24.6.18

ronéo - stencil và kỷ niệm

Công nghệ phát triển quá nhanh đã khai tử nhiều thứ. Trong chuyện liên quan đến in ấn và sách báo thời học trò, lớp trẻ sau này đã không biết đến máy đánh chữ (typewriter), máy quay ronéo và giấy sáp stencil...

Thuở trước 1975, hàng năm, ở miền Nam, học sinh trung học đã ra được những đặc san văn thơ của lớp mình. Mỗi lớp, ngoài lớp trưởng lớp phó, đều có một trưởng-ban-báo-chí phụ trách vụ việc văn chương phú lục này!

Và, tuyệt đại các đặc san học trò đều dùng cách in quay ronéo, vì nó phổ biến, dễ thực hiện và có giá thành thấp.

Nguyên tắc in: bài vở được đánh máy hoặc viết tay, vẽ vời trang trí bằng một ngòi bút sắt, làm thủng tờ giấy sáp (stencil), khi đưa vào máy, mực sẽ "in" các hình ảnh con chữ (gọi chung là tàii liệu) qua các phần thủng này xuống tờ giấy.

Một tờ giấy sáp stencil, gồm 3 trang. Trang dưới cùng dày, nhằm bảo vệ cho tờ stencil không bị hư rách. Trang giữa là giấy carbon, có phần than (màu đen hay màu xanh) để làm rõ 'tài liệu' lên bề mặt trang trên cùng. Trang trên cùng là giấy sáp, để đục thủng khi thực hiện các tài liệu. Khi in, chỉ sử dụng trang trên cùng này, bỏ 2 trang kia.

Minh họa hình ảnh, trang trí các nhan đề, viết chữ với cây bút sắt nhọn, làm thủng tờ giấy sáp mà không để bị rách bị lỗi, đạt tính mỹ thuật, là công phu lắm lắm.

Nhưng vì màu mực ronéo rất hạn chế, chỉ đen, nâu và xanh, tờ báo học trò nhìn chung, khá đơn điệu. In khắc kẽm cũng không khá hơn, còn in offset nhiều màu thì túi tiền học sinh không kham nổi. Tôi còn nhớ, năm lớp Tám Trường Kỹ Thuật Đà Nẵng, chúng tôi ra cuốn đặc san Lối-Ngại có cái bìa màu; đủ màu, rực rỡ và bắt mắt. Có lẽ đây là cái bìa màu đầu tiên của đặc san học trò xứ này!

Cái khó ló cái khôn mà thôi. Chúng tôi in bìa báo bằng ronéo, hình ảnh, chữ nghĩa chỉ dùng nét bút. Sau đó, tô màu nước một bản làm mẫu, dán lên bảng đen, toàn bộ lớp, nhìn đó tô theo. Học môn hội-họa từ lớp Sáu, tô màu cho trúng là chuyện nhỏ. Thế là vài trăm cái bìa màu hoàn thành, được đóng vào đặc san, bọc một lớp nilon.
Một trang bào ronéo đen trăng và được lên màu ngày trước

Mang sang các lớp bạn, trường bạn... bán chạy như tôm tươi. Hàng đắt khách nhưng thương vụ thì thua đậm do sai lầm bán cho chịu nợ (hẹn mai ghé lại thu tiền). Mai này, mai nữa lại mai mai...

Tiền vốn góp của lớp đã đội nón ra đi, còn tiền "vay" của thầy cô giáo thì đành gãi đầu gãi tai gãi trán xin... xù.

Dù sao, đó vẫn là một kỷ niệm đẹp nhất của thời trung học.
»»  read more

20.6.18

đôi điều về tên các quốc gia


1. Nhiều tên nước trên thế giới được Việt hóa, tất nhiên qua ngõ tiếng Hán.

Nhớ hồi trước, Indonesia không đồng ý ta gọi là Nam Dương, yêu cầu chính phủ VNCH gọi lại cho đúng. Nhưng với Ba Lan, họ lại thấy thú vị và hãnh diện khi tên nước họ được Việt hóa.

