25.9.13

chuyện trên tàu

Lên tàu về quê. Mới vào sân ga đã thấy quanh mình "ngân vang" lên những âm thanh đất Quảng. Người Quảng, tất nhiên phải nói giọng Quảng, cái chất giọng nghe đầy vị khoai sắn, chơn chất, mộc mạc đến tận cùng, cái chất giọng trầm và nặng ngay cả khi phát ra từ đôi môi hồng gợi cảm. Chuyến tàu này từ Sài Gòn ra và điểm cuối cùng là Huế, khách đi tàu người Quảng khá đông. Toa tôi nằm, chỉ có một chị không phải là người Quảng Nam, chị ấy là người... Quảng Ngãi (!!!). Nghĩa là chạy trời cũng không khỏi người... Quảng, hehe!

1.
Đầu tiên là cặp trai gái trẻ nằm ở tầng 3, chắc là một đôi tình nhân đang du lịch đất Nha Trang trở về. Lên tàu xong, hai cô cậu mang hết ba lô túi xách va li tuốt lên... tầng 3 luôn, kể cả đôi giày cao gót của cô gái và đôi giày trắng sành điệu của cậu trai. Hehe, cho nó "chéc eng", vật bất ly thân, kỹ càng đúng kiểu xứ Quảng. Chàng còn dặn dò nàng phải nằm quay đầu ra hành lang, đỡ xóc hơn, gối phải lật trái lại để nằm cho sạch, vv và vv... Kỹ sư như tôi cũng thầm bái phục chàng "sư kỹ"!!! May mà cô gái (cũng là dân Quảng) ngoan ngoãn nghe lời, không.... cãi tí nào!

Anh chàng tầng 2 mang theo cháu bé khoảng 2-3 tuổi gì đó, cháu đang nhớ mẹ, thỉnh thoảng lại nhè ra khóc. Lát sau, thấy anh chàng gọi điện về cho vợ, bắt đầu chuyện dặn dò. Ngoài những chuyện báo giờ về tới nhà, chàng dặn chuyện đóng cửa nhà, cửa trước gài ra sao, cửa sau khóa ra sao... và 3-4 lần xen giữa câu chuyện luôn nhắc đi nhắc lại: Em nhớ dắt chiếc honda 67 vô nhà, khóa cổ cẩn thận không thì "thèng mô nó vô nó dét mất"! Chắc chàng ta là dân "chơi xe cổ", chiếc honda này là của hiếm thời nay mà!

Đến bà chị Quảng Ngãi, tới tầm 3 giờ sáng, chỉ hốt hoảng tung mền ngồi dậy, la hỏi tới ga Đức Phổ chưa? Trong khi cả toa còn ngái ngủ, chị bước ra hành lang kêu ông trực tàu inh ỏi. Giọng Quảng giữa đêm vắng vẻ, vang lên như kẻng báo động, át cả tiếng máy tàu xình xịch, làm tôi giật cả mình tưởng như đang ở thời chiến tranh, pháo kích vô thành phố, hốt hoảng chực chạy xuống hầm trú ẩn! Hú hồn là chưa tới ga Đức Phổ, rứa mà ông trực tàu cũng bị chị lên lớp, mắng mỏ một cấp! Hehe, ông trực tàu này cũng dân Quảng, chắc muốn cãi cọ ghê lắm, nhưng vóc dáng nhỏ thó bên bà chị đang nổi đóa to như gấu mẹ, đành... nhịn cho lành!

2.
Chợt nhớ những chuyện về người xứ Quảng.

Ông anh vào Sài Gòn, mở xưởng làm cửa nhôm, sau mấy năm đưa người ở quê vào làm thợ, chịu không thấu vì chủ nói đâu thợ cãi đó, đến lắp ráp cửa cho chủ nhà, cũng cự cãi chủ nhà luôn, báo hại ổng phải đi năn nỉ. Giờ đến chơi thấy ổng trương cái bảng tuyển thợ có hàng ghi chú: không tuyển người Quảng Nam!

Rứa nhưng một ông anh khác, mần nghề luật sư, lại trương cái bảng hiệu rất oách: Luật sư Phạm Văn G. (chính gốc Quảng Nam). Hahaha, dân Quảng Nam mà làm thầy cãi thì số dách rồi!

Còn thằng cháu, vô Sài Gòn làm nghề xe ôm, một bữa về nhà nhăn nhó với mẹ: lần sau tui thề không chở mấy cha người Quảng nữa! Mẹ nó mới la: Cha mày, chớ mày là dân gì? Mà sao? Thằng cháu cáu kỉnh: Mình đã biết đồng hương rồi. Nói bằng già nửa giá chở người ta, rứa mà chả còn kỳ kèo trả tới trả lui, hổng chịu đi nữa. Nghĩ tình, con cũng chở, mà ghét quá đi!

