26.4.11

Bờm và Anh


Thi Văn Đoàn Thằng Bờm do thi sĩ Nguyễn Vỹ thành lập (1970) tại Sài Gòn. Sau đó một số tỉnh thành cũng có các phân đoàn: Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Huế... Anh Lê Khắc Văn là Phân đoàn trưởng Đà Nẵng.

Lúc này thật êm vắng, không một tiếng động ngoài vườn nửa khuya. Lũ ếch xanh xám cũng đi đã ngủ trong hồ nước nhỏ. Chắc chỉ có cây sứ già mơ màng thả nhẹ nhàng những bông rơi trong bóng tối, để mai thấy trắng cả góc vườn. Thơm lắm nào hương nguyệt quế, hương khuyên tai, hương ngọc lan, hương cau, hương nhài. Tôi ngồi trước PC, đọc email Bờm, đọc trang web Bờm và nhớ.

1.
Tôi vào Bờm Đà Nẵng muộn, qua Lê Văn Quang (học cùng tôi hai năm lớp sáu, bảy trường Phan Chu Trinh) và sau đó Dương Đăng Cả (học cùng ở Trường Kỹ Thuật) giới thiệu. Chúng tôi cùng nhóm Đinh Bộ Lĩnh với Nguyễn Hữu Cử, sau này có thêm Nguyễn Sanh Ngọc, Đinh Thanh và… nhiều anh em nữa. Lúc này Bờm không chỉ thơ văn, đã chuyển qua hoạt động như hướng đạo với đồng phục, khăn quàng.

Tôi nhớ cái áo Bờm màu hoàng yến, vốn là áo trắng học sinh được nhuộm từ giấy bóng kiếng màu vàng (loại dán lồng đèn Trung Thu) nấu trong nước sôi,

Sau này, năm anh em, Dũng Quang Cả Ngọc Cử, rủ nhau lập một nhóm nhỏ nữa, gọi là nhóm Lam và đặt các bút hiệu: Mai Lam, Thụy Lam, Dạ Lam, Vi Lam, Đan Lam. Tôi là chàng láu táu, lắm tài vặt nên bị bốn chàng còn lại đẩy vào tư thế… lãnh đạo. Mấy anh em cùng nhau viết văn làm thơ. Tài hoa nhất là Ngọc-Vi Lam, có thơ đăng báo đàng hoàng.

Trong ba năm cùng Bờm với nhau (thời gian ngắn ngủi mà sao tình gắn bó thật dài), cả nhóm có một tập thơ chung. Thật tiếc qua nhiều biến động, không ai còn lưu giữ được cái kỷ niệm hiếm có ấy. Nhưng những ngày hăng hái lăng xăng để ra được tập thơ thì không thể ai quên!

Đó là tập thơ mỏng được đánh máy làm năm bản trên giấy pelure hồng, mỗi chàng năm bảy bài, và tất nhiên có các bức vẽ minh họa và trình bày bìa do Dũng-Mai Lam thực hiện. Bìa trang trọng lắm, được quay ronéo nét trên giấy croquis, sau đó tô màu nước, bọc nilon. Phải nói là tập thơ đầy vẻ đẹp lãng mạn của tuổi học trò.

Chúng tôi cũng hãnh diện ngầm, cái hãnh diện trẻ con, rằng mình cũng có tác phẩm được… in ấn xuất bản đàng hoàng chớ bộ. Cũng có cái để ngước nhìn được lên các đàn anh: Trần Hoàn làm thơ “thần sầu”, Dương Đăng Cao văn thơ họa “bay bướm”…, cùng các đàn chị tài hoa: Như Hòa, Kim Hương, Tố Trinh… và nhiều “cây đa cây đề” khác nữa.

2.
Câu trích cũ mòn, sáo và sến nữa, nhưng sao vẫn đúng: một thời để yêu và một thời để chết.
3.
Để nhớ một người, Anh, Lê Khắc Văn.

Trong bài viết nhân 40 năm Bờm, tôi gọi anh là người anh hùng trong tâm tưởng thời niên thiếu của tôi. Và đến bây giờ, trong tâm tưởng của một người quá tuổi 50, vẫn chỉ có một anh hùng duy nhất ấy!

Anh hùng vì thuở đó tuổi anh còn nhỏ hơn con tôi bây giờ, nhưng thừa bản lĩnh, niềm tin và sức mạnh tinh thần để dẫn dắt những-thiếu-niên-chúng-ta vui chơi, phiêu lưu, thương yêu nhau trong mấy năm trời. Tình yêu ấy, còn cháy sáng trong tim, đến tận những ngày này chưa tắt.

