21.5.18

viết ngắn khi đọc CỘI NGUỒN

I. Bộ tiểu thuyết của Dan Brown với nhân vật giáo sư Robert Langdon, gồm:

1/ Thiên thần và Ác quỷ (2000): nội dung về sự giành giật ngôi Giáo hoàng quyền lực ở Roma với quả bom phản vật chất. Bối cảnh: Roma (Ý)
2/ Mật mã Da Vinci (2003): nội dung về chuyện truy tìm chiếc Chén Thánh đồng thời với sự tìm kiếm hậu duệ Chúa Jesus, được hoài thai trong lòng Maria Madalena qua các mật mã được ghi khắc trong các họa phẩm, nhà thờ, kiến trúc... và qua công trình nổi tiếng là Kim tự tháp kính Louvre. Bối cảnh: Paris (Pháp)
3/ Biểu tượng thất truyền (2009): nội dung về Hội Tam Điểm, được tác giả ca tụng là tổ chức tập hợp tinh hoa nhân loại của mọi thời, những nhân vật thúc đẩy loài người tiến đến văn minh, qua các biểu tượng từ khi nước Mỹ lập quốc: tòa nhà Quốc Hội, tháp Washington... Bối cảnh: Washington DC (Mỹ).
4/ Hỏa Ngục (2013): nội dung về một vụ âm mưu khủng bố sinh học nhằm phát tán một chủng virus gây bệnh cho toàn cầu được tác giả dẫn dắt khéo léo qua các tác phẩm văn học của Dante: "Thần Khúc" với 3 chương Hỏa Ngục, Luyện Ngục, Thiên Đàng. Bối cảnh: Florence (Ý).
5/ Cội Nguồn (2017): nội dung về sự phát triển khoa học sẽ thay thế tôn giáo, với các thành tựu lớn của công nghệ máy tính, của trí tuệ nhân tạo. Bối cảnh: Bilbao và Barcelona (Tây Ban Nha).

II. Mỗi cuốn trong series này của Dan Brown - dù ngấm ngầm hay công khai, đều có nhiều tình tiết, ý tứ chống lại niềm tin vào Thiên Chúa đứng đầu là Giáo hội Công giáo Roma hoặc rộng hơn là cả cộng đồng Thiên Chúa Giáo (gồm Do Thái giáo, Công giáo, Hồi Giáo, Chính thống giáo, Thanh giáo, Anh giáo, Tin lành...). Vì vậy, mỗi tác phẩm sau khi ra đời đều bị các tổ chức của Giáo hội phê phán.

Đó là điều bình thường. Hàng trăm năm nay, các nhà bác học, khoa học, trí thức, nghệ sĩ... đếu có một khoảng cách hoặc xa hoặc nghịch với Giáo hội Âu Châu.

III. Người ta không ngạc nhiên, khi Dan Brown đặt ra vấn đề đó một lần nữa, rõ ràng hơn qua "Cội Nguồn", tôn giáo có đối khắc với khoa học hay không?

Kết thúc cuốn truyện, tôi thấy Dan Brown khá ngập ngừng. Sự ngập ngừng chính đáng, vì đến tận bây giờ, thế kỷ 21 đã đi qua gần 1/5 đoạn đường, con người vẫn cần đến cả tôn giáo và khoa học, như một câu được trích in trên bìa sau "Cội Nguồn" (bản tiếng Việt): "Khoa học và Tôn giáo không phải là đối thủ cạnh tranh nhau, đó là hai ngôn ngữ khác nhau đang tìm cách kể cùng một câu chuyện".

Cái kết thúc làm cho nhiều người muốn có một câu trả lời quyết liệt hơn thất vọng!

IV. Tôi nghĩ, mãi mãi, loài người bắt buộc phải chấp nhận cái kết cục "ngập ngừng" như trên. Khoa học phục vụ cho con người về khát khao hiểu biết và tiện nghi vật chất. Tôn giáo phục vụ cho đời sống tâm linh, cho những câu hỏi vĩnh cửu về thân phận con người.

Khoa học không bao giờ có khả năng đi đến tận cùng của vô cực. Tôn giáo làm được điều đó.

Khoa học không bao giờ tạo được sự tín thác, nỗi vui buồn, niềm hạnh phúc, tình yêu thương... Tôn giáo làm được điều đó.

Khi khoa học nói, sự sống hình thành từ các quy luật vật lý không phải từ Chúa. Con người sẽ tự hỏi: Vậy ai tạo ra những quy luật đó?

Khi khoa học nói, vũ trụ này khởi nguồn từ vụ nổ Big Bang. Con người sẽ tự hỏi: Vậy trước đó vũ trụ là gì và ai gây nên vụ nổ đó?

Cần có một Chúa để trả lời cho tất cả những câu hỏi siêu hình.

V. Trong một bài phát biểu với nhan đề "Nguồn gốc vũ trụ", Stephan Hawking đã nói: Mặc dù khoa học đã có một số thành công lớn, nhưng không phải mọi thứ đều được giải quyết. Vũ trụ đang tăng tốc giãn nở, sau một thời gian dài chậm lại. Nếu không có một sự hiểu biết, chúng ta không thể chắc chắn về tương lai của vũ trụ. Nó sẽ tiếp tục giãn nở hay sẽ co cụm và sụp đổ? Vũ trụ học là một chủ đề rất thú vị và tích cực. Chúng ta đang tiến gần đến việc trả lời hai câu hỏi lớn: "Chúng ta đến từ đâu?" và "Chúng ta đi về đâu?"

Cá nhân tôi nghĩ, chúng ta sẽ không bao giờ có câu trả lời cho tất cả mọi người. Đó là hai câu hỏi chiêm nghiệm riêng tư, mỗi người sẽ tự trả lời theo cách của mình, theo kinh nghiệm sống riêng mình và câu trả lời đó sẽ chẳng ai giống ai!

VI. Trong tương lai, có thể có sