28.8.18

ẩm giả lưu kỳ danh



Hắn vô bàn là kệ mẹ nó, không cần biết chủ xị là ai, có mời là tao uống, uống rất chăm chỉ, hễ sót tua nào là "kiện tụng" ngay.

Hắn chẳng màng chi tới chiện tính tiền, đóng góp cho bàn nhậu. Đã mời tao thì đương nhiên tao là khách VIP, ai trả cứ trả, ai góp cứ góp, tao khỏi móc bóp. (Hihi, mà nói thiệt, hắn có bóp đâu mà móc.)

Hắn chẳng cần góp chuyện chi với ai, cứ tì tì uống, tì tì nghe, tì tì lấp lánh đôi mắt khôn không chịu được dấu sau đôi mục kỉnh dày cui.

Lúc nào ngứa ngáy tột đỉnh chịu không nổi, hắn mới nhẹ hều buông ra một câu, sắc ngọt như dao lá lúa đâm vô mạng mỡ bạn bè.

Cỡ đó, rứa mà ai cũng thích cũng thương, hễ có độ nhậu là phải thỉnh hắn tới. Mà thỉnh hắn cũng đâu có dễ, phải lo chở hắn đi chở hắn về, hoặc phải lo xe ôm taxi, đưa đón cẩn thận.

*

Giờ hắn giũ bụi trần gian rồi.

Hắn đi, dường như lại mang đi luôn cái phong vị nhậu nhẹt bạt mạng, hồn nhiên như nhiên, không cần đối đãi, không lo dè chừng... ra khỏi những cuộc nhậu của bạn bè.

Để những "ẩm giả" còn lại, có đôi khi, đang rót bia mà lòng sao cứ ngơ ngác ngác ngơ.

28-8-2015
Để tưởng nhớ Phù Du Vĩnh Hiền
»»  read more

giấc mơ hải đăng

Tôi thích ngọn hải đăng, từ bé.

Đứng trên mỏm một mũi gành đá, dưới chân sóng biển tung trắng, đêm đêm phóng những luồng ánh sáng đi thật xa, trong mịt mùng, để giúp những con tàu vượt phong ba, hải đăng là hình ảnh người dẫn đường, lẫm liệt, kiên cường trước mọi thử thách.

Những tấm ảnh hải đăng, với chiếc tháp đèn sơn màu trắng, với dãy nhà trạm xinh xắn như những căn nhà điền dã, với hàng rào gỗ sơn trắng, với thảm cỏ xanh biếc vậy quanh, lại gây một cảm giác ấm áp và thanh bình.



Khi bé, tôi được kể hay đọc đâu đó câu chuyện về ngọn hải đăng, là đích đến không thành cho một chuyến thám du, của một nhóm người nhiều thế hệ. Trải qua mười năm, đi qua cuộc chiến tranh thế giới, những người bạn năm xưa lại tề tựu cùng nhau, kẻ mất người còn, quyết định làm lại ước mơ thăm ngọn hải đăng cũ. Trong truyện, ngọn hải đăng như một chứng nhân vượt thời gian cho niềm hi vọng không tắt của những nhân vật với nhiều mối quan hệ, cha con - bạn bè - anh em, với tình cảm sắt son không phai mờ giữa họ!

Thành ra, mong muốn đến với ngọn hải đăng, leo lên đỉnh đứng bên bao lơn thả tầm mắt ra thật xa ngoài đại dương, được ngủ một đêm cùng với những người giữ trạm, ngắm luồng ánh sáng mạnh mẽ vừa xoay tròn vừa phóng hai hình chữ V rực rỡ vào đêm tối; lang thang quanh trên gành đá với những bụi cỏ dài, với những thân cây như mang gió trong dáng hình cằn cỗi luôn là một ám ảnh thường trực, dài lâu mấy mươi năm.

Mỗi lần có dịp đi qua những con đường ven biển, biết hoặc thấy ở nơi kia, có một ngọn hải đăng rất gần, lòng vẫn xao động bồi hồi và niềm ước ao cũ lại dấy lên, như chiếc dằm trong da thịt.

Hôm kia, cùng vài người bạn, chúng tôi mò mẫm leo lên ngọn Mũi Điện, đoạn đường dốc hơn 1km, lên độ cao 100m, trong lúc sụp tối; ngắm vầng trăng rằm mờ mịt trong mây trước khoảng sân nhà trạm; ngủ một đêm trong không khí lặng phắc không một ngọn gió, nóng đến mức trằn trọc; thức dậy sớm lang thang trên gành đá lô xô đẹp tuyệt vời rồi leo lên đỉnh hải đăng nhìn mặt trời mọc lên từ biển, tỏa tia nắng đầu ngày ở điểm cực Đông trên đất liền.

