnh nữa!

Bữa nào bạn vui, yêu nhớ Trịnh, bạn nghuệch ngoạc vài nét theo tinh thần cái logo ấy. Cam đoan đến lần thứ 10, bạn sẽ có một bức chân dung Trịnh của mình!

Đừng ngại giống hay không giống. Trịnh Công Sơn cũng vẽ vời chơi bời đấy thôi, đâu phải bức nào cũng giống chàng!

Cái chính là tình yêu, mà mấy ai không yêu Trịnh!
»»  read more

21.3.12



Nô gọi người sinh ra mình là mẹ.

Các con Nô cũng gọi người sinh ra chúng là mẹ. Rồi với riêng Nô, lại gọi người đó là ! Thí dụ: Lúc nhậu đã đến deadline, điện thoại réo chuông, Nô xem và nói: gọi zề!



Cám ơn má, khi Nô tha phương cầu thực, gia nhập hàng ngũ "những người đàn ông xa mẹ", đã có má thay thế, tiếp tục nuôi dưỡng và dạy dỗ Nô thành người.

Má đã sẵn sàng theo Nô về ở một căn phòng tập thể, nhỏ xíu, nóng như thiêu đốt. Mùa hè, tối nào má và Nô cũng phải đèo nhau ra biển, ngồi trên bờ cát hóng từng cơn gió mát, chờ cho đến khi cái mái bê tông hừng hực nắng nóng ngày hè dịu đi mới trở về nhà!

Má đã giúp Nô có căn nhà nhỏ đầu tiên của riêng mình, chịu nấu nướng dưới mái bếp che tạm bên hè, ngày mưa tạt ướt lướt thướt.

Má đã một mình nuôi đứa con đầu lòng, khi Nô công tác xa nhà, hàng tháng tót về với chút tiền còm, để má mua đủ ít thịt heo kho ăn với dưa cải. Món ăn của cặp vợ chồng trẻ thuở hàn vi, mà sau này không của ngon vật lạ nào sánh được.

Má đã khuyên Nô rời khỏi căn nhà nhỏ đầu tiên đó, để về xây nên ngôi nhà bây giờ. Ngôi nhà đã thành tổ ấm trên hai mươi năm, ngày càng đẹp hơn, vui hơn, đầy cây lá hơn dưới quyền lãnh đạo của má!

Má đã ủng hộ Nô khi tự mình bươn chải trong cuộc mưu sinh, lập cơ nghiệp của riêng mình, chấp nhận thuở ban đầu khó khăn, thiếu thốn, sẵn sàng ăn cơm chỉ với chén xì dầu dằm ớt!

Má đã cho Nô những đứa con xinh đẹp, hiền ngoan, biết sống và cư xử tốt với mọi người!

Má đã sắp đặt giúp Nô trong cuộc sống gia đình, xử sự đúng đắn với tiền bạc, để mọi sự đều yên ổn. Má đặt ra phương châm và thực hiện: làm gì thì làm, không để con bị thiếu thốn!

Má trở thành người-lớn của hai bên nội ngoại, anh chị em họ hàng cần gì đều tới má, (hic, Nô bị cho ra rìa!!!).

Má chỉ có ước ao có được nhiều tiền, để giúp đỡ những người thân còn nghèo khó, trong khi không bao giờ nghĩ sắm sửa vòng vàng nhẫn bạc, điện thoại xịn, quần hàng áo hiệu cho mình.

Má đã “săm soi” Nô kỹ lưỡng, quần áo giày vớ lịch lãm khi ra đường, chăm tắm gội, thay đồ sạch ở nhà. Hic, không có má, đố Nô biết chai nào là thuốc gội đầu, chai nào là sữa tắm…

Má cũng tự “săm soi” mình, để giờ này, quá tuổi năm mươi, nhưng má còn xinh lắm! Đi đâu có mặt cả nhà, người ta gọi con gái con trai bằng em, gọi má bằng chị, gọi Nô bằng… chú! (Ôi trời!)

Má dù không ưa Nô viết blốc bleo, hễ rảnh ra là chúi đầu trên mạng, và ghét nhất mấy vụ offline, nhưng má vẫn tôn trọng sở thích của Nô, và cho Nô tự do tung hoành trên không gian ảo. (Thế nên, nếu có anh chị em blogger nào muốn offline tại Nha Trang, mà thiếu mặt Nô, xin thông cảm một triệu lần!)

Má luôn giữ Nô khỏi những sa đà nhậu nhẹt chốn giang hồ, hễ đến giờ là má không bao giờ quên nhắn tin, nhá điện thoại, để Nô còn biết đường về. Đến nỗi, anh em phong Nô tước Lục Tiên Diệu Cơ, diễn nôm là “zợ kêu liên tục”! Chỗ này trần tình một chút, ăn nhậu buổi tối, bắt đầu từ 6h chẳng hạn, loay hoay đủ mặt, khởi động một giờ, rođa một giờ, đến cỡ 9h, mới tới đỉnh điểm của cao trào (bia vừa đủ ngấm, lời vừa đủ hay), thì reng reng reng, về đi về đi! Quả là mất hứng, má ơi!