Hổng biết khi kể những chuyện này có mang lỗi nói xấu quê mình hông ta!

3.
Nhưng rồi một ý nghĩ lóe lên, lẩm nhẩm nghĩ và cười thầm trong bụng: Lấy thằng người Quảng làm chồng thì tạm OK, nhưng chọn làm bồ... thì nhiều lúc cũng điên cái đầu lắm hỉ??
»»  read more

18.9.13

khói tím

Cuối đường băng của sân bay, bên kia tường rào chắn là con đường dọc vịnh, chạy theo hình cánh cung, ôm lấy rừng dương xanh thẫm và bãi cát vàng xoải mình xuống mép sóng. Dãy phố biển đầy những khách sạn bé tí mà cao tầng, đầy những du khách nhộn nhịp, dừng lại khi chạm khu tĩnh-không(*). Đoạn vỉa hè, bên tường rào sân bay lát đá chẻ mấp mô, ít vết chân người.

Cỏ dại được dịp, len lỏi qua kẽ đá, lớn lên. Hàng ngày, người đi qua đó, buổi sáng, khi tắm biển sớm.

Tháng mười ta, với những trận mưa cuối mùa, dọc vỉa hè mọc đầy một thứ cây bụi, thân mỏng mảnh như tăm um tùm đỏ tía, lá lăn tăn xanh xám và hoa li ti. Những chùm hoa màu tím xen trắng, nụ nhỏ như đầu kim, xòe hết ở đầu cành. Chúng san sát nhau, kéo dài cả chục thước, làm thành một đám sương khói tím mờ khi người ngắm nó từ biển đi lên.Không biết tên loài thân thảo này, người thầm gọi là tử yên thảo, cỏ khói tím.

Những năm gần đây, thành phố sửa sang lại vỉa hè, sân bay dời đi xa, tít phía nam. Những bồn hoa, giàn hoa mới thay thế đám cỏ dại ngày nào. Đá lát cũ được thay bằng gạch mới, có màu và vuông vắn. Những đôi uyên ương trẻ, chuẩn bị cho ngày cưới, áo váy xênh xang, đến đây chụp ảnh khi những tàng hoa giấy đủ màu trắng đỏ vàng cam nở rộ trên giàn.

Đám tử yên thảo lẩn khuất đâu đó trong cảnh bụi bờ, cô quạnh.

Người đi qua lối đó vào một buổi chiều, chợt thấy sau tường rào, nơi cho thuê đất để bán buôn cây cảnh, một dãy hoàng-hậu vươn cao sum suê san sát nhau, rực đầy hoa, làm thành một đám mây hồng tím.

Tưởng như đám tử yên thảo ngày nào lột xác, phục sinh, từ chốn là sà mặt đất bay lên cõi thinh không!

________
(*)Tĩnh không: khoảng không giới hạn của sân bay, không được phép xây dựng công trình.
»»  read more

17.9.13

nhớ quê

1.
Trời se lạnh trong mưa, dậy lên nỗi nhớ quê! Xứ Quảng được nói đến nhiều, rất nhiều, quá nhiều. Mà nhiều nhất có lẽ từ cái sự-tự-nói-về-mình của dân Quảng (cái xứ nhà báo cũng lắm, nhà văn cũng nhiều)! Thành ra, có viết thêm cái gì sau đây, cũng là muối bỏ biển thôi!

Nhớ lần tình cờ gặp anh bạn Quảng trên chuyến tàu. Nghe tôi đi viếng Thánh Địa La Vang, anh đã rất bất bình ca bài ca vỡ... xứ cho tôi nghe liền: "Ủa, dân Quảng Nam sao lại đi La Vang, mình phải đi Thánh Địa Trà Kiệu chớ! Quê miềng mà!" Nói tình yêu quê hương cuồng nhiệt cũng đúng mà nói cục bộ địa phương cũng chẳng sai! Đố ai thuyết phục được người Quảng, cái gì của xứ Quảng mà đứng... hạng nhì! Gân cổ lên cãi liền, hehe, dân hay cãi mà!

2.
Rồi hai ông tâm sự nhau về... xứ Quảng! Nói tới nói lui một hồi, thấy hai ông Quảng này (hay suy rộng ra mọi người dân xứ Quảng) có những "sở thú" ăn uống sao mà trùng nhau quá đỗi!!!