Những giây phút sẽ chẳng bao giờ quên!
_________
Ảnh: từ internet và của anh Võ Thành Lân, bạn đồng hành chuyên đi Mũi Điện.















»»  read more

22.8.18

sách giáo khoa


Nhớ lại vài cuốn sách giáo khoa (SGK) thời đi học của tôi ở miền Nam (VNCH).
1. Thời trường xóm, trước khi vào Tiểu học. Quanh khu Chính Trạch (Đà Nẵng) con nít đều học vỡ lòng trường Thầy Nhuận.

SGK từ thời... Đông Pháp, với những câu dễ nhớ và nhớ mãi đến bây giờ: "Ngày nghỉ hè/ Ta về quê/ Nhà ta ở/ Mé bờ đê...", "Thằng Tô nghịch láo/Buộc pháo đuôi dê/ Dê nhảy tứ bề...", "Anh là Đào/ Tóc húi cao/ Da hồng hào/ Dáng khỏe mạnh..."

Ngôn ngữ theo giọng Bắc, hình minh họa cũng cảnh vật ngoài Bắc, tôi được làm quen với cái váy sồi, khăn mỏ quạ, gió bấc, mưa phùn, đường đê, nhà mái rạ, quả na, cá quả, bắp ngô v.v... từ cuốn SGK này.

2. Năm năm Tiểu học nằm trong diện cưỡng-bách của nhà nước, nên SGK đương nhiên cũng bị cưỡng-bách bỏ vào cặp sách của học trò. Tôi không nhớ hàng năm, mọi học sinh có được phát SGK mới hay không, nhưng cũng có khá nhiều cuốn SGK anh truyền em nối trong nhà tôi. Có thể là do sự tự giác (nhà mình có, thì không đòi hỏi trường phải phát thêm).

Một số cuốn Việt-Văn, Toán do tư nhân biên soạn cũng bổ sung vào cặp sách chúng tôi.

Tôi thích cuốn Thủ-Công, dạy gấp giấy đầu lân, làm lồng đèn, khâu giấy làm số tay... Những năm cuối Tiểu Học, xuất hiện những cuốn SGK do Trung tâm Học liệu (nhà nước) phát hành nhờ có viện trợ của nước ngoài, sách in đẹp, bìa cứng giấy trắng, hình minh họa nhiều màu. Qua cuốn Địa Lý, tôi lại được tiếp xúc với những từ-ngữ của miền Nam Bộ sông nước: bưng biền, kinh xáng, gành xẻo, nước rặc nước lừng, bần đước, cóc-kèn ô-rô...

3. Lên Trung học, hết "bao cấp", SGK phải mua. Bộ GD VNCH phải tập trung thực hiện chính sách cưỡng bách giáo dục cho bậc Tiểu học, nên "giao cho" tư nhân đảm trách SGK cho bậc Trung học. Thôi thì trăm hoa đua nở.

Đáng nhớ là 2 bộ SGK về sinh ngữ "độc quyền" và đeo đẳng đám học trò suốt những năm Trung học:

a/ Sáu cuốn English For Today dùng kèm Anh Ngữ Thực Dụng (do Lê Bá Kông biên dịch).

b/ Ngoài cuốn Le Français Élémentaire cho lớp 6, là bốn cuốn Cour de Langue et de Civilisation Française dùng kèm Ngôn Ngữ và Văn Minh Pháp (do Ban tu thư Tuấn Tú biên dịch).



4. Tuổi này, đôi khi nằm mơ, thấy mình còn lọ mọ đi học. Quái ác thay, những giấc mơ đi học luôn là những cơn ác mộng hãi hùng, nào là học dốt, thi rớt... Mà khi đó, trong tay chỉ là cuốn tập vở ghi chép sơ sài, bài có bài không, tiệt nhiên, không thấy cuốn sách giáo khoa nào hết!

Giật mình thức dậy, mới thở phào nhẹ nhõm, khi biết thời đó qua rồi!
»»  read more

6.8.18

ngày ấy


1. ĐỐI DIỆN

Nhớ hồi trung học, trong lớp, có thằng bạn bị anh em xầm xì sau lưng: "hắn là việt cộng đó mi!".

