24.5.13

nghĩ lơ mơ ngày rằm tháng tư

Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn.
1.
"Đạo biến mất khi trở thành một tôn giáo!"

Đạo biến mất khi Phật nhập diệt. Sau đó không lâu, mỗi ông đệ tử dành cho mình cái quyền diễn giải lời của Ngài! Và không ông nào chịu ông nào! Kinh kệ cũng ra đời từ đó! Không phải vô cớ, mà đức Phật nói: "Hơn bốn mươi năm nay, ta chưa hề nói câu nào!"

Quả vậy, đạo là con đường đi, tôn giáo là nơi thờ lạy! Con đường của Đạo kết thúc ngay trước cổng Đền thờ. Đạo là tự do, khoái hoạt, bay bổng. Tôn giáo là bó buộc, khắc khổ, đè nén.

Với Đạo, "duy ngã độc tôn" là nói đến cái tôi cá nhân, cái độc ngã không giống ai của từng người trên cuộc đời này, để mỗi một con người là một sắc màu riêng của cuộc sống!

Với Tôn giáo, "duy ngã độc tôn" là nói đến cái đại ngã, chơn ngã, ngã pháp thân... một cái ngã mơ hồ chẳng ai có trải nghiệm gì, khép mọi người vào bộ đồng phục một màu!

2.
Phật giáo là tôn giáo duy nhất vô thần.

Phật không phải là đấng toàn năng, Ngài là một con người xuất chúng, tìm được con đường để con người tự giải thoát khỏi những đau khổ của cuộc đời và Ngài chỉ con đường đó cho chúng ta.

Đi như thế nào, trải nghiệm như thế nào, chứng ngộ như thế nào, là chuyện cá nhân - độc ngã của mỗi người, không ai giống ai. Chính đức Phật cũng không làm thay chúng ta được.

Những bậc toàn giác bao giờ cũng nói điều giản dị, chỉ ra con đường dễ đi! Nhưng lớp người kế tục lại muốn nói điều phức tạp, chỉ ra con đường khó khăn! Đó là cái khác giữa Phật và Người! Đó là cái khác giữa Không và Sắc! Đó là cái khác giữa Người Chỉ Đường với Ông Giáo Chủ.

"Ngày nay, đến với những khái niệm gốc của Phật: Niết Bàn, Luân Hồi, Vô Ngã, Vô Thường, Tánh Không, Duyên Nghiệp... ta bị những bức tường chữ nghĩa siêu việt, những lý luận bí hiểm làm hoảng kinh như chim nhỏ lạc vào rừng thẳm...
 

Ngày nay, đến với Phật, ta phải đi qua bao bậc cấp, bao đỉnh nhang, bao mâm cúng, bao sơn son thếp vàng, bao tượng đá tượng đồng, bao đấng bậc áo xống lộng lẫy, uy nghiêm lẫm lẫm...
 

Tưởng chừng Phật cũng bị nhốt trên tận tòa cao! " (trích lại Những ý nghĩ lờ mờ - entry 24/3/2013)

3.
Bạn cứ yên chí cái "duy ngã độc tôn" của mình. Bạn sống một đời vui vẻ, hoan lạc hay đau buồn, khổ sở là do bạn chọn. Nếu cuộc trần thế này xen lẫn hạnh phúc và khổ đau thì bạn hãy cố tăng thêm ngày vui sướng - niết bàn, bớt đi phút giây buồn đau - địa ngục.

Con đường thì ai cũng biết rồi: bớt cái ham muốn, bớt cái sở hữu...

Chẳng có luân hồi, chẳng có kiếp sau. Ta chỉ có một cuộc đời duy nhất, một cái ngã duy nhất để sống mà thôi!

Sống đi bạn, bỏ xuống những kinh sách bí hiểm, loại ra khỏi đầu mớ kiến thức làm dáng. Đã đến giờ đi làm rồi, bạn sẽ nhẫn nhục trước la mắng của sếp, bạn sẽ tha thứ cho xúc phạm của bạn bè, bạn sẽ nhung nhớ một người mình thương yêu, bạn sẽ lo lắng ngày mai kinh tế mãi trầm suy làm mình thất nghiệp...

