24.12.13

món quà


*
Ông Joulupukki ơi,

Con là  Uljas. Con muốn nói điều này với ông, từ Sodankylä, nơi con ở với bố mẹ, không cách xa nhà ông lắm. Con biết ông đang ở Korvatunturi, cái núi hình lổ tai, cũng thuộc Phần Lan của con. Nhờ cái lổ tai to bự chảng đó, ông có thể nghe tất cả mọi đứa bé trên toàn thế giới như con, thậm chí nhỏ hơn con, chưa đi học chưa biết chữ, khi thầm thì những ước nguyện trong mùa Giáng Sinh!

Năm nay, con muốn ông bắt đầu buổi phát quà sang hướng Đông. Ông sẽ băng qua nước Nga, Trung Á, Ấn Độ, Trung Quốc đang ngập đầy tuyết lạnh mùa đông, vòng xuống châu Úc vượt qua châu Phi đang trong mùa hè nóng lắm đấy ông ạ, và quay trở lại châu Âu băng giá. Một vòng đi lớn cỡ đó chỉ trong một đêm, leo lên leo xuống các mái nhà, trèo qua cửa sổ, chui vào ống khói chắc vất vả lắm ông nhỉ! Nhưng mỗi lần đáp xuống là xe quà vơi đi, nhẹ đi một chút, mấy chú tuần lộc cũng bớt mệt.

Khi trở về Phần Lan, ông "canh me" phát quà hết cho các bạn, và dành cho con là người cuối cùng nhận quà ông nhé! Con sẽ treo chiếc vớ bên ngoài cửa chính, ông chỉ việc đặt vào đó món quà của con, khỏi phải leo trèo mất công. Suốt đêm, nhà sẽ rực sáng ánh đèn mà bố con đã giăng mắc cả tuần nay, ông khỏi phải mò mẫm trong bóng tối. Chắc lúc đó, các chú tuần lộc đã mệt rũ, thở phì phò hơi trắng xóa và bộ áo đỏ viền trắng của ông đã ướt sũng sương lạnh cùng băng tuyết.

Món quà cho con là món quà cuối cùng của đêm Giáng Sinh này ông nhé. Chiếc xe kéo của ông sẽ nhẹ thênh, trống rỗng!

Nhưng mà, con nói ông nghe nè. Chiếc xe đó sẽ không trống rỗng đâu!

**
Rạng sáng ngày 25 tháng Mười Hai, trên con đường rừng còn chìm trong bóng tối - mùa này những tia nắng bình minh đến rất chậm, bên những cây thông phủ đầy băng giá run rẩy trong gió lạnh, người ta thấy một ông già râu dài trắng xóa, vận bộ đồ dạ đỏ, đôi ủng da ngập trong tuyết, ngồi trầm ngâm trên chiếc xe kéo cùng bầy tuần lộc. Dưới ánh sáng vần vũ đầy màu sắc của Bắc cực quang, người ta thấy trong hai bàn tay lớn của ông là một cái hộp nhỏ, gói giấy hoa vụng về, gắn một mảnh giấy bé xíu với dòng chữ nguệch ngoạc của một đứa bé có lẽ chưa biết chữ, đồ lại theo những ký tự của người lớn: "Uljas dành cho Joulupukki".

Món quà của Uljas. Cậu bé luôn tự hỏi: "Joulupukki phát quà cho hết thảy mọi trẻ em. Vậy có ai tặng quà cho Joulupukki không?".

Chiếc xe kéo lại bay lên không trung với bầy tuần lộc trở về Korvatunturi. Xe không còn trĩu nặng bởi những gói quà, nhưng sao lại hơi chòng chành. Chắc già Joulupukki đang thổn thức!

»»  read more

merry Xmas

Chúc Mừng Giáng Sinh

»»  read more

13.12.13

chạm tay vào tuyết

1.
Đứa bé ngồi trước quả cầu tuyết. Những cây thông xanh, mái nhà ngói đỏ, con đường nhỏ và đoạn hàng rào gỗ cùng những hình người và những con vật tí hon ngộ nghĩnh – một thế giới bé xinh dưới bầu trời bằng thủy tinh. Xoay ngược bàn tay, lắc nhẹ, một cơn bão tuyết nổi lên trong lòng quả cầu, những bông tuyết trắng bay mù mịt, lả tả rắc xuống một làn bụi trắng trên những ngọn thông, trên mái nhà, trên con đường và đoạn hàng rào gỗ cùng những hình người và vật tí hon.

Mùa đông đến phủ chiếc khăn choàng trắng muốt trên mọi vật, trên một thế giới trong lòng bàn tay mà xa lăng lắc, tận miền ôn đới mịt mù, cơ hồ như chỉ tồn tại trong những giấc mơ của đứa bé vùng nhiệt đới đang mở to đôi mắt đầy ngạc nhiên và thích thú như vừa chứng kiến một phép màu!

Mỗi mùa đông đến, Noel, Tết tây, rồi Tết ta – những ngày vui ấy cứ in mãi trong tâm tưởng đứa bé, bên cạnh những đèn màu nhấp nhánh, những bài hát leng keng tiếng chuông, là những bông tuyết rơi trắng trong những đêm xanh thẫm.

Mãi đến khi đứa bé lớn lên và già đi, hình ảnh ấy vẫn làm xúc động, những xúc động nguyên sơ, trắng tinh, trong trẻo như làn tuyết mới đầu đông!

2.
Đặt chân đến Bắc Kinh, ngày chớm đông, mùa thu đã qua lâu trên những chiếc lá dây leo úa rũ, đen xạm trên những bức tường thành gạch xám, tôi chạm mặt với cái rét cóng chưa hề biết, vội mặc thêm chiếc áo khoác dầy cộp ngoài chiếc áo len, mũ len trùm đầu, khăn len quấn cổ, găng len tròng tay. Quấn một vòng khăn len qua mũi miệng, chỉ để cặp mắt nhìn xứ người qua cặp kính cận, mới tạm tạm chống được cái rét đang tìm mọi cách để luồn vào người!

Nhìn trong gương, thấy mình như một con gấu già, chùm hum, xù xì, và béo ục!

Tuyết mới rơi hôm qua, lưa thưa, đọng lại ở chân tường, góc phố những đám băng xốp, lẫn bùn rác đen bẩn! Tự nhủ: ta được may mắn thấy tuyết rơi chăng? 


Thật may, khi đến Vạn Lý Trường Thành, tuyết bắt đầu rơi. Những bông tuyết xoay tròn trong không trung, lặng lẽ, dần dà phủ một lớp băng trơn trượt trên mặt đá. Đi phải cẩn thận, rất dễ ngã. Nhìn thật kỹ một bông tuyết rơi trên ngón tay, thấy đúng là hình một bông hoa tinh thể tám cánh, bé tí xíu như một ảo ảnh! Thật là kỳ diệu!

Một cô gái Trung Hoa, cao lớn, má đỏ au nấp sau viền lông thú của chiếc mũ trùm, váy đỏ ngắn, tất len màu tím thẫm, giày ống da cao gót xoay mình dang tay đón tuyết rơi, buông tiếng cười trong như pha lê giữa muôn trùng bông tuyết!

3.
Năm năm sau, quay lại xứ người lần nữa, vào những ngày đầu Xuân, lồng đèn đỏ còn giăng mắc ngập trời phố xá! Lần này, lên Tứ Xuyên, tính đường đạp tuyết Nga Mi Sơn!

Đúng ngày lên núi, tuyết rơi, theo lời người dẫn đường, trận mưa tuyết này lớn nhất trong nhiều năm gần đây! Dõi theo hai bên đường khi xe vượt đèo, tuyết rơi trắng xóa mỗi giờ mỗi nặng, phủ dần những ngọn bách tùng kiên gan với giá rét, phủ dần những mái nhà lấp ló trong rừng, cảnh vật chuyển dần sang màu trắng tinh, như xốp, như bông. Người đi trong rừng ra, chân ngập tuyết đến gối! Cảnh vật thì ngoạn mục, đẹp tuyệt vời, nhưng cái sống của con người chìm trong tuyết băng này chắc là khốn đốn!

Những cành cây trĩu nặng tuyết, oằn xuống, rồi bật lên khi đám tuyết quá dầy rời cành, tung bụi tuyết mù mịt như có ai rùng mình trong rừng!

