30.6.13

phúc lạc





Gửi bạn hay có những cơn buồn ám ảnh, 
những suy nghĩ nhân đọc Osho


Khi bạn hạnh phúc, luôn luôn, đi theo sau đó là mối lo âu, chán chường. Đạt tới đỉnh điểm cao vót, chắc chắn, bạn sẽ thấy thung lũng sâu hút dưới chân.

Một hạnh phúc quá lớn, quá dài cũng là mối nguy hiểm cho cuộc sống. Khi đó bạn cần được ném lại trong nỗi buồn, để được cân bằng. Hãy xem buồn là đêm thảnh thơi, là giấc ngủ sau một ngày vui sướng. Cứ bình an rơi vào nỗi buồn, đừng mất công suy luận, đừng mất công đào bới nguyên do. Hãy đón nó như một người bạn: bonjour, tristesse!

Hết vui đến buồn là vòng sống tất nhiên của cuộc đời! Chúng không tách rời nhau, thế mà bạn lại e dè nỗi buồn, bạn chỉ mong niềm hạnh phúc!? Nhưng bạn ơi, hạnh phúc nỗi buồn đâu phải là chính bản thân bạn, nó chỉ là một tâm trạng, một không khí quanh bạn, như mưa như nắng mà thôi. Bạn hãy tách xa nó một chút, ngắm nhìn và tận hưởng hạnh phúc lẫn nỗi buồn, như ngắm nhìn một cơn mưa sáng, một ánh nắng chiều! Và bạn biết, cơn mưa ấy sẽ dừng, ánh nắng ấy sẽ tắt, và hạnh phúc nỗi buồn đang có sẽ vụt biến. Và bạn cũng biết, đến một lúc, hạt mưa kia, tia nắng nọ, hạnh phúc và nỗi buồn ấy sẽ còn trở lại với bạn nhiều lần, nhiều lần nữa trong cuộc đời!

Bạn sẽ thấy hạnh phúc không phải là điều bạn cần phải có và nỗi buồn không phải là điều bạn cần phải xua đi. Không có đỉnh và vực, làm gì có sóng vỗ, làm gì có sông suối, làm gì có mặt đất, làm gì có bầu trời, làm gì có cuộc sống. Nhưng tất cả cái đó chỉ là những cái quanh bạn, không phải là bạn.

Bạn sẽ thấy, dần dần, hạnh phúc không phải là núi cao chót vót, nỗi buồn không phải là vực sâu chất ngất. Trong bạn, chúng sẽ thấp dần xuống, vun đầy lên. Hạnh phúc và nỗi buồn sẽ kế tiếp nhau nhưng không còn quá cách biệt, chỉ là những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ của tâm hồn.

Đến khi, sóng êm ả, mặt hồ bình thản, hạnh phúc và nỗi buồn đã gặp gỡ và hài hòa trong bạn. Bạn sẽ thấy có nhiều cái đẹp trong nỗi buồn, mà cái đẹp nào không là hạnh phúc. Bạn sẽ thấy nhiều cái xấu trong hạnh phúc, mà cái xấu nào không mang đến nỗi buồn. Bạn sẽ không phải nhảy cẫng lên vì hạnh phúc, bạn cũng không phải ủ rũ vì nỗi buồn, bạn bình thản, thinh lặng, thảnh thơi. Bạn là phúc lạc - bạn trở về chính là bạn!

Bứt ra khỏi đỉnh vui và vực buồn, bạn an bình như một cánh chim nhẹ nhõm lướt giữa bầu trời!

Lụm & tái chế



»»  read more

28.6.13

rác Mỹ

Công viên 29/3 - Đà Nẵng
1.
Đà Nẵng bây giờ, ngang qua công viên 29/3 xanh um cây lá, bát ngát hồ nước, chắc nhiều người, nhứt là lớp trẻ sau này, quên hoặc không biết hồi xưa vùng này là cái gì.