Trải qua nhiều thời kỳ, dần dà, những tên nước trên thế giới Việt hóa rơi rụng lần, đến nay chỉ còn: Ai Cập/ Anh/ Áo /Ấn Độ/ Ba Lan/ Bỉ/ Bồ Đào Nha/ Bờ Biển Ngà/ Đan Mạch/ Đức/ Hà Lan/ Hàn Quốc/ Hoa Kỳ (Mỹ)/ Hy Lạp/ Lào/ Mông Cổ/ Nam Phi/ Na Uy/ Nga/ Nhật Bản/ Pháp/ Phần Lan/ Tây Ban Nha/ Thái Lan/ Thổ Nhĩ Kỳ/ Thụy Điển/ Thụy Sĩ/ Triều Tiên/ Trung Quốc/ Trung Phi và hai nước sắp mai một Úc và Ý.

Tìm hiểu được lý do tại sao những cái tên này còn hay mất đi, cũng là điều hay ho.

2. Nguồn gốc việc phiên âm (bằng Hán tự) tên các nước bằng trên thế giới này, khởi từ Nhật Bản hay Trung Hoa, vẫn là điều chưa xác quyết.

Có người cho rằng do hướng ra phương Tây sớm hơn Trung Hoa, nên việc ghi lại tên các nước trên thế giới bằng tiếng Hán (trong tiếng Nhật là chữ kanji - hán tự) bắt nguồn từ Nhật Bản.

Nhưng công cuộc Âu hóa Nhật Bản bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, trong khi cuối thế kỷ 18, đời Càn Long, qua "Tứ Khố Toàn Thư" đã chính thức xác định nhiều tên nước trên thế giới.

3. Trong vấn đề phiên âm tên các quốc gia giữa Nhật Bản và Trung Hoa cũng vài những điểm khác biệt thú vị.

- Nước Nga: Trung Hoa phiên âm là Nga La Tư và rút gọn là Nga. Nhật Bản phiên âm là Lộ Tây Á và rút gọn là Lộ.
- Nước Mỹ: Trung Hoa phiên âm là Á Mỹ Lợi Gia và rút gọn là Mỹ. Nhật Bản phiên âm Á Mễ Lợi Gia và rút gọn là Mễ.
- Nước Đức: Trung Hoa phiên âm là Đức Ý Chí và rút gọn là Đức. Nhật Bản phiên âm là Độc Dật và rút gọn là Độc.
...

4. Lụm lặt nhiều nơi, gom lại, đọc cho vui, quý bạn!
»»  read more

17.6.18

ít thắng nhiều


Có nhiều thắc mắc, tại sao trong một quốc gia có 100 triệu dân lại phải chịu ách độc tài của một nhóm cầm quyền chưa đầy 5 triệu người.

Quá vô lý, 100 người sao lại chịu thua 5 người? Vì vậy, họ đang bị chê bai, chửi mắng là đồ ngu, đồ lừa, đồ cừu, đồ lợn... chỉ biết ăn, ngủ, ụ, ị... bịt mắt che tai, cam tâm làm kiếp trâu ngựa nô lệ.

Nhưng thử xem, xưa nay, đông tây kim cổ, quần chúng nhân dân mọi nơi mọi thời vẫn là đa số thầm lặng như cừu như dê đấy thôi. Vận mạng họ được quyết định bởi những lớp vua quan, lãnh chúa, các nhà cách mạng, các nhà chính trị – những kẻ cầm quyền bính trong tay.

Sức mạnh nhân dân chỉ thể hiện khi được/bị những nhà hoạt động chính trị khơi gợi và sử dụng trong một lúc, khi cần. Sau lúc cầm gạch đá cuốc thuổng gậy gộc gươm giáo bom xăng... xông lên theo ngón tay chỉ hướng, dẫu thành công hay thất bại, người dân lại trở về cuốc cày, tay búa tay kềm, bút mực sách vở... của cuộc sống bình thường.

Quyền bính có lối đi riêng của nó, không phải cứ số đông là áp đảo được số ít!

