8.12.18

điếu văn của Bush-con trong lễ tang Bush-cha.

Coi đám tang Bush-cha, thấy ông Bush-con đọc điếu văn rất vui (vì thấy mọi người thỉnh thoảng lại cười vang, chứ tôi hổng nghe rành tiếng Anh), nhưng đến đoạn cuối ông gục đầu trên bục và bật khóc.

Giây phút cảm động nhất là khi đi xuống, ông vỗ nhẹ hai cái trên quan tài phủ quốc kỳ của cha. Như cái vỗ lưng trìu mến. Như một lời từ biệt sau cùng

Một đám tang vui vẻ có nhiều tiếng cười là mơ ước của tôi và có thể, của rất nhiều người.


ĐIẾU VĂN
(
do G.W. Bush con đọc tại lễ tang G.H.W. Bush)


Các vị khách quý, các vị Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân, các viên chức chính phủ, viên chức nước ngoài, và bạn bè thân quý. Jeb, Neil, Marvin, Doro, và tôi cùng gia đình thân quyến chân thành cám ơn tất cả quý vị đã có mặt tại đây cùng chúng tôi.

Tôi có lần nghe người ta nói về con người, “Ý là chết trẻ càng trễ càng tốt.”

Ở tuổi 85, một thú vui của cố Tổng thống George H. W. Bush là đề máy chiếc thuyền Fidelity, khởi động những động cơ gấp ba lần 300 mã lực để phóng, bay một cách vui vẻ qua Atlantic với thuyền Mật vụ đang căng thẳng theo sau.

Ở tuổi 90, cố Tổng thống George H. W. Bush nhảy dù từ phi cơ, đáp xuống Nhà thờ St. Ann bên bờ biển ở Kennebunkport, tiểu bang Maine – nơi mẹ ông kết hôn và nơi ông vẫn thường đi lễ. Mẹ vẫn đùa, bảo bố chọn nơi đó phòng khi dù không bung.

Ở tuổi 90, ông phấn chấn vui mừng khi bạn thân James A. Baker giấm giúi đem vào bệnh viện một chai vodka Grey Goose. Rõ ràng, chai rượu quá tốt với món bò steak mà Morton giao cho Baker.

Cho đến những ngày cuối đời, bố vẫn hướng dẫn con cháu. Khi về già, ông dạy chúng tôi sống có tuổi với phẩm cách, hài hước và tử tế như thế nào, và đến khi Chúa gọi thì can đảm gặp Ngài với niềm vui trong lời hứa của những gì phía trước.

Một lý do Bố biết chết trẻ như thế nào là do ông gần chạm tay vào đó, hai lần. Khi còn thiếu niên, nhiễm trùng tụ cầu khuẩn gần như lấy đi mạng sống của ông. Vài năm sau, khi một mình trên chiếc bè lênh đênh trên Thái Bình Dương, ông cầu nguyện được người ta đến cứu trước khi bị kẻ thù tìm thấy.

Chúa đã trả lời những lời cầu nguyện này, không những thế, Ngài có những dự tính khác cho George H.W. Bush. Đối với bố, tôi nghĩ, những vết bầm tím của cái chết đã khiến ông trân quý món quà cuộc sống. Chính vì vậy, ông thề sẽ sống hết mình mỗi ngày.

Bố luôn luôn bận rộn – một người đàn ông chuyển động không ngừng – nhưng ông chưa bao giờ quá bận rộn chia sẻ tình yêu cuộc sống với những người chung quanh. Ông dạy chúng tôi yêu thích thiên nhiên, ông thích nhìn chó chọc ghẹo bầy chim. Ông yêu thích thả cá vược khó bắt. Và khi phải gắn liền với xe lăn, ông vui khi được ngồi trước hiên sau nhà tại Walker’s Point, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Đại Tây Dương. Đường chân trời trước mắt ông thật tươi sáng và tràn đầy hy vọng. Bố quả thật là một người rất lạc quan, và niềm lạc quan đó đã dẫn dắt con cái, và giúp mỗi một chúng tôi tin rằng, bất cứ điều gì đều có thể làm được.

Bố vẫn thường mở rộng những chân trời của mình với những quyết định can đảm. Ông ấy là nhà ái quốc. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông tạm gác đại học sang một bên để trở thành phi công chiến đấu Hải quân khi Đệ nhị Thế chiến nổ ra. Giống như nhiều người trong cùng thế hệ, ông chưa bao giờ nói về thời gian quân ngũ cho đến trở thành nhân vật của công chúng, buộc ông phải nhắc đến. 