Nhà tôi ở Chính Trạch, đường Thống Nhứt (giờ là Lê Duẩn), cách chỗ này không xa. Khu công viên bây giờ hồi xưa có tên là Hầm Bứa, thời chiến tranh là bãi rác Mỹ.

Khi Mỹ vào VN, đầu tiên đóng quân ở Đà Nẵng. Đám GI này đi đến đâu là khuấy động cả địa phương rầm rầm chạy theo phục vụ những nhu cầu khổng lồ của đội quân viễn chinh xài sang như… đế quốc.

Lập tức sinh ra các nhà thầu rất đặc biệt cho quân đội Mỹ: thầu giặt ủi, thầu hớt tóc (ba tôi hớt tóc cho lính Mỹ trong sân bay ĐN cho bà nhà thầu có cái tên như ngôi sao điện ảnh Hongkong: Lý Lệ Hoa), thầu đổ rác…

Đổ rác cũng phải đấu thầu. Vì đây hổng phải là rác Việt nhà ta, tận cùng bằng số, không còn gì để xài tiếp nữa, họa may là mần phân bón. Rác Mỹ sang như… Mỹ. Hai phần ba rác là còn xài được, xài tốt. Quần áo, đồ dùng, chăn đệm, thực phẩm, thuốc men… đều được các nhà thầu rác sàng lọc, nhặt nhạnh và gom lại. Nguồn tiêu thụ là chợ trời.

Còn lại đổ ra Hầm Bứa. Đến lúc này qui trình sàng lọc lại tiếp tục bởi đám dân nghèo, lũ con nít lau nhau – trong đó có cả thằng tui.

Không có cảm giác hôi thối trên bãi rác lắm. Nồng mùi sắt gỉ, mùi khói từ các đống cháy dở. Lang thang trên đó, lũ trẻ con chúng tôi nhặt nhạnh đủ trăm thứ bà rằn. Cái bi đông méo mó, cái xanhtuyarông lính to bản, cái mở hộp, con dao canip cả chục lưỡi khác nhau… Sau lễ lạc, nhứt là mùa Noel, tha hồ những thứ trang trí xanh đỏ tím vàng, dẫu có sứt sẹo tả tơi, cũng là thiên đàng đồ chơi, một cái toys shop khổng lồ cho lũ trẻ nghèo thành thị.

Và đồ hộp Mỹ, cái đệ nhất khoái của đám trẻ con. Những hộp bánh B1, B2, những hộp mứt nho mứt cam, và dở nhứt, hộp đậu phụng xay. Quá đát với Mỹ thôi, với ta các thứ đó còn tươi ngon chán.

Thỉnh thoảng, bất ngờ lại có mấy viên đạn đồng sáng loáng, chẳng hiểu vì sao lại lọt ra chốn này.

2.
Ngoài cái chốn rác trần tục trên, thằng tôi còn một cái thú lục rác Mỹ khác nữa. Vụ án này chỉ đi có một mình, kiên quyết không rủ bất kỳ thằng bạn nào đi theo.

Rác này văn hóa lắm!

Cạnh bờ sông Bạch Đằng, chếch về hướng đường Đống Đa, có một khu nhà biệt thự cho người Mỹ ở. Bây giờ khu nhà đó vẫn còn. Đám Mỹ này có vẻ cao cấp, vì được ở riêng. Nhà đẹp, có vườn tược, rào dậu cẩn thận, thỉnh thoảng có MP đứng gác trước cổng.

Từ nhà tôi đi lôcachân xuống đó xa lắm, nhưng mê mải thì vẫn tiến quân trên đường dài thôi. Nói vậy chớ thời học trò, chỉ có hai cái cẳng thôi, chứ xe cộ gì đâu. Từ nhà xuống trường Phan Chu Trình, lê lết qua Hội Việt Mỹ, Hội Việt Pháp, thơ thẩn bờ sông hóng gió cũng đi bộ, mà đi học trường Kỹ Thuật ôm cái bảng vẽ to tướng, lang thang tắm biển Thanh Bình thì cũng bộ mà đi.