Quyền bính chỉ xuất hiện trong tay những tổ chức có cương lĩnh lý tưởng, có lãnh tụ, có sự cố kết chặt chẽ, thống nhất, đoàn kết và kiên trung – nói gọn hơn, trong một chính đảng. Không có chính đảng dẫn dắt, mọi hoạt động của quần chúng nhân dân chỉ là tự phát, không có mục đích, như ngọn lửa không đủ nhiên liệu, nhanh cháy nhanh tàn.

100 triệu người dân chỉ là một đám đông tản mát. phi hướng, yếu ớt không thể bẻ gãy được cái xiềng của 5 triệu người cố kết thành một khối, nhất hô bá ứng kia.

Và cũng quy luật đó, khối 5 triệu người kia có thể sẽ bị đánh bại chỉ với 50.000 người của một tổ chức biết vạch ra con đường sống tốt hơn, có lãnh tụ anh minh hơn, có sự đoàn kết trung kiên hơn. Một sẽ thắng Một Trăm.

Trong lịch sử VN, những người cộng sản trong thời kỳ 1930-1945 đã là một tổ chức như vậy. Họ đã cố kết thành một đảng kiên cường bất khuất và biết sử dụng sức mạnh quần chúng nhân dân. Họ tìm cách tuyên truyền vận động từng chút trong mọi tầng lớp: trí vận, công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận và... địch vận nữa. Có phải do vậy mà 15 tuổi, với 5.000 đảng viên/25 triệu dân (0,02%), họ đã nắm được chính quyền?
______
P/S: Nếu với 100 triệu dân, con số 0,02% là 20.000 người; con số bé bé, nhưng tới giờ ni, hoàn toàn không có!  
»»  read more

12.6.18

chuyển đổi (4)

4. MÔNG CỔ

Sau khi bị nhà Minh đánh bại, nhà Nguyên rút lui về vùng thảo nguyên của mình, người Mông Cổ lại trở về với Mông Cổ và dần dà qui phục người Mãn Thanh.

Nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, Mông Cổ dưới quyền của Bogd Khaan tuyên bố độc lập với phần lãnh thổ Ngoại Mông, tương đồng với nước Mông Cổ hiện đại. Sau Cách mạng tháng 10 Nga, Trung Hoa xâm chiếm Mông Cổ, nhưng phải rút lui trước sự tiến công của Hồng quân Nga và quân đội Mông Cổ. Từ 1921-1960, Liên Xô loại trừ ảnh hưởng các nhà lãnh đạo ban đầu có tinh thần dân tộc, xây dựng một chính quyền cộng sản đích thực ở Mông Cổ gắn bó mật thiết với mình.

Khi Liên Xô biến động với những cải cách của Gorbachov, một nhóm thanh niên Mông Cổ, đứng đầu là Tsakhiagiin Elbegdorj bắt đầu lên tiếng về tự do ngôn luận và tự do kinh tế.

Elbegdorj từng học tại Học viện Chính trị Quân sự Liên Xô từ năm 1983. Năm 1988 ông tốt nghiệp, trở về nước và làm việc tại báo quân đội Sao Đỏ. Sau lần phát biểu về yêu cầu dân chủ, công khai tại Đại hội Nghệ sĩ Trẻ Quốc gia (1989), ông bị cảnh báo và phê phán "đã có quan điểm sai trái".

Bất chấp mọi sự, Elbegdorj tập hợp 12 bạn đồng chí hướng, tổ chức những cuộc nói chuyện với thanh niên và thành lập tổ chức chính trị "Liên minh Dân chủ Mông Cổ". Họ tổ chức cuộc biểu tình, tuần hành và tuyệt thực, các cuộc đình công của giáo viên và công nhân để phản đối chính quyền.

Trước sự lớn mạnh của phong trào dân chủ, các lãnh đạo Đảng yêu cầu TBT Batmonkh phải có những biện pháp mạnh tay. Nhưng ông đã suy nghĩ khác: "Người Mông Cổ chúng ta rất ít, không nên làm đổ máu thêm nữa. Chúng ta sẽ không bao giờ dùng vũ lực với nhân dân mình". Tại Đại Hội đảng lần thứ 8, ông yêu cầu BCT từ chức, mở đường cho tổng tuyển cử tự do.