Chúng tôi được biết về cuộc tấn công ở Chichi Jima, hoàn thành nhiệm vụ, và bị bắn rơi. Chúng tôi được biết về cái chết của những đồng đội của bố, những người ông suốt đời giữ trong tâm tưởng, và chúng tôi biết về chuyện ông được cứu như thế nào.

Và rồi, một quyết định táo bạo khác, bố đưa gia đình trẻ của mình đang thoải mái ở bờ Đông dọn sang Odessa, Texas. Bố mẹ nhanh chóng thích nghi với môi trường cằn cỗi. Bố là người dễ chịu, ông tử tế, kết láng giềng với những phụ nữ mà bố mẹ và tôi dùng chung phòng tắm trong một căn duplex nhỏ, thậm chí ngay cả khi ông biết công việc của họ – những nữ hoàng bóng đêm. (Tiếng cười rộ lên)

Bố là người biết đồng cảm, có thể cảm thông với bất cứ ai trong mọi tất cả tầng lớp xã hội. Ông ấy không hoài nghi, ông biết tìm điểu tốt trong mỗi con người và vẫn thường tìm thấy.



Bố dạy chúng tôi rằng, phục vụ công chúng cao quý và cần thiết, và một người có thể phục vụ với liêm chính và gìn giữ những giá trị quan trọng, như niềm tin và gia đình. Ông ấy tin mãnh liệt rằng, điều quan trọng là phải đền đáp cộng đồng và quốc gia nơi mỗi người sinh sống. Bố nhận ra rằng, tâm hồn sẽ luôn phong phú khi chúng ta cho ra, khi phục vụ những người khác. Chính vì vậy, ông ấy toả sáng nhất trong một ngàn điểm sáng.

Trong thành công, bố không dành hết điểm. Khi thất bại, ông gánh vác trách nhiệm. Ông chấp nhận thất bại là một phần của việc sống một cuộc đời trọn vẹn, nhưng bố dạy chúng tôi không bao giờ để thất bại đánh gục. Ông cho chúng tôi thấy, những trở ngại có thể tăng thêm sức mạnh như thế nào.

Không có nỗi thất vọng nào của ông có thể so sánh với thảm kịch lớn nhất trong cuộc đời một con người, đó là sự mất mát đứa con. Jeb và tôi còn quá nhỏ để có thể nhớ nỗi đau đớn mà bố mẹ trải qua khi em gái 3 tuổi của chúng tôi qua đời. Sau này chúng tôi mới biết, bố cầu nguyện cho em mỗi ngày. Ông gắng gượng được là nhờ tình yêu của Đấng Toàn năng, và tình yêu đích thực và bền bỉ của mẹ chúng tôi. Bố luôn tin, một ngày nào đó, ông sẽ lại được ôm con gái Robin yêu quý.

Bố thích cười, đặc biệt là cười nhạo bản thân. Ông có thể trêu ghẹo và châm chích ai đó, nhưng không bao giờ mạ lị. Ông xem những câu nói đùa hay rất quan trọng. Đó là lý do ông chọn Simpson.  Có một nhóm bạn bè thân thích mà ông vẫn thường xuyên chia sẻ những câu chuyện đùa trên email. Hệ thống chấm điểm chất lượng của truyện cười mang tính rất George Bush. 7 – 8 điểm rất hiếm và được xem là người thắng lớn, nhưng hầu hết chúng không có màu sắc.

George Bush biết làm bạn trung thành và đích thực như thế nào. Ông vinh danh và nuôi dưỡng nhiều tình bạn bằng sự rộng lượng và tâm hồn cho ra. Có rất nhiều thư viết tay, động viên, khích lệ, cảm thông hay cám ơn bạn bè và người thân.

Bố là người có khả năng phi thường trong việc đóng góp bản thân mà không mong báo đáp. Nhiều người sẽ nói với các bạn rằng, bố tôi là cố vấn, là một người cha tinh thần trong cuộc đời họ. Ông biết lắng nghe và biết an ủi. Ông là bạn của Don Rhodes, Taylor Blanton, Jim Nantz, Arnold Schwarzenegger, và có lẽ, không giống như những người khác, ông làm bạn với người đã đánh bại ông, Bill Clinton. Anh em chúng tôi xem những người đàn ông trong nhóm bạn này là “anh em khác mẹ.”

