8.10.13

chuyện bút

bút tire - ligne
1.
Chắc không có nhiều thứ vật dụng gắn bó với con người từ bé đến lớn ngoài áo quần giày dép nón mũ che thân, chén tô bát đĩa đũa muỗng để ăn nhậu và tiền để chi xài…

Có một vật, đã gắn bó với con người từ ngày hồng hoang, còn ăn lông ở lỗ (tức là chưa có đồ che thân, chưa có vật đựng thức ăn và cũng chưa có… tiền) đến tận thời kỹ thuật số này: vật để vẽ viết – cái que, hòn than, cây bút…

Dẫu bây giờ, gõ phím và rê chuột nhiều hơn, cây bút vẫn chưa rời nắp túi áo con người.

Mới quơ quào được tay chân, còn bò lổm ngổm, nếu vớ được cây bút chì, hòn than, cục phấn, con người sẵn sàng vạch những nét sáng tạo đầu tiên.

Đến ngày tay run lẩy bẩy, mắt mờ tai điếc, tuổi già cẩn trọng vẫn còn bắt con người vạch những nét cuối cùng của cái tên mình vào tờ di chúc!

Hầu hết mọi sáng tạo của con người đều bắt nguồn từ cây bút: viết văn, làm thơ, vẽ tranh, kiến trúc, viết nhạc…

Và mọi nền văn minh được lưu lại cho hậu thế cũng bằng cách ghi chép qua ngòi bút. Ngòi bút dẫn dắt con người đi xuyên thời gian không gian, từ bóng đêm mông muội đến ánh sáng hiện đại. Ngòi bút góp phần biến đổi con người từ một-sinh-vật trở thành một-lịch-sử, quán xuyến quá khứ-hiện tại-tương lai.

2.
Cây bút gắn với một người, na ná cũng giống như nó từng làm với loài người từ khởi thủy đến nay. Bắt đầu từ hòn than cục phấn, vẽ nhăng nhít cùng nhà, đến cái bút chì - đen cũng như màu - nghuệch ngoạc những nét trên tờ giấy trắng. 

Thêm một bước nữa để lớn lên, là lúc nhóc nắm cây bút chì lọng ngọng trong những ngón tay vụng về, tạo ra những nét bút còn vụng về hơn, tô những chữ đầu đời trên trang vở. Hình ảnh một nhóc, bặm môi hay thè lưỡi, vẹo đầu, nghiêng cổ theo từng đường chì là hình ảnh chung của nhân loại khi vẽ những bích họa hình bò ngựa trong các hang động thời đồ đá cổ xưa.

Khi cô giáo cho rời cây bút chì, chuyển qua dùng bút mực, là nhóc đã lớn hơn với những ngón tay cầm bút đã chắc chắn và thành thạo, đi thêm một bước nữa về phía trưởng thành.

3.
Tôi được may mắn trong đời mình sử dụng hầu hết các loại bút mực.

Học trò tiểu học dùng bút chấm mực: ngòi lá tre, ngòi rông. Thời này cái bình mực không đổ là phát minh thần kỳ, giúp sách vở, quần áo các ông nhóc thôi loang lổ mực xanh mực tím.

Học trò trung học trở lên, dùng bút máy, bút bi. Cây bút bi xuất hiện ở miền Nam mang hiệu Bic với logo thằng người đầu tròn to. Bút bi là gọi theo bây giờ, chứ thời đó nó có một cái tên rất dữ dội làbút-nguyên-tử. Cái tên này từ đâu ra, hay đó là thời chiến tranh lạnh bom nguyên tử lơ lửng trên đầu thế giới, ám ảnh thời đại vào cây bút; hay ngòi của nó là một viên bi tròn, gợi lên hình ảnh của một nguyên tử! Như cây bút máy, cái tên cũng ám ảnh thời thế giới công nghiệp hóa, chứ máy móc gì đâu, nó chỉ có cái thêm ống đựng mực để cung cấp liên tục cho ngòi bút, khỏi phải chấm như cây bút thường.

