31.5.15

lan man


Kiến trúc là dấu ấn của con người để lại rõ nhất trên hành tinh. Lịch sử loài người cắm mốc bằng những Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành, Colosseum Roma... Các thành phố định dạng mình bằng những công trình: Tháp Eiffel - Paris, Tower Bridge - London, Nữ thần Tự Do - New York, Nhà hát Opera - Sydney...
Và Chợ Bến Thành - Sài Gòn, Tháp Rùa - Hà Nội...
Tháp Rùa Hà Nội là một biểu tượng khá thú vị, nó chỉ là một cái tháp bé nhỏ, xấu xí, lai tạp về mặt kiến trúc, nhưng lại cực kỳ duyên dáng khi được đặt vào giữa lòng hồ Gươm. Một cú điểm huyệt chính xác khiến bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ phải say mê đắm đuối. Và rồi, cái hồ xinh đẹp đó sẽ là gì nếu không có cái tháp xâu xấu kia???
Có một KTS nói KTS là người phải thông hiểu triết học và thi ca. Có thể hiểu tác phẩm kiến trúc phải là sự hòa điệu giữa tư duy khúc chiết, mạch lạc, xuyên suốt của triết học và chất lãng mạn, bay bổng, thẩm mỹ của thi ca. Với tôi, kiến trúc còn là một nghề đặc biệt trời cho, là sự kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Với những thứ thô kệch như gỗ, đá, sắt, xi măng... kiến trúc sư dựng nên tác phẩm nghệ thuật của mình, một vũ trụ thứ hai sau cái vũ trụ lớn của thượng đế.
Ở cái thời hiện đại mà kỹ thuật và vật liệu xây dựng phát triển như vũ bão này, kiến trúc sư buộc phải am hiểu những vật liệu mới, những kết cấu mới... và ở những thiên tài kiến trúc, họ còn là người tiên phong để dẫn dắt kỹ thuật đi theo mình. Hãy nhìn những tấm mái titan xòe nở của Frank O. Gehry (H.1) hay những đường cong vị lai tuôn trào của Zaha Hadid (H.2)). Sự hòa điệu giữa tư tưởng con người và công nghệ computer - công nghệ dựng hình, công nghệ tính kết cấu, công nghệ thi công...
Chúng như những vưu vật của con người.

 
H.1


H,2

Nhưng cũng có khi, ở cái xứ nhà miềng khá thị phi này, những kiến trúc bất toàn, lộn xộn, thiếu thẩm mỹ lại tạo nên một không gian độc đáo - tương tự trường hợp cái Tháp Rùa. Các bạn hãy nhìn những căn nhà phố chia lô muôn hình vạn trạng chen chúc với nhau dưới ánh sáng mặt trời (H.3, H.4) mà nhiều nhà kiến trúc từng phê phán nặng lời là căn bệnh ung thư của đô thị Việt Nam. Chúng cũng ... đẹp đấy chứ, với một mặt nước hồ thênh thang phẳng lặng hoặc rặng bằng lăng xum xuê tím ngắt báo hiệu mùa hè.

H,3 - ảnh Trần Thi (từ blog Flyingdance)

H.4 - ảnh Dzũngart

4 nhận xét:

  1. Kiến trúc không chỉ là xây dựng, nó là một triết lý. KTS phải là người am hiểu về những gì thuộc về đời sống, vật chất, tâm linh, tâm lý của con người. Ở xứ ta (nhất là thời buổi bây giờ) có quá ít KTS theo nghĩa ấy, chỉ còn những "thợ vẽ cấp cao", cho nên ít có những kiến trúc để đời.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy, bác Phạm. Nhưng ở xứ miềng, còn cái "cơ chế" kỳ quặc trói tay KTS nữa bác. 40 năm rồi, nội cái Đòan KTS mà ko thành lập được, người ta chỉ chấp nhận nó ở tầm Hội mà thôi.

      Xóa
  2. Tôi có cậu cháu là KTS ,chuyên thiết kế nhà dân dụng ,làm có tiền nhưng lâu lâu lại chán ,lăng quăng đây đó .Hỏi sao zậy,hắn nói không được vẽ theo ý mình cứ phải chiều theo các ông chủ mà nhiều ông trọc phú lắm nên tức anh ách ...
    Hóa ra nghề nào sống cho được theo đam mê của mình cũng khổ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy bạn à, cái nghề có dính chút nghệ thuật thì "nghe lời" người khác là cực kỳ đau khổ !

      Xóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)