Hihi, và nếu có một người đẹp lọt vào mắt bạn, bạn hãy say ngắm và thưởng thức đến tận cùng vẻ đẹp duy nhất đó trên đời này!

4.
Trải nghiệm là cá nhân. Những suy nghĩ lơ mơ trên cũng cực kỳ cá nhân! Nô vui khi bạn đồng cảm, Nô cũng vui khi bạn phản bác, vì với Nô, cái duy ngã của từng người lúc nào cũng phải được độc tôn.


»»  read more

22.5.13

vẫn là Mỹ

Tôi biết chút ít về nước Mỹ, bắt đầu từ chàng cao bồi Lucky Luke, nhân vật chính huyền thoại bắn nhanh hơn bóng mình với chú ngựa yêu có những cú nhảy tuyệt vời Jolly Jumper, trong bộ truyện tranh của Morris (bộ truyện này của Pháp chứ không phải của Mỹ).

Đối thủ của người hùng Luke: Anh em nhà Dalton chuyên cướp nhà băng với thằng út cao kều Avarelle cực ngu; Tay ma bùn cờ bạc lừa đảo siêu đẳng Pat Poker; Thằng nhóc con khét tiếng Billy the Kid...

Nước Mỹ thuở lập quốc với những thị trấn nhỏ rải rác khắp miền Tây dưới cái nóng thiêu đốt, xung quanh núi đá khô cằn, nơi đầy rẫy rắn chuông, bọ cạp, sói đồng hoang và xương rồng tua tủa gai.

Thị trấn nào cũng đặc Mỹ, luôn có một quán rượu saloon, một đồn cảnh sát của sheriff, một nhà băng và một nhà đòn đám ma tobia.

Hai dãy nhà gỗ cất dọc hai bên con đường thiên lý lầm bụi, nơi những kỵ mã rong ruổi ghé qua, nơi diễn ra những trận đấu súng kinh hồn, nơi cuối truyện ta nhìn anh chàng cao bồi nghèo và cô đơn trẩy đi xa dần trong bóng tà dương đỏ rực.

Và những chú Mễ khoác cái poncho đầy hoa văn, úp chiếc mũ sombero rộng vành lên mặt, ngủ ngồi bên vỉa hè.

Mọi thứ đều rất Mỹ.

Đến bây giờ cái kết cấu đô thị với các hạng người đó cũng còn nguyên.

Còn nguyên những người hùng nước Mỹ, trên màn ảnh, trên cartoon và ngay trong đời thực. Những người hùng đi khắp thế giới tận sâu trong lịch sử với Trân Châu Cảng, đảo Đối Mã, Triều Tiên, Việt Nam, 11/9, Apganistan, Irak... với lá cờ khi được giương cao tôn vinh, khi bị dày xéo phỉ báng...

Còn nguyên những băng cướp tài danh, những tay giang hồ lừa đảo cả thế giới, và cả những thằng ngố cũng tầm cỡ... địa cầu!

Còn nguyên những quán rượu đầy cồn, sex và bạo lực, những show diễn vĩ đại của Michael Jackson, Madonna, những miền đất thần tiên Disneyland, Neverland...

Còn nguyên lực lượng cảnh sát hùng hậu và mẫn cán với những chiếc xe tuần tra ngày đêm, chớp đèn xanh đỏ, chực chờ một cú phone 911, là có mặt ngay tắp lự!

Còn nguyên những nhà băng giờ đã thành những tập đoàn tài chính xuyên quốc gia, những con cá mập bụng phệ, ngậm xì gà khuynh đảo cả thế giới!

Còn nguyên những tobia, cung ứng mọi dịch vụ cuối cùng cho người đã chết. Bố già Corleon còn tha thiết nhờ ông nhà đòn sửa soạn cho Sonny lần cuối một dung mạo dễ coi, sau khi bị đối thủ xả nguyên những tràng tiểu liên làm nát nhừ thân xác.