Từ chân núi, bắt đầu đi bộ lên đỉnh, đường đóng băng hoặc ngập tuyết, phải mua bốn cái móng sắt buộc vào giày (như đóng móng cho ngựa vậy!). Có những móng sắt này găm vào trong băng tuyết mới đi vững được! Ai kém chân thì có cáng của dân bản xứ đưa lên tận đỉnh!


Trên đỉnh Nga Mi Sơn cao hơn ba ngàn thước là tượng Phổ Hiền bồ tát cưỡi voi khổng lồ dát vàng sáng chói. Người Tàu chuộng cái vĩ đại, làm cái gì cũng làm thật to, nhiều món khó tưởng tượng nổi. Mà cái bệnh chuộng to này cũng bắt đầu đang lan sang ta!

Khi xuống núi, tuyết lại rơi đậm, chúng tôi bì bõm trong tuyết lạnh dày đến gối hơn hai tiếng đồng hồ. Cả một đoạn đường băng qua rừng vắng tênh chỉ có mười mấy người chúng tôi. Tuyền một màu trắng thinh lặng từ trời xuống đất, tiếng cười, tiếng la của chúng tôi khi ngã dúi dụi trong tuyết cũng mang cảm giác như vọng lại từ nơi chốn xa xôi nào! 

Tất cả các xe xuống đèo đều bị công an chận lại kiểm tra và yêu cầu phải quấn xích sắt vào bánh xe đầy đủ mới cho phép đi!

4.
Mỗi lần lạc vào xứ tuyết, trong lòng lại tràn ngập cảm xúc ngày xưa, khi còn là đứa bé mê mẩn trước những bông tuyết bay mù mịt trong quả cầu thủy tinh, thầm mong một ngày nào đó mình được đứng giữa trời tuyết lạnh!

Giấc mơ gọi giấc mơ, thôi thúc chân người những phút lên đường!
»»  read more

10.12.13

quota tình

Bộ phim Las Vegas, với nhan đề tiếng Việt là Bô lão xì tin.

Bốn người bạn, từng gắn bó với nhau thuở thiếu niên, giờ đã có trong tay 6 bó, quyết định bước ra khỏi cuộc sống thường nhật nhàm chán, tổ chức một bữa tiệc ở Las Vegas để tiễn một "cụ" còn độc thân lăm le... cưới vợ!

Las Vegas, một sodom-thời-hiện-đại, nơi ánh đèn màu lộng lẫy, nơi các sòng bạc náo nhiệt, nơi các cuộc vui thâu đêm, nơi rượu chảy tràn như suối, nơi đầy các mỹ nhân nóng bỏng, phóng khoáng và tự do, nơi con người trở về bản năng gốc phi tuổi tác!

Phim qui tụ 4 tài tử gạo cội của Hollywood: M. Douglas, M. Freeman, R. de Niro, K. Kline. Trong bốn tài danh này, có thể tiếng tăm Kline kém nổi một chút. Ông đóng vai Sam, "cụ" duy nhất còn... vợ!

Tôi thích nhất tình tiết khi phu nhân tiễn cụ Sam lên đường vi vu với đám bạn già tại một thành phố đầy những cạm bẫy tình. Nàng đưa cho chàng một phong bì với lời dặn: Đến Vegas, anh hãy mở! Thế nhưng chàng Sam sốt ruột, mở ngay. Hihi, nếu lỡ nàng có dặn gì khó xử thì còn có cơ may trần tình ngay tại chỗ chứ! Trong phong bì là một tấm thiệp với dòng chữ: Chuyện gì ở Las Vegas thì để lại Las Vegas và bên trong thiệp, được gắn duyên dáng một viên Viagra và một vòng condom!

Sam trợn mắt tròn xoe: Được phép hở em? Nàng gật đầu: Đi đi, cụ!

Sam sẽ làm gì khi gặp được một thiếu nữ trẻ măng xinh đẹp rực lửa, người phải lòng chàng vì: Anh đẹp trai như... ông nội của em!

Sam sẽ làm gì khi đến lúc cao trào, người đẹp tuột hết xiêm y trước một Sam đang dạt dào sức sống: Anh không cần Viagra nữa!

Sam sẽ làm gì để người đẹp khi từ giã, trao cho chàng một nụ hôn nóng bỏng với lời nhắn: Em mong sẽ có một người chồng tuyệt vời như anh!

Sam sẽ làm gì???

Ta sẽ đi xem phim, các bạn nhỉ? Hay cũng chả cần xem, cứ mặc trí tưởng tượng của ta dẫn dắt để hình dung khi có một quota tình ái, người ta sẽ... mần chiện đó ra răng!
»»  read more

5.12.13

sao lạ

1.
Trước Giáng Sinh, người Công giáo có một thời gian phụng vụ, gọi là Mùa Vọng Giáng Sinh, phẩm phục các vị chủ lễ màu tím, màu của mong đợi, hối lỗi, tinh sạch.

Trong mùa này, tôi thích nhất một bài Thánh Vịnh (những bài ca trong Cựu Ước của dân Do Thái tôn vinh Thiên Chúa) có những câu:

Trời cao hãy đổ sương xuống
Ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu Đời.


Khi đó, Chúa Giêxu chưa ra đời, dân Do Thái đang mong chờ Đấng Cứu Thế đến!

Đất Do Thái, dẫu được coi là miền Đất Hứa – chảy đầy sữa và mật ong – thật ra là vùng đất khô cằn, chắc chỉ có cây ô liu là chịu đựng được. Hiện nay, người Do Thái vẫn có một hệ thống tưới cho cây xanh cực kỳ tiết kiệm, tự động hóa hoàn toàn, khi nào cần mới… nhễu cho cây vài giọt đủ sống thôi!!!

Từ đất đai cằn cỗi đang chờ từng giọt mưa để sinh sôi nảy nở, người Do Thái mang tâm tình ngóng trông đó mong chờ từ trời mưa xuống Đấng Cứu Thế cứu rỗi cuộc đời nhân thế quá trầm luân!

Đó cũng là niềm mơ ước chung của nhân loại. Dân ta cũng có câu:

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày…


Đất mãi mãi mong mưa! Con người mãi mãi hy vọng!

2.
Có câu chuyện trong Kinh Thánh, một người mang của lễ đến đền thờ để dâng lên Thiên Chúa, anh ta bộc bạch với Ngài là người hàng xóm của anh ta quá tệ và hai người đang có chuyện xích mích với nhau. Thiên Chúa mới bảo anh ta rằng: Con hãy mang của lễ này về, làm lành với người anh em của con đi, rồi hãy quay lại đây! Sự hòa giải với người con ghét bỏ, tức giận, mới là của lễ mà ta cần!

3.
Khi chúa phục sinh, gặp lại các môn đệ, câu chào của người là: Bình an cho các con!

Tôi không biết có câu chào nào hàm chứa sâu xa những hy vọng của con người đến vậy. Chúng ta tìm kiếm gì khi đến với cuộc đời này, có phải là sự bình an. Bình an cho tâm hồn mình, bình an cho anh em mình, bình an cho thế giới mình! Tiền bạc, danh vọng, của cải… có ý nghĩa gì khi không có bình an!

Và đêm Giáng Sinh, từ trời cao thiên sứ hát vang:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời!
Bình an cho người dưới thế!


4.
Những điều trên, không phải nói về đạo công giáo, phải không bạn! Dù bạn theo hay không theo bất kỳ một tôn giáo nào, thì mong mỏi hạnh phúc, hòa giải mọi hiềm khích, tìm kiếm sự bình an là những điều ta phải làm, cần làm để thế giới quanh ta như một mầm xanh, được mưa móc, được chăm bón, vươn lên xum xuê dưới ánh sáng!

Ánh sáng của một vì sao lạ!

