12.12.15

chuyện chép từ Cuốn Sách Cũ (5)

Tôi rất thích mười ngón tay của tôi. Ba tuổi, tôi đã sử dụng chúng khá thành thạo, để ăn, để chơi, để nghịch và để thể hiện tình yêu với những người trong gia đình. Tôi thích dùng các ngón tay vuốt ve khuôn mặt của mẹ cảm nhận làn da mịn, thơm ngát. Và khi tôi mân mê ti-của-mẹ thì thế giới quanh tôi biến mất, chỉ còn một cõi thần tiên, mặc kệ những ai lêu lêu mắc cỡ tôi.

Thích mười ngón tay mình, tôi cũng rất thích bài hát Finger Family với giai điệu hấp dẫn. Mẹ tôi, sau này, nói là tôi hát suốt ngày bài đó, khi tôi ba tuổi.

Daddy finger, daddy finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?
Mommy finger, Mommy finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?
Brother finger, Brother finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?
Sister finger, Sister finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?
Baby finger, Baby finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?


Có ngón tay ba, ngón tay mẹ, ngón tay anh chị và em bé. Một gia đình ngón tay trên bàn tay bé xíu của tôi.

Mẹ bắt đầu dạy tôi tự cầm muỗng, rửa tay và dần dần tự đánh răng, mặc quần áo, mang giày dép... Mẹ mua cho tôi một hộp màu và cuốn tập tô màu. Nhưng tôi không thích tô mấy cái hình trong sách, vì hễ tôi muốn cho quả đu đủ mặc áo tím, con ếch có bộ da hồng, con cua màu xanh da trời... là người lớn lại chê tôi tô sai với hình mẫu hoặc chê tôi không biết nhìn ra màu. Ghét ghê lắm.

Với người lớn, hình như, chỉ có một thế giới mà họ thấy được bằng mắt. Họ đâu có biết thế giới trẻ con của tôi đầy những sắc màu vô cùng kỳ ảo, đầy những mộng tưởng thần tiên, đầy những phép màu tuyệt diệu. Họ đâu có nghe con nhện ở góc nhà vừa treo cái mạng tí xíu vừa nói chuyện với tôi về những hạt sương long lanh trên cái mạng của nó giăng ngoài sân. Họ cũng đâu có thấy sáng sáng tôi vui đùa cùng Phù Thủy và Bốn Con Ma ở bốn góc mùng.

Tôi muốn tự nguệch ngoạc mọi thứ theo ý mình nên mẹ cho tôi một cuốn vở giấy trắng. Nhưng vẽ trên tờ giấy nhỏ tí tẹo và luôn bị tôi xé vụn ra rắc đầy nhà, cũng không làm tôi hứng thú được bao lăm. Tôi thích vẽ những hình ảnh của tôi trên tường nhà, những bức tường trắng, rộng lớn, thỏa thích cho tôi vung bút và quan trọng hơn là chúng tồn tại rất lâu. Ở nhà tôi, ở nhà ông bà nội, ở nhà ông bà ngoại, ở đâu cũng có những bức tường cho tôi vẽ cả. Ở đâu, cũng đầy những vệt thẳng nghiêng ngã, những vệt ngang xiên xẹo, những vệt cong xoắn xít rối rắm... Chúng có khi là những hàng cây, những hạt mưa, những con đường, những vòm lá, những đám mây... trong trí tưởng thơ bé. Có vẻ như không ai thích thú và khuyến khích tôi ở cái trò vẽ vời này. Nhưng được cái, không ai la mắng tôi trầm trọng, họa chăng là chút càm ràm, chút lắc đầu, chút chép miệng... Với họ, những hình vẽ của tôi sẽ không tồn tại lâu, vĩnh cửu như tôi nghĩ.

Mãi sau này, khi lớn lên, tôi mới hình dung cái lý do của một đứa bé chỉ thích vẽ lên tường những đường nét nguệch ngoạc. 

