21.6.13

những người bé mọn

1.
Xem phim Into the storm, về Winston Churchill, kiên cường trong cuộc chiến vệ quốc, xấu xí bẳn gắt trong đời thường, động vọng trong cuộc chiến quyền lực…

Nhưng nhân vật tôi để tâm là Sawyer, người hầu của ngài Thủ tướng.

Khi anh chỉnh tề trong bộ lễ phục, mũ cao áo dài, đứng bên bờ biển, tay sẵn khăn tắm phục vụ ông chủ đang bì bõm bơi;

Khi anh bị la mắng vì đặt giá vẽ không đúng chỗ, vì thiếu mấy tuýp màu ông chủ bỏ quên (Churchill mê hội họa). Tất nhiên, lỗi do tính khí cáu bẳn của ông chủ, không phải lỗi ở anh.

Nhưng anh là người không thể thiếu đối với Churchill, người đàn ông vĩ đại nhưng hoàn toàn không tự chăm sóc được mình, như phu nhân thủ tướng từng trách chồng khi ông la mắng người hầu thái quá: “Thiếu Sawyer, chúng ta sẽ khốn đốn!”

Và khi được phu nhân nhắc nhở phải đối xử nhã nhặn với Sawyer, ngài thủ tướng đã phán: “Em bị tiêm nhiễm tư tưởng cánh tả rồi!”

2.
Ngày trước, nhà giàu thường có chị bếp lo chuyện nấu nướng, con sen lo việc dọn dẹp, vú em lo nuôi các cô chiêu cậu ấm, chú sốp-phơ tất nhiên là lái xe. Và một người quản gia, xếp sòng các vị đó.

Người quản gia thay mặt ông bà chủ, quán xuyến mọi chuyện trong nhà. Quản gia tốt là người trung tín, tận tâm phục vụ cho quyền lợi của chủ. Đôi khi đó là nghề của một đời, thậm chí nhiều đời, cha truyền con nối. Trên phim ảnh, quản gia thường là một người lớn tuổi, mực thước, đàng hoàng, nghiêm khắc, trải đời, nói cho vuông là hết chỗ chê.

Nay, không còn thấy nhân vật này trong xã hội xôxialit nhà ta. Trong nhà khá giả chỉ có người giúp việc, gọi là ôsin và nhiều chuyện giữa ông bà chủ với ôsin đã thành truyện, thành kịch với đủ loại bi hài hỉ nộ ái ố của cuộc đời.

Tôi cứ bị cái cảm giác gọi người giúp việc là ôsin nó xúc phạm sao sao ấy!

3.
Ngày trước, trong các trường học, luôn có một ông cai. Nhà của ông cai nằm trong khuôn viên của trường, thường là nép một góc nào đó. Lương lậu của ông cai chắc không bao nhiêu, nhưng gia đình sống được nhờ cái quán bán trăm thứ bà rằn cho học sinh. Có một ít học sinh rắn mắt hay chọc ghẹo “cai dù” (tất nhiên là lén sau lưng), còn đa phần học sinh đều tôn trọng ông cai trường, thậm chí còn sợ nếu mình phạm lỗi: đi học trễ, trèo tường cúp cua…

Phu nhân ông cai cũng được gọi lễ độ là bà cai.

Sau này, các trường học đều vất vả để “giải tỏa” nhà ông cai ra khỏi khuôn viên trường, như một tàn tích của chế độ cũ (!)

Và bây giờ, các ông bảo vệ nhà trường, không còn chút gì hình ảnh của một ông cai trường thân thuộc đầy hoài nhớ trong kỷ niệm thời đi học.

4.
Tôi cũng tự thấy mình “tiêm nhiễm tư tưởng cánh tả” khi cứ nhung nhung nhớ nhớ về những con người bé mọn như thế!

Haizzzzza!

17 nhận xét:

  1. Đã tập quét sân giúp ngoại rồi hả cụ Nô ?
    Chúc mừng !
    ...
    Sống và hoàn thành sứ mệnh ở vị trí của mình là điều hạnh phúc lắm lắm !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bình tấm ảnh như một cú "hạ thủ bất lưu tình"! :-(
      Cháu nhớn cỡ đó chắc ông cụ Nô này lụ khụ lắm rồi nhẩy!

      Xóa
    2. cái này gọi là "gậy Nô đập lưng Nô!" hehe...

      Xóa
    3. Hehe...
      Là ông TC đèo ông Nô chứ giáo!!! =))

      Xóa
    4. Giáo phải nói là "Ông Chú Đập Ông Bác", phải khg chị Như Thị:D???

      Xóa
    5. Bình lựng bài viết dùm đêêêêê! :((

      Xóa
    6. Cũng là một người bé mộn nên đọc bài này thấy bác Nô bênh vực tầng lớp mình em khoái lắm :D

      Chúc bác và gia đình cuối tuần thật vui!

      Xóa
    7. Hihi :D và Cám ơn lời chúc cuối tuần của bạn!

      Xóa
  2. Đọc nhanh ý nghĩ Ong vội lang thang nhớ hình như có cái phim Cuộc đời bé mọn hay sao ấy Cụ nhỉ? Cho Ong theo gót cánh tả với ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có "Gia đình bé mọn" - tiểu thuyết của Dạ Ngân!

      Xóa
  3. Có câu chuyện Tây kể rằng :"Trong cuộc thi tốt nghiệp trung học năm ấy,có 1 câu hỏi quyết định só điểm cuối cùng để tốt nghiệp :"Người quét dọn vệ sinh hàng ngày của trường tên gì ?" Rất nhiều thí sinh bị bí nên thiếu điểm tốt nghiệp ! Các phụ huynh đua nhau khiếu nại vì cho rằng câu hỏi ấy chẳng ăn nhập gì tới chương trình học cả ! Ban giám khảo giải thích :"Ăn học cho nhiều mà không biết quan tâm tới những người có công phục vụ mình hàng ngày thì chẳng ích lợi gì cho xã hội !"

    Trả lờiXóa
  4. Bác Nô đã nhắc lại "một ký ức xưa" của Saigon (hay miền Nam VN) ở vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Ngày xưa những người như thế ở trường học được gọi là "cai trường", chữ "cai" này là chữ Hán-Việt, có nghĩa là coi sóc, bao quát mọi việc. Họ có nhà nhỏ, hoặc phòng nhỏ ở trong trường học suốt ngày đêm,lo đủ mọi thứ việc, ở trong nhà dân thì gọi là "quản gia". Bên quân đội, cảnh sát, ông "xếp" một toán lính, hay những người trưởng nhóm thợ thuyền, mà xưa gọi là "thợ cái, thợ cả", cũng dùng chữ "cai" để chỉ, "thày cai, ông cai".

    Cũng có một từ khác khá phổ biến để chỉ những người như thế, chỉ dùng bên dân sự, đó là từ "gác dan", ngày xưa nơi những chung cư lớn ở trung tâm Saigon như chung cư Eden, hay những khách sạn lớn như Continental, Caravelle... đều có những người gác dan như thế, thường là những "ông Chà" to béo, đen thui, thuở nhỏ nhìn thấy sợ. Chữ "gác dan" là từ tiếng Pháp "gardien", có nghĩa là "người canh gác, canh phòng...).

    Trả lờiXóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)