21.11.18

Việt hóa


KHÚC I

1.
Trong nền văn chương Miền Nam có thể loại truyện phóng tác. Hiện nay, có nhiều định nghĩa về phóng tác; tôi tạm khoanh hẹp trong nghĩa "là một tác phẩm được một tác giả Việt viết lại theo nội dung của một tác phẩm nước ngoài; khung cảnh địa danh tên tuổi nhân vật được Việt hóa."
Với nghĩa như trên, có thể xem Phan Trần, Truyện Kiều là những tác phẩm phóng tác.

2.
Trong văn chương quốc ngữ, người có tác phẩm tiểu thuyết phóng tác đầu tiên có lẽ là Hồ Biểu Chánh:
"Cay đắng mùi đời" và "Chút phận linh đinh" (từ Sans FamilleEn Famille của Hector Malot);
"Chúa tàu Kim Quy" (từ Le comte De Monte Cristo của A. Dumas);
"Ngọn cỏ gió đùa" (từ Les Misérables của Victor Hugo);
"Người thất chí" (từ Tội Ác và Hình Phạt của F.M. Dostoyevsky).

3.
Hoàng Hải Thủy cũng nổi tiếng với nhiều tác phẩm phóng tác:
"Kiều Giang" (từ Jane Eyre của C. Bronte);
"Nổ như tạc đạn" (từ Près Moi Le Déluge của Cleve Franklin Adams);
"Như chuyện thần tiên" (từ Scorpion Reef của Charles Williams);
"Chiếc hôn tử biệt" (từ A Kiss Before Dying của Ira Levin);
"Ðỉnh Gió Hú" (từ Wuthering Heights của Emily Bronte);
"Ði tìm người yêu" (từ The Citadel của A.J Cronin);
"Vụ án họ Trình" (từ The Bellamy Trial của Francis Noys Hart);
"Anh Gù Nhà Thờ Ðức Bà" (từ Notre-Dame de Paris của Victor Hugo);
"Người yêu, Người giết" (từ La Seconde Souffle của Jose Giovanni)...

4.
Sách truyện thiếu nhi Tủ sách Tuổi Hoa cũng có nhiều truyện phóng tác, nhất là loại phiêu lưu mạo hiểm Hoa Đỏ: "Mật lệnh U Đỏ", "Ngục thất giữa rừng già", "Tiếng chuông dưới đáy biển", "Bông uất kim hương đen"...

5.
Thử đọc một đoạn phóng tác của Hồ Biểu Chánh mô tả Jean Valjean bị bắt trả lại đồ ăn cắp trong nhà thờ; với phóng tác là nhân vật Lê Văn Đó trộm bình tích ngọc trong chùa:
"Hòa-Thượng bước tới trước mặt Lê Văn Đó rồi hỏi rằng: "Hồi hôm bần đạo tính để sáng bần đạo cho bạc thêm nữa, sao chú em không chờ, mà từ đi sớm dữ vậy?" Hòa thượng bèn day qua nói với Lý trưởng Thân rằng: "Người này không phải là người gian. Đồ này là đồ của bần đạo cho. Chứ không phải là đồ ăn trộm đâu. Làng xóm bắt dắt trở lại đây thất công, thiệt tội nghiệp quá!"

Và đoạn Hoàng Hải Thủy phóng tác Jane Eyre vào Trại mồ côi Lowood thành cô Kiều Giang đi học Trường Nữ Mồ Côi Gò Ôn:
"Lúc ấy mặt trăng đã lặn. Trời tối mịt, nhưng ở đằng đông nơi chân trời ánh sáng đã lờ mờ ẩn hiện. Sương xuống nhiều lạnh đến nỗi, tuy đã bận cái áo len mới, tôi vẫn run lên, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập.
Nhiều ánh đèn nhấp nhánh ở bến xe đò. Người ta nhốn nháo chạy qua, chạy lại. Những chuyến xe khởi hành từ Huế đi các nơi sớm nhất trong ngày đang sửa soạn rời bến.
Thấy xe xích lô chở chúng tôi đến, nhiều anh lơ xe tranh nhau chạy ra kéo vào xe đò của mấy anh, mặc dầu chị Bính luôn miệng kêu ầm lên là đi Gò Ôn và đã lấy giấy xe rồi. Sau một hồi giằng co, xô đẩy, chị mới đưa được tôi đến chiếc xe đò đi Gò Ôn."