Còn nguyên những tầng lớp nhập cư từ đủ mọi nơi trên thế giới, kẻ thì hòa nhập nắm được cho mình giấc mơ Mỹ, kẻ trở thành homeless, hàng ngày rách rưới, đi sau cái gia tài hầm bà lằng xí tú của mình trên chiếc xe đẩy, lang thang giữa chốn mà mọi người gọi là thiên đàng. Như là hậu duệ của các chú Mễ ngày xưa, họ cũng co quắp trên tấm carton, lót vội bên vỉa hè, vùi đầu trong chiếc mũ len, cố kiếm tìm một giấc ngủ không mộng mị.

Còn nguyên một nước Mỹ, ngay trong một thế giới chẳng còn nguyên vẹn.
»»  read more

12.5.13

đọc và nghĩ thiền

Gửi TTM Gốc Mai vì lời còm: Tìm mãi chẳng thấy Nô viết thêm gì!

I.
Chuyện Huệ Năng Thần Tú khởi đầu cho cuộc phân chia Thiền Trung Hoa thành hai phái: Nam Tông và Bắc Tông. Huệ Năng được coi là Lục Tổ, đứng đầu phái Nam Tông. Thần Tú đứng đầu phái Bắc Tông.

Phân chia Nam Bắc, vì Huệ Năng phải trốn xuống phương nam theo lời dặn của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Vốn chỉ là một “ôsin” chuyên bửa củi nấu cơm trong Thiền viện, thoắt một cái trở thành sếp, Tổ e ngại chúng dèm pha, đố kỵ, bất phục và có thể bị… ám hại trong cuộc tranh giành ngôi vị tổ .

Chuyện như vầy:

Ngũ Tổ muốn tìm vị tổ thứ sáu để truyền y bát, truyền các đệ tử làm và trình mỗi người một bài kệ. Thần Tú là đại đệ tử giỏi giang, anh em trong Thiền môn đều kính phục, rõ là “nhân vật kế cận”, làm bài kệ rằng:

    Thân thị bồ đề thụ
    Tâm như minh cảnh đài
    Thời thời thường phất thức
    Vật sử nhạ trần ai

Tạm dịch:
    Thân là cây bồ đề
    Tâm như đài gương sáng
    Phải thường xuyên quét lau
    Chớ để bụi trần ám


Chúng khen rần trời đất.

Lọ mọ đi qua, Huệ Năng (vốn không biết chữ), cậy bạn đọc cho nghe bài kệ, rồi nhờ: “Tui cũng có bài kệ, ông viết dùm lên cho chúng xem!”

    Bồ đề bổn vô thụ
    Minh cảnh diệc phi đài
    Bổn lai vô nhất vật
    Hà xứ nhạ trần ai?

Tạm hiểu:
    Bồ đề vốn hổng phải cây
    Gương sáng cũng hổng phải đài
    Trước sau hổng vật nào hết
    Chỗ nào bụi trần bám đây?


Nhờ bài kệ này, Ngũ Tổ thấy Huệ Năng đã kiến được tánh không, bèn lén truyền y bát, khai ngộ và biểu trốn đi gấp như tường thuật khúc trên.

(Huệ Năng là dân vùng Lĩnh Nam, bị coi là dân man di thô lậu, kém chữ nghĩa. Lĩnh Nam này có phải Việt Nam ta ngày xưa, như truyện Lĩnh Nam chích quái không ta?)

II.
Thần Tú nhấn mạnh thân tâm, yêu cầu phải tu sửa hàng ngày, tiến dần đến bờ giác, như Phật cũng phải trải qua vô lượng kiếp mới thành Đấng giác ngộ Thích Ca. Huệ Năng, bỏ qua thân tâm hình tướng, đề cao Phật tánh, đốn ngộ bằng trực giác, không nhất thiết qua cần cù tu tập.