Đảng của người CS đạt chiến thắng sau cuộc bầu cử đa đảng, nhưng họ chia sẻ quyền lực với người dân chủ, thi hành các cải cách về xã hội và kinh tế, xây dựng Hiến Pháp mới cho đất nước Mông Cổ dân chủ.

Đảng Nhân Dân Cách Mạng Mông Cổ vẫn là một chính đảng quan trọng và có uy tín lớn trong đời sống chính trị của Mông Cổ . Họ đạt tỷ lệ cao trong các cuộc bầu cử và 2 lần lãnh đạo Đảng đảm đương chức vụ Tổng Thống. Một đảng chính trị (thành lập năm 1921) có tuổi đời gần 100 năm vẫn còn sức sống mạnh mẽ trong lòng dân.
___________
Bài học Mông Cổ:
1. Có lớp trí thức trẻ can đảm dấn thân vì vận mệnh dân tộc.
2. Có một lãnh đạo đảng cầm quyền mạnh mẽ, thức thời, sẵn sàng từ bỏ quyền lực cá nhân vì lợi ích quốc gia.
3. Có sự đoàn kết và hòa hợp của các bên vì lợi ích dân tộc.
»»  read more

chuyển đổi (3)


3. TIỆP KHẮC

Tiệp Khắc như một cái cốc pha lê lăn lóc qua tay các nước láng giềng: Đức Áo Nga Ukrain Hungary. Mãi đến năm 1918, đất nước này mới chính thức ra đời. Sau đó (1918-1938), 20 năm lỏng lẻo mờ nhạt, (1938-1945) 6 năm biệt tích giang hồ. Mãi đến cuối Thế Chiến II, nó tái sinh bằng một hình hài mới, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Tiệp Khắc.

Bất chấp sự thâu tóm và áp lực của Liên Xô, người Tiệp Khắc luôn có con đường riêng của họ. Đảng Cộng sản cầm quyền từ thắng lợi trong cuộc bầu cử tự do. Ở mức độ nhất định, dù có nhiều hạn chế, Tiệp Khắc vẫn là một thể chế tiềm tàng đa nguyên dân chủ.

Năm 1968, sau khi lật đổ nhóm lãnh đạo cũ, TBT Đảng Alexander Dubcek tiến hành cải cách dân chủ trong chính trị và tự do hóa nền kinh tế, với bài viết nổi tiếng "Chủ nghĩa xã hội mang gương mặt người". Sự kiện này được lịch sử ghi nhận là "Mùa Xuân Praha", nhanh chóng bị Liên Xô xua quân can thiệp và dập tắt. Chàng sinh viên Jan Palach đã tự thiêu để phản kháng hành động xâm lược này.

Với thời gian ngắn ngủi, mùa xuân này cũng đã kịp gieo những hạt mầm cho tương lai. Hội Nhà Văn Tiệp Khắc bắt đầu lên tiếng, dần dà từng bước một, từ những vấn đề tự do sáng tác đến những vấn đề tự do chính trị. Năm 1977, Vaclav Havel, nhà triết học, nhà văn, nhà hoạt động bất đồng chính kiến, công bố Hiến Chương 77.

Hiến Chương phân tích thực trạng xã hội và yêu cầu Nhà nước phải tuân thủ những điều ước về nhân quyền mà họ đã ký kết trong Hiệp Ước Helsingki.

Phong trào Hiến Chương 77 lan rộng. Nhà nước một mặt huy động giới trí thức, văn nghệ sĩ viết bài lên án nhóm Havel là phản động, mị dân, phủ nhận những thành tích của CNXH...; một mặt bắt giữ, hỏi cung, cô lập, cản trở công việc làm ăn sinh sống của những người tham gia phong trào. Đảng còn soạn "Phản Hiến Chương" "bắt' hơn 2000 văn nghệ sĩ ký tên. Havel phải ngồi tù 5 năm .