Ôi, viết sao cho được hết về má đây!



Má của Nô!
»»  read more

23.2.12

chàng lãng tử

Đầu năm ni, có chàng lãng tử làm một chuyến hành trình từ nam ra bắc


Đêm Hội An


Ngày Hà Nội


Sáng Cốc Lếu


Trưa Bản Dao


Vượt Hoàng Liên Sơn


Chàng ngạo nghễ dừng chân trên đỉnh Phan Xi Phan

Và những bóng hồng trên đường lữ thứ của chàng

»»  read more

14.2.12

ngày của tình

1.
Hắn vui khi làm được những điều bạn bè nhờ cậy. Nhiều khi người bạn đó có những người bạn thân hơn hắn, quyền hạn hơn hắn, địa vị hơn hắn, tiền bạc hơn hắn… Nhưng người ta không nhờ những người đó!

Mà gọi cho hắn!

Chắc vì hắn tận tâm, trân trọng và chu đáo thực hiện trọn vẹn những nhờ cậy của bạn bè! Chắc chắn nhất là vì bạn bè còn tin hắn! Thật khó khi người ta phải cậy nhờ kẻ mình không tin!

Trong thâm tâm, hắn cũng biết ơn bạn bè đã nhờ cậy, và hay nói: chúng ta hàm ân lẫn nhau!

Vì hắn biết, rồi đến lúc hắn phải nhờ cậy tới bạn bè! Vì hắn cũng biết cho là nhận, đôi khi cho ít mà nhận được thật nhiều!

2.
Hắn có những người bạn gái, thân thiết, tin tưởng. Họ có thể thổ lộ với hắn mọi chuyện, từ những chuyện vặt vãnh của đời sống đến những chuyện sâu kín khó nói (ngay cả người yêu, người chồng của họ cũng chưa chắc đã được giải bày). Họ gọi hắn lúc đã khuya, bất chấp bà xã hắn, để trút khỏi lòng những ẩn ức. Có khi ơn trời, khi nghe nó đáp: A lô!, Người đối thoại đã: Nghe được tiếng ông là tui nhẹ lòng rồi. Không có gì đâu, có gì bữa khác tui nói! Cúp máy. (Chơi vậy đó!).

Nhưng xã hội không tin có tình bạn thâm giao giữa hai người khác phái. Thấy hắn ngồi quán bia, quán cà phê riêng với một cô nào, rủ rỉ tâm tình thân mật, là khẳng định như đinh đóng cột: Ê, tao thấy hai đứa đó bồ nhau đó nha!

Thậm chí giữa những người đàn bà bạn hắn, cũng: Nè ông, tui thấy bà kia nhìn ông say đắm lắm. Hai người rù rì với nhau cả buổi là sao, có gì với nhau hở!

Huống hồ chi, khi phu nhân hắn trông thấy! Khi đó chắc quá khổ cho cuộc đời! Nhưng hắn cũng tin, phu nhân là Lão Phật Gia, lòng từ bi rộng vô biên, (câu này thay quà Valentine được hông hè?)

3.
Valentine từ Ngày Tình Nhân trở nên là Ngày Tình Yêu. Hắn muốn nghĩ là Ngày Của Tình. Mọi thứ trên đời này không có cái tình đều trở nên thô thiển, nhạt nhẽo, vô nghĩa… và làm tổn thương cả hai phía.

Không có cái tình, ngay sự quan tâm cũng trở thành điều ác!

4.
Có khi nào hắn mệt mỏi vì chính nụ cười của mình không ta?
»»  read more

21.1.12

năm cánh thủy triều


Tết đến, người Bắc luôn có một cành đào, người Nam mong có một cành mai. Những bông hoa hồng thắm vàng tươi đó, báo mùa Xuân đến từ Bắc chí Nam, thiếu chúng, chừng như mùa Xuân bớt đi nhiều thi vị!

Công nghệ trồng trọt ngày càng phát triển, lại càng có nhiều sắc hoa mới, được lai tạo, được phối giống muôn hình muôn vẻ. Riêng hoa mai, người ta đã làm được những đóa mai nhiều cánh, chục cánh, trăm cánh…

Nhìn đóa hoa mai mà ngỡ nhìn nhầm hoa cúc…

Ở Nha Trang, người chơi thuần mai Tết, chuộng mai Diên Khánh, trồng trong vườn. Ngày Tết, người ta chặt từng gốc mai lớn, cao vài ba thước, chưng rợp cả phòng khách, tiền sảnh…

Người chơi lãng mạn hơn, về Cam Ranh, những ngày cận Tết tìm mua những cành mai Thủy Triều.

Thủy Triều là vùng ven đầm nước lớn cùng tên, phía biển chập chùng dãy núi Cù Hin, trên đó, những rừng mai, có tự ngàn năm nay, vẫn khoe sắc thắm mỗi khi xuân về! Người dân quanh đó, suốt năm làm rẫy nương, đánh bắt tôm cá trong đầm, đến Tết lặn lội lên rừng, chặt những nhành mai núi về cho thiên hạ đón Tết!