Bố dạy chúng tôi, không nên bỏ phí dù một ngày. Ông chơi golf với tốc độ đáng nể. Tôi luôn luôn tự hỏi, tại sao bố khăng khăng chơi golf tốc độ, ông đánh golf rất giỏi. Kết luận của tôi là, ông chơi nhanh, vì vậy có thể chuyển sang trận khác, tận hưởng thời gian còn lại trong ngày, tiêu hao năng lượng, sống hết mình. Ông được sinh ra với hai trạng thái: vắt kiệt sức, rồi ngủ.

Bố dạy chúng tôi làm người cha, làm ông, làm ông cố tốt có ý nghĩa gì. Ông rất cứng trong những nguyên tắc riêng và luôn hỗ trợ khi chúng tôi bắt đầu trưởng thành. Ông khích lệ, động viên và an ủi nhưng không bao giờ mách nước. Chúng tôi thử sự kiên nhẫn của ông – tôi biết mình từng thử – nhưng ông bao giờ cũng đáp lại với món quà tuyệt vời của tình yêu vô điều kiện.

Thứ Sáu tuần trước, khi được báo ông đang lâm chung, tôi gọi điện đến. Người nhận điện thoại bảo, “Tôi nghĩ ông ấy có thể nghe được ông, nhưng hầu như cả ngày không nói tiếng nào. Tôi bảo, “Bố à, con yêu bố lắm, và bố là người cha tuyệt vời nhất trên đời.” Và câu nói cuối cùng của ông trên trái đất này là, “Bố cũng yêu con!”

Đối với chúng tôi, bố gần như hoàn hảo, nhưng không phải hoàn hảo tuyệt đối. Game của bố ồn ào,  ông không giống như vũ công, ca sĩ Fred Astaire trên sàn nhảy, ông không thể tiêu hoá rau, đặc biệt là broccoli,. Và nhân tiện, ông ấy truyền gen này sang cho chúng tôi.

Cuối cùng, mỗi ngày trong cuộc hôn nhân 73 năm, Bố dạy chúng tôi làm một người chồng tuyệt vời có ý nghĩa như thế nào. Ông ấy kết hôn với nửa của mình, ông trân trọng mẹ, ông cười và khóc cùng với bà, ông dành trọn vẹn cho bà.

Khi tuổi xế chiều, Bố thích nắm tay mẹ khi xem các loạt phim truyền hình cảnh sát chiếu lại, vặn âm thanh lớn. Sau khi mẹ qua đời, Bố mạnh mẽ nhưng ông chỉ muốn được nắm tay mẹ lại.

Tất nhiên, Bố dạy tôi một bài học đặc biệt khác. Ông cho tôi thấy ý nghĩa của việc làm Tổng thống, phục vụ quốc gia với liêm chính, lãnh đạo với lòng can đảm, và hành động với trái tim chứa đầy tình yêu dành cho đồng bào quốc gia. Khi lịch sử được viết thành sách, họ sẽ bảo rằng, George H.W. Bush là vị Tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ, một nhà ngoại giao chưa từng có, một vị Tổng Tư lệnh có thành tựu to lớn, và một người đàn ông lịch lãm thực thi nhiệm vụ với tư cách phẩm giá và danh dự.

Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống 41 của Hoa Kỳ nói rằng, "Chúng ta không thể hy vọng chỉ để lại cho con chiếc xe to hơn, một trương mục ngân hàng lớn hơn. Chúng ta phải hy vọng cho chúng biết ý nghĩa của một người bạn trung thành, một người làm cha làm mẹ biết yêu thương, một công dân biết xây dựng căn nhà của mình, cộng đồng của mình, khu phố của mình tốt hơn khi anh ta tìm đến. Chúng ta muốn những người đàn ông, những phụ nữ làm việc với chúng ta nói gì khi chúng ta không còn ở đó nữa? Rằng chúng ta hướng tới thành công hơn bất cứ hai chung quanh? Hay, chúng ta dừng lại hỏi thăm một đứa trẻ bị bệnh đã khoẻ chưa, và ghé một chút để trao đổi vài câu thăm hỏi bạn bè?"

Bố à, chúng con sẽ ghi nhớ lời bố, nhớ tất cả những điều này và nhiều hơn thế nữa!

Chúng con sẽ nhớ Bố. Tấm lòng lịch sự, chân thành, và tốt bụng của bố sẽ ở lại với chúng con mãi mãi. Chính vì vậy, qua nước mắt, hãy cho chúng con nhìn thấy phước lành khi được làm con của Bố và yêu thương Bố – một người đàn ông cao quý và tuyệt vời, và người cha tốt nhất trên đời.