Hắn thường chuyển cho tôi đọc tạp chí Đối Diện, có khi nguyên cuốn, có khi chỉ vài tờ của một bài báo. Những dòng chữ, trong suy nghĩ của tôi, "sặc mùi cộng sản", rất đáng sợ. Sau này, biết thêm, tờ tạp chí có số phận truân chuyên lên bờ xuống ruộng qua cả 2 chế độ suốt mười năm (1969-1978)

Tạp chí Đối Diện (ở miền Nam Việt Nam) do linh mục Chân Tín làm chủ nhiệm, chủ trương lên án những bất công của xã hội, đòi cải thiện chế độ lao tù, chống sự hiện diện của người Mỹ, đòi hòa bình. Chỉ một năm sau, từ số báo 11 (1970) Đối Diện đã trở thành tờ báo bị chính quyền "khủng bố trắng": tịch thu báo, đưa chủ nhiệm ra tòa tuyên phạt tù 5 năm, đe dọa người đọc, gây khó dễ chuyện in ấn... Nó trở thành món hàng quốc cấm được lén lút chuyền tay nhau để đọc, người tàng trữ có thể bị rắc rối với chính quyền.

Ai dính dáng tới Đối Diện, có thể ngầm hiểu, người đó dính dáng tới Việt Cộng.

Để duy trì tờ báo, những người chủ trương chơi trò cút bắt với chính quyền. Đối Diện bị cấm; họ ra tờ báo mới mang tên ĐD; ĐD lại bị cấm, họ lại ra tiếp tờ Đồng Dao; Đồng Dao bị cấm, lại có tờ Đứng Dậy. Cứ 2 chữ Đ và D quần thảo nhau miết tới tháng 4/1975.

Sau 3 tháng chộn rộn, Đứng Dậy được tục bản số 70 ngày 04/7/1975, chủ nhiệm Chân Tín, tổng biên tập Nguyễn Ngọc Lan. Cùng với Tin Sáng, đây là 2 tờ báo miền Nam được tiếp tục xuất bản.

Và từ đó, vở bi hài kịch mở màn. Đứng Dậy lại tiếp tục sứ mệnh "chống bất công xã hội" nhưng lần này, trong chế độ cộng sản. Ngày trước, dù có bị "khủng bố", nhưng với chế độ dân chủ VNCH, các ông vẫn có thế lách luật để ra báo, chống Mỹ và chính quyền đến cùng. Còn bây giờ, với 44 số báo từ 1975-1978, nhà cầm quyền mới không chịu nổi những bài báo nói lên sự thật, tờ Đứng Dậy bị đình bản [vĩnh viễn] ở số 114 (12/1978).




Hai vị chủ sự là Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, dù không đi tù, nhưng bị giam lỏng, người đi đày ở tuốt Cần Giờ, kẻ quản thúc tại gia.

2. NGỌC THỨ LANG

Thế hệ tôi và trên tôi, ở miền Nam, có đọc sách, ai cũng đã từng nghiền ngẫm cuốn Bố Già (The Godfather của Mario Puzo) được dịch bởi Ngọc Thứ Lang.

Hai chữ "Bố Già", tất nhiên, không phải do Ngọc Thứ Lang sáng tạo ra; nó là từ khá thông dụng để chỉ một ông già chịu chơi, có uy tín hoặc quyền lực. Thời đó ở Saigon, giới văn nghệ sĩ đã gọi ông Nguyễn Đình Vượng, chủ nhiệm tạp chí Văn là "Bố Già Vượng". Cái độc đáo của Ngọc Thứ Lang là đã dùng hai chữ này để đối dịch The Godfather (cùng những từ ngữ giang hồ, bặm trợn, có phần dung tục trong suốt bản dịch) đã lột tả thật trọn vẹn nguyên tác.

Về sau này, có hai bản dịch The Godfather, một của Đặng Phi Bằng, một của Trịnh Huy Ninh- Đoàn Tử Huyến. Cả hai đều lấy tên sách là Bố Già, như một tuyệt-ngữ, không-ai-thay-đổi-được. Chợt nghĩ, nếu Ngọc Thứ Lang đăng ký độc quyền cái nhan đề này, thì chắc chắn các vị đi sau cũng đành buông bút!

