12.12.15

chuyện chép từ Cuốn Sách Cũ (5)

Tôi rất thích mười ngón tay của tôi. Ba tuổi, tôi đã sử dụng chúng khá thành thạo, để ăn, để chơi, để nghịch và để thể hiện tình yêu với những người trong gia đình. Tôi thích dùng các ngón tay vuốt ve khuôn mặt của mẹ cảm nhận làn da mịn, thơm ngát. Và khi tôi mân mê ti-của-mẹ thì thế giới quanh tôi biến mất, chỉ còn một cõi thần tiên, mặc kệ những ai lêu lêu mắc cỡ tôi.

Thích mười ngón tay mình, tôi cũng rất thích bài hát Finger Family với giai điệu hấp dẫn. Mẹ tôi, sau này, nói là tôi hát suốt ngày bài đó, khi tôi ba tuổi.

Daddy finger, daddy finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?
Mommy finger, Mommy finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?
Brother finger, Brother finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?
Sister finger, Sister finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?
Baby finger, Baby finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?


Có ngón tay ba, ngón tay mẹ, ngón tay anh chị và em bé. Một gia đình ngón tay trên bàn tay bé xíu của tôi.

Mẹ bắt đầu dạy tôi tự cầm muỗng, rửa tay và dần dần tự đánh răng, mặc quần áo, mang giày dép... Mẹ mua cho tôi một hộp màu và cuốn tập tô màu. Nhưng tôi không thích tô mấy cái hình trong sách, vì hễ tôi muốn cho quả đu đủ mặc áo tím, con ếch có bộ da hồng, con cua màu xanh da trời... là người lớn lại chê tôi tô sai với hình mẫu hoặc chê tôi không biết nhìn ra màu. Ghét ghê lắm.

Với người lớn, hình như, chỉ có một thế giới mà họ thấy được bằng mắt. Họ đâu có biết thế giới trẻ con của tôi đầy những sắc màu vô cùng kỳ ảo, đầy những mộng tưởng thần tiên, đầy những phép màu tuyệt diệu. Họ đâu có nghe con nhện ở góc nhà vừa treo cái mạng tí xíu vừa nói chuyện với tôi về những hạt sương long lanh trên cái mạng của nó giăng ngoài sân. Họ cũng đâu có thấy sáng sáng tôi vui đùa cùng Phù Thủy và Bốn Con Ma ở bốn góc mùng.

Tôi muốn tự nguệch ngoạc mọi thứ theo ý mình nên mẹ cho tôi một cuốn vở giấy trắng. Nhưng vẽ trên tờ giấy nhỏ tí tẹo và luôn bị tôi xé vụn ra rắc đầy nhà, cũng không làm tôi hứng thú được bao lăm. Tôi thích vẽ những hình ảnh của tôi trên tường nhà, những bức tường trắng, rộng lớn, thỏa thích cho tôi vung bút và quan trọng hơn là chúng tồn tại rất lâu. Ở nhà tôi, ở nhà ông bà nội, ở nhà ông bà ngoại, ở đâu cũng có những bức tường cho tôi vẽ cả. Ở đâu, cũng đầy những vệt thẳng nghiêng ngã, những vệt ngang xiên xẹo, những vệt cong xoắn xít rối rắm... Chúng có khi là những hàng cây, những hạt mưa, những con đường, những vòm lá, những đám mây... trong trí tưởng thơ bé. Có vẻ như không ai thích thú và khuyến khích tôi ở cái trò vẽ vời này. Nhưng được cái, không ai la mắng tôi trầm trọng, họa chăng là chút càm ràm, chút lắc đầu, chút chép miệng... Với họ, những hình vẽ của tôi sẽ không tồn tại lâu, vĩnh cửu như tôi nghĩ.

Mãi sau này, khi lớn lên, tôi mới hình dung cái lý do của một đứa bé chỉ thích vẽ lên tường những đường nét nguệch ngoạc. 

Tôi có nhiều thứ của tôi : thú bông, đồ chơi, quần áo giày dép mũ nón. Tôi có ông bà ba mẹ và người thân của tôi. Tôi có căn nhà của tôi. Nhưng những thứ đó là những cái bên ngoài, được sắm sửa cho tôi, chứ không phải cái-tự-có-trong-bản-thân-tôi. Chỉ qua suy nghĩ của tôi, qua ngón tay tôi, qua công cụ là cây bút, tôi mới tự làm nên thế giới của riêng mình. Khi đè những nét chì lên tường, tôi đang là một đấng sáng thế. Tôi không muốn thế giới của tôi mai một trên tờ giấy nhỏ, tôi muốn chúng tồn tại trên những bức tường cứng chắc và rộng lớn, vĩnh cửu đối với tôi.