Trở lại vụ lục rác văn hóa, xuống khu này là canh me mấy cái thùng rác, lượm các bì thơ. Lúc nào cũng có một mớ, thì từ Mỹ qua đây cũng phải thơ từ bà con cô bác gửi đi gửi lại thăm hỏi nhau chớ.

Cái quí giá trên các bì thơ đó có hình thù nho nhỏ, nằm nép ở góc trên bên phải. Những con tem Mỹ.

Phải, những con tem từ nước Mỹ xa xôi. Khi thì tòa nhà quốc hội, lúc lại White House, lúc ông Lincoln mặt mày ốm nhom mà râu tóc bù xù.

Làm chi với những con tem Mỹ? Khổ thân, đó là lúc hứng chí theo thú sưu tầm tem. Những con tem lượm về, được hơ trên hơi nước của nồi cơm bốc khói cho dễ bóc, rồi hì hà hì hục tối ngày với mấy cái anbum, cái nhíp, có được con tem quí thì y như đêm đó trằn trằn trọc trọc.

Mà quí gì cho cam. Khi lớn lên mới thấy bộ sưu tập tem của mình là đồ bỏ. Chẳng đáng sá gì. Thôi cũng an ủi, mình cũng từng có cái sở thích đầy văn hóa, còn hơn tụ tập xì ke ma túy, đánh lộn đánh lạo.

Thời đó, thú này có cái tên hay hay: sưu tập bưu hoa.
»»  read more

22.6.13

đây đó đường đi

1.
Bảy tám tuổi, tôi được chơi trò Vòng Quanh Thế Giới, thay cho trò Cờ Cá Ngựa. Cũng đổ xí ngầu, cũng có con cờ của mình chạy xung quanh ô giấy lớn. Thay cho đường cá ngựa với những nút tròn, chúng tôi đi qua các nước trên quả địa cầu. Mỗi nước là một tấm hình đại diện. Giờ chỉ còn nhớ mỗi hình ảnh nước Á Căn Đình (Argentina) với cặp vũ công nam nữ trong trang phục trắng, áo gilê đỏ. Lúc đó, mỗi tấm hình đều gợi sự tò mò khó cưỡng về những vùng đất lạ và nhen nhóm trong trí tưởng những trận phiêu lưu.

Trong phòng khách, ba tôi treo bức ảnh lớn chụp Hương Cảng về đêm với bao nhiêu building cao ngất, rực rỡ ánh đèn, trải dài từ mép vịnh đến tận các sườn núi thật hấp dẫn. Có các chú bác quen (sĩ quan quân đội) đi Hương Cảng, Vọng Các (Bangkok) (một đợt nghỉ phép đặc biệt) trở về với bao chuyện kể và những món quà kỷ niệm đầy hương vị phương xa.

Tấm bản đồ thế giới trải rộng trên tường cùng quả địa cầu trong tủ ở thư viện trường, lúc nào cũng làm tôi mê mẩn. Di ngón tay theo từng vị trí địa lý, đọc lẩm nhẩm những cái tên xa lạ, tưởng mình như ngài Phileas Fogg vòng quanh thế giới trong 80 ngày.

Và nghĩ, sau này trong nhà mình sẽ có hai món trang trí “tầm mundial” đó.

Rất lâu sau, khi đã lập gia đình, làm nhà, nuôi con hơi lớn lớn, mới mua được quả địa cầu, đặt trên đầu kệ sách, còn tấm bản đồ rộng lớn kia đành thôi (treo trên tường hơi lích kích).

Quả địa cầu này chất lượng không tốt lắm, đến nay màu sắc đã phai nhiều, không còn ranh giới rõ rệt giữa các quốc gia. Nhưng hề gì đâu, nó lại có vẻ “toàn cầu hóa”, đúng mốt lúc này!