Mấy năm nay, hăm bảy hăm tám Chạp, chạy vào Cam Ranh, tìm cho mình một cành mai núi!

Chơi mai núi chuộng cái hình thái cây cành, không chuộng hoa. Hoa nở đẹp, mừng. Hoa không đẹp, không lấy làm buồn! Có một thân cây mọc lên từ đất núi khô cằn, từ gió lồng lộng biển, cành vươn theo nắng, cành uốn theo gió, chịu phong ba bão táp, lao lực cả năm dài, để cuối năm nở cho đời những bông hoa vàng thắm, cũng chẳng quý sao!

Hoa mai Thủy Triều, nhỏ nhắn, năm cánh tròn đều, đơn sơ, mộc mạc chưa có can thiệp của con người!

Một thứ bonsai từ bàn tay chăm sóc của thiên nhiên!

Thành nếp, năm nào cũng mái hiên đó, chiếc bình gốm nâu đó, nhưng cành mai mỗi năm mỗi khác, đầy sắc hoa vàng, như mang được màu nắng rực, gió biển rộng, sóng đầm khơi về đến tận nhà!

Mỗi lần sắm được một cành mai ưng ý, dẫu có trả giá lên xuống chút đỉnh theo thói quen thường tình, vẫn thấy trong ánh mắt những người bán mai một niềm hy vọng u uẩn.

Niềm hy vọng u uẩn của những người nghèo, từ nương rẫy, từ ruộng đồng, da đen nhẻm nắng, dáng lam lũ sương, chờ mong những ngày cuối năm, tận đến những giây phút cận giao thừa, tìm kiếm những đồng tiền gian khó!

Năm trâu

Năm cọp

Năm rồng
»»  read more

đón tết

Tết
vui nhất những ngày trước Tết
loay hoay dọn nhà, dọn mình
sắm sanh hoa cỏ


Những bông sống đời, từ vườn sẽ lên đến bàn thờ, xen kẽ đĩa quả
Những bông hồng Đà Lạt nở trước khá lâu
Những bông sim úc tím thẫm mỏng mảnh mong manh
Những bông hoa gừng đỏ tươi ở vườn sau
Những đóa bạch môn nở suốt năm 
Những bông hoa đỏ lấy từ nhà Phù Vân, hôm nay được 3 nhánh nở rộ
(loài hoa chưa biết tên)
Và một dãy pensée cúc vạn thọ chen chúc bên hiên nhà

Bàn thờ gia tiên đã tinh tươm
Nến đã sáng ấm
Trầm đã ngát thơm

Thế là
một cái tết sắp đến
một năm sắp qua

*
»»  read more

8.1.12

lam


 
Có một bữa, đi lạc vào một chỗ cà phê.

Mái lợp lá dừa nước dày dặn, lại phủ lên tôn trắng, lại bọc thêm một lớp lưới, cái xiên xiên, cái vát vát, sấp ngửa, lô xô!

Nhìn thì hay, nhưng chụp hình bằng cái mobile thì mất hết những nét lạ lùng, chỉ còn thấy như cái mái tôn của một nhà kho tạm...

Quán mang cái tên dễ thương mà mình thích từ hồi còn nhỏ: Lam

Tên quán không nằm trên bảng hiệu ầm ĩ, chỉ thoáng trên lá cờ vải phơ phất bay, chỉ nhẹ nhàng trong nét khắc trên tấm gỗ lót ly! Từ đường chính, khách không để tâm, dễ bỏ qua mà đi thẳng!

Ai bày cái lối quảng bá kỳ dị giữa nền kinh tế chụp giật ra rả quảng cáo chớp xanh chớp đỏ thế này hở trời!



Tường bao và cả tường ngăn làm bằng những thanh gỗ mảnh sổ dọc, liên kết với nhau bằng những thanh sắt rằn phi 10 12 chi đó, xỏ ngang như một hững hờ. Không bào chuốt, không sơn phết. Phảng phất cái đơn sơ của thiền, không có mùi Nhật, không tạp mùi Tàu, có thể cho là của Việt đi!



Nền nhà trong đá mài vàng đất nhạt, sân ngoài lát đan xi măng pha cỏ xanh viền. Nắng sớm nhảy múa trên cành lá xanh, bóng dù xanh.

Thầm hỏi: Tay kiến trúc sư nào đây ta! Giữa những kiến trúc mang xu hướng màu mè, giả cổ, giả thiền đầy những đá ốp, đá lát, gỗ ốp gỗ lát, kính ốp kính lát, thậm chí nước cũng được ốp chảy dọc tường... làm rối tâm ta, thì một kiến trúc đơn sơ như vầy lại làm tâm ta lặng xuống, bình an!


Lâu nay vẫn tin: Cái đẹp là đơn giản.

Và cũng biết: Cái đẹp đơn giản không phải dễ có, và cũng không dễ tạo ra!

P/S: Bài này có tính chất quảng cáo, nhưng là quảng cáo cho cái điện thoại cùi bắp của miềng, chụp hình coi cũng đặng, chớ hổng phải quảng cáo cho quán cà phê!
»»  read more