6.
Người thời nay, đọc những tác phẩm gạo cội, được phóng tác một cách bình dân như vậy, chắc không khỏi bật cười. Nhưng có lẽ ở thời trước, những tác phẩm đó cần được Việt hóa mọi sự, để gần gũi với tâm tình và suy nghĩ của độc giả.

KHÚC II

"Việt hóa" tên đất tên người nước ngoài phát triển song hành cùng chữ quốc ngữ.

1.
Ban đầu, người Việt mượn chữ Hán, phiên âm bằng Hán-Việt nên chúng ta từng có địa danh: Pháp-lang-sa, Anh-cát-lợi, Nga-la-tư, Tân-gia-ba, Phi-luật-tân, Ba-lê, Luân-đôn, Mạc-tư-khoa...; nhân-danh: Mạnh-đức-tư-cưu (Montesquieu), Hoa-thịnh-đốn (Washington), Mã-khắc-tư (Marx), Nã-phá-luân (Napoleon), Kha-luân-bố (Columbus)...


2.
Khi tiếp xúc với khoa học phương Tây, để giúp cho người học Hoàng Xuân Hãn đã soạn cuốn "Danh từ khoa học".

Nhờ ông, tiếng Việt phong phú thêm với: hydro, cac-bua, hình-học, quy-tụ, khuếch-tán, hàm-số, phương-trình, nghiệm-số, phản-xạ, tán-sắc, thủy-động-học...

Chúng ta, bây giờ, quá quen thuộc với những danh từ trên nên không hình dung được công lao to lớn khó nhọc của người khai phá. Hoàng Xuân Hãn phải kỳ công lựa chọn giữa tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Nhật, tiếng Việt (Nôm)... để tìm ra một danh từ thích hợp cho nhiều ngành vật lý học, hóa học, toán học, luật học, thiên văn học... mà chúng ta còn dùng đến ngày nay.

Công việc bổ sung những danh từ khoa học vẫn còn được tiếp tục phát triển. Bây giờ, không ai còn xa lạ với những thuật ngữ: máy-tính, con-chuột, phần-mềm, ổ-cứng, bàn-phím, màn-hình... hoặc xa xa hơn một chút: lỗ đen, siêu-tân-tinh, vật chất tối, lý thuyết dây, lý thuyết số...

3.
Một nhánh Việt hóa khác là cách phiên âm tên người tên đất nước ngoài 'qua tiếng Việt hoàn toàn', như Niu-ooc (New York), Oa-sinh-tơn (Washington), Xinh-ga-po (Singapore), Clin-tơn (Clinton), Trăm (Trump), Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn (Somsak Kiatsuranont)...

Dù đây là quy định phiên âm chính thức của nhà nước, nhưng dần dà, trên nhiều phương tiện truyền thông báo chí, cách để nguyên danh từ riêng theo dạng "tiếng Anh" đang thắng thế.

4.
Cách phiên âm "chuẩn luật" nói trên, cũng tồn tại trong các kinh sách của Ki-tô giáo Việt Nam, với mục đích để các tín hữu bình dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng.

Giê-su, Phê-rô, Phao-lô, Gio-an, Giu-se, Ma-ri-a, Giê-ru-sa-lem (Jerusalem), Pha-lê-tin (Palestin), Cô-rin-tô (Corinthos), Gio-đăng (Jordan)...

Một chuyện thú vị là Dòng Phan Sinh (Francis) "phóng tác" các tên thánh sang tên Việt hẳn hoi:
Phao lô | Bảo Lộc
Ignato | Y Nhã
Vincent | Vinh Sơn
Beneditto | Biển Đức
Bénilde | Bá Ninh
[Gioan-Baptist de] La Salle | La San
Dominico | Đa Minh
Giacobe | Gia Cơ
Carmelo | Cát Minh
Gioan | Duy Ân
[Saint–] Sulpice | Xuân-Bích

5.
Sau gần 150 năm chữ quốc ngữ, những nỗ lực "Việt-hóa" có lẽ đã hoàn thành vai trò của mình. Giờ đây, tiếng Việt đã chọn lựa một lối đi khác, hiện đại hơn và hòa nhập sâu vào cộng đồng thế giới.

1 nhận xét:

:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)