2.
Tôi không dành dụm tiền bạc để sắm những tiện nghi xa xỉ, tôi dành chúng để được đi đó đi đây! Mỗi khi có dịp, tôi đều tìm mọi cách để được lên đường, thăm thú từ Nam ra Bắc hoặc theo các tour đi các nước loanh quanh và mơ ước đi xa hơn. Mọi chuyến đi đều làm tôi háo hức như trẻ nhỏ được quà.

Và mỗi ngày, những thành tựu công nghệ: TV, Internet lại cho tôi niềm vui sướng khi được thấy những hình ảnh, được nghe những chuyện kể về những vùng đất lạ. Chúng rộng lớn hơn nhiều so với thế giới giữa những trang sách của ngày xưa.

Một đời người không đủ để đi đến mọi nơi trên trái đất, mà dù có thể hoàn thành công việc đó, chắc người lữ hành vĩ đại kia vẫn còn thèm muốn khi nhìn lên mặt trăng và các vì sao!

Nhưng ai bảo bạn chỉ có một cuộc đời! (Hehe, mơ ước mà, tội gì keo kiệt!)

3.
Tôi đọc blog của một cô gái Việt, còn rất trẻ, tự mình đi du lịch bụi qua các nước. Cách đây tầm hai năm, cô đang lơn tơn ở Trung Quốc, một mình với chiếc xe đạp cũ mua tại chỗ cắm một cái dù hồng (hihi, lãng mạn gướm!), khi bon bon đường trường, khi dắt bộ leo dốc, giữa nắng gió mưa, lang thang phiêu lãng xứ người.

Thông điệp của cô là: muốn truyền sự can đảm cho giới trẻ Việt, dám nghĩ và dám đi.

Thật tuyệt vời khi biết có một lớp trẻ Việt đầy can đảm và hiện đại như cô!

Khi tôi comment với théc méc: cô nói ngôn ngữ gì mà những người địa phương thường là nông dân từ Mông Cổ, Tây Tạng, Trung Hoa… đều hiểu được, cô trả lời: thế là biết bác này chưa đọc blog của mình nhiều và không phải là dân hay đi bụi, cô còn khuyên tôi nên đi bụi nhiều nhiều hơn sẽ biết câu trả lời!

Nghe mà tự ái quá trời!

Tôi muốn comment lại với cô: hehe, nếu mà trời cho chú trẻ lại ba mươi năm nữa! Nhưng mà thôi, biết đâu được trẻ lại ba mươi năm nữa lại lúi húi trong cái ao cạn nhà mình, lu bu đi kiếm miếng ăn, loay hoay cưới vợ thì… nhục lắm!
»»  read more

21.6.13

những người bé mọn

1.
Xem phim Into the storm, về Winston Churchill, kiên cường trong cuộc chiến vệ quốc, xấu xí bẳn gắt trong đời thường, động vọng trong cuộc chiến quyền lực…

Nhưng nhân vật tôi để tâm là Sawyer, người hầu của ngài Thủ tướng.

Khi anh chỉnh tề trong bộ lễ phục, mũ cao áo dài, đứng bên bờ biển, tay sẵn khăn tắm phục vụ ông chủ đang bì bõm bơi;

Khi anh bị la mắng vì đặt giá vẽ không đúng chỗ, vì thiếu mấy tuýp màu ông chủ bỏ quên (Churchill mê hội họa). Tất nhiên, lỗi do tính khí cáu bẳn của ông chủ, không phải lỗi ở anh.

Nhưng anh là người không thể thiếu đối với Churchill, người đàn ông vĩ đại nhưng hoàn toàn không tự chăm sóc được mình, như phu nhân thủ tướng từng trách chồng khi ông la mắng người hầu thái quá: “Thiếu Sawyer, chúng ta sẽ khốn đốn!”

Và khi được phu nhân nhắc nhở phải đối xử nhã nhặn với Sawyer, ngài thủ tướng đã phán: “Em bị tiêm nhiễm tư tưởng cánh tả rồi!”