Tôi có nhiều thứ của tôi : thú bông, đồ chơi, quần áo giày dép mũ nón. Tôi có ông bà ba mẹ và người thân của tôi. Tôi có căn nhà của tôi. Nhưng những thứ đó là những cái bên ngoài, được sắm sửa cho tôi, chứ không phải cái-tự-có-trong-bản-thân-tôi. Chỉ qua suy nghĩ của tôi, qua ngón tay tôi, qua công cụ là cây bút, tôi mới tự làm nên thế giới của riêng mình. Khi đè những nét chì lên tường, tôi đang là một đấng sáng thế. Tôi không muốn thế giới của tôi mai một trên tờ giấy nhỏ, tôi muốn chúng tồn tại trên những bức tường cứng chắc và rộng lớn, vĩnh cửu đối với tôi.

Đó là niềm vui sáng tạo mà Thượng Để muốn chia sẻ cho con người. Ngài đã đặt nó ngay trong sâu thẳm của từng đứa bé và thúc dục nó thể hiện từ khi biết ngọ ngoạy mười ngón tay xinh.
»»  read more

4.12.15

thân phận bọt bèo

Thuở nhỏ, đến mùa hè, cả nhà lại chuyển giường chõng ra ngủ ngoài sân. Trong căn nhà bé nhỏ, chật chội lợp tôn, không khí ngột ngạt nóng bức, không tài nào chợp mắt nổi. Với đám trẻ con đó là một trong những điều thích chí của mùa hè.
Những đêm có trăng, ánh trăng dìu dịu đi suốt khoảng sân đầy bóng lá, đi tận vào trong giấc ngủ với những làn gió mát rượi. Những đêm không trăng, bầu trời lại vằng vặc đầy sao, hàng triệu tinh tú nhấp nhánh trong không gian trong vắt và tinh sạch của làng mạc chưa có chút khói bụi ô nhiễm thuở ấy.
Một trong những đêm vằng vặc sao ấy bỗng nhiên trở thành một ám ảnh cho đầu óc một thằng bé mới lên mười. Một thằng bé ham đọc, ngấu nghiến cái tủ sách đủ loại dành cho người lớn của bà chị đầu, bị những khái niệm siêu thực, hiện sinh, vực thẳm... làm bối rối.
Nó nhìn lên không trung sâu thẳm, nghĩ tới những chiều kích vô cùng của vũ trụ, để thấy, trái đất này chỉ là một hạt bụi giữa những thiên hà, và con người và NÓ còn nhỏ bé hơn hạt bụi trái đất, quá mong manh, quá vô nghĩa, quá chừng vô nghĩa. Những chuyện nó đang làm, nó đang học, nó đang ước mơ... tất cả đều VÔ NGHĨA.
Nó như đang dứng trên một rìa núi, cô đơn, nhìn xuống cái vực thẳm hun hút của vô cùng.
Anh em nó, đang cuộn tròn trong chăn, say ngủ, chỉ mình nó thao thức với ngàn sao, với vũ trụ, với thân phận tí xíu của con người. Cái vô cùng đè bẹp nó, gây sốc nó.
Và hôm sau, nó đổ bệnh, ban đầu chỉ là cơn sốt gây gây, rồi nặng thêm, nó sốt bừng bừng, một cơn bệnh của kiếp người đổ lên một thân thể bé nhỏ, một trí óc bé nhỏ, yếu đuối không đủ sức chống chọi.
Nó chỉ muốn chết. Vì có gì đâu nữa để mà sống, một kiếp người bèo bọt, phù du.

Qua đi cơn bệnh, nó như trở thành một người khác, bất thường với cái tuổi lên mười. Nó rời khỏi những chuyện vui đùa của lứa tuổi, rút vào nội tâm, tự suy nghiệm, tự lý giải. Nó nhìn đến những người lớn tuổi hơn, hỏi han, tìm tòi một câu trả lời cho câu hỏi vô vọng của nó.