Thiền vốn mênh mông, bí nhiệm. Kiến thức của Nô như cánh bèo dâu, đựng không đầy một giọt nước, nên hổng dám lạm bàn. Chỉ nhân chuyện Huệ-Thần, tự ngẫm mà thôi.

1.
Nô đồ chừng đến đời tổ thứ năm, thiền học có vẻ đi vào ngõ cụt, vướng chấp quá nhiều, thành ra việc tu tập không mấy khá. Hoằng Nhẫn có lẽ nghiệm được việc đó, nên mới chọn Huệ Năng với tư tưởng phá chấp, trực kiến tánh, trực ngộ. Dễ thấy, trong thiền chúng đã có dấu hiệu của sự suy đồi, còn tư tưởng tranh ngôi đoạt vị, còn phái người đuổi theo Huệ Năng để đoạt lại y bát, bất chấp ý nguyện của tổ sư. Bên Nam tông sau này ra sức bài bác Thần Tú, coi ngài như kẻ sai lầm, trí cạn.

Nô thấy Huệ-Thần chỉ là hai mặt của thân tâm con người mà thôi. Trong ta có cả Huệ lẫn Thần, quanh ta bằng hữu cũng nhiều Thần lắm Huệ.

2.
Ai mà không khoái kiểu nhà Huệ , cứ coi mọi sự là không, không chân lý, không thân tâm, bổn lai vô nhất vật, rồi nếu kỳ duyên ai đó gõ cái boong lên trán mình, đột nhiên hoát ngộ. Hehe, khỏi mất công tu tập gì ráo. Thoát khỏi mọi sự chấp ở đời, khỏi bon chen, khỏi lợi danh, khỏi nhà lầu xe hơi, kệ con cái gia đình (có vợ lo), cái gì cũng cho là vô vi, phù du, phù vân, vật ngoại thân, rồi đọc Osho giải chấp tính dục luôn thể!!!

Gặp nhau cà phê, rượu bia, vui vẻ bàn luận, xuất hiện một ông Huệ là mọi chuyện trở thành mây bay gió thoảng, cái gì cũng “không” ráo. Không lý không lẽ, không thực không ảo, không thiện không ác, không vật không tâm… Rơi tõm vào khoảng không không đáy.

Mấy ông Huệ này, thường tuyên bố sống là một cuộc chơi, chơi tận cùng chơi tới bến, chơi trong bát nhã trong lão trang, chơi trong thiền trong phật, chơi trong thơ trong văn, chơi trong nhạc trong họa… ít biết đến ba chữ: rớt mùng tơi!

3.
Chỉ tội mấy ông Thần, ngày nào cũng lo quét tước thân tâm, lụi cụi đi làm nuôi vợ nuôi con để sống cho ra cái thân người. Lo tu tập nên cái gì cũng chấp, lúc nào giữ sự nghiêm trang, thanh tịnh ngay khi ở chốn uế hư! Lâu lâu, còn bị mấy ông Huệ mắng mỏ um sùm: “Mày hổng hiểu đời là vô thường sao? Thân tạp mà cứ trau tria, tâm không mà cứ trai tịnh, cắm cổ cắm đầu mần ăn, hổng biết cuối đời có đạt được cái quả nào không? Thấy không, thấy không, khi nhắm mắt xuôi tay thì còn cái gì, còn cái gì hở???”

Haizzzzzza!

Hèn chi, sau này Bắc tông của Thần suy tàn biến mất (tại theo khó quá mà!), còn Nam tông của Huệ phát triển um sùm, thành duy-nhất-thiền-tông, thống lãnh cả thiên hạ. Giờ, đi đâu thấy một đám ông nói chuyện thiền, là fan ruột của Huệ cả.

4.
Bạn muốn tham gia bàn luận với mấy ông này, dễ ợt, chỉ cần trang bị chữ “không” là chiến đấu cả ngày, từ tinh mơ tới tối mịt mờ, không bao giờ chiến bại. Đến rốt cùng, cha nào tửu lượng tốt sẽ còn ngồi vững trên bàn, nhưng đầu óc bắt đầu lửng lơ với cái công án: hổng biết ai tính tiền cái bàn lổn ngổn bia bọt này ta?