2.
Ngày trước, nhà giàu thường có chị bếp lo chuyện nấu nướng, con sen lo việc dọn dẹp, vú em lo nuôi các cô chiêu cậu ấm, chú sốp-phơ tất nhiên là lái xe. Và một người quản gia, xếp sòng các vị đó.

Người quản gia thay mặt ông bà chủ, quán xuyến mọi chuyện trong nhà. Quản gia tốt là người trung tín, tận tâm phục vụ cho quyền lợi của chủ. Đôi khi đó là nghề của một đời, thậm chí nhiều đời, cha truyền con nối. Trên phim ảnh, quản gia thường là một người lớn tuổi, mực thước, đàng hoàng, nghiêm khắc, trải đời, nói cho vuông là hết chỗ chê.

Nay, không còn thấy nhân vật này trong xã hội xôxialit nhà ta. Trong nhà khá giả chỉ có người giúp việc, gọi là ôsin và nhiều chuyện giữa ông bà chủ với ôsin đã thành truyện, thành kịch với đủ loại bi hài hỉ nộ ái ố của cuộc đời.

Tôi cứ bị cái cảm giác gọi người giúp việc là ôsin nó xúc phạm sao sao ấy!

3.
Ngày trước, trong các trường học, luôn có một ông cai. Nhà của ông cai nằm trong khuôn viên của trường, thường là nép một góc nào đó. Lương lậu của ông cai chắc không bao nhiêu, nhưng gia đình sống được nhờ cái quán bán trăm thứ bà rằn cho học sinh. Có một ít học sinh rắn mắt hay chọc ghẹo “cai dù” (tất nhiên là lén sau lưng), còn đa phần học sinh đều tôn trọng ông cai trường, thậm chí còn sợ nếu mình phạm lỗi: đi học trễ, trèo tường cúp cua…

Phu nhân ông cai cũng được gọi lễ độ là bà cai.

Sau này, các trường học đều vất vả để “giải tỏa” nhà ông cai ra khỏi khuôn viên trường, như một tàn tích của chế độ cũ (!)

Và bây giờ, các ông bảo vệ nhà trường, không còn chút gì hình ảnh của một ông cai trường thân thuộc đầy hoài nhớ trong kỷ niệm thời đi học.

4.
Tôi cũng tự thấy mình “tiêm nhiễm tư tưởng cánh tả” khi cứ nhung nhung nhớ nhớ về những con người bé mọn như thế!

Haizzzzza!
»»  read more

16.6.13

Bồ Đề Đạt Ma đeo kiếng

Hôm qua, nhậu mừng một cuộc Sinh Nhật. Phù Vân lại "nhớ bài lai" nhè lúc Nô say say đưa giấy bút đề nghị họa chân dung Đồng Thuyền. Nhơn vật này có khuôn mặt rất độc đáo, càng về già càng không khác gì Bồ Đề Đạt Ma. Nô bảo: Anh là Bồ Đề Đạt Ma đeo kiếng

Và vẽ, chắc khoảng 30s. Tốc họa mà lại! Nét vẽ như tự trào ra từ đầu ngọn bút.

Đồng Thuyền - 15.6.2013 qua Nô


Đồng Thuyền chuyên thiết kế xây dựng nhiều chùa chiền miền Trung, quảng giao với giới tăng ni, từng tu tập hồi nhỏ, am hiểu kinh sách. Anh có một hơi thơ rất riêng, cổ kính, hào sảng, phóng khoáng như một bài phú, bài hịch. Trong lúc nhậu đang đà phê phê, đọc thơ anh rất  hứng!