Ngọc Thứ Lang, lúc lên voi "ăn diện như một tay chơi thứ thiệt: áo sơ mi hàng nhập từ Paris sang chỉ có trong một cửa tiệm trên đường Tự Do, đồng hồ vuông mặt đen, mũ mossant, cặp da, hút thuốc lá Phillip Morris vàng loại King size, bật lửa Dupont, cơm Tây, rượu chát..." lúc xuống chó thì thành một "người đàn ông gầy ốm, mặt nhỏ choắt, mặc chiếc sơ mi màu cháo lòng, tay áo thả dài xuống lấp cả hai bàn tay..." (*) Năm 1976, do ghiền ma túy, ông bị đưa vào trại cải tạo và mất ở đó năm 1979, chưa đầy 50 tuổi, không vợ không con.

  

______
Thử tra tìm chân dung của ông, nhưng buồn thay, chỉ thấy ảnh Bố Già do Marlon Brando thủ vai trong bộ phim cùng tên. Bộ phim này nhập cảng vào Saigon đầu năm 1975, nhưng đã không kịp chiếu!
(*) Hai hình ảnh về Ngọc Thứ Lang từ hồi ức của Hoàng Hải Thủy (lúc lên voi) và Nguyễn Xuân Hoàng (khi xuống chó).

3. ÔNG GIÁN ĐIỆP 
Hơn chục năm viết lách, ông có hơn 30 đầu sách rất ăn khách ở miền Nam VN.

Là truyện phản gián, nhưng trong đó đầy ắp kiến thức về những vùng đất, quốc gia trên thế giới; về văn hóa, văn chương, khoa học; về các loại vũ khí và võ thuật; về rượu và cả đàn bà :p v.v...

Ở cái thời mà chỉ có một đường tra cứu qua sách vở nước ngoài (Pháp-Anh), đáng bái phục khi tác giả có những kiến thức rộng khắp như vậy.

Người đọc được ông đưa đi khắp thế giới, từ Châu Âu (Bóng ma trên Công Trường Đỏ, Mây mưa Thụy-Sĩ, Ba-lê mắt biếc môi hồng, Đêm loạn Hamburg, Tây Ban Nha 200 tấn vàng đẫm máu...) đến Châu Á (Bhutan sấm sét rừng khuya, Cát-sơ-mia sông máu thuyền hoa, Hận vàng Ấn Độ, Bắc Kinh 72 giờ nghẹt thở ...) và vùng Đông Á (Máu loang Chùa Tháp, Macao trinh nữ giang hồ, Bí mật Hồng Công, Mèo Xiêm Cọp Thái, Hồn ma Diến Điện, Vạn Tượng khói lửa, Cạm bẫy trên giòng Chao Phya...), tới châu Mỹ (Cuba đêm dài không sáng, Hạ Uy Di đáy biển mò kim, Rio đảo tình bốc cháy, Người đẹp Qui-tô...) Đặc biệt là đến miền Bắc Việt Nam (Vượt tuyến - điệp vụ bên kia vĩ tuyến 17).



Ông là Người Thứ Tám, tác giả serie tiểu thuyết gián điệp Z.28 (nhân vật chính đại tá tình báo Tống Văn Bình). Tiểu sử và hành trạng của ông cũng khá bí hiểm, như thể loại văn chương của ông.

Lượm lặt vài thông tin ít ỏi: Ông tên thật là Bùi Anh Tuấn, sinh năm 1925, quê Thanh Hóa, 1954 di cư vào Nam. Một con người "điềm đạm, nhã nhặn, nghiêm túc trong tiếp xúc với bạn bè, trong công việc; ... không bao giờ la cà trong các chốn trà đình tửu quán. Nếp sống của anh dành hoàn toàn cho mái ấm gia đình, cho sự chăm sóc bà vợ vốn tình trạng sức khoẻ không được tốt lắm; sau các việc hàng ngày. Anh phục sức, mang dáng dấp của một thông tín viên Âu Mỹ thời đó đến Saigon."

Thời trẻ, ông là đảng viên Quốc Dân Đảng, bị Việt Minh bắt giam ở trại Đầm Đùn khét tiếng và học tiếng Anh từ một người bạn tù. Chắc chắn, vốn liếng 'ngoại ngữ mới' này giúp ông rất nhiều trong cuộc sống một người di cư ở miền Nam VN thời Mỹ. Sau 1975, ông di tản ra nước ngoài và gần như bặt tiếng giang hồ.

May mắn là có nhiều tiểu thuyết của ông được tải trên internet, những độc giả yêu quí Z.28 có thể đọc lại những áng văn từng làm mê mải mình thời tuổi trẻ!
______
Ảnh: Hình bìa sách đặc trưng của serie Z.28; đơn giản, nhất quán, không màu mè.
»»  read more