Kho cá phải có nước cá kho. Ôi, cái thứ nước màu nâu quánh của đường thắng, thơm phức mùi cá, nồng cay của vị ớt vị tiêu, mặn mặn ngọt ngọt, khi chấm rau lang, rau muống... luộc đã tê ngon đầu lưỡi, còn khi chan vào tô cơm nguội buổi xế chiều lúc bụng réo thì tuyệt vời không biết đến chừng nào mà kể!

Nước mắm phải là mắm nguyên chất dằm ớt! Mọi thứ nước mắm chua ngọt, thậm chí giã thêm tỏi, đều không phải là món gốc Quảng Nam!

Mắm cá xứ Quảng là mắm cái! Cá cơm còn nguyên con, đã ngấu chín đỏ trong màu mắm nâu nâu! Gắp một con mắm, kèm lát chuối chát, miếng khế xanh, ngắt thêm mấy ngọn rau thơm nhỏ rí, chừng đó là món nhắm đưa cay tuyệt cú mèo kèm thêm một ly rượu đế trong những buổi chiều đông! Khi người ta lọc nước từ mắm cái làm ra mắm nêm, thì đã mất đi phần dân giã, để dùng cho các món "cao cấp" hơn: bò tái (bê thui), thịt heo luộc cuốn bánh tráng!

Còn cá ngừ, để ăn với bún, thì nấu với nhiều nước hơn. Vùng miền trong cũng nấu như vậy, gọi là nấu mẳn! Nhưng trong này, sản vật phong phú giàu có, người ta ít ăn cá ngừ. Dân tôi vốn nghèo gắn bó với con cá ngừ nhiều hơn! Mãi khi vào Nha Trang, tôi mới biết nhiều đến cá thu, cá mú, cá ngân... chứ cả thời từ nhỏ lớn lên, cá biển lớn lớn chỉ biết con cá ngừ!

Bánh tráng thì vùng nào cũng có! Nhưng xứ Quảng người ta thích nướng bánh lên, rồi nhúng nước đi, để cuốn cá nục với rau muống chẻ. Mà không có gì, thì cuốn bánh tráng nướng nhúng nước chay, chấm nước mắm, nước cá kho hấp dẫn không kém!

... Vậy đó, ông này nói ra, ông kia vỗ đùi khoái trá hưởng ứng, y như đi guốc trong bụng nhau! Hai bà vợ xứ khác, ngồi nháy nhau cười lắc đầu, trong bụng chắc cũng vừa thích thú vừa chán chường, tưởng chỉ có thằng chồng mình ăn uống lạ lùng như vậy, ai dè có một bầy!!!

3.
Lỡ nói, đành nói luôn cho nó vuông! Bánh mì là món phổ biến khắp nơi. Nhưng bánh mì xứ Quảng có mấy thứ này, chưa thấy đâu có.

Bánh mì kẹp bánh bột lọc! Bánh bột lọc này đúng tên theo tự điển là bánh tai vạc, xòe ra như cái tai bằng bột lọc trong suốt nổi rõ nhân tôm thịt đỏ au! Nặn miếng bột hình tròn mỏng mỏng, đặt nhân vào, gấp lại làm đôi, hai ngón tay nhân quanh viền cái miếng bột đã là hình bán nguyệt, hấp đi, thành cái tai vạc! (Bánh bột lọc thì dài, cũng bột lọc nhân tôm thịt, nhưng gói trong lá chuối).

Bánh mì gà, giờ cũng thất truyền. Ổ bánh mì như cái nắm tay, tròn trùng trục, kẹp thịt gà xé sợi kiểu thịt chà bông, cộng đồ chua ngọt, tương ớt cay). Đây là món truyền thống thuở đi học trung học gặp ngày có 2 giờ học cuối (sáng) liền 2 giờ học đầu (chiều), xin mẹ ở lại trường buổi trưa, kèm theo ít tiền, ăn ổ mì gà và ly chanh muối!

Bánh mì que, to cỡ hai ngón tay, dài cỡ một gang, dòn rúm rùm rụm. Có gì mà không dòn, vì nhỏ quá, ổ bánh toàn là vỏ, đâu có ruột gì nữa! Phết patê và sốt masonaise rắc muối tiêu! Bánh mì này thấy có thấp thoáng gần đây ở Saigon!