Rực rỡ trong đêm Giáng Sinh!
»»  read more

3.12.13

về

Đi xa một tuần, chẳng mạng chẳng blog chẳng facebook, về, thấy hoa tỏi nở tím cả tường rào. Biết Nha Trang vừa trở lạnh. Tự dưng nhớ bài thơ, đã hơn 30 năm,
nói với người con gái vừa gãy đổ một tình yêu:

Nha Trang trời vừa trở lạnh
Mặc thêm áo khoác vào em
Tiếng hát bay vào cung thánh
Nhớ về đêm lễ Noel

Sương mù giăng qua lễ sớm
Áo em trắng tựa hoa nhài
Thơm hương tháng ngày chốn cũ
Đọng hoài trong tóc không phai

Trong tay em còn giữ lại
Quãng đời - một cánh hoa khô
Chân bước ngại ngùng lối lạ
Mong manh một chút hẹn hò

Tôi biết tình yêu đẹp lắm
Như là tiếng hát bay cao
... có lẽ, rồi qua năm tháng
Bao nhiêu nước sẽ qua cầu

Có lẽ rồi hoa sẽ nở
Cũng như cuộc đời tin yêu
Hãy để tim mình bỡ ngỡ
Xôn xao nắng đọng cuối chiều

Mong thấy một lần cung thánh
Em cầm hoa trắng trong tay
Nắng ấm mùa xuân sẽ lại
Trở thành giọt rượu thơm say
Vườn cũ ngọt ngào hoa trái
Nụ hôn ngày ấy sẽ dài




»»  read more

25.11.13

toilet & violence

1.
Năm nay ông Ki-mun bày ra World Toilet Day (19 Nov), vì hơn 2,5 tỉ người chưa tiếp cận được nhà vệ sinh phù hợp.


2.
Nô nhớ đọc đâu đó trên một trang mạng chuyên về nội thất, một độc giả nữ đã còm: Không hiểu sao cái bồn cầu to tướng mà mấy ông toàn tiểu ra ngoài.

Lại nhớ chuyện một ông sáng sáng phải tranh thủ chạy sang nhà mẹ đẻ "lái" một phát chứ không dám hành sự ở nhà, vì phu nhơn cực kỳ sạch sẽ và khó tính. Hễ vẩy ra ngoài một tí là phải xịt nước lau đến khi hoàn toàn khô ráo mới yên (!).

Rồi nhớ luôn một phim Hàn Quốc, cô vợ kiên quyết bắt ông chồng phải "lái" ngồi trong nhà vệ sinh, gây nên bao cảnh dở khóc dở cười.  

Và một ông già lụm cụm đi mua cả vỉ Viagra chỉ để "lái" cho khỏi ướt sàn nhà, "bà nó" khỏi la!

3.
Ôi, các bà! 

Các bà không hiểu rằng quý ông đã "lái" thì phải vẩy, mà khi vẩy, thì mọi sự đã mất quyền kiểm soát! Lúc đó thì, thân em như hạt mưa sa. Hạt vào trúng chỗ, hạt ra ngoài luồng.

Các bà không hiểu rằng đâu phải lúc nào quý ông cũng "chỉ địa", còn có lúc "chỉ thiên" nữa chứ, :-D . Các bà có tưởng tượng được tư thế kỳ quái để phù hợp với cái bồn cầu khi nó "chỉ thiên" không?

Các bà không hiểu rằng ngoài cái lavabo, bồn cầu, sen tắm... người ta còn có một vật nữa gọi là bồn tiểu nam! Mà cũng kỳ, ngay quí kiến trúc sư khi thiết kế toilet gia đình, cũng "quên" cái này.

4.
Thế nên, ông Ban Ki-mun ơi, Nô tui đồ chừng hơn 90% nam giới đang không được tiếp cận nhà vệ sinh phù hợp đấy!

Và khi họ còn bị mắng mỏ la rầy bởi sự vụ như trên, ông có nghĩ họ đang là nạn nhân của cái ngày hôm nay (25 Nov - International Day for the Elimination of Violence against Women) không?

»»  read more

18.11.13

gió sang mùa

Gió nổi lên rao rao từ biển vào các con đường, ào ạt như mang một nỗi bất an qua tàng lá sao đen, qua hàng bạch đàn, qua những tán bàng cổ thụ lá vẫn còn xanh.

Gió lộng vào mặt khi người ngồi trong quán cà phê bên biển, gây cảm giác khó chịu. Và trong những cây tra thấp thấp ven bờ, lá múa như những cánh bướm xanh tía.

Mây mù đen buổi sáng sớm phía tây thành phố. Rồi gió nổi dần lên, mây thưa đi, lộ màu trời xanh và quang đãng hẳn tầm trưa. Đến chiều lại phơ phất những cơn mưa giăng mắc mơ hồ, như có như không.

Sóng cuộn từ xa ngoài vịnh động, đổ ập vào bờ, bụi nước bọt sóng trắng xóa. Rau muống biển trổ những nụ hoa màu tím đầu mùa, lẩn khuất đâu đó trong đám lá xanh.

Người cảm giác lơ mơ một cơn rét mơn man đầu ngón tay, gây thèm một vòng ôm, ấm và chặt! Đã thấy những chiếc áo cardigan len mỏng và dài, những khăn quàng cổ nhiều màu sắc tươi tắn trên vai, trên cổ những thiếu nữ. 

Tóc bay theo chiều gió mang mùi hương ấm áp của những sợi len mới rời tủ áo, đang se se với không khí ẩm lạnh lẫn mùi bạc hà của một chiếc kẹo bỏ quên trong túi từ đêm mùa hè tưởng rất xa!

Mùi hương mùa đông?
»»  read more

15.11.13

sen súng hồ tôi

Mùa này hồ nước nhỏ nhà tôi bắt đầu nở những bông súng tím. Hơn bốn năm, cây súng lọ mọ lớn thầm, làm ma mới chen với đám sen ma cũ vốn có mặt từ đầu.

Bông súng nở ngày. Chiều khép ngủ giấc muộn. Đêm lại thức giấc xòe phô hương sắc, im lặng, không biết với ai, cũng không biết đến giờ nào ngủ lại. Đến khi bông tàn, úa rũ trong hồ, những cánh hoa không rụng rơi khỏi đài hoa, mà nhàu xếp lại, tím chuyển dần nâu, chúi chìm trong mặt nước, như những nốt nhạc cuối cùng bài dạ khúc, tan loãng vào hư không.

Bông sen dậy cùng nắng sớm, mãn khai lúc trưa và khép cánh dần theo chiều nắng nhạt. Sen cũng không bền, sau hai ba ngày lộng lẫy, bắt đầu rã dần từng cánh. Lâu nay không biết điều này, không nghĩ sen mau tàn đến vậy, vì những hồ sen mình thấy, mãi đầy bông bát ngát cả mùa.

Nhìn những cánh sen tàn, còn nguyên sắc hồng má xuân thì, rụng rơi lơ lửng trên mặt nước, gợi buồn xốn xang, như chứng kiến cái chết của người con gái trẻ.

Năm nay sen nở dày hơn như một nỗi mơ hồ mong mỏi tin may, vào cái lúc không còn muốn mong mỏi điều gì nữa.

Những gương sen sau khi rũ hết cánh tàn, lớn xanh dần khối ngọc. Những hạt sen nhú trong đài, mọng như vú thanh tân. Cọng sen trĩu sức nặng của gương, nghiêng xuống soi ngang mặt nước, nỗi tiếc nuối thiếu phụ mơ mùa nhan sắc.

Áp mặt ngửi một mùi sen. Nồng nàn hăng hắc. Sao giống mùi trà. Giống lắm. Không biết trà thơm hương sen hay sen ngát hương trà.

Một giọt sương lớn đọng trên lá sen, lóng lánh ánh nắng. Không biết nắng sáng ánh sương hay sương chói ánh nắng.

Đành thầm thì: Không biết!
»»  read more

30.10.13

xứ dâu rỗng

1.
Một nền văn minh chỉ dựa trên một quốc gia, một dân tộc là điều hiếm hoi. Trong thế giới hiện đại, ngoài Ấn Độ, Trung Hoa, hai nền văn minh tồn tại và phát triển liên tục từ thời cổ đại đến nay, văn minh “trẻ” Nhật Bản là một nền văn minh riêng biệt như vậy. 

Còn các nền văn minh khác thường bao trùm trên một châu lục, bao gồm nhiều quốc gia dân tộc khác nhau: Tây Âu, Á Rập, Hồi Giáo, Bắc Mỹ, Nam Mỹ…

Một đất nước nhỏ bé (380.000km2), một dân tộc không đông (127 triệu người) lại xây nên được một nền văn minh-văn hóa độc đáo, sâu thẳm, mạnh mẽ, đầy sức sống của truyền thống và hơi thở của hiện đại.