Trước 75, miền Nam bút máy là Paker, Pilot. Sau năm 75, tiếp xúc với bút Hồng Hà, bút Kim Tinh từ miền Bắc. Thời khốn khó hậu chiến, có thêm nghề tái chế bút bi, ruột bút dùng xong bơm mực trở lại xài tiếp, gặp phải mực dở có khi dắt bút vào áo, mực chảy ra tè le tùm lum. Đầu bút bi trở thành là món hàng buôn lậu có giá.

Dân học kỹ thuật như bọn tôi, còn được sử dụng bút tire-ligne, một loại bút vẽ chấm mực, điều chỉnh được nét. Môn kỹ nghệ họa (giờ gọi là vẽ kỹ thuật) thời đó rất khắt khe, trên bản vẽ từng loại nét mịn, vừa, lớn… bắt buộc phải có độ dày giống nhau, không sử dụng tire-ligne thành thạo, có nghề, bài tập vẽ có nguy cơ rớt hạng. Sau này được dùng bút kim (chiến nhất là hiệu Rotring), sướng hơn tire-ligne do mỗi cây bút kim có cỡ nét khác nhau, khỏi phải điều chỉnh mệt xác! Bút gì mực đó, với dân kỹ thuật, mực Pelikan là số zách, đen không gì đen hơn, chịu được nước, khó nhòe.

Mê nhạc, tôi được bày cho làm cây bút kẻ 5 dòng: một miếng vỏ hộp diêm được cắt răng cưa 5 đầu nhọn, gắn vào một quản bút, thế là khỏe re như con bò kéo xe, một đường bút là có ngay 5 dòng nhạc đều tăm tắp. 

Mê vẽ, tôi cũng từng xài bút lông cho các bức màu nước, panhxô cho các bức sơn dầu.

Chắc chỉ có cây bút lông ngỗng thất truyền là chưa xài thôi!

4.
Lên lớp sáu, mẹ thưởng cho tôi cây bút máy. Lâu này thèm thuồng cây bút máy Pilot màu xanh ngọc, ngòi mạ vàng, vội vàng đến nhà sách, khảo giá rồi xin tiền mẹ. Khi mang về nhà săm soi mới phát hiện không phải là cây Pilot mà mình mơ ước. Một cây bút hàng nhái, giống y chang, chỉ có cái hiệu là hổng phải! Chạy ra nhà sách coi lại, cây bút thật có giá… trên trời. Nhà nghèo đâu có dám xin một số tiền lớn vậy! 

Đau khổ tràn trề, trằn trọc suốt một đêm!

Hôm sau, vạch ra một kế hoạch liều mạng, lận lưng cây bút nhái, ra hiệu sách hỏi mua cây bút thật, cầm lên đặt xuống săm soi, và thừa cơ cô bán hàng lơ đễnh, tráo cây bút nhái của mình, rồi trả lại. Ông nhóc từ nhỏ đến lớn vốn thiệt thà, giờ làm việc dối trá, ngoài mặt làm bộ tỉnh nhưng trống ngực đánh rầm rầm, ruột gan rối loạn tùng phèo. Đến khi điệp vụ hoàn thành, giả đò bước chậm rãi ra khỏi nhà sách, vừa khuất cửa, ba chân bốn cẳng vội rảo lên, rồi chạy biến vào con hẻm quanh co một lúc mới về nhà.

Sự sung sướng được thỏa lòng ước ao, làm mờ đi mặc cảm tội lỗi. Nhưng vụ dối gạt này cả đời không thể nào quên được.

Cây bút này theo tôi mãi cho đến năm 75 rồi bị đánh mất cùng cái va li trong đêm chạy loạn!

34 nhận xét:

  1. Hihi, cây bút, mà tiếng miền Nam gọi là cây viết, một vật dùng để diễn tả bằng nét vẽ, viết quả đã theo con người từ thời thượng cổ (dĩ nhiên thượng cổ chỉ là cục than vạch trên đá, cái que, mẩu xương nhọn... vẽ trên đất sét...).

    Viết nguyên tử (viết Bic), tôi nhớ có lần đọc bài báo nói cái thời mới ra lò thì cây viết đó hiện đại tân kỳ quá, và cũng là thời con người phát minh ra bom nguyên tử cho nên người dân mới gọi thế, chẳng biết đúng sai?