BẰNG HỮU CA
Nghe rạo rực tiếng nẩy mầm trổ lá
Thấy ấm lòng rộn rã cuộc tồn sinh
Ôm nhân gian, thế sự , vốn nhiệt tình
Đặt sự nghiệp giữa bình sinh lý trí
Nobita gia dĩ ; Nobita!
Sách Lư Sơn Cuồng Từ viết: tài hoa
Đem tự điển Nhật, Tàu ra; chắc là cũng như vậy
Mặc kệ: càn khôn túy lúy hay nhật nguyệt đảo điên
Xin hoan nghênh anh chàng hiền hy hữu
Dục “kết bạn bè” duy dụng tửu
Trí “tình bằng hữu” “nhạc thơ” phi
Đã đời thơ phú cầm kỳ
Trà trưa rượu xế lấy chi làm buồn
Kinh luân
Oằn vai gánh
Tài nghệ
Bảnh mới oai
Hoạn lộ dẫu miệt mài, lúc tiến khi lùi thoải mái
Đâu dám bì với nhị lão “Đặng Ngô” chữ nghĩa chứa đầy bồ, hay tác quái, hề chi chi trường phái“trước mặt sau lưng”
Cũng không như Phù Du, chỉ có nàng Thơ trong mắt,
mũi mặt lù khù, ác một nỗi vác lu hồi nào không biết.
Lại chẳng phải mang tâm tình da diết, như Tô Vũ thả lũ dê.
Ôm gốc xương rồng lề mề lã chã, để một lần lệ đá chảy thành sông
Sắc không mê ngộ bèo nước bềnh bồng
Chưa phỉ sức cánh phượng hồng tơi tả
Sông hồ
Chơi chưa đã
Đến Lư Sơn
Tìm gã Cuồng Từ
Ẩn sĩ, tao nhân, hai vị thật thật hư hư huyễn mộng,
hoặc chân như rộng mở nụ cười, mắt xa mơ một cơn giàu lớn.
Đáng mặt anh hùng, nên trang hảo hớn
Dẫu không ông hoàng, mà quý phái một phương
Thân Hùng Dũng, trí Thanh Cường
Ung dung đến Trời Nam tìm của Quí.

Trọng đông Canh Dần - Đồng Thuyền


»»  read more

11.6.13

châm dầu cho đèn

Châm vô chai xị này hơi hao!
Bữa trước, mở ví lấy tiền góp nhậu (hehe, dạo này không ai đãi nổi ai, nên nhậu là mặc nhiên share bill để... góp), ngạc nhiên khi thấy còn khá nhiều tiền, mặc dù hôm qua nhớ là đã xài đến đây, đến đây rồi, (lại hehe, dạo này tiền hơi hiếm, thành ra biết rất rõ là ví mình còn bi nhiêu).

Sáng nay, bà xã mới bỏ nhỏ, nè con gái bỏ tiền vô ví của ba để uống cà phê, ba có biết không? Ngớ người ra một lúc!

Mấy năm trước, có viết trên blog về tiền bạc trong gia đình, đại ý đẹp nhất là vợ quản lý tiền nong và thỉnh thoảng liếc xem ví chồng hết tiền chưa để "bơm" thêm vào.

Hôm nay, mới hay là đã chuyển giao thế hệ. Con gái đã biết "liếc xem ví" của ba!

»»  read more

9.6.13

đọc blog và uống rượu

Mỗi lần, lang thang trên các blogs, đọc những bài "hàng giả", thường rất buồn! 
Cứ ray rứt vì không hiểu tại sao người ta lại làm hàng giả, 
người ta copy&paste mà cố tình quên nguồn, người ta đạo văn, đạo ý... 
Có phải người ta muốn câu view, muốn chứng tỏ trình độ, 
muốn được người đọc thán phục chăng? 
Ôi, những ảo ảnh phù du! Người ta không hiểu rằng, 
với khả năng của công nghệ thông tin hiện nay, với cụ Gúc - cỗ máy tìm kiếm siêu năng, 
người ta copy&paste rất dễ dàng, 
thì việc truy nguyên một bài viết để biết tác giả đích thực, cũng dễ như trở bàn tay. 
Khi người đọc biết mình bị lừa, 
cảm giác đó chắc chẳng lấy gì làm dễ chịu, 
và người đọc nhìn chủ blog bằng con mắt nào đây!