2.
Nhân loại càng tiến bộ, văn minh văn hóa Nhật Bản càng lan rộng ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến các giá trị của các nền văn minh khác, thay đổi nếp nghĩ nếp sống của các dân tộc mà đôi khi tính cách và truyền thống xung khắc, khác biệt với nếp nghĩ nếp sống của người Nhật!

Một đất nước tiếp cận với văn minh phương Tây rất sớm, rất quyết liệt, rất chủ động. Họ chuyển sang ăn Tết Dương lịch từ cuối thế kỷ 19, và sự canh tân của Minh Trị Thiên Hoàng đã đưa nước Nhật phong kiến, đóng kín, chiến tranh liên miên giữa các sứ quân, thành một đế quốc châu Á trong chiến tranh thế giới thứ hai!

Một đất nước nếm trải thảm họa nguyên tử đầu tiên, đại bại trong cuộc chiến với đất nước hoang tàn đổ nát, vẫn kiên cường trổi dậy trên tro than, kiến thiết lại đất nước. Và chỉ hai mươi năm sau, dân tộc sâu thẳm ấy đã mang những cái tên lừng lẫy của văn minh hiện đại gắn trên mọi thành phố hiện đại của tất cả các quốc gia: Sony, Hitachi, Honda, Suzuki, Yamaha, Mitshubisi…

Một đất nước luôn đứng trước sự giận dữ kinh hoàng của thiên nhiên: động đất và sóng thần, và đối phó một cách hiệu quả với tinh thần nhẫn nại, kỷ luật, kiên trì, bất khả chiến bại.

Một đất nước mà hiện đại hòa lẫn gùn ghè với truyền thống, trong lịch sử, trong văn hóa, trong lễ hội, trong đời sống, trong từng lâu đài đền chùa cổ kính đến những cao ốc chọc trời, trong từng chén trà chậm rãi từ tốn đến những chuyến tàu shinkansen với vận tốc máy bay! 

3.
Nhật Bản có nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật rất đặc trưng: cây cảnh thu nhỏ bonsai, trà đạo, cắm hoa ikebana, kiến trúc nhà gỗ cổ truyền với cửa phất giấy và nền trải thảm tatami... trong đó con người như đang sống một nhịp sống chậm rãi, đầy chiêm nghiệm và thiền triết, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên.

Nhiều sinh hoạt thường ngày được nâng đến tầm đạo: trà đạo, hoa đạo, cung đạo, kiếm đạo... Nhiều nghề cổ truyền được giữ gìn, phát triển với một tâm thức đi đến tận cùng của vẻ đẹp nghề, như thực hành một nghi lễ tâm linh trang trọng: làm bánh, nấu mì ramen, làm mành trúc, làm cung tên, làm đèn gỗ, làm gốm, làm sơn mài... Đạo như hiển hiện trong từng sản phẩm hoàn thành, trong ánh mắt mãn nguyện của tác giả và trong ánh mắt ngưỡng mộ của người thưởng ngoạn!

Cứ tưởng người Nhật luôn thâm trầm như cái cách họ uống trà, thành kính, trang nghiêm, cẩn trọng và khuôn thước!

Không, họ có những cái độc đáo khác, ở những góc độ khác!

Truyện tranh manga của Nhật Bản sinh sau đẻ muộn so với Mỹ (Người Dơi, Siêu Nhân, Người Nhện, Mickey…), Pháp (Lucky Luke, Spirou, Schtroumft…), nhưng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường truyện tranh thiếu nhi Việt Nam, mở đầu với Doremon (hihi, trong đó có Nobita là nhơn vật chính đấy nhé), sau đó Bảy Viên Ngọc Rồng, Thám Tử Conan…

Những trang truyện tranh vẽ rất chăm chút, kỹ lưỡng từng chi tiết, với hình tượng nhân vật độc đáo theo kiểu Nhật, không bị ảnh hưởng bất kỳ trường phái truyện tranh nào trên thế giới, tạo nên một dòng chảy riêng biệt!

Manga không chỉ là truyện tranh cho thiếu nhi, mà mở rộng thành chuyện cho cả người lớn, trở thành dòng truyện tranh porno, mô tả những quan hệ thể xác giữa hai giới tính, giữa đồng tính nam (gay) hoặc giữa đồng tính nữ (lesbian)! 

Truyện tranh kiểu Playboy, có kỳ lạ không!

Họ có lễ hội Hounen, tôn vinh dương vật. Cứ đến ngày 15/3, tại thị trấn Komaki, cách Tokyo khoảng 300km, những người đàn ông rước những tượng dương vật bằng gỗ khổng lồ từ đền Shisei Sha đến đền Tagama. Những thiếu nữ thì rước những tượng dương vật nhỏ hơn. Ngày đó, tất cả đồ ăn thức uống đều mang hình dáng của dương vật.

Hãy nhìn những cô gái thích thú, cười đùa sảng khoái khi mút những cái kẹo “chim”. Mắt họ cũng long lanh niềm vui khi đạt đạo đấy chứ!


Hay đó chính là cái sâu thẳm của con người và văn hóa Nhật Bản. Một dân tộc sống bấp bênh trên vòng cung lửa luôn phải biết cân bằng, vừa quý trọng những ham muốn đời thường, vừa tìm kiếm những giá trị tâm linh, sống hết chiều kích của con người giữa cuộc đời hữu hạn?

4.
Những cánh hoa anh đào mỏng manh, nở rộ và mau tàn, rụng bay phơi phới như mưa tuyết, phải chăng là tính cách mềm dịu và quyết liệt của người Nhật.

Đất nước của mặt trời, vị thần cư ngụ tại phù tang - trong những thân dâu rỗng nhẹ, hàng ngày vẫn mọc lên với ánh bình minh luôn mới mẻ, rực rỡ, xán lạn! 

»»  read more

27.10.13

hương cũ

1.
Đã qua rằm tháng chín, cây sứ trước nhà rụng gần hết lá, vẽ nhằng nhịt những cành nhánh sừng hươu lên bầu trời xám. Sân nhà như rộng ra, sáng ra, bởi không còn cái vòm xanh đầy hoa trắng. Ban đầu trồng cây sứ có lá dài tròn đầu, xanh quanh năm, hoa bền ít rụng nhưng dáng cành không đẹp, nên khi sửa sang lại vườn tược, bèn thay bằng cây sứ này, loại lá nhọn, cành nhánh cổ phong sần sùi hơn nhưng phải cái dở là hoa nở chưa bao lâu đã vội rụng và đến tầm này trong năm lá đã lìa hết cành.

Người quét sân thì ca cẩm nhưng kẻ lãng mạn trong nhà thì thích thú khi thấy cây sứ sống có mùa: xuân nhú lộc trổ hoa, hạ xanh tít tắp, thu bắt đầu thưa lá và đông trơ trụi nhánh cành. Chả bù cho bụi nguyệt quế cứ tươi xanh với thời gian, đủ sức thì ra bông thơm nức một vài hôm rồi rụng trắng sân nhà, đến nỗi, ai hỏi nguyệt quế mùa nào trổ bông, đành ngắc ngứ cười trừ: không biết!

2.
Nhiều khi, nghĩ về Nha Trang, trong tôi lại hiện lên hình ảnh một bác xích lô già đang ngả mình thiu thiu đợi khách dưới một vòm sứ chậm rãi thả rơi từng bông hoa trắng thơm ngát xuống vỉa hè của con phố vắng trong nắng ban trưa.

Hình ảnh đó ngày càng như một hoài niệm, không còn mấy trong đời thực.

Cũng như những khu đất rộng ven biển đầy những vòm sứ, vòm xà cừ dấu lấp ló những công thự xưa tạo nên phong vị êm đềm riêng có của Nha Trang, đang mất dần trong cơn bão đô thị hóa. Những khu đất mệnh danh là vàng ngọc kim cương đang được tranh giành, đặt cọc, xí chỗ. Những cao ốc đang mọc lên xóa bỏ những ngôi vườn rộng, những khối nhà mái ngói cũ, xóa bỏ luôn mùi hương sứ phảng phất trong gió biển...