Đó là niềm vui sáng tạo mà Thượng Để muốn chia sẻ cho con người. Ngài đã đặt nó ngay trong sâu thẳm của từng đứa bé và thúc dục nó thể hiện từ khi biết ngọ ngoạy mười ngón tay xinh.
»»  read more

4.12.15

thân phận bọt bèo

Thuở nhỏ, đến mùa hè, cả nhà lại chuyển giường chõng ra ngủ ngoài sân. Trong căn nhà bé nhỏ, chật chội lợp tôn, không khí ngột ngạt nóng bức, không tài nào chợp mắt nổi. Với đám trẻ con đó là một trong những điều thích chí của mùa hè.
Những đêm có trăng, ánh trăng dìu dịu đi suốt khoảng sân đầy bóng lá, đi tận vào trong giấc ngủ với những làn gió mát rượi. Những đêm không trăng, bầu trời lại vằng vặc đầy sao, hàng triệu tinh tú nhấp nhánh trong không gian trong vắt và tinh sạch của làng mạc chưa có chút khói bụi ô nhiễm thuở ấy.
Một trong những đêm vằng vặc sao ấy bỗng nhiên trở thành một ám ảnh cho đầu óc một thằng bé mới lên mười. Một thằng bé ham đọc, ngấu nghiến cái tủ sách đủ loại dành cho người lớn của bà chị đầu, bị những khái niệm siêu thực, hiện sinh, vực thẳm... làm bối rối.
Nó nhìn lên không trung sâu thẳm, nghĩ tới những chiều kích vô cùng của vũ trụ, để thấy, trái đất này chỉ là một hạt bụi giữa những thiên hà, và con người và NÓ còn nhỏ bé hơn hạt bụi trái đất, quá mong manh, quá vô nghĩa, quá chừng vô nghĩa. Những chuyện nó đang làm, nó đang học, nó đang ước mơ... tất cả đều VÔ NGHĨA.
Nó như đang dứng trên một rìa núi, cô đơn, nhìn xuống cái vực thẳm hun hút của vô cùng.
Anh em nó, đang cuộn tròn trong chăn, say ngủ, chỉ mình nó thao thức với ngàn sao, với vũ trụ, với thân phận tí xíu của con người. Cái vô cùng đè bẹp nó, gây sốc nó.
Và hôm sau, nó đổ bệnh, ban đầu chỉ là cơn sốt gây gây, rồi nặng thêm, nó sốt bừng bừng, một cơn bệnh của kiếp người đổ lên một thân thể bé nhỏ, một trí óc bé nhỏ, yếu đuối không đủ sức chống chọi.
Nó chỉ muốn chết. Vì có gì đâu nữa để mà sống, một kiếp người bèo bọt, phù du.

Qua đi cơn bệnh, nó như trở thành một người khác, bất thường với cái tuổi lên mười. Nó rời khỏi những chuyện vui đùa của lứa tuổi, rút vào nội tâm, tự suy nghiệm, tự lý giải. Nó nhìn đến những người lớn tuổi hơn, hỏi han, tìm tòi một câu trả lời cho câu hỏi vô vọng của nó.

Cho đến một ngày, nó đọc một cuốn sách. Cuốn sách bình thường của lứa tuổi nó, kể về một đứa bé, được người ngoài hành tinh, đưa vào vũ trụ, đi xuyên qua các vì sao. Khi trở lại trái đất, đứa bé cũng đổ bệnh. Nhờ một ông thầy lang - ông Khờ, ẩn dật trong rừng, cứu chữa, cho đứa bé uống thảo dược, chỉ cho nó thấy một thế giới nhỏ bé của cây lá, của bươm bướm chuồn chuồn, của giun dế, của côn trùng. Một thế giới cực kỳ bé nhỏ so với những thiên hà, những vì sao. Thế giới bé nhỏ đó giúp nó cân bằng. Hình như là một cuốn truyện của tủ sách Tuổi Hoa.

Thằng bé, như nhân vật trong sách, bừng tỉnh như một thiền sư hoát ngộ. Nó rời khỏi cái vô vọng của một con người trước vô cùng, trở lại với cuộc đời, an nhiên và minh triết.

Mãi sau và rất lâu, thằng bé trở thành một người đàn ông luống tuổi. Ông ấy tìm lại cuốn sách cứu vớt ông ngày xưa, và đọc lại những giòng chữ:
"Em độc giả thân yêu, em hãy thử đặt mình vào trường hợp của Sĩ Nhân? Em sẽ cảm thấy như thế nào? Một đứa bé được nuông chiều, tin mình là trung tâm của vũ trụ, chả có gì quan trọng hơn cậu ta cả! Đứa bé ấy tin tưởng tất cả những sáng tạo đều thoả mãn nhu cầu và ý thích của cậu ta: các con vật quen thuộc, các cánh đồng, các rừng, các bầu trời đầy sao... Đứa bé cảm thấy chinh phục được tất cả, khuất phục được tất cả, kể cả bầu trời... cho đến lúc đứa bé ấy đã khám phá được mình chỉ là một sinh vật bé tí ti, bé hơn cả một hạt bụi bơ vơ trong vũ trụ bao la ngút ngàn. Địa cầu đối với cậu ta dường như quá rộng, cũng chỉ là một vật bé nhỏ trong vũ trụ mênh mông!"
...
"Còn rất nhiều lãnh vực chưa được khám phá ! Sự kỳ diệu lướt trước mắt chúng ta, nhưng muốn khám phá, chúng ta phải cần có đôi mắt trẻ thơ.
Ðây là lần đầu tiên, cậu bé trở lại chỗ đáp phi thuyền.
Chim chóc hót vang chào đón khách. Ngôi chòi của ông Khờ vẫn im lặng, nằm khiêm nhượng trong rừng..."
 _______

Trong truyện, Sĩ Nhân ở trong một căn nhà màu hồng. Và có một đóa hồng trong đoạn kết. Một đóa hồng rất quan trọng cho một con người, khi người ta đứng giữa sa mạc mênh mông của Cõi Ngưới Ta, như đóa hồng của Hoàng Tử Bé - Saint Exupery.

Một đóa hồng duy nhất của một đời người.
»»  read more