4.
Trời lạnh, nhớ quê, mà nhớ toàn đồ ăn thức uống, chớ có nhớ cha mẹ gia đình gì đâu ta! Thật ra là có chứ! Nhớ các món ăn là nhớ mẹ lui cui trong cái bếp nấu củi mịt mù khói ngày xưa! Nhớ món cá ngừ là nhớ những lúc ba đi làm về tối muộn, tạt qua chợ Cồn xách con cá mới từ bến cảng chuyển lên! Nhớ bánh tráng nướng nhúng nước là nhớ bạn bè những buổi chiều gặp nhau đúng giờ bụng đói!

Nỗi nhớ cứ bảng lảng như mây mù, da diết như sương lạnh, thao thức như cơn gió đang vờn thả ngoài trời, ngay lúc đúng ngọ, mà tịnh không thấy một tia nắng nhỏ!
»»  read more

12.9.13

tưởng niệm 11/9


Ngay tại vị trí của hai tòa tháp đôi WTC ngày trước , bây giờ là hai hồ nước lớn hình vuông. Bờ hồ được làm bằng đồng, trên đó khắc tên những nạn nhân: 2.628 người, những cái tên được xếp thành nhóm cùng gia đình hay cùng làm việc trong một văn phòng. Tấm đồng hơi ngiêng về phía ngoài, những người đến thăm viếng có thể chạm được đến tất cả các dòng tên, để đặt lên đó một đóa hồng, một lá cờ nhỏ hoặc dùng chì miết lên giấy cái tên người thân đã khuất,

Phía trong những tấm đồng, bắt đầu một thác nước đổ xuống đáy hồ qua những rãnh li ti, làm thành những tia nước nhỏ như những linh hồn rơi xuống, tạo nên một âm thanh trầm như tiếng đại phong cầm. Từ đáy hồ, nước lại dồn đến một ô vuông sâu thẳm chính giữa, lại đổ xuống, như đổ xuống chốn không cùng!

Người ta đứng đó, lặng thinh, mà như xáo động trong lòng những tiếng gọi tha thiết, những tiếng thét bi thương, những tiếng cầu nguyện rì rầm của cả người chết lẫn người sống, vang lên, rồi tan loãng trong âm thanh dịu mát của nước, của thác, của suối, của mưa, của sóng…

Người ta chợt cảm thấy bình an, chợt hiểu những thống khổ sẽ được an ủi, những đổ nát sẽ được tái thiết, những tội ác sẽ có công lý, những cái chết sẽ được nhớ mãi như những tia nước nhỏ riêng lẻ đang rơi như mưa xuống lòng hồ, sẽ tụ lại thành một và cùng đến vùng ký ức vĩnh cửu.

Khu Số Không (Ground Zero) ngày nào đã thành một công viên rợp bóng xanh, bên hai Hồ Tưởng Niệm là ngôi Bảo Tàng sự kiện 11/9. Chếch một góc công viên, vươn thẳng lên bầu trời New York, ngôi tháp WTC mới, được đặt tên là Tháp Tự Do, với những góc cạnh mãnh liệt, sáng lấp lóa trong ánh nắng như một tinh thể thạch anh cứng cỏi khổng lồ.

Những tác giả của khu tưởng niệm không mang đến cho khách thăm những cảm giác căm hận, oán thù. Dường như họ muốn người ta cúi đầu trầm ngâm, ngẫm nghĩ về cái ác với tư cách của một con người tự do; tự do chọn lựa đứng về phía cái ác hay chống lại nó.

Vì cái ác, chẳng ở đâu xa, nó tiềm ẩn ngay trong sâu thẳm mỗi con người!


(Bài cũ post lại)





»»  read more

9.9.13

con đi trường học...

Đọc trên báo thấy GS Ngô Bảo Châu nói về những tố chất cần giáo dục cho lớp trẻ: trung thực, dũng cảm trái tim rộng mở! (nội dung này do nhà báo ghi lại trong buổi nói chuyện của GS tại Trường ĐH KHXH và NV TPHCM). Tự dưng bỗng nhớ đến 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi cũng đã có thật thàdũng cảm. Còn trái tim rộng mở có lẽ cũng đã được đề cập cụ thể (cho các cháu dễ hiểu) qua: Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào.

Nhưng... sao thấy những khái niệm trên nó cứ to to và mơ mơ thế nào ấy!

Đọc tiếp trên mạng thấy giáo dục cho trẻ ở Nhật Bản tập trung vào tự lập, biết mỉm cườicảm ơn.

Lại mò mò trên mạng thấy giáo dục cho trẻ của Mỹ lại tự lập biết nhận lỗi, biết kiềm chế, không kỳ thị, tôn trọng cá nhân.