    Bác Nô nói về cây viết máy trước năm 75 ở miền Nam thấy còn thiếu cây viết máy Hero của Trung Quốc (hồi đó dân miền Nam gọi là Trung Cộng). Hạng nhất là cây Paker của Mỹ, hạng nhì là cây Pilot của Nhật, hạng ba là cây Hero Trung Quốc, học sinh thì sang lắm mới được cha mẹ mua cho cây viết Pilot, hoặc cây Hero, còn Paker thì đừng có... mơ, và phải làm một cái bao đựng nhỏ bằng vải vừa với cây viết để bỏ vào vì sợ bị trầy xước. Có khi lại còn đi khắc tên mình trên cây viết nữa chứ...

    Bài viết bác Nô cho tôi trở lại một thời... Đa tạ :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Phạm nhắc cây Hero, mới nhớ. Vì sau 75, Nô còn đi học, cây Hero là thứ không với tới nổi, nên dễ quên!

      Xóa
    2. Hình như còn cây Kaolo có ngòi bằng thủy tinh cũng...tới lắm bác NHP và Nô ơi!

      Xóa
  2. Ngoài bắc có cái mực tàu chả có hiệu gì, mua thỏi như ngón tay, mài thôi rồi mà ra toàn sạn. Để cái đĩa một lúc nó khô đặc sệt, lại phải lấy nước mài tiếp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mực tàu có sạn là loại không tốt rồi! Có nhiều loại mực tàu tốt ở Bắc chứ bạn, không thì quí vị Thư Pháp Gia biết dùng gì!

      Xóa
  3. Có loại bút ghi thẳng vào Gen đó cụ Nô !
    ...
    'Nhưng vụ dối gạt này cả đời không thể nào quên được.'
    Đúng vậy nó sẽ theo ta suốt đời để rèn ta hoặc hủy hoại ta tùy vào ta có biết hối hay không !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lúc "rèn" có lúc "hủy", cứ nhập nhoạng thế mãi, bác AQ à!

      Xóa
  4. Khg ngờ Bác Nô lúc ấy "có ý nghĩ tuyệt vời" như vậy, đúng là tuổi trẻ có 'hơi nông nổi" nhưng có điều khá khen cho Bác Nô dám liều mạng " chia sẻ điều thầm kín" ấy mà đã "giấu" tự bao giờ :D. Xin hỏi Bác Nô tiệm sách ấy ở đâu và tên là gì ạ :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kakaka, "tuổi trẻ tài cao". Thôi, khai chừng đó thôi, hồi nào bị khảo tiếp, Nô khai thêm! =))

      Xóa
  5. Chuyện cây bút của Nô làm bà già nhớ quá một thủa với những cây bút.

    Trả lờiXóa
  6. Thích đoạn "thừa cơ cô bán hàng lơ đểnh, tráo đỗi".....gan thiệt...!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đang hờm coi cha NN' lúc nào lơ đễnh đây, bác HoThin!

      Xóa
  7. Chiện bi giờ mới kể! hehe... Chờ hồi sau...
    Cái gì đã thích là... làm bằng được, đúng ko bác Nô?

    Trả lờiXóa
  8. Ghé qua lần đầu, Mộc Lan góp ý là: bút lông ngỗng không phải là loại bút đã thất truyền như anh nghĩ.
    Harry Potter đi học với cây bút lông ngỗng đấy thôi.
    ML bày anh làm cây bút lông ngỗng để anh viết cho "trọn bộ" này:
    Vặt một cái lông ngỗng, nhuộm màu tùy thích/cắt đoạn cuống lông/gắn ruột vào cuống/dán keo cố định.
    Viết như Napoleon viết thư tềnh cho xem.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vẫn thường qua nhà ML. Càng ngày ML viết càng hay. Hihi, giờ cho nó thất truyền luôn, quen gõ phím rồi, kể cả thư tềnh!

      Xóa
    2. Giời ôi, thế ra là cũng viết thư tềnh đấy hử. Nghĩa là đang fall in love?????????
      Người nào đang yêu cũng bay bổng, hèn chi...

      Xóa
    3. Nghe hai tiếng Giời ôi, sao mà thích thế! :-)

      Xóa
  9. Hôi còn đi học chuyện "cầm nhầm" văn hóa phẩm (nhất là sách) không bị khép tội !:))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. sách hay mới có người chôm
      ai hay mới có kẻ dòm... lom lom...

      hehe... thơ... Bút lông ngỗng!