Đã viết về việc này một lần, 
tự nhủ sẽ không "đụng độ" một lần nữa, 
nhưng mỗi lần gặp phải "hàng giả", sinh buồn, 
muốn post bài viết này trở lại!


Đọc được một entry hay, như được uống một cốc rượu ngon, ta nhấm nháp chầm chậm để tất cả hương vị được lan tỏa và thấm đẫm cả tâm hồn thân thể mình. Uống trọn đến giọt cuối cùng lại còn muốn uống tiếp một lần nữa.

Đọc được và đồng cảm một entry đầy trải nghiệm những thống khổ đời, như được uống một cốc rượu đắng, ta thấy từng giọt cường toan trôi xuống tận đáy tim. Rượu đắng thường là rượu ngon, như một hạnh phúc được chưng cất từ muôn ngàn cay cực!

Đọc được một entry vui, như được uống rượu với bạn bè, sôi động ồn ào đầy tiếng cười rộn rã. Niềm vui đó có thể nhanh chóng qua đi, có thể sẽ lắng lại trong ta một ký ức, kệ nó. Miễn là ta có những giây phút vui đùa, như một bông hoa nở ra xinh đẹp, bất chấp lẽ vô thường.

Buồn nhất là đọc một entry dối trá, đạo tặc, lén lấy của người làm của mình, như uống phải một cốc rượu giả, chưa cạn cốc đã muốn say! Một cơn say của thất vọng, buồn nẫu cả người!

Blog, tưởng chỉ là cơn vui thoáng chốc, té ra là cả cuộc đời!
»»  read more

5.6.13

lạc trong ngõ hạnh

 Giaolang gửi cho Nô câu hỏi "thiệt dễ" (trên blog TTM Gốc mai): 
Anh có đang hạnh phúc không? 
Bèn tìm cách trả lời kẻo giang hồ nó khi!

1.
Bạn có hạnh phúc không? Câu hỏi không dễ gì trả lời!

Có lần vui sau một bữa nhậu, nịnh vợ rằng: Anh đang hạnh phúc vì (1) ba mẹ sinh miềng ra lành lặn hổng có khuyết tật gì, (2) tuy xấu trai, người thấp thấp nhưng có “bà xã” cao ráo, xinh đẹp như em, (3) nhà miềng có trai gái, nếp tẻ đầy đủ, (giống mẹ nhiều hơn giống ba, nghĩa là cũng thuộc phe… đẹp), hổng phải chỉ xài hàng “ngoại” như người ta v.v…

Nhưng đời người bất định, nên khi nói về hạnh phúc lại sợ những bất hạnh trong cuộc sống đang chực chờ phía trước.

Sáu mươi chưa phải là lành, ông bà đã nói vậy!

2.
Nhưng đôi khi nghe bạn than vãn về cuộc đời, lại muốn an ủi đôi câu. Bạn ơi, hạnh phúc nằm ngay trong bản thân ta, trong cuộc sống hàng ngày của ta với những người xung quanh ta:

Có xài internet, bạn hạnh phúc hơn 4,5 tỷ người no-net.

Có đủ ba bữa trong ngày, bạn hạnh phúc hơn 1 tỷ người thiếu ăn.

Có một thân thể lành lặn, bạn đã hạnh phúc hơn 650 triệu người khuyết tật.

Có được tuổi 50, bạn hạnh phúc hơn 600 triệu người giã từ cuộc sống ở tuổi 4x.

Có một công việc, bạn hạnh phúc hơn 205 triệu người thất nghiệp.

Có một mái nhà, bạn hạnh phúc hơn 100 triệu người vô gia cư.

Có một buổi sớm mai thức dậy, bạn hạnh phúc hơn 150.000 người vừa mất hôm qua.