Cho đến một ngày, nó đọc một cuốn sách. Cuốn sách bình thường của lứa tuổi nó, kể về một đứa bé, được người ngoài hành tinh, đưa vào vũ trụ, đi xuyên qua các vì sao. Khi trở lại trái đất, đứa bé cũng đổ bệnh. Nhờ một ông thầy lang - ông Khờ, ẩn dật trong rừng, cứu chữa, cho đứa bé uống thảo dược, chỉ cho nó thấy một thế giới nhỏ bé của cây lá, của bươm bướm chuồn chuồn, của giun dế, của côn trùng. Một thế giới cực kỳ bé nhỏ so với những thiên hà, những vì sao. Thế giới bé nhỏ đó giúp nó cân bằng. Hình như là một cuốn truyện của tủ sách Tuổi Hoa.

Thằng bé, như nhân vật trong sách, bừng tỉnh như một thiền sư hoát ngộ. Nó rời khỏi cái vô vọng của một con người trước vô cùng, trở lại với cuộc đời, an nhiên và minh triết.

Mãi sau và rất lâu, thằng bé trở thành một người đàn ông luống tuổi. Ông ấy tìm lại cuốn sách cứu vớt ông ngày xưa, và đọc lại những giòng chữ:
"Em độc giả thân yêu, em hãy thử đặt mình vào trường hợp của Sĩ Nhân? Em sẽ cảm thấy như thế nào? Một đứa bé được nuông chiều, tin mình là trung tâm của vũ trụ, chả có gì quan trọng hơn cậu ta cả! Đứa bé ấy tin tưởng tất cả những sáng tạo đều thoả mãn nhu cầu và ý thích của cậu ta: các con vật quen thuộc, các cánh đồng, các rừng, các bầu trời đầy sao... Đứa bé cảm thấy chinh phục được tất cả, khuất phục được tất cả, kể cả bầu trời... cho đến lúc đứa bé ấy đã khám phá được mình chỉ là một sinh vật bé tí ti, bé hơn cả một hạt bụi bơ vơ trong vũ trụ bao la ngút ngàn. Địa cầu đối với cậu ta dường như quá rộng, cũng chỉ là một vật bé nhỏ trong vũ trụ mênh mông!"
...
"Còn rất nhiều lãnh vực chưa được khám phá ! Sự kỳ diệu lướt trước mắt chúng ta, nhưng muốn khám phá, chúng ta phải cần có đôi mắt trẻ thơ.
Ðây là lần đầu tiên, cậu bé trở lại chỗ đáp phi thuyền.
Chim chóc hót vang chào đón khách. Ngôi chòi của ông Khờ vẫn im lặng, nằm khiêm nhượng trong rừng..."
 _______

Trong truyện, Sĩ Nhân ở trong một căn nhà màu hồng. Và có một đóa hồng trong đoạn kết. Một đóa hồng rất quan trọng cho một con người, khi người ta đứng giữa sa mạc mênh mông của Cõi Ngưới Ta, như đóa hồng của Hoàng Tử Bé - Saint Exupery.

Một đóa hồng duy nhất của một đời người.
»»  read more

23.11.15

chuyện chép từ Cuốn Sách Cũ (4)

Lâu lâu bà ngoại lại vào thăm tôi. Tối lên xe, ngủ một giấc, mai bà đã đến nơi. Khi tôi còn nằm lơ mơ trên gác, bà ngoại đã vén mùng vào đánh thức tôi dậy. Gặp bà ngoại là có quà, thú bông, búp bê, quần áo, giày dép mới. Bà ngoại, bà nội, mẹ và tôi là phe con gái. Ông nội, ông ngoại và ba là phe con trai. Phe con gái được mặc đồ đẹp, làm tóc đẹp và vẽ mặt đẹp. Tôi thích tô son, tô xong tôi cũng biết bậm môi "cho son nó đều" như mẹ nói.

Chiều chiều, bà và mẹ đi xe máy đến đón tôi ở trường, tôi khỏi phải ngồi một mình trên cái ghế mây đằng trước mẹ, mà được ngồi sau giữa hai người, bà ôm lấy tôi, tôi ôm lấy mẹ. Cảm giác rất yên ổn, đến nỗi có thể nhắm mắt, ngủ một giấc thật ngon.