Vì đã không, thường cái túi nó cũng không!

5.
Đọc thiền riết coi bộ bị tẩu-hỏa-nhập-ma quá, Nô à!
»»  read more

5.5.13

danh của rồng


Đà Nẵng làm cầu Rồng, bắt cái vòm sắt uốn lộn nên con rồng, phía Tây có đuôi vểnh lên, phía Đông có đầu phun lửa phun nước! Hôm khánh khánh ai nấy đều háo hức, phen ni Đà Nẵng có con rồng dài nhất thế giới!

Than ôi, ngày vui ngắn chẳng tày gang, mấy bữa sau, thiên hạ chê cái đầu rồng thấp quá, giống rồng sắp chìm! Chết chết, cái thời quan to quan bé tin phong thủy bói toán bùa yểm, mà nghe tin dữ vầy thì sao cho yên! Rứa là các quan phải họp và công bố: "Sẽ sửa cái đầu rồng sao cho dân tình... hết chê thì thôi!?"

Hehe, lại chuyện đẽo cày giữa đường!

Cầu Rồng Đà Nẵng

Nghệ thuật vốn có tính trừu tượng hóa, biểu tượng hóa rất cao! Làm con rồng có đuôi có sừng có vảy có râu có mắt, thì mới dừng ở thủ pháp tả thực, khó gây cảm xúc thăng hoa bay bổng! Mất công mấy ông Quảng Nôm nhiều chuyện xách kính lúp hỏi: "Rồng chi mà rồng, có thấy cái chưn mô mà nói là rồng!?".

Không đủ tài năng thì chỉ làm ra công trình xây dựng, chứ khó ra nổi một tác phẩm kiến trúc, và còn rất xa để đạt đến một tác phẩm nghệ thuật!

Nghe nói Đà Nẵng còn tính làm một cái sân vận động mang dáng rồng nữa!

Phác thảo SVĐ Rồng Đà Nẵng

Không biết có khác chi con rồng đã hoàn thành ở Đài Loan hay không:

SVĐ Dragon Shaped - Đài Loan
Và một dáng cầu không rồng mà rất rồng được cả thế giới ngưỡng mộ!

Cầu Abu Dhabi - (KTS Zaha Hadid) - hoàn thành 2010
Nghe phảng phất lời Lão Đam: Đạo khả đạo phi thường đạo. Danh khả danh phi thường danh.

»»  read more

4.5.13

sao đen

Trái sao đen xanh nõn đầu cành với 2 cánh gió
Những tàng sao đen đã rủ xuống từng chùm trái màu xanh non sáng đầu cành. Cả vòm cây như được thắp từng chùm nến dịu nhẹ, làm mát mắt người trong cái nắng mùa hè. Trái sao đen mang trên mình hai cái cánh gió mượt mà, đến khi chín, hóa màu nâu sẫm, chúng lìa cành, chao bay, xoay tít trong gió như những bông vụ. Và rơi xuống, xao xác trên vỉa hè. Nếu ở rừng, chúng được bay cao bay xa, đi khắp nơi, rồi vùi trong đất tạo mầm cho mùa mới, còn ở chốn đô thị này, chúng túm tụm trên mép đường, chờ những cơn mưa đầu mùa cuốn xuống cống rãnh, trôi dạt, mục rữa không biết ở phương trời nào!

Hoa sao đen rộ vàng từ cuối tháng Ba, giờ đã đậu trái, trong vòng già một tháng. Ngày đi rồi mùa đi. Tàn chiều đêm tới. Vòng thời gian cứ trôi bình thường như đã trôi từ muôn thuở, mà sao cứ phả những bâng khuâng vào trong ý nghĩ người!

Nhìn đến suốt cuối con đường, ta lại chạm mặt với thời gian, bàng hoàng với những cánh sao đen chấp chới!
»»  read more