3.
Và nhìn quanh bạn ta:

Biết dùng vi tính, bạn vượt xa Phù Vân Đặng Cước, [người gần đây mới bớt cự tuyệt vi tính].Hehe!.

Biết đi xe đạp/máy, bạn ăn đứt Vĩnh Hiền Phù Du, [kẻ không xem bánh xe là phát minh của loài người].Huhu!

Biết dòm rõ thiên hạ, bạn qua mặt ông Yên Hồng, [mắt đã yếu còn chơi kính đen thui!]. Híhí!

Biết uống tới chai bia thứ 3, bạn bỏ túi ông Cuồng Từ, [mới có hai chai đã gục đầu]. Hàhà!

4.
Hạnh phúc là thế đấy, cho dù tối nay bạn có chuyện buồn và bạn khóc!

Hạnh phúc là thế đấy, vì bạn biết tui viết những điều này dành cho bạn!

Và nếu bạn không bị “tường đè”, bạn hạnh phúc hơn 350 triệu người, [than ôi, trong đám bất hạnh này lại có mặt cái thằng tui!]

Thế nhé, bạn!
»»  read more

3.6.13

phét-tí-vồ

Tiếc hùi hụi!
Thời kinh tế suy trầm, quán nhậu nhà hàng có thưa một chút, nhưng quán cà phê sao lúc nào cũng đông nghẹt người!? Có người giải thích, mần ăn không ra tiền, chỉ vô quán cà phê ngồi là... tốn phí thấp nhứt, có thể tám chuyện lai rai cả buổi trời, giết cho chết tươi thời giờ đang quỡn. Đang bắt đầu mùa du lịch ở Nha Trang, lượng người đổ về cũng thấy không thua gì mấy năm trước, các hàng đặc sản: bún cá, nem nướng... khách phương xa phải đợi đông đen trên vỉa hè, chờ đến lượt mình! Có người giải thích, mần ăn hổng được, thôi còn ít vốn liếng đổ ra đi chơi cho bõ mấy năm trước đi cày. Hehe, nghe cực kỳ có lý!

Năm nay festival biển cũng ... suy trầm, gói gọn trong 4 ngày (8-11/6). Nghe nói nhiều chương trình bị cắt bỏ vì hổng tìm ra nhà tài trợ. Uổng nhất là vụ Nữ Hoàng Biển mới bị hủy, rứa là hết cơ hội ngắm các người đẹp bikini chân dài ngực nở mông mẩy eo thon!

Tối qua, đi dạo một vòng đường biển thấy có "vụ việc mới" là trên năm chục cặp loa (giống giống loa phường) được treo trên các trụ đèn suốt con đường gần 5km, đang phấn khởi phát các bản nhạc hào hùng từ thời Chiến Thắng Sông Lô đến Tiến Về Sài Gòn. Nghĩ hoài, không hiểu được cái hệ thống loa hoành tráng này sẽ làm việc gì trong 4 ngày festival, truyền thanh trực tiếp chăng?

Con đường biển này là nơi tập trung các khách sạn, nhà hàng dành cho khách du lịch là chính. Hehe, lần này ông khách nào chán festival biển trốn ở nhà cũng sẽ được tích cực rót vào tai mọi thông tin về festival? Khổ cho khách nước ngoài, sẽ ngơ ngẩn ngẩn ngơ nhức hết cả đầu vì không hiểu mấy thằng loa này (chắc chắc phát bằng tiếng nhà miềng) nói cái gì mà ra rả suốt ngày? Lỡ mà thương nhau như rứa bằng mười hại nhau!

Chỉ có điều chắc như bắp là 4 ngày festival này tui sẽ "được" ăn sáng, cà phê tại gia, nhậu nhẹt cũng tạm nghỉ. Người Nha Trang vốn thân thiện mến khách, nhịn miệng mấy ngày, nhường hết quán ăn quán nhậu quán cà phê để đãi khách phương xa!


»»  read more