Một lần, trên đường đón tôi về, mẹ dừng chân ở chợ, để bà ngoại xuống mua một thứ gì đó. Bà đi hơi lâu lâu, ngồi sau lưng mẹ, tôi bỗng buột miệng: "Mẹ, mình đi về đi." Mẹ ngạc nhiên: "Sao về, còn bà ngoại nữa mà." "Bỏ bà ngoại lại đi, mẹ với con về."

Có vẻ mẹ bất ngờ trước câu nói của tôi. Im lặng một chút, mẹ hỏi: "Bà ngoại là mẹ của mẹ, giống như mẹ là mẹ của con. Con có bỏ mẹ để đi một mình không?" "Không, con không bỏ mẹ đâu." "Vậy mẹ cũng không bỏ bà ngoại được. Mình phải chờ bà ngoại ra, cùng về."

Tôi suy nghĩ về chuyện này rất lâu.

Trước đó, dù vẫn biết bà ngoại là "mẹ của mẹ tôi", nhưng trong đầu của một bé con ba tuổi, tôi không hình dung được mối quan hệ đó giống như giữa tôi với mẹ. Giờ đây, tôi bắt đầu mường tượng và hiểu dần ngoài cái gia đình nhỏ gồm có Ba Mẹ và Tôi, còn có những mối quan hệ ruột thịt khác để hình thành nên gia đình lớn. Chúng khiến cho mọi người trong một gia đình gắn bó với nhau, không muốn xa lìa nhau.

Câu chuyện này, về sau, khi tôi đã lớn bộn, vẫn được kể đi kể lại như một giai thoại trong nhà tôi. Thiên hạ thì đem con bỏ chợ, chỉ duy có tôi là dám xúi mẹ ... đem bà ngoại bỏ chợ.

Hihi.
»»  read more

18.11.15

chuyện chép từ Cuốn Sách Cũ (3)

(3)
Nhà ngoại tôi ở xa. Nơi đó có biển. Lần đầu được bà ngoại đưa ra biển chơi, tôi sợ. Sao lại có một vùng nước, vùng cát rộng lớn đến vậy. Chỗ tôi ở, vùng nước rộng nhất tôi thấy là cái hồ bơi, và rất đông người xúm xít quanh đó. Còn ở chỗ ngoại, biển xa tít tầm mắt, có nhiều sóng, người thì lưa thưa. Sóng làm cho biển cựa quậy, lúc lắc không yên. Nhìn ra xa, biển như có đàn kiến khổng lồ, chi chít, lổm ngổm bò. Nhìn gần, sóng lay động từng đợt như có muôn nghìn con rắn đang bơi, lúc hiện lúc ẩn, đen đen.

Làm sao mà không sợ.Nhưng ra đó vài lần, chơi đùa trên bãi cát, dần cũng quen.

Chơi trên cát đã đời, tôi cũng được ngoại dắt xuống biển, và nghịch nước. Đám kiến lổm ngổm ở xa, không với được đến tôi. Đám sóng rắn ở gần, nhưng khi tôi xuống, chúng cũng dạt ra, chỉ còn nước. Mà đứa bé nào tuổi tôi lại không mê nghịch nước.

Biển với tôi là vậy. Đến khi trở về nhà minh, đôi khi tôi nằm mơ thấy biển. Và nhớ ông bà ngoại rồi nhớ cả ngôi nhà của ngoại. Nhà ngoại thì bự hơn nhà tôi nhiều, chỉ thua nhà tôi là nhà ngoại không có gác không có cầu thang. Bù lại, nhà ngoại có nhiều thứ. Có cây to, có cây nhỏ, có cả hoa vàng hoa đỏ. Có hồ cá với đám cá lớn nhỏ đủ màu, mà tôi được cho chúng nó ăn mỗi ngày. Còn có cả đám thú bông và búp bê nữa, nhiều hơn cả của tôi.