Và trong niềm thương tiếc, đau buồn, hãy để chúng con mỉm cười khi biết Bố đang ôm Robin và đang nắm tay mẹ!

Nguyễn Quang Vinh dịch
(từ trang NDH.vn
)
»»  read more

21.11.18

Việt hóa


KHÚC I

1.
Trong nền văn chương Miền Nam có thể loại truyện phóng tác. Hiện nay, có nhiều định nghĩa về phóng tác; tôi tạm khoanh hẹp trong nghĩa "là một tác phẩm được một tác giả Việt viết lại theo nội dung của một tác phẩm nước ngoài; khung cảnh địa danh tên tuổi nhân vật được Việt hóa."
Với nghĩa như trên, có thể xem Phan Trần, Truyện Kiều là những tác phẩm phóng tác.

2.
Trong văn chương quốc ngữ, người có tác phẩm tiểu thuyết phóng tác đầu tiên có lẽ là Hồ Biểu Chánh:
"Cay đắng mùi đời" và "Chút phận linh đinh" (từ Sans FamilleEn Famille của Hector Malot);
"Chúa tàu Kim Quy" (từ Le comte De Monte Cristo của A. Dumas);
"Ngọn cỏ gió đùa" (từ Les Misérables của Victor Hugo);
"Người thất chí" (từ Tội Ác và Hình Phạt của F.M. Dostoyevsky).

3.
Hoàng Hải Thủy cũng nổi tiếng với nhiều tác phẩm phóng tác:
"Kiều Giang" (từ Jane Eyre của C. Bronte);
"Nổ như tạc đạn" (từ Près Moi Le Déluge của Cleve Franklin Adams);
"Như chuyện thần tiên" (từ Scorpion Reef của Charles Williams);
"Chiếc hôn tử biệt" (từ A Kiss Before Dying của Ira Levin);
"Ðỉnh Gió Hú" (từ Wuthering Heights của Emily Bronte);
"Ði tìm người yêu" (từ The Citadel của A.J Cronin);
"Vụ án họ Trình" (từ The Bellamy Trial của Francis Noys Hart);
"Anh Gù Nhà Thờ Ðức Bà" (từ Notre-Dame de Paris của Victor Hugo);
"Người yêu, Người giết" (từ La Seconde Souffle của Jose Giovanni)...

4.
Sách truyện thiếu nhi Tủ sách Tuổi Hoa cũng có nhiều truyện phóng tác, nhất là loại phiêu lưu mạo hiểm Hoa Đỏ: "Mật lệnh U Đỏ", "Ngục thất giữa rừng già", "Tiếng chuông dưới đáy biển", "Bông uất kim hương đen"...

5.
Thử đọc một đoạn phóng tác của Hồ Biểu Chánh mô tả Jean Valjean bị bắt trả lại đồ ăn cắp trong nhà thờ; với phóng tác là nhân vật Lê Văn Đó trộm bình tích ngọc trong chùa:
"Hòa-Thượng bước tới trước mặt Lê Văn Đó rồi hỏi rằng: "Hồi hôm bần đạo tính để sáng bần đạo cho bạc thêm nữa, sao chú em không chờ, mà từ đi sớm dữ vậy?" Hòa thượng bèn day qua nói với Lý trưởng Thân rằng: "Người này không phải là người gian. Đồ này là đồ của bần đạo cho. Chứ không phải là đồ ăn trộm đâu. Làng xóm bắt dắt trở lại đây thất công, thiệt tội nghiệp quá!"

Và đoạn Hoàng Hải Thủy phóng tác Jane Eyre vào Trại mồ côi Lowood thành cô Kiều Giang đi học Trường Nữ Mồ Côi Gò Ôn:
"Lúc ấy mặt trăng đã lặn. Trời tối mịt, nhưng ở đằng đông nơi chân trời ánh sáng đã lờ mờ ẩn hiện. Sương xuống nhiều lạnh đến nỗi, tuy đã bận cái áo len mới, tôi vẫn run lên, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập.
Nhiều ánh đèn nhấp nhánh ở bến xe đò. Người ta nhốn nháo chạy qua, chạy lại. Những chuyến xe khởi hành từ Huế đi các nơi sớm nhất trong ngày đang sửa soạn rời bến.
Thấy xe xích lô chở chúng tôi đến, nhiều anh lơ xe tranh nhau chạy ra kéo vào xe đò của mấy anh, mặc dầu chị Bính luôn miệng kêu ầm lên là đi Gò Ôn và đã lấy giấy xe rồi. Sau một hồi giằng co, xô đẩy, chị mới đưa được tôi đến chiếc xe đò đi Gò Ôn."