Nghe người ta nói chỉ còn lại khu Pasteur và khu Grand Hotel, mà biết có còn không... Mà giá còn, chút di sản sót lại đó có đủ làm chiếc neo để níu giữ những ký ức và kỷ niệm.

Hy vọng ở tâm hồn và trí tưởng của con người vẫn lì lợm không chịu lãng quên. Như hương hoa sứ vẫn lãng đãng còn mãi trong nỗi nhớ.

3.
Nhớ thuở lẽo đẽo theo chân em, đến khi tà áo trắng khuất sau chiếc cổng màu xanh, ta còn ngó nghiêng vào khoảng sân lát gạch nâu có chiếc xích đu nằm dưới vòm sứ trắng. Ngôi nhà ngói sao mà thâm nghiêm cách cổng cao tường.

Nhớ thuở thấy em sáng tươi giữa thành quách phong rêu xứ Huế, để ta bồi hồi làm những vần thơ tuổi mười lăm: hài em cong cành vàng lá ngọc/ hoa sứ buồn ngủ trên cánh tay.

Nhớ thuở em dẫn đi thăm một ngôi chùa xứ Bắc, hương sứ thơm lẫn trong hương nhài, hương ngâu, hương ngọc lan... còn hương em, hình như lẫn trong hương tóc bồ kết, hương ô mai dịu ngọt, hương áo len ấm cúng, hương bàn tay lạnh giá...

4.
Còn tôi, bây giờ, em bảo: anh có mùi như lá thông khô! Hương của mùa cũ, phải không em!?  
»»  read more

23.10.13

những ý nghĩ lờ mờ


Lúc còn bé, vớ được thành ngữ: Lang bạt kỳ hồ, cảm giác đầu tiên là câu này có một phong vị thật lôi cuốn và lãng mạn. Thuở đó, đang trốn vào mọi xó xỉnh đen tối từ gậm giường, đến dưới bàn thờ và chui tận trong nhà cầu, để nghiền truyện chưởng Kim Dung, nên vận ngay câu này vào hành tung của các nhân vật lãng tử họ Lệnh, họ Tiêu, họ Quách..., những tay hành hiệp đang lang thang phiêu bạt trên các nẻo đường kỳ tuyệt giang hồ. Lang bạt kỳ hồ là vậy chứ sao?

Lớn lên vào trung học, khi thầy Việt Văn giảng nghĩa, mới ớ ra là mình hiểu sai bét thành ngữ này! Nó lại có cái nghĩa tréo ngoe là: Con sói đạp trên cái yếm của mình. Tất nhiên, trong đời thực, chả có con sói nào đạp được cái yếm (lớp da thõng dưới cổ) mình cả, nhưng nghĩa bóng là nói đến tình trạng lúng túng tiến thoái lưỡng nan do tự mình gây ra.

Tức là đứng cứng ngắc một chỗ, không cục cựa gì được, chứ chả có tung hoành lang thang phiêu bạt giang hồ gì ráo!

Đời người, có những lúc ta vướng vào chính những huyễn tưởng về bản thân mình, bàn chân thật lại dẫm phải cái yếm cổ ảo lòng thòng. Không té lộn đầu như phim hoạt hình thì cũng trân mình, chết đứng như Từ Hải.

»»  read more

22.10.13

mưa


Đang những ngày có mưa dào dạt lúc sắp về sáng. 

Những cơn mưa, vào thời điểm đó, như bắt nguồn từ ta khi trổi dậy khỏi giấc đang mơ, 
với bao âm thanh, lào xào trên mái ngói, lao xao trên vòm cây, lạo xạo trên bậc thềm lát đá. 

Những âm thanh làm ta trở thức, lắng nghe, miên man nghe, miên man nghĩ, rồi miên man trôi theo dòng nghĩ, ta lại chìm vào cơn ngủ, sâu lắng không một chút mơ màng. 

Mưa như ảo, để khi sáng ra, nhìn sân nhà ướt sũng nước, 
ta tần ngần một chút để biết rằng đã thực mưa.

»»  read more

19.10.13

ký ức

Mưa
Cho tôi thấy em
Thuở thì xanh
Vai nghiêng tóc duỗi
Má sen ngày đắm đuối
Tay ngó thơm từng giọt thuôn dài

Mưa
Cho tôi thấy tôi
Lá sẫm cây ướt chiều
Hai mi đường cô độc
Con mắt đêm đổ vào tay rỗng quạnh hiu

Mưa
Không ai thấy ai
Về chìm dầm dề lá cỏ
Trôi lịm chân ngày ráng úa
Lướt thướt áo ngày xưa

Mưa
Nỡ dìm chi giấc nhỏ
Suốt mùa mơ.

»»  read more

8.10.13

chuyện bút

bút tire - ligne
1.
Chắc không có nhiều thứ vật dụng gắn bó với con người từ bé đến lớn ngoài áo quần giày dép nón mũ che thân, chén tô bát đĩa đũa muỗng để ăn nhậu và tiền để chi xài…

Có một vật, đã gắn bó với con người từ ngày hồng hoang, còn ăn lông ở lỗ (tức là chưa có đồ che thân, chưa có vật đựng thức ăn và cũng chưa có… tiền) đến tận thời kỹ thuật số này: vật để vẽ viết – cái que, hòn than, cây bút…

Dẫu bây giờ, gõ phím và rê chuột nhiều hơn, cây bút vẫn chưa rời nắp túi áo con người.

Mới quơ quào được tay chân, còn bò lổm ngổm, nếu vớ được cây bút chì, hòn than, cục phấn, con người sẵn sàng vạch những nét sáng tạo đầu tiên.

Đến ngày tay run lẩy bẩy, mắt mờ tai điếc, tuổi già cẩn trọng vẫn còn bắt con người vạch những nét cuối cùng của cái tên mình vào tờ di chúc!

Hầu hết mọi sáng tạo của con người đều bắt nguồn từ cây bút: viết văn, làm thơ, vẽ tranh, kiến trúc, viết nhạc…

Và mọi nền văn minh được lưu lại cho hậu thế cũng bằng cách ghi chép qua ngòi bút. Ngòi bút dẫn dắt con người đi xuyên thời gian không gian, từ bóng đêm mông muội đến ánh sáng hiện đại. Ngòi bút góp phần biến đổi con người từ một-sinh-vật trở thành một-lịch-sử, quán xuyến quá khứ-hiện tại-tương lai.

2.
Cây bút gắn với một người, na ná cũng giống như nó từng làm với loài người từ khởi thủy đến nay. Bắt đầu từ hòn than cục phấn, vẽ nhăng nhít cùng nhà, đến cái bút chì - đen cũng như màu - nghuệch ngoạc những nét trên tờ giấy trắng. 

Thêm một bước nữa để lớn lên, là lúc nhóc nắm cây bút chì lọng ngọng trong những ngón tay vụng về, tạo ra những nét bút còn vụng về hơn, tô những chữ đầu đời trên trang vở. Hình ảnh một nhóc, bặm môi hay thè lưỡi, vẹo đầu, nghiêng cổ theo từng đường chì là hình ảnh chung của nhân loại khi vẽ những bích họa hình bò ngựa trong các hang động thời đồ đá cổ xưa.

Khi cô giáo cho rời cây bút chì, chuyển qua dùng bút mực, là nhóc đã lớn hơn với những ngón tay cầm bút đã chắc chắn và thành thạo, đi thêm một bước nữa về phía trưởng thành.

3.
Tôi được may mắn trong đời mình sử dụng hầu hết các loại bút mực.

Học trò tiểu học dùng bút chấm mực: ngòi lá tre, ngòi rông. Thời này cái bình mực không đổ là phát minh thần kỳ, giúp sách vở, quần áo các ông nhóc thôi loang lổ mực xanh mực tím.

Học trò trung học trở lên, dùng bút máy, bút bi. Cây bút bi xuất hiện ở miền Nam mang hiệu Bic với logo thằng người đầu tròn to. Bút bi là gọi theo bây giờ, chứ thời đó nó có một cái tên rất dữ dội làbút-nguyên-tử. Cái tên này từ đâu ra, hay đó là thời chiến tranh lạnh bom nguyên tử lơ lửng trên đầu thế giới, ám ảnh thời đại vào cây bút; hay ngòi của nó là một viên bi tròn, gợi lên hình ảnh của một nguyên tử! Như cây bút máy, cái tên cũng ám ảnh thời thế giới công nghiệp hóa, chứ máy móc gì đâu, nó chỉ có cái thêm ống đựng mực để cung cấp liên tục cho ngòi bút, khỏi phải chấm như cây bút thường.