Khi rời nhà ngoại, ngồi trên xe, tôi vui vẻ bai bai ông bà ngoại, nhưng bai bai xong rồi, tự dưng tôi bật khóc nức nở và nói với mẹ: "Con không đi nữa đâu, con về với ông bà ngoại, con nhớ ông bà ngoại lắm." Mẹ và bà ngoại phải dỗ dành: "Lần sau ra chơi với ông bà ngoại nữa. Giờ con ngủ một giấc, mở mắt ra sẽ gặp ba."
Sáng hôm sau, khi xe dừng ở bến, đã thấy ba chờ đón mẹ con tôi. Mẹ hỏi: "Còn nhớ ông bà ngoại không?" Tôi tỉnh queo: "Không. Có ba rồi."

Nói vậy thôi, chứ sao làm tôi không nhớ.
»»  read more

15.11.15

cầu nguyện cho Paris và nước Pháp


Trong dòng người nhập cư châu Âu đến Tân thế giới, tất nhiên có cả bọn cặn bã, quân cướp bóc, băng đảng maphia.

Trong dòng người di cư 1954 từ miền Bắc vào miền Nam VN, tất nhiên có cả những người mang theo sứ mệnh hoạt động ngầm cho VNDCCH chống lại VNCH.

Trong dòng người nhập cư từ châu Phi, Arab, Trung Đông, Đông Âu đến Tây Âu, tất nhiên có cả những kẻ cuồng tín, quá khích, làm việc cho bọn khủng bố.

Nhưng không vì vậy mà mọi cánh cửa biên giới đó đều đóng lại.

Vi đó là những miền đất của dân chủ, tự do và nhân đạo, sẵn sàng chấp nhận mọi điều xấu, những rủi ro cho sự tồn vong của mình, trong khi cưu mang những thân phận cùng khốn, bị bức hại...
 

Churchill từng ngậm ngùi: "Chế độ dân chủ là một mô hình chính quyền tệ hai, trừ tất cả những mô hình có từ trước đến nay - Democracy is the worst form of government, except for all the others.”
»»  read more

chuyện chép từ Cuốn Sách Cũ (2)

(2)
Một buổi sáng ưa thích của tôi, bắt đầu bằng chuyện không có ai đánh thức tôi cả. Tôi sẽ ngủ, nằm ngửa tay chân sải bà lai, nằm sấp lổm ngổm như một chú rùa, nằm nghiêng tay ôm chân gác lên chiếc gối dài, cho đến chừng nào muốn dậy, hai con mắt tôi sẽ tự động mở ra.


Tôi sẽ nhìn lên đỉnh màn, hai bàn chân bắt đầu lắc lư đong đưa từ trái sang phải, nhịp nhàng. Mẹ nói vụ lắc lư chân này giống y ba tôi. Anh ấy cũng đong đưa hai bàn chân như vậy khi nằm thư giãn trên giường.

Lúc đó, Phù Thủy sẽ xuất hiện và bay lòng vòng trên cây chổi. Bốn Con Ma cũng loay hoay ở bốn góc màn. Mỗi khi Phù Thủy bay đến gần góc màn nào, Con Ma ở đó sẽ vỗ tay và hoan hô ầm ĩ. Chúng luôn chào đón khi tôi mở mắt mỗi buổi sáng ưa thích bằng cái màn trình diễn không bao giờ chán đó. Những cái chuông trên chổi của Phù Thủy, lúc thì leng keng vui sướng, lúc thì ngân nga du dương.

Khi hai bàn chân của tôi đã lắc lư đủ, chúng sẽ dừng lại và đó là tín hiệu cho Phù Thủy và đám Con Ma biết rằng buổi biểu diễn kết thúc. Chúng sẽ tự biến mất, nhẹ nhõm như khi xuất hiện.