6.
Người thời nay, đọc những tác phẩm gạo cội, được phóng tác một cách bình dân như vậy, chắc không khỏi bật cười. Nhưng có lẽ ở thời trước, những tác phẩm đó cần được Việt hóa mọi sự, để gần gũi với tâm tình và suy nghĩ của độc giả.

KHÚC II

"Việt hóa" tên đất tên người nước ngoài phát triển song hành cùng chữ quốc ngữ.

1.
Ban đầu, người Việt mượn chữ Hán, phiên âm bằng Hán-Việt nên chúng ta từng có địa danh: Pháp-lang-sa, Anh-cát-lợi, Nga-la-tư, Tân-gia-ba, Phi-luật-tân, Ba-lê, Luân-đôn, Mạc-tư-khoa...; nhân-danh: Mạnh-đức-tư-cưu (Montesquieu), Hoa-thịnh-đốn (Washington), Mã-khắc-tư (Marx), Nã-phá-luân (Napoleon), Kha-luân-bố (Columbus)...


2.
Khi tiếp xúc với khoa học phương Tây, để giúp cho người học Hoàng Xuân Hãn đã soạn cuốn "Danh từ khoa học".

Nhờ ông, tiếng Việt phong phú thêm với: hydro, cac-bua, hình-học, quy-tụ, khuếch-tán, hàm-số, phương-trình, nghiệm-số, phản-xạ, tán-sắc, thủy-động-học...

Chúng ta, bây giờ, quá quen thuộc với những danh từ trên nên không hình dung được công lao to lớn khó nhọc của người khai phá. Hoàng Xuân Hãn phải kỳ công lựa chọn giữa tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Nhật, tiếng Việt (Nôm)... để tìm ra một danh từ thích hợp cho nhiều ngành vật lý học, hóa học, toán học, luật học, thiên văn học... mà chúng ta còn dùng đến ngày nay.

Công việc bổ sung những danh từ khoa học vẫn còn được tiếp tục phát triển. Bây giờ, không ai còn xa lạ với những thuật ngữ: máy-tính, con-chuột, phần-mềm, ổ-cứng, bàn-phím, màn-hình... hoặc xa xa hơn một chút: lỗ đen, siêu-tân-tinh, vật chất tối, lý thuyết dây, lý thuyết số...

3.
Một nhánh Việt hóa khác là cách phiên âm tên người tên đất nước ngoài 'qua tiếng Việt hoàn toàn', như Niu-ooc (New York), Oa-sinh-tơn (Washington), Xinh-ga-po (Singapore), Clin-tơn (Clinton), Trăm (Trump), Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn (Somsak Kiatsuranont)...

Dù đây là quy định phiên âm chính thức của nhà nước, nhưng dần dà, trên nhiều phương tiện truyền thông báo chí, cách để nguyên danh từ riêng theo dạng "tiếng Anh" đang thắng thế.

4.
Cách phiên âm "chuẩn luật" nói trên, cũng tồn tại trong các kinh sách của Ki-tô giáo Việt Nam, với mục đích để các tín hữu bình dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng.

Giê-su, Phê-rô, Phao-lô, Gio-an, Giu-se, Ma-ri-a, Giê-ru-sa-lem (Jerusalem), Pha-lê-tin (Palestin), Cô-rin-tô (Corinthos), Gio-đăng (Jordan)...

Một chuyện thú vị là Dòng Phan Sinh (Francis) "phóng tác" các tên thánh sang tên Việt hẳn hoi:
Phao lô | Bảo Lộc
Ignato | Y Nhã
Vincent | Vinh Sơn
Beneditto | Biển Đức
Bénilde | Bá Ninh
[Gioan-Baptist de] La Salle | La San
Dominico | Đa Minh
Giacobe | Gia Cơ
Carmelo | Cát Minh
Gioan | Duy Ân
[Saint–] Sulpice | Xuân-Bích

5.
Sau gần 150 năm chữ quốc ngữ, những nỗ lực "Việt-hóa" có lẽ đã hoàn thành vai trò của mình. Giờ đây, tiếng Việt đã chọn lựa một lối đi khác, hiện đại hơn và hòa nhập sâu vào cộng đồng thế giới.
»»  read more