Ông bạn A., một hôm, khoe một bức họa của con gái đang học trung học ở Singapore. Bức họa chân dung một người đàn ông đang biểu cảm một cơn giận dữ đầy thần sắc. Ổng nói, từ nhỏ đến giờ, ở VN con bé chưa học vẽ ngày nào, vậy mà mới sang học Singapore học mấy năm "mần" được một tác phẩm "tới" vậy đó. Tác phẩm này lại nằm trong một chuỗi nghiên cứu chân dung con người với nhiều trạng thái hỉ nộ ái ố, trong một dự án mang tên Thị Vệ của con bé. Kinh chưa? Môn hội họa, ở bên đó, chỉ là môn "ngoại khóa" không có điểm số gì cả, coi như học chơi cho biết, mà đạt kết quả như vậy! Đáng ngưỡng mộ!

Bữa gặp một cô bé Tây mới 5 tuổi , khi kết thúc buổi tiệc (ở nhà một người bạn), thấy cô bé ra cửa chọn giày của mình tự mang vào, một cách rất tự giác tự lập hoàn toàn không nhờ vả gì bố mẹ cả!

Nhà mềnh, tuổi đó, suốt ngày bám váy mẹ nhùng nhoằng nhủng nhoẳng và bà mẹ cũng xoắn xuýt lấy con, làm thay hết mọi việc.

Cô bé ấy đây!

Cho nên, để lớp trẻ Việt Nam "sánh vai" được với ai đó, phải chăng ta nên bớt những khái niệm "to to" và "mơ mơ"! Và khởi đầu, phải là chuyện rèn cho trẻ học được tính tự lập!

»»  read more

2.9.13

chênh vênh mi buồn


ANH CÒN YÊU EM  
Nhạc: Anh Bằng - Lời: thơ Phan Thành Tài

 Anh còn yêu em như rừng lửa cháy
Anh còn yêu em như ngày xưa ấy
Chiều xuống mờ sương
Cửa đóng rèm buông
Gối kề bên gối
Môi kề bên môi

Anh còn yêu em đường xanh ngực nở
Anh còn yêu em lòng tim rạn vỡ
Bạch đàn thâu đêm
Bạch đàn thâu đêm
Thầm thì tóc rũ
Anh còn yêu em

Anh còn yêu em chênh vênh mi buồn, chênh vênh mi buồn
Anh còn yêu em nụ hôn sim tím, áo nhàu qua đêm
Anh còn yêu em buồm trăng giương cánh khi biển chiều lên
Ôi biển chiều lên sóng xa êm đềm, sóng xa êm đềm

Anh còn yêu em ngời trong giọt máu
Anh còn yêu em bờ vai mười sáu
Cánh môi thơm mềm
Nồng nàn hương ấm
Anh còn yêu em... Anh còn yêu em... Anh còn yêu em... 



»»  read more

1.9.13

dòng chảy

- Ba, cuồng ngôn lộng ngữ là gì hở ba? Chàng trai thỉnh thoảng lại hỏi một từ lạ, đối với chàng, tất nhiên. Ừ, thế hệ của chàng, trong nhà trường người ta không dạy cho biết nhiều từ Hán Việt. Thậm chí, các nhà báo tốt nghiệp đại học báo chí ngữ văn gì gì đó dùng từ Hán Việt còn sai lè lè!

- Gặp mấy từ này ở đâu vậy con? - Dạ, con đang đọc mấy cuốn kiếm hiệp. Làm nhớ thời chui vào gầm giường, nhà cầu hay bất cứ xó xỉnh nào tối tăm để nghiền Kim Dung. Làm nhớ hơi giật mình khi thấy trong ba lô của chàng cả Binh Pháp Tôn Tử và Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót!

- Ừm, có thể hiểu là nói năng bạt mạng, dùng từ đao to búa lớn, chuyện bé xíu mà nói vống đến tận trời, khoác lác vv... - À, bọn con hay nói là chém gió! Ừ, hiểu vậy cũng được, chàng trai của thế hệ hai ngón cái với hàng loạt từ ngữ vui vẻ: iu, chít, rùi, thui... rất smart của thời smartphone!

- Chữ chém gió con thấy thường thường, còn cuồng ngôn lộng ngữ có một cái gì đó thật hay không diễn tả thành lời được, nói lên nghe rất phê! Một thoáng ánh sáng bừng lên trên khuôn mặt chàng. Cái ánh sáng đặc biệt của người đang gõ và được mở. Chữ nghĩa chẳng phải chỉ là những ký tự lằng ngoằng trên giấy, trên màn hình.

Chúng đang lấp lánh ánh vàng mười, theo một dòng chảy bất tận, trong mắt chàng tuổi trẻ của tôi!


»»  read more