Lúc đó, tôi sẽ nghĩ đến một cái gì đáng sợ, tỷ dụ như có một con ong vàng đen gớm ghiếc đang bổ nhào xuống chích tôi. Tôi sẽ la váng lên: "Mẹ ơi!" với sắc độ mà mẹ tôi hay nói là "la thất thanh".

Mẹ sẽ chạy lên gác, dẫn tôi xuống cầu thang. Tôi sẽ vui vẻ tắm và nghịch nước trong chiếc thau đỏ, sẽ vui vẻ để mẹ chà răng, sẽ vui vẻ để mẹ chải và thắt tóc bằng những sợi thun màu, sẽ vui vẻ mặc quần áo đi giày đội mũ và sẽ vui vẻ cùng mẹ đi ăn sáng. Không chút mè nheo.

Nhưng không phải lúc nào cũng có những sáng ưa thích như vậy. Có lúc, mẹ đánh thức khi tôi còn muốn ngủ. Tôi sẽ không được lắc lư bàn chân, không được xem Phù Thủy và lũ Con Ma, không được gọi mẹ thất thanh. Tôi sẽ không vui vẻ. Tôi càu nhàu. Tôi lè nhè.

Và sau đó, sự cáu kỉnh của tôi sẽ lây sang mẹ. Nhưng thôi, đó là một chuyện khác, vào một ngày khác.
»»  read more

13.11.15

chuyện chép từ Cuốn Sách Cũ (1)

(1)
Hồi đó, tôi mới ba tuổi. Ông ngoại tôi là người dường như cái gì cũng biết. Khi mẹ tôi có điều gì hỏi ông, ông đều trả lời suôn sẻ. Và cặn kẽ.

Có lần ông nói với mẹ về ánh sáng. Ông nói ánh sáng có thể bẻ gập được. Một đứa bé lên ba thì có gì mà quan tâm về điều đó. Nhưng tôi cứ nghĩ, nghĩ mãi. Ở lớp mẫu giáo Mầm của tôi, cô giáo cho chúng tôi vẽ ông mặt trời, một hình tròn tô màu đỏ hoặc vàng, xung quanh là những tia sáng, những vạch thẳng tua tủa như đám râu quai nón, cũng đỏ hoặc vàng. Không có tia nào bẻ gập như ông ngoại nói. Mà chúng tôi có vẽ một tia sáng bị bẻ gập, cô giáo cũng coi đó là lỗi và sẽ bắt chúng tôi xóa nó đi.

Tôi cứ nghĩ có lúc nào tôi thấy được tia sáng bị bẻ gập không. Nhưng tôi chỉ nghĩ trong đầu, chứ không hỏi ông ngoại. Tôi là một bé gái ba tuổi, có khi tôi hỏi mẹ đủ mọi chuyện, đến khi mẹ phát điên và bảo tôi thôi đi. Nhưng tôi sẽ không hỏi ông ngoại về vụ ánh sáng bẻ gập này đâu, vì nếu ông cũng trả lời tôi suôn sẻ và cặn kẽ như đã từng trả lời cho mẹ, thì chắc tôi thất vọng về mình, khi không tự đi tìm câu trả lời.

Một buổi trưa, tôi ngồi chơi một mình với đám thú bông ngoài hiên, nói là hiên chứ đó chỉ là khoảng trước phòng khách, nền làm thấp một chút, dùng để hai xe máy của ba và mẹ. Nhà tôi ở phố, không có vườn tược hay hiên sảnh gì đâu. Một tia sáng lọt qua cửa, chiếu xuống nền nhà, hiện rõ trong căn phòng hơi tối với vô số những hạt bụi li ti đang lấp lánh nhảy múa. Tia sáng đi thẳng xuống cái gương đồ chơi bé xíu màu hồng của tôi. Và từ mặt gương, tia sáng chiếu lên bức tường một hình tròn nhỏ sáng rực. Tôi thấy rõ ràng một tia sáng hình chữ V,  tia sáng bị bẻ gãy.