3.11.18

ngày Ngâu

Giọt rơi mềm trên phiến lá êm
Vòm khế biếc xanh lời do dự
Hương cà phê thơm từ ngày cũ
Có giữ ấm được môi ngày mưa

Giọt rơi đằm trên con sóng trưa
Bãi bờ chìm trong vắng lặng
Nụ hôn dài xót xa trĩu nặng
Phút mơ hồ nghi ngại chia xa

Giọt rơi mờ sương khói sân ga
Tiếng còi tàu xé đêm chói gắt
Những ngón tay tìm nhau tất bật
Níu giữ một ngày Ngâu chênh vênh

*
»»  read more

16.10.18

thanh toán biên-mậu Việt Trung



Ngày 28/8/2018, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhằm hướng dẫn Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và thay thế Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/06/2004 về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế của khẩu Việt Nam-Trung Quốc.

Mục tiêu ban hành Thông tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân, cư dân trong hoạt động thương mại ở khu vực giáp biên giới của 7 tỉnh biên giới Việt Trung, đảm bảo nguyên tắc tính thống nhất của pháp luật, tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối, phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế. Sau khi Thông tư ban hành đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Để làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế.

Bà đánh giá thế nào về việc ban hành Thông tư 19 vào thời điểm hiện nay?
- Những năm gần đây, các văn bản pháp quy về hoạt động kinh tế ở nước ta được ban hành rất nhiều, tôi không thể theo dõi xuể. Ngân hàng không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi, nên tôi ít quan tâm. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 19 được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/8 vừa qua, có nhiều ý kiến thể hiện sự lo ngại của một số chuyên gia kinh tế và công chúng trong xã hội, nên từ đó tôi mới lo lắng và quan tâm tìm hiểu về Thông tư này.

Đọc kỹ Thông tư 19 và các văn bản pháp quy mà trên cơ sở đó Thông tư này ra đời, tôi hiểu ra và trút bỏ được những nỗi lo ban đầu.

Trước hết, Luật các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành đều khẳng định rõ nguyên tắc bất di bất dịch là trên lãnh thổ Việt Nam, đồng tiền Việt Nam là đồng tiền duy nhất được lưu hành. Đó cũng là tinh thần của Hiến pháp nước ta, và là nguyên tắc chủ quyền của mọi quốc gia trên thế giới.

Các ngoại tệ có thể được sử dụng làm phương tiện giao dịch, thanh toán trong các giao dịch dân sự, nhưng đều phải qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng được phép giao dịch ngoại hối, và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhà nước. Riêng với 3 nước có chung biên giới Căm-pu-chia, Lào, Trung Quốc, giữa nước ta với các nước này đã có những hiệp định thương mại quy định về thương mại biên giới cho phép sử dụng đồng tiền của cả hai bên trong những giao dịch tại biên giới theo các thiết chế chặt chẽ, và đã được thực thi từ năm 2004.

Thông tư 19 tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Luật các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối, và được thiết kế để các giao dịch thương mại biên giới Việt-Trung, dù được tạo thuận lợi bằng việc được sử dụng cả hai đồng tiền VND và CNY, cũng chỉ trong phạm vi rất hạn chế về đối tượng, về địa lý và phải thực hiện quy định thông qua hệ thống ngân hàng, kể cả đối với giao dịch tiền mặt (trong thời hạn 07 ngày).

Về đối tượng của Thông tư, Luật Quản lý Ngoại thương ban hành năm 2017 có mục 7 (gồm 3 Điều 53, 54, 55) về hoạt động thương mại biên giới, cùng Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới đã quy định rõ ràng, chặt chẽ thế nào là hoạt động thương mại biên giới; thế nào là thương nhân và cư dân tham gia hoạt động thương mại biên giới; những địa bàn như thế nào thì được coi là biên giới, chợ biên giới; danh mục hàng hóa, dịch vụ trao đổi ở đó được xác định như thế nào…

Có nghĩa là đối tượng của Thông tư 19 đã được khoanh rõ qua Luật và Nghị định nói trên, cùng các văn bản pháp quy liên quan khác (như Luật Biên giới, Luật Hộ khẩu…), để giới hạn phạm vi áp dụng về con người, địa bàn, hàng hóa, phương thức kinh doanh, cách thức thanh toán…theo các quy định về thương mại biên giới, đi đôi với các công cụ giám sát của nhiều cơ quan nhà nước liên quan.