Trước 75, miền Nam bút máy là Paker, Pilot. Sau năm 75, tiếp xúc với bút Hồng Hà, bút Kim Tinh từ miền Bắc. Thời khốn khó hậu chiến, có thêm nghề tái chế bút bi, ruột bút dùng xong bơm mực trở lại xài tiếp, gặp phải mực dở có khi dắt bút vào áo, mực chảy ra tè le tùm lum. Đầu bút bi trở thành là món hàng buôn lậu có giá.

Dân học kỹ thuật như bọn tôi, còn được sử dụng bút tire-ligne, một loại bút vẽ chấm mực, điều chỉnh được nét. Môn kỹ nghệ họa (giờ gọi là vẽ kỹ thuật) thời đó rất khắt khe, trên bản vẽ từng loại nét mịn, vừa, lớn… bắt buộc phải có độ dày giống nhau, không sử dụng tire-ligne thành thạo, có nghề, bài tập vẽ có nguy cơ rớt hạng. Sau này được dùng bút kim (chiến nhất là hiệu Rotring), sướng hơn tire-ligne do mỗi cây bút kim có cỡ nét khác nhau, khỏi phải điều chỉnh mệt xác! Bút gì mực đó, với dân kỹ thuật, mực Pelikan là số zách, đen không gì đen hơn, chịu được nước, khó nhòe.

Mê nhạc, tôi được bày cho làm cây bút kẻ 5 dòng: một miếng vỏ hộp diêm được cắt răng cưa 5 đầu nhọn, gắn vào một quản bút, thế là khỏe re như con bò kéo xe, một đường bút là có ngay 5 dòng nhạc đều tăm tắp. 

Mê vẽ, tôi cũng từng xài bút lông cho các bức màu nước, panhxô cho các bức sơn dầu.

Chắc chỉ có cây bút lông ngỗng thất truyền là chưa xài thôi!

4.
Lên lớp sáu, mẹ thưởng cho tôi cây bút máy. Lâu này thèm thuồng cây bút máy Pilot màu xanh ngọc, ngòi mạ vàng, vội vàng đến nhà sách, khảo giá rồi xin tiền mẹ. Khi mang về nhà săm soi mới phát hiện không phải là cây Pilot mà mình mơ ước. Một cây bút hàng nhái, giống y chang, chỉ có cái hiệu là hổng phải! Chạy ra nhà sách coi lại, cây bút thật có giá… trên trời. Nhà nghèo đâu có dám xin một số tiền lớn vậy! 

Đau khổ tràn trề, trằn trọc suốt một đêm!

Hôm sau, vạch ra một kế hoạch liều mạng, lận lưng cây bút nhái, ra hiệu sách hỏi mua cây bút thật, cầm lên đặt xuống săm soi, và thừa cơ cô bán hàng lơ đễnh, tráo cây bút nhái của mình, rồi trả lại. Ông nhóc từ nhỏ đến lớn vốn thiệt thà, giờ làm việc dối trá, ngoài mặt làm bộ tỉnh nhưng trống ngực đánh rầm rầm, ruột gan rối loạn tùng phèo. Đến khi điệp vụ hoàn thành, giả đò bước chậm rãi ra khỏi nhà sách, vừa khuất cửa, ba chân bốn cẳng vội rảo lên, rồi chạy biến vào con hẻm quanh co một lúc mới về nhà.

Sự sung sướng được thỏa lòng ước ao, làm mờ đi mặc cảm tội lỗi. Nhưng vụ dối gạt này cả đời không thể nào quên được.

Cây bút này theo tôi mãi cho đến năm 75 rồi bị đánh mất cùng cái va li trong đêm chạy loạn!
»»  read more

25.9.13

chuyện trên tàu

Lên tàu về quê. Mới vào sân ga đã thấy quanh mình "ngân vang" lên những âm thanh đất Quảng. Người Quảng, tất nhiên phải nói giọng Quảng, cái chất giọng nghe đầy vị khoai sắn, chơn chất, mộc mạc đến tận cùng, cái chất giọng trầm và nặng ngay cả khi phát ra từ đôi môi hồng gợi cảm. Chuyến tàu này từ Sài Gòn ra và điểm cuối cùng là Huế, khách đi tàu người Quảng khá đông. Toa tôi nằm, chỉ có một chị không phải là người Quảng Nam, chị ấy là người... Quảng Ngãi (!!!). Nghĩa là chạy trời cũng không khỏi người... Quảng, hehe!

1.
Đầu tiên là cặp trai gái trẻ nằm ở tầng 3, chắc là một đôi tình nhân đang du lịch đất Nha Trang trở về. Lên tàu xong, hai cô cậu mang hết ba lô túi xách va li tuốt lên... tầng 3 luôn, kể cả đôi giày cao gót của cô gái và đôi giày trắng sành điệu của cậu trai. Hehe, cho nó "chéc eng", vật bất ly thân, kỹ càng đúng kiểu xứ Quảng. Chàng còn dặn dò nàng phải nằm quay đầu ra hành lang, đỡ xóc hơn, gối phải lật trái lại để nằm cho sạch, vv và vv... Kỹ sư như tôi cũng thầm bái phục chàng "sư kỹ"!!! May mà cô gái (cũng là dân Quảng) ngoan ngoãn nghe lời, không.... cãi tí nào!

Anh chàng tầng 2 mang theo cháu bé khoảng 2-3 tuổi gì đó, cháu đang nhớ mẹ, thỉnh thoảng lại nhè ra khóc. Lát sau, thấy anh chàng gọi điện về cho vợ, bắt đầu chuyện dặn dò. Ngoài những chuyện báo giờ về tới nhà, chàng dặn chuyện đóng cửa nhà, cửa trước gài ra sao, cửa sau khóa ra sao... và 3-4 lần xen giữa câu chuyện luôn nhắc đi nhắc lại: Em nhớ dắt chiếc honda 67 vô nhà, khóa cổ cẩn thận không thì "thèng mô nó vô nó dét mất"! Chắc chàng ta là dân "chơi xe cổ", chiếc honda này là của hiếm thời nay mà!

Đến bà chị Quảng Ngãi, tới tầm 3 giờ sáng, chỉ hốt hoảng tung mền ngồi dậy, la hỏi tới ga Đức Phổ chưa? Trong khi cả toa còn ngái ngủ, chị bước ra hành lang kêu ông trực tàu inh ỏi. Giọng Quảng giữa đêm vắng vẻ, vang lên như kẻng báo động, át cả tiếng máy tàu xình xịch, làm tôi giật cả mình tưởng như đang ở thời chiến tranh, pháo kích vô thành phố, hốt hoảng chực chạy xuống hầm trú ẩn! Hú hồn là chưa tới ga Đức Phổ, rứa mà ông trực tàu cũng bị chị lên lớp, mắng mỏ một cấp! Hehe, ông trực tàu này cũng dân Quảng, chắc muốn cãi cọ ghê lắm, nhưng vóc dáng nhỏ thó bên bà chị đang nổi đóa to như gấu mẹ, đành... nhịn cho lành!

2.
Chợt nhớ những chuyện về người xứ Quảng.

Ông anh vào Sài Gòn, mở xưởng làm cửa nhôm, sau mấy năm đưa người ở quê vào làm thợ, chịu không thấu vì chủ nói đâu thợ cãi đó, đến lắp ráp cửa cho chủ nhà, cũng cự cãi chủ nhà luôn, báo hại ổng phải đi năn nỉ. Giờ đến chơi thấy ổng trương cái bảng tuyển thợ có hàng ghi chú: không tuyển người Quảng Nam!

Rứa nhưng một ông anh khác, mần nghề luật sư, lại trương cái bảng hiệu rất oách: Luật sư Phạm Văn G. (chính gốc Quảng Nam). Hahaha, dân Quảng Nam mà làm thầy cãi thì số dách rồi!