Tôi nhìn mãi tia sáng bị bẻ gãy đó, cho đến khi nó đi ra khỏi chiếc gương của tôi.
»»  read more

7.11.15

cuốn sách cũ

Truyện


Ban đầu, chỉ tính tìm một cuốn tạp chí, loại tạp chí khổ lớn nhiều hình ít chữ nhan nhản bây giờ, khi lục lọi trong đám sách báo cũ của chị ve chai, để đọc cho đỡ buồn. Ai dè, lại thấy một cuốn sách cũ sờn quăn. Cuốn sách của tuổi thơ tôi và chắc chắc của triệu triệu người trên thế giới. Cuốn Đảo Kho Vàng của R. L. Stevenson. Bản dịch tiếng Việt sách này khá nhiều với những nhan đề: Châu Đảo (nxb Đời Nay), Hoàng Kim Đảo (bàn Hà Mai Anh), Đảo Châu Báu, Đảo Giấu  Vàng.
Hình ảnh giữ mãi trong trí là tên thủy thủ già Bill suốt ngày say khướt lè nhè bài ca rùng rợn: mười lăm thằng trên chiếc rương xác chết, ha ha ha, với một chai rượu rum…; cái dấu đen kinh khủng có thể làm người ta khiếp hãi đến chết; tên cướp biển dữ dằn John Silver khập khiễng với một cái chân gỗ, đầu đội mũ ba góc, con vẹt Flint trên vai; và tất nhiên, cậu bé Jim Hawkins dũng cảm.


Lật từng trang sách đã úa vàng, tôi lại thấy, như người ta ép những cánh hoa trong cuốn lưu bút, những mảnh giấy lớn hơn bàn tay, có kẻ hàng với những giòng chữ màu xanh lá cây, được viết ra bởi một ngòi bút máy hoặc bút sắt chấm mực.
Trong ánh chiều chập choạng, tôi đọc, không phải chữ của Stevenson, mà những giòng chữ xanh lá kia. Mỗi trang là một câu chuyện, nhỏ và ngắn. Những câu chuyện không mạch lạc với nhau, nhiều chỗ trùng lắp, đôi khi đảo lộn thời gian sau trước.
Tôi thường biên tập sách cho các bạn văn chương, nên có nghề xâu chuỗi những tản văn, những truyện ngắn rời rạc thành một thể thống nhất hợp lý. Nhưng với những câu chuyện nhỏ này, tôi cảm thấy nên để nguyên thứ tự được xếp trong cuốn Đảo Kho Vàng. Biết đâu, đó là một trật tự bí mật mà người viết nên chúng mong muốn, dẫu không ngăn nắp như tôi nghĩ. Đời sống, đôi khi, để bừa bộn, lộn xộn một chút biết đâu là chuyện đáng làm.
Tôi sẽ chép lại những câu chuyện đó. Ghi lên ở đâu đó, trên FB, trên blog. Chứ những trang giấy mỏng dòn kia, đã mong manh lắm. Chúng có thể vỡ vụn tan biến bất cứ lúc nào.
 
(còn tiếp)

»»  read more

6.6.15

chiều van gogh

Được lang thang nguyên một ngày ở làng Auvers sur Oise, nơi cuối đời Van Gogh trú ngụ, vẽ và mất, năm 1890. Người Pháp thật lạ, họ giữ gìn hàng trăm năm những ngôi làng, những ngôi nhà, những cảnh vật...  Bước trên đường làng vắng vẻ, yên tĩnh trong buổi trưa nắng, tưởng chừng sau cánh cổng kia bước ra người đàn bà váy áo lụng thụng thế kỷ 19 và trên cánh đồng rau vẫn lúi húi những người nông dân, con ngựa cày cổ xưa.
Trưa Auvers

lắc hay bấm ?
Im ắng
Ngõ hẹp quanh co
Những phiên bản tác phẩm của Van Gogh như được gắn ngay nơi tác giả từng dựng giá vẽ, đưa những nét cọ màu. Và phía trước, ta thấy phong cảnh được mô tả vẫn y nguyên như ngưng đọng lại với thời gian.