Ngày 17 tháng 11 năm 1989, cảnh sát đã đàn áp cuộc biểu tình hòa bình của sinh viên thủ đô Praha kỷ niệm 50 năm Ngày Sinh viên Quốc tế. Sau đó các cuộc biểu tình và đình công lan rộng toàn quốc. Ngày 28 tháng 11, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã tuyên bố từ bỏ quyền lực. Ngày 10 tháng 12, chủ tịch nước Gustav Husak chỉ định một chính phủ phần lớn không là cộng sản, rồi từ chức sau đó. Alexander Ducek, người khởi động Mùa Xuân Praha 1968, được cử làm phát ngôn viên của chính phủ mới.

Ngày 28 tháng 12 năm 1989, Vaclav Havel (đứng đầu tổ chức chính trị Diễn Đàn Dân Sự) được bầu làm tổng thống mới của Tiệp Khắc. Bốn-mươi-ngày, thời gian đủ cho cuộc sinh nở đã hoài thai từ hai mươi năm trước!

Đến năm 1993, Tiệp Khắc, vốn là một Liên bang giữa Czech và Slovakia, đã chia tay hòa bình thành hai nước Cộng Hòa Czech và Cộng Hòa Slovakia. Ruộng ai nấy cày vui hưởng thái bình.
___________
Bài học Tiệp Khắc:
1. Dù người dân Tiệp Khắc không mặn mà với chính trị, nhưng các tổ chức dân sự của sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức đóng vai trò rất quan trọng.
2. Có đường lối rõ ràng thể hiện trong Hiến Chương (cương lĩnh chính trị) và khi chín muồi, nhanh chóng chuyển đổi tổ chức dân sự thành tổ chức chính trị.
3. Biểu tình có tổ chức, ôn hòa và bất bạo động.
»»  read more

11.6.18

chuyển đổi (2)

2. HUNGARY



Hungary là một quốc gia đặc biệt ở châu Âu. Hiện nay, đất nước này có vẻ lặng lẽ, ít sự kiện để thế giới biết đến, nhưng nó lại có một lịch sử đáng nể. Khi Hungary ra đời, Pháp, Đức, Anh chỉ là những tiểu quốc nhỏ bé. Thế kỷ 13, nhà vua Hungary ra Bộ Luật Vàng, một Hiến Pháp đầu tiên của thế giới nhằm hạn chế quyền của vua và các quý tộc, sau đó không lâu Nghị viện cũng hình thành. Trong thế kỷ 15, với phong trào Phục Hưng, Hungary trở thành mộttrung tâm văn hóa lớn, mà những bộ biên niên sử, tác phẩm triết học và khoa học trong Đại-thư-viện Corviniana là một minh chứng. Thế kỷ 19, hợp với Áo, trở thành Đế quốc Áo-Hung và sau khi thất bại trong Thế Chiến I, phân rã thành Áo, Hungary, Tiệp Khắc. Hungary mất 70% lãnh thổ, 60% dân số.

Trong Thế chiến II, Hungary, với truyền thống gần gũi với Đức, đã tham gia vào phe Trục. Khi phát xít Đức đại bại, Liên Xô chiếm đóng toàn bộ Hungary và biến nước này thành một nước cộng sản.

Có lẽ, với quá khứ bi hùng như vậy, người Hunggary, phản kháng rất sớm với chế độ độc tài kiểu Stalin. Lực lượng sinh viên dân chủ (MEFESZ – Hội Sinh viên Đại học và Hàn lâm Hungary) với sự ủng hộ của Hội nhà văn Hunggary đã tổ chức biểu tình đòi cải cách, gây nên chính biến 1956 làm sụp đổ chính phủ. Liên Xô vội vã can thiệp dập tắt cuộc nổi dậy. Hơn 2.500 người Hungary và 700 binh lính Liên Xô thiệt mạng; 200.000 người Hungary bỏ chạy ra nước ngoài.