Còn thằng cháu, vô Sài Gòn làm nghề xe ôm, một bữa về nhà nhăn nhó với mẹ: lần sau tui thề không chở mấy cha người Quảng nữa! Mẹ nó mới la: Cha mày, chớ mày là dân gì? Mà sao? Thằng cháu cáu kỉnh: Mình đã biết đồng hương rồi. Nói bằng già nửa giá chở người ta, rứa mà chả còn kỳ kèo trả tới trả lui, hổng chịu đi nữa. Nghĩ tình, con cũng chở, mà ghét quá đi!

Hổng biết khi kể những chuyện này có mang lỗi nói xấu quê mình hông ta!

3.
Nhưng rồi một ý nghĩ lóe lên, lẩm nhẩm nghĩ và cười thầm trong bụng: Lấy thằng người Quảng làm chồng thì tạm OK, nhưng chọn làm bồ... thì nhiều lúc cũng điên cái đầu lắm hỉ??
»»  read more

18.9.13

khói tím

Cuối đường băng của sân bay, bên kia tường rào chắn là con đường dọc vịnh, chạy theo hình cánh cung, ôm lấy rừng dương xanh thẫm và bãi cát vàng xoải mình xuống mép sóng. Dãy phố biển đầy những khách sạn bé tí mà cao tầng, đầy những du khách nhộn nhịp, dừng lại khi chạm khu tĩnh-không(*). Đoạn vỉa hè, bên tường rào sân bay lát đá chẻ mấp mô, ít vết chân người.

Cỏ dại được dịp, len lỏi qua kẽ đá, lớn lên. Hàng ngày, người đi qua đó, buổi sáng, khi tắm biển sớm.

Tháng mười ta, với những trận mưa cuối mùa, dọc vỉa hè mọc đầy một thứ cây bụi, thân mỏng mảnh như tăm um tùm đỏ tía, lá lăn tăn xanh xám và hoa li ti. Những chùm hoa màu tím xen trắng, nụ nhỏ như đầu kim, xòe hết ở đầu cành. Chúng san sát nhau, kéo dài cả chục thước, làm thành một đám sương khói tím mờ khi người ngắm nó từ biển đi lên.Không biết tên loài thân thảo này, người thầm gọi là tử yên thảo, cỏ khói tím.

Những năm gần đây, thành phố sửa sang lại vỉa hè, sân bay dời đi xa, tít phía nam. Những bồn hoa, giàn hoa mới thay thế đám cỏ dại ngày nào. Đá lát cũ được thay bằng gạch mới, có màu và vuông vắn. Những đôi uyên ương trẻ, chuẩn bị cho ngày cưới, áo váy xênh xang, đến đây chụp ảnh khi những tàng hoa giấy đủ màu trắng đỏ vàng cam nở rộ trên giàn.

Đám tử yên thảo lẩn khuất đâu đó trong cảnh bụi bờ, cô quạnh.

Người đi qua lối đó vào một buổi chiều, chợt thấy sau tường rào, nơi cho thuê đất để bán buôn cây cảnh, một dãy hoàng-hậu vươn cao sum suê san sát nhau, rực đầy hoa, làm thành một đám mây hồng tím.

Tưởng như đám tử yên thảo ngày nào lột xác, phục sinh, từ chốn là sà mặt đất bay lên cõi thinh không!

________
(*)Tĩnh không: khoảng không giới hạn của sân bay, không được phép xây dựng công trình.
»»  read more

17.9.13

nhớ quê

1.
Trời se lạnh trong mưa, dậy lên nỗi nhớ quê! Xứ Quảng được nói đến nhiều, rất nhiều, quá nhiều. Mà nhiều nhất có lẽ từ cái sự-tự-nói-về-mình của dân Quảng (cái xứ nhà báo cũng lắm, nhà văn cũng nhiều)! Thành ra, có viết thêm cái gì sau đây, cũng là muối bỏ biển thôi!

Nhớ lần tình cờ gặp anh bạn Quảng trên chuyến tàu. Nghe tôi đi viếng Thánh Địa La Vang, anh đã rất bất bình ca bài ca vỡ... xứ cho tôi nghe liền: "Ủa, dân Quảng Nam sao lại đi La Vang, mình phải đi Thánh Địa Trà Kiệu chớ! Quê miềng mà!" Nói tình yêu quê hương cuồng nhiệt cũng đúng mà nói cục bộ địa phương cũng chẳng sai! Đố ai thuyết phục được người Quảng, cái gì của xứ Quảng mà đứng... hạng nhì! Gân cổ lên cãi liền, hehe, dân hay cãi mà!

2.
Rồi hai ông tâm sự nhau về... xứ Quảng! Nói tới nói lui một hồi, thấy hai ông Quảng này (hay suy rộng ra mọi người dân xứ Quảng) có những "sở thú" ăn uống sao mà trùng nhau quá đỗi!!!

Kho cá phải có nước cá kho. Ôi, cái thứ nước màu nâu quánh của đường thắng, thơm phức mùi cá, nồng cay của vị ớt vị tiêu, mặn mặn ngọt ngọt, khi chấm rau lang, rau muống... luộc đã tê ngon đầu lưỡi, còn khi chan vào tô cơm nguội buổi xế chiều lúc bụng réo thì tuyệt vời không biết đến chừng nào mà kể!

Nước mắm phải là mắm nguyên chất dằm ớt! Mọi thứ nước mắm chua ngọt, thậm chí giã thêm tỏi, đều không phải là món gốc Quảng Nam!

Mắm cá xứ Quảng là mắm cái! Cá cơm còn nguyên con, đã ngấu chín đỏ trong màu mắm nâu nâu! Gắp một con mắm, kèm lát chuối chát, miếng khế xanh, ngắt thêm mấy ngọn rau thơm nhỏ rí, chừng đó là món nhắm đưa cay tuyệt cú mèo kèm thêm một ly rượu đế trong những buổi chiều đông! Khi người ta lọc nước từ mắm cái làm ra mắm nêm, thì đã mất đi phần dân giã, để dùng cho các món "cao cấp" hơn: bò tái (bê thui), thịt heo luộc cuốn bánh tráng!

Còn cá ngừ, để ăn với bún, thì nấu với nhiều nước hơn. Vùng miền trong cũng nấu như vậy, gọi là nấu mẳn! Nhưng trong này, sản vật phong phú giàu có, người ta ít ăn cá ngừ. Dân tôi vốn nghèo gắn bó với con cá ngừ nhiều hơn! Mãi khi vào Nha Trang, tôi mới biết nhiều đến cá thu, cá mú, cá ngân... chứ cả thời từ nhỏ lớn lên, cá biển lớn lớn chỉ biết con cá ngừ!

Bánh tráng thì vùng nào cũng có! Nhưng xứ Quảng người ta thích nướng bánh lên, rồi nhúng nước đi, để cuốn cá nục với rau muống chẻ. Mà không có gì, thì cuốn bánh tráng nướng nhúng nước chay, chấm nước mắm, nước cá kho hấp dẫn không kém!

... Vậy đó, ông này nói ra, ông kia vỗ đùi khoái trá hưởng ứng, y như đi guốc trong bụng nhau! Hai bà vợ xứ khác, ngồi nháy nhau cười lắc đầu, trong bụng chắc cũng vừa thích thú vừa chán chường, tưởng chỉ có thằng chồng mình ăn uống lạ lùng như vậy, ai dè có một bầy!!!

3.
Lỡ nói, đành nói luôn cho nó vuông! Bánh mì là món phổ biến khắp nơi. Nhưng bánh mì xứ Quảng có mấy thứ này, chưa thấy đâu có.

Bánh mì kẹp bánh bột lọc! Bánh bột lọc này đúng tên theo tự điển là bánh tai vạc, xòe ra như cái tai bằng bột lọc trong suốt nổi rõ nhân tôm thịt đỏ au! Nặn miếng bột hình tròn mỏng mỏng, đặt nhân vào, gấp lại làm đôi, hai ngón tay nhân quanh viền cái miếng bột đã là hình bán nguyệt, hấp đi, thành cái tai vạc! (Bánh bột lọc thì dài, cũng bột lọc nhân tôm thịt, nhưng gói trong lá chuối).