Và do vậy, Thông tư 19 theo đúng luật pháp hiện hành sẽ chỉ được áp dụng trong phạm vi những giới hạn này thôi. Quy mô giao dịch tiền tệ và phạm vi ảnh hưởng của nó sẽ không rộng lớn như nhiều người lo ngại. Ngay trong Thông tư 19, các quy định về thanh toán qua ngân hàng, giao dịch tiền mặt …cho thương nhân và cư dân cả hai bên biên giới cũng được đưa ra cụ thể, chi tiết, khá chặt về pháp lý để nhà nước có thể giám sát, kiểm soát được cả về giao dịch thương mại lẫn việc thanh toán và giao dịch tiền tệ giữa hai bên.

Thông tư quy định rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh là thương nhân và cư dân biên giới có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới tại khu vực biên giới của 7 tỉnh giáp biên giới Trung Quốc,vậy vì sao lại có những ý kiến lo ngại đối tượng áp dụng Thông tư 19?

Lúc thoạt đọc câu “Đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc của thương nhân là ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc CNY” trong Thông tư, tôi cũng giật mình như nhiều người khác. Khi đọc kỹ các quy định cụ thể trong những phần tiếp theo của Thông tư, và cả trong các văn bản pháp quy khác như đã kể trên, tôi mới hiểu rõ hơn về mục tiêu, nội hàm, phạm vi áp dụng của Thông tư, về các công cụ quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này, và từ đó mới yên tâm hơn.

Sự giật mình lo ngại của tôi cũng như nhiều người khác xuất phát từ nhiều điều.

Thứ nhất, nhiều năm nay nước ta đã bị nhập siêu ngày càng nặng nề từ Trung Quốc, mà ngay quy mô nhập siêu chúng ta cũng chưa đánh giá được thật đầy đủ (thể hiện qua chênh lệch lớn giữa số liệu thống kê do VN và Trung Quốc công bố).

Thứ hai, thương mại biên giới, hay biên mậu, giữa ta với Trung Quốc diễn ra nhiều năm nay, với quy mô ngày càng lớn, rất phức tạp, khó kiểm soát; hàng hóa Trung Quốc qua đường biên mậu đã len vào từng ngõ hẻm trên mọi miền đất nước, gây nhiều lo ngại cho cả các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng nước ta, chưa kể thất thu thuế cho nhà nước do buôn lậu. Hay thông qua kênh du lịch, nhiều người Trung Quốc đã vào nước ta kinh doanh, làm lao động, tiêu tiền của họ trong các giao dịch với nhau…

Thứ ba, gần đây công luận hết sức lo lắng về dự luật đặc khu kinh tế (mà Quốc hội đã sáng suốt hoãn việc thông qua để nghe thêm ý kiến nhân dân), về việc Trung Quốc thúc giục xây dựng các khu kinh tế-thương mại biên giới, về tác động tiêu cực nước ta có thể hứng chịu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung…

Lo tình trạng nền kinh tế nước ta bị lệ thuộc khá nặng nề vào Trung Quốc, những mối lo về an ninh-quốc phòng, tình hình ở Biển Đông… khiến cho không một người Việt Nam yêu nước nào không cảnh giác, lo lắng trước bất cứ động thái nào mới trong quan hệ Việt-Trung có thể gây phương hại cho chúng ta.

Thông tư 19 ra đời trong bối cảnh đó, cùng với sự “bất đối xứng về thông tin” giữa nhà nước với dân, rồi việc những giải trình cần thiết về Thông tư đến với dân chậm hơn so với tốc độ lan truyền của văn bản khi chưa có sự giải thích và hiểu đầy đủ sẽ gây ra một số phản ứng. Sự “bất đối xứng về thông tin” thể hiện rõ nhất trong việc nước ta cùng với các nước láng giềng Căm-pu-chia, Lào, Trung Quốc đã cho phép thực hiện thanh toán các giao dịch thương mại biên giới bằng đồng tiền của hai bên từ năm 2004, nhưng đa số người dân đâu có biết! Thông tư 19 nói riêng và quy trình xây dựng các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực kinh tế nói chung nên có sự trao đổi trước với các chuyên gia kinh tế, pháp luật… để họ hiểu rõ cơ sở pháp lý và các quy định then chốt, đặc biệt là phạm vi áp dụng và các công cụ giám sát của Thông tư này, thì sẽ đỡ đi những lo lắng do cách hiểu và diễn giải khác về Thông tư này.