Một nhân vật xuyên suốt lịch sử Hunggary cận đại là Kadar Janos. Ông vào Đảng CS năm 1931, và thăng tiến dần qua các chức vụ; UV BCT (1945), Thủ tướng (1956), Tổng BT (1985). Ông đã cầm giữ nước Hungary cộng sản trong một thời gian dài, tìm cách "thoát-Xô" bằng cách yêu cầu Liên Xô rút quân về nước và rút Hungary khỏi Hiệp ước quân sự Warsava.

Với những biến động ở Đông Âu, năm 1988, Kadar Janos từ chức, mở đường cho Chủ tịch QH Szuros Matyas (đại diện phái cấp tiến trong Đảng).

Ngày 23 tháng 10 năm 1989, Matyas tuyên bố nền Đệ Tam Cộng hòa và trở thành Tổng thống lâm thời. Năm 1990, Hungary tổng tuyển cử Quốc Hội tự do.

Một cuộc chuyển đổi êm thắm và nhẹ nhàng.
______
Bài học Hungary:
1. Có truyền thống lịch sử văn minh, yêu nước và bất khuất.
2. Có một lãnh đạo đảng cầm quyền mạnh mẽ, thức thời, sẵn sàng từ bỏ quyền lực cá nhân vì lợi ích quốc gia.
3. Có lực lượng chính trị cấp tiến với người đứng đầu là một lãnh đạo trong đảng cầm quyền, đủ sức tiếp nhận và hóa giải di sản cũ.
»»  read more

10.6.18

chuyển đổi

1. BA LAN

Ba-Lan là đất nước đau thương bậc nhất ở châu Âu. Họ luôn bị chao đảo, giằng xé giữa hai đế quốc Nga và Đức. Bị Nga xâm chiếm và xóa tên cuối thể kỷ 18, mãi sau Thế Chiến I, đến năm 1921 thực sự Ba-Lan mới được tái lập, để rồi chỉ 18 năm sau, Thế Chiến II bùng nổ, Hitler và Stalin đồng xua quân sang, chia cắt và chiếm giữ. Khi kết thúc chiến tranh, Ba-Lan lại trở thành một nước cộng sản Đông Âu. Cái giá 6 triệu mạng người thật đắt!

Ba mươi lăm năm sau, 1980, những khủng hoảng xã hội khiến Ủy Ban Đình Công ra đời và từ một tổ chức nhằm bênh vực quyền lợi của công nhân, đã mau chóng lớn mạnh thành Công đoàn Đoàn Kết (CĐĐK) – tổ chức chính trị đối lập với chính quyền – do Lech Walesa lãnh đạo.

Chín năm kế tiếp là một cuộc đấu tranh giằng co giữa hai thế lực chính trị. Nhà cầm quyền khi thì đàn áp dã man phong trào, bắt giam Walesa; khi thì xoa dịu, thương thảo, nhượng bộ. Ngay trong Đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan, cũng có sự phân hóa giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến, nghiêng dần phần thắng về phe cấp tiến.

Giáo Hoàng Jean-Paul II (vốn là người Ba-Lan), Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... ủng hộ CĐĐK mạnh mẽ. Giải Nobel Hòa Bình 1983 cho Walesa, là sự cổ vũ to lớn cho phong trào dân chủ. Lúc này, Liên Xô không có chủ trương can thiệp Ba Lan bằng quân sự.

Năm 1989, hai bên gặp nhau ở Hội Nghị Bàn Tròn bàn về con đường tương lai của đất nước và sau đó, với thắng lợi của CĐĐK trong cuộc bầu cử nghị viện, Walesa trở thành tổng thống đầu tiên của nước Ba-Lan dân chủ.

Đây là mắc xích đầu tiên bị vỡ trong hệ thống XHCN Đông Âu.
_______
Bài học lịch sử:
1. Có tổ chức chính trị đối lập được lãnh đạo bởi những nhân vật kiên cường, bản lĩnh.
2. Có sự ủng hộ mạnh mẽ và hiệu lực của quốc tế.
3. Có một bộ phận cầm quyền có thực tâm muốn thay đổi và hợp tác.
4. Có sự bàn bạc thống nhất giữa các bên về con đường đi cho tương lai của đất nước.


tượng hồng quân Liên Xô rời bệ

»»  read more