      Xóa
    2. Giáo ơi! Nghe anh HHP nói vậy chắc là Bạn " đồng môn" với Bác Nô thời "tuổi trẻ tài cao " =))

      Xóa
  10. 1- Đôi khi người ta ham nói ba chuyện xa ngái đâu đâu mà quên cái thiết thân gần gũi. Cụ Nô đưa ra cây bút quả là có nhiều chuyện để mà bàn thảo, không chỉ cho vui, mà cả cho sự hiểu biết. Yêu bút đến mê bút như cụ Nô ở tuổi học trò xưa nay hiếm.
    2- Cây bút được người đời nhân cách hóa và phong cho nhiều công trạng. Ở Hà Nội bên cạnh cầu Thê Húc sát Hồ Gươm có Tháp Bút xây năm 1865 theo ý tưởng nhà nho Nguyễn Văn siêu. Tháp Bút hóa thần, học trò trước khi vào phòng thi thắp nhang khấn vái thần bút phù hộ độ trì. Chống tham nhũng người ta bảo “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, lớn lao hơn “Cây bút làm đòn xoay chế độ”. Cắn cỏ cắn rơm trăm lạy thần bút, xoay được thì xoay cho sơm sớm để bá tánh được nhờ …hihihi
    3- Thời bu nhỏ xíu thấy người lớn bảo nhau đầu bảng là “pac ke xanh căng ti ong” (paker 51) thứ đến pi lốt, sau đó là cao lô. Cao lô màu đỏ sẫm, nắp bút có viền vành vàng (chắc là vàng mạ) càng nhiều vành càng sang, đến cao lô ba vành là tột rầm. Ngoài ra có “cao lô xéc văng tanh”, vặn đuôi bút cùng chiều kim đồng hồ thì ngòi bút thòi ra, vặn ngược chiều kim đồng hồ thì ngòi bút thụt vào. Bọn con nít như bu hồi đó khoái cái thòi ra thụt vào này lắm... hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. (1) nghe bác Bu bảo xưa bay hiếm, cũng hơi giật mình. (2) Xoay hở bác! :-). (3) Con nít lại thích nghịch ngợm như đám già mình, bác Bu nhẩy! :)).

      Xóa
  11. Bài viết sau, Nô nhớ "chơi" luôn chuyện những hạnh phúc và những bất hạnh mà cây bút đem lại cho con người, cho một dân tộc, thậm chí là cho nhân loại nữa nhé! Cám ơn trước!

    Trả lờiXóa
  12. Này anh, có mỗi cây bút, anh "khoe" mãi là sao? Viết bài mới đi thôi!

    Trả lờiXóa
  13. Em khoái nhất vụ chơi blog là được lang thang đọc miễn phí bằng sướng, sẵn đó toàn dấu yêu đẹp đẽ - chuyện của đời người mà mình được hưởng tênh tênh- ngại ghê- cơm Bắc đền bù chút đi?.
    P/S: Những chốn này duy trì thật vững- cho những người kém hăm hở lại vui.

    Trả lờiXóa
  14. Mình còm, không trả lời, ức quá còm tiếp rằng: hay là bút của Nô viết nhiều quá nên đầu bị tà hoặc gọt nhiều quá ngắn dần, viết reply không được???

    Trả lờiXóa
  15. @Mộc Lan: Hihi, chắc già rồi, làm cái gì cũng chậm chạp. Thông cảm nhé!
    @Ong: OK với tư tưởng của bạn!
    @Hồng Ngọc: Cái còm của anh (ở trên) giao nhiệm vụ to quá, nên cho Nô si nghĩ chút mà! Bớt giận, bớt giận!

    Trả lờiXóa
  16. Anh ui... 20/10 nhiều niềm vui và hạnh phúc nhé! :)))

    Ai bảo anh không chịu viết bài mới, tối nay mà không viết em còn mang hoa sang chúc mừng nữa! :))

    Trả lờiXóa
  17. Mình muốn tìm mua một cây viết Pilot trước năm 75 bạn nào biết xin chỉ giúp

    Trả lờiXóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)