Bánh mì gà, giờ cũng thất truyền. Ổ bánh mì như cái nắm tay, tròn trùng trục, kẹp thịt gà xé sợi kiểu thịt chà bông, cộng đồ chua ngọt, tương ớt cay). Đây là món truyền thống thuở đi học trung học gặp ngày có 2 giờ học cuối (sáng) liền 2 giờ học đầu (chiều), xin mẹ ở lại trường buổi trưa, kèm theo ít tiền, ăn ổ mì gà và ly chanh muối!

Bánh mì que, to cỡ hai ngón tay, dài cỡ một gang, dòn rúm rùm rụm. Có gì mà không dòn, vì nhỏ quá, ổ bánh toàn là vỏ, đâu có ruột gì nữa! Phết patê và sốt masonaise rắc muối tiêu! Bánh mì này thấy có thấp thoáng gần đây ở Saigon!

4.
Trời lạnh, nhớ quê, mà nhớ toàn đồ ăn thức uống, chớ có nhớ cha mẹ gia đình gì đâu ta! Thật ra là có chứ! Nhớ các món ăn là nhớ mẹ lui cui trong cái bếp nấu củi mịt mù khói ngày xưa! Nhớ món cá ngừ là nhớ những lúc ba đi làm về tối muộn, tạt qua chợ Cồn xách con cá mới từ bến cảng chuyển lên! Nhớ bánh tráng nướng nhúng nước là nhớ bạn bè những buổi chiều gặp nhau đúng giờ bụng đói!

Nỗi nhớ cứ bảng lảng như mây mù, da diết như sương lạnh, thao thức như cơn gió đang vờn thả ngoài trời, ngay lúc đúng ngọ, mà tịnh không thấy một tia nắng nhỏ!
»»  read more

12.9.13

tưởng niệm 11/9


Ngay tại vị trí của hai tòa tháp đôi WTC ngày trước , bây giờ là hai hồ nước lớn hình vuông. Bờ hồ được làm bằng đồng, trên đó khắc tên những nạn nhân: 2.628 người, những cái tên được xếp thành nhóm cùng gia đình hay cùng làm việc trong một văn phòng. Tấm đồng hơi ngiêng về phía ngoài, những người đến thăm viếng có thể chạm được đến tất cả các dòng tên, để đặt lên đó một đóa hồng, một lá cờ nhỏ hoặc dùng chì miết lên giấy cái tên người thân đã khuất,

Phía trong những tấm đồng, bắt đầu một thác nước đổ xuống đáy hồ qua những rãnh li ti, làm thành những tia nước nhỏ như những linh hồn rơi xuống, tạo nên một âm thanh trầm như tiếng đại phong cầm. Từ đáy hồ, nước lại dồn đến một ô vuông sâu thẳm chính giữa, lại đổ xuống, như đổ xuống chốn không cùng!

Người ta đứng đó, lặng thinh, mà như xáo động trong lòng những tiếng gọi tha thiết, những tiếng thét bi thương, những tiếng cầu nguyện rì rầm của cả người chết lẫn người sống, vang lên, rồi tan loãng trong âm thanh dịu mát của nước, của thác, của suối, của mưa, của sóng…

Người ta chợt cảm thấy bình an, chợt hiểu những thống khổ sẽ được an ủi, những đổ nát sẽ được tái thiết, những tội ác sẽ có công lý, những cái chết sẽ được nhớ mãi như những tia nước nhỏ riêng lẻ đang rơi như mưa xuống lòng hồ, sẽ tụ lại thành một và cùng đến vùng ký ức vĩnh cửu.

Khu Số Không (Ground Zero) ngày nào đã thành một công viên rợp bóng xanh, bên hai Hồ Tưởng Niệm là ngôi Bảo Tàng sự kiện 11/9. Chếch một góc công viên, vươn thẳng lên bầu trời New York, ngôi tháp WTC mới, được đặt tên là Tháp Tự Do, với những góc cạnh mãnh liệt, sáng lấp lóa trong ánh nắng như một tinh thể thạch anh cứng cỏi khổng lồ.

Những tác giả của khu tưởng niệm không mang đến cho khách thăm những cảm giác căm hận, oán thù. Dường như họ muốn người ta cúi đầu trầm ngâm, ngẫm nghĩ về cái ác với tư cách của một con người tự do; tự do chọn lựa đứng về phía cái ác hay chống lại nó.

Vì cái ác, chẳng ở đâu xa, nó tiềm ẩn ngay trong sâu thẳm mỗi con người!


(Bài cũ post lại)





»»  read more

9.9.13

con đi trường học...

Đọc trên báo thấy GS Ngô Bảo Châu nói về những tố chất cần giáo dục cho lớp trẻ: trung thực, dũng cảm trái tim rộng mở! (nội dung này do nhà báo ghi lại trong buổi nói chuyện của GS tại Trường ĐH KHXH và NV TPHCM). Tự dưng bỗng nhớ đến 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi cũng đã có thật thàdũng cảm. Còn trái tim rộng mở có lẽ cũng đã được đề cập cụ thể (cho các cháu dễ hiểu) qua: Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào.

Nhưng... sao thấy những khái niệm trên nó cứ to to và mơ mơ thế nào ấy!

Đọc tiếp trên mạng thấy giáo dục cho trẻ ở Nhật Bản tập trung vào tự lập, biết mỉm cườicảm ơn.

Lại mò mò trên mạng thấy giáo dục cho trẻ của Mỹ lại tự lập biết nhận lỗi, biết kiềm chế, không kỳ thị, tôn trọng cá nhân.

Ông bạn A., một hôm, khoe một bức họa của con gái đang học trung học ở Singapore. Bức họa chân dung một người đàn ông đang biểu cảm một cơn giận dữ đầy thần sắc. Ổng nói, từ nhỏ đến giờ, ở VN con bé chưa học vẽ ngày nào, vậy mà mới sang học Singapore học mấy năm "mần" được một tác phẩm "tới" vậy đó. Tác phẩm này lại nằm trong một chuỗi nghiên cứu chân dung con người với nhiều trạng thái hỉ nộ ái ố, trong một dự án mang tên Thị Vệ của con bé. Kinh chưa? Môn hội họa, ở bên đó, chỉ là môn "ngoại khóa" không có điểm số gì cả, coi như học chơi cho biết, mà đạt kết quả như vậy! Đáng ngưỡng mộ!

Bữa gặp một cô bé Tây mới 5 tuổi , khi kết thúc buổi tiệc (ở nhà một người bạn), thấy cô bé ra cửa chọn giày của mình tự mang vào, một cách rất tự giác tự lập hoàn toàn không nhờ vả gì bố mẹ cả!

Nhà mềnh, tuổi đó, suốt ngày bám váy mẹ nhùng nhoằng nhủng nhoẳng và bà mẹ cũng xoắn xuýt lấy con, làm thay hết mọi việc.

Cô bé ấy đây!

Cho nên, để lớp trẻ Việt Nam "sánh vai" được với ai đó, phải chăng ta nên bớt những khái niệm "to to" và "mơ mơ"! Và khởi đầu, phải là chuyện rèn cho trẻ học được tính tự lập!

»»  read more

2.9.13

chênh vênh mi buồn


ANH CÒN YÊU EM  
Nhạc: Anh Bằng - Lời: thơ Phan Thành Tài

 Anh còn yêu em như rừng lửa cháy
Anh còn yêu em như ngày xưa ấy
Chiều xuống mờ sương
Cửa đóng rèm buông
Gối kề bên gối
Môi kề bên môi

Anh còn yêu em đường xanh ngực nở
Anh còn yêu em lòng tim rạn vỡ
Bạch đàn thâu đêm
Bạch đàn thâu đêm
Thầm thì tóc rũ
Anh còn yêu em

Anh còn yêu em chênh vênh mi buồn, chênh vênh mi buồn
Anh còn yêu em nụ hôn sim tím, áo nhàu qua đêm
Anh còn yêu em buồm trăng giương cánh khi biển chiều lên
Ôi biển chiều lên sóng xa êm đềm, sóng xa êm đềm

Anh còn yêu em ngời trong giọt máu
Anh còn yêu em bờ vai mười sáu
Cánh môi thơm mềm
Nồng nàn hương ấm
Anh còn yêu em... Anh còn yêu em... Anh còn yêu em... 



»»  read more