Phong cảnh và tác phẩm
Trong lữ quán Ravoux phủ đầy dây thường xuân - Maison de Van Gogh, căn phòng nhỏ xíu của người họa sĩ vẫn còn nguyên đó với cái giường sắt nhỏ, chiếc ghế dựa độn rơm, từ trần hắt xuống những vệt màu hư ảo của ông.

Lữ quán Ravoux
Vào nhà
Qua khỏi nhà thờ của làng, lần theo con đường đất chạy giữa những cánh đồng, đến nghĩa trang, nơi nấm mộ của người họa sĩ và em trai nằm cạnh nhau phủ đầy dây leo xanh biếc. Đặt lên hai nấm mộ những bông cúc vàng, và tiếc mình không biết tìm đâu được những nhành diên vỹ tím.

Mộ 2 anh em Van Gogh
»»  read more

31.5.15

lan man


Kiến trúc là dấu ấn của con người để lại rõ nhất trên hành tinh. Lịch sử loài người cắm mốc bằng những Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành, Colosseum Roma... Các thành phố định dạng mình bằng những công trình: Tháp Eiffel - Paris, Tower Bridge - London, Nữ thần Tự Do - New York, Nhà hát Opera - Sydney...
Và Chợ Bến Thành - Sài Gòn, Tháp Rùa - Hà Nội...
Tháp Rùa Hà Nội là một biểu tượng khá thú vị, nó chỉ là một cái tháp bé nhỏ, xấu xí, lai tạp về mặt kiến trúc, nhưng lại cực kỳ duyên dáng khi được đặt vào giữa lòng hồ Gươm. Một cú điểm huyệt chính xác khiến bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ phải say mê đắm đuối. Và rồi, cái hồ xinh đẹp đó sẽ là gì nếu không có cái tháp xâu xấu kia???
Có một KTS nói KTS là người phải thông hiểu triết học và thi ca. Có thể hiểu tác phẩm kiến trúc phải là sự hòa điệu giữa tư duy khúc chiết, mạch lạc, xuyên suốt của triết học và chất lãng mạn, bay bổng, thẩm mỹ của thi ca. Với tôi, kiến trúc còn là một nghề đặc biệt trời cho, là sự kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Với những thứ thô kệch như gỗ, đá, sắt, xi măng... kiến trúc sư dựng nên tác phẩm nghệ thuật của mình, một vũ trụ thứ hai sau cái vũ trụ lớn của thượng đế.
Ở cái thời hiện đại mà kỹ thuật và vật liệu xây dựng phát triển như vũ bão này, kiến trúc sư buộc phải am hiểu những vật liệu mới, những kết cấu mới... và ở những thiên tài kiến trúc, họ còn là người tiên phong để dẫn dắt kỹ thuật đi theo mình. Hãy nhìn những tấm mái titan xòe nở của Frank O. Gehry (H.1) hay những đường cong vị lai tuôn trào của Zaha Hadid (H.2)). Sự hòa điệu giữa tư tưởng con người và công nghệ computer - công nghệ dựng hình, công nghệ tính kết cấu, công nghệ thi công...
Chúng như những vưu vật của con người.

 
H.1


H,2

Nhưng cũng có khi, ở cái xứ nhà miềng khá thị phi này, những kiến trúc bất toàn, lộn xộn, thiếu thẩm mỹ lại tạo nên một không gian độc đáo - tương tự trường hợp cái Tháp Rùa. Các bạn hãy nhìn những căn nhà phố chia lô muôn hình vạn trạng chen chúc với nhau dưới ánh sáng mặt trời (H.3, H.4) mà nhiều nhà kiến trúc từng phê phán nặng lời là căn bệnh ung thư của đô thị Việt Nam. Chúng cũng ... đẹp đấy chứ, với một mặt nước hồ thênh thang phẳng lặng hoặc rặng bằng lăng xum xuê tím ngắt báo hiệu mùa hè.

H,3 - ảnh Trần Thi (từ blog Flyingdance)

H.4 - ảnh Dzũngart
»»  read more