Bà có khuyến cáo gì về các cơ chế giám sát để thực thi tốt Thông tư này?
- Điều lo ngại vẫn còn trong tôi là liệu các cơ quan nhà nước có thực hiện được nghiêm túc, đồng bộ những quy định trong Luật, Nghị định và Thông tư nói trên không. Thật tình lâu nay quan sát các hoạt động kinh tế ở nước ta, tôi thấy nhiều khi có được văn bản pháp quy tốt đã khó, nhưng thực thi tốt các văn bản đó còn khó hơn nhiều. Không thể phủ nhận thực tế đang gây đau đầu cho chúng ta hiện nay, là không ít người trong bộ máy cán bộ nhà nước còn khá hạn chế về trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, cũng như về sự phối hợp công tác với nhau. Sự hiểu biết và tuân thủ pháp luật trong người dân của chúng ta cũng có những hạn chế, vì nhiều khi ngay cả tiếp cận thông tin pháp luật đối với họ cũng khó, như nhiều điều tra đã cho thấy. Chính thực tế này khiến cho tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả của nhiều quy định pháp luật của nước ta kém “thiêng” đi, trong khi các rủi ro có thể tăng lên.

Tôi rất lo nếu những người có trách nhiệm thi hành không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ, chức trách của họ, thì các quy định có thể sẽ bị những kẻ gian ở cả hai bên biên giới lợi dụng, gây phương hại cho nền kinh tế của ta. Trong Thông tư không đưa ra quy định chế tài vì đã có quy định ở các văn bản pháp luật khác. Nhưng tôi đề nghị vẫn nên làm rõ chế tài đối với cả người nhà nước và người dân trong việc thực hiện Thông tư này.

Tôi cũng mong nhà nước tạo thêm kênh giám sát của xã hội, của nhân dân ở các tỉnh biên giới cũng như ở các địa phương khác, để người dân có thể phản ảnh kịp thời và giúp nhà nước ngăn chặn những diễn biến bất lợi có thể xảy ra.

Điều quan trọng nhất là mọi việc phải được thực hiện và giám sát, kiểm soát nghiêm minh đúng như các quy định. Thực sự phải tăng cường sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm, năng lực làm việc và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và nhân sự có trách nhiệm quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan, đặc biệt là tại các địa phương. Và Thông tư cần được phổ biến, giải thích, hướng dẫn tường tận cho thương nhân và cư dân các vùng biên giới để họ hiểu rõ và tự giác thi hành tốt.

Thúy Linh (Vietnamnet)
»»  read more

10.10.18

mười tháng mười


1.
Sáng ni coi TV mới biết người ta kỷ niệm long trọng 60 năm Ngày Giải Phóng Hà Nội. Tui nhớ hồi trước gọi là Ngày Tiếp Quản Thủ Đô. Ký HĐ Geneve xong, phần miền Bắc là của VNDCCH, về mà tiếp quản chứ có giành giật đánh chiếm với ai mà đòi "giải phóng" hè?
2.
Cũng trên TV, nhân ngày này, người ta tôn vinh những giá trị ngàn năm của HN, từ lối sống thanh lịch của người Tràng An đến những món ẩm thực đầy tinh tế của Thăng Long; từ những giá trị vật thể của phố phường đình đài miếu mạo cổ xưa đến những giá trị phi vật thể chầu văn ca trù...
Lạ hè!

Tui nhớ sau khi tiếp quản thủ đô, những giá trị tàn dư phong kiến-đế quốc-thực dân-địa chủ-tư sản-tiểu tư sản... đó đều bị những giá trị mới (vô sản-công nông binh) kiên quyết tiêu diệt sạch kia mà!

Sau khi tiếp quản, ai thuộc diện "phản động" thì đã lên tàu há mồm vào Nam. Ai còn ở lại HN thì ngậm ngùi xếp những áo dài hoa, những bộ vest cravat vào tận đáy hòm, thay vào đó là bộ áo cánh nâu "dân quân", ngậm ngùi quên những bài hát tiền chiến mơ mộng để lớn tiếng khúc quân hành, ngậm ngùi quên phở, chả cá, cà phê bơ sữa để quay lại với tương cà mắm muối...
3.
Giải phóng ư! Cũng có thể, với những giá-trị-không-ai-tiêu-diệt- nổi, có phải HN hôm nay đã giải phóng trở lại những người đòi "giải phóng" mình ngày xưa!?

10/10/2014
»»  read more