Anh hùng vì qua Anh, với Anh từng người chúng ta đều cố rèn nên một bản lĩnh. Những chiều chủ nhật sinh hoạt, những đợt trại ngắn ngày, những chuyến trại bay dài ngày trong tuổi nhỏ ngày ấy, chúng ta tràn đầy sinh lực và ý chí tự chủ, không hề thấy mình yếu đuối, bé bỏng phải dựa dẫm, nhờ vả vào ai.

4.
Tôi có hai kỷ niệm nhỏ với riêng Anh.

Anh là người giúp tôi hiểu trọn vẹn những kiến thức về âm nhạc của mình. Anh không trực tiếp dạy tôi về âm nhạc, nhưng qua lớp guitar của Anh ở nhà Trần Hoàn (hồi đó, tôi đã chơi được vài loại đàn rồi), nói như kiểu nhà Phật: tôi được-khai-thị về nhạc. Các bạn có thể cho tôi nói quá, nhưng sự thật là vậy.

Trước đó, tôi đã được học nhiều về nhạc lý, nhưng vẫn mù mờ một cái gì đó, lướng vướng một cái gì đó khiến mớ kiến thức của mình cứ u u minh minh. Một buổi chiều, tham gia lớp guitar, nghe anh Văn nói về nhịp điệu, tự nhiên trong đầu tôi như có cái gì vỡ ra, sáng ra và toàn bộ những cái tôi biết về âm nhạc tự nhiên mạch lạc, rõ ràng, khúc chiết.

Chắc một thiền sư ở giây phút ngộ giác, cũng vui sướng hoan lạc như tôi vào lúc đó!

Đó là duyên, là cái để ghi nhớ mãi!

Chuyện thứ hai, trong chuyến trại Đà Lạt. Chiều hôm đó, sau khi cả đoàn đã lên Đà Lạt, chỉ còn Anh và tôi ở Phi Nôm, giữ đám xe đạp sứt mẻ sau chuyến đi dài.

Phi Nôm thuở đó là ngã ba đường thiên lý, nhỏ bé, đìu hiu, đất đỏ mịt mù. Những mái nhà tôn rỉ sét nép trong các tàng cây. Đang hè, nhưng trời xám mây, lất phất sương mưa.

Ăn tối xong, đang gặm ổi, Anh rủ tôi lên Prenn chơi hè! Thì đi, chọn hai chiếc xế điếc còn tươm tươm. Đến Prenn đã chiều muộn, cổng ngõ bỏ không, hai anh em được vào chơi miễn phí. Đi một vòng thác, anh rủ tiếp: Hay mình lên Đà Lạt luôn hè, không còn xa nữa mô! Đạp nổi lên đèo không anh? Lo chi, dắt bộ một chút lên đỉnh đèo, thả xe dong xuống!

Sau này, tôi biết chẳng có đỉnh đèo nào hết. Đà Lạt là đỉnh mà!

Hai anh em dắt xe đi bộ, trong đêm giá buốt, một gần đôi mươi - một mười lăm, trong bóng tối. Không thấy có một chiếc xe nào qua đèo vào thời khắc đó. Khoảng giữa đường, gặp một chiếc xe tải bị pan, tài xế đang đốt đống lửa bập bùng. Những người ngồi quanh đống lửa đó chắc tự hỏi hai ông nhóc nào lại vượt đèo trong đêm khuya khoắt thế này!

Đi mãi, đến khi thấy đèn thị xã ánh lên trong sương mù, tôi mới biết mình vượt qua một chặng đèo dài hơn mười cây số. Mồ hôi đẫm áo, làm bớt đi giá lạnh.

5.
Anh rời cuộc đời quá sớm. Cái chết là mất mát, tiếc nuối và đau thương. Nhưng nó cũng giữ lại mãi hình ảnh trẻ trung của Anh trong tâm tưởng mọi người.

Như một biểu tượng của tuổi-trẻ-tôi!

Như một kỷ niệm không bao giờ già nua, phai tàn, úa nhòa theo năm tháng!

6.
11 tháng 4 này là ngày giỗ Anh Lê Khắc Văn, không biết tôi có về Đà Nẵng được không? Hay lại vuột qua như hai lần 40 năm Bờm!


06/4/2011

2 nhận xét:

  1. Ô hay, bốn mươi năm rồi mới nghe nhắc lại Thi văn đoàn Thằng Bờm. Hồi xưa, khoảng năm 1971, tôi có tham gia Thi văn đoàn Thằng Bờm ở Long Khánh (hồi đó là tỉnh Long Khánh, hic, lúc đó mới có 12 tuổi, học lớp 6!).

    Giờ nghe nhắc lại, nhớ thật nhiều kỷ niệm non nớt ngày xưa...

    Trả lờiXóa
  2. Anh PHN thân mến, tôi tham gia TVĐ TB, cũng nhỏ như anh, khi học lớp 7.
    Vẫn thường hay đọc blog anh, có nghe anh nhắc về TVĐ TB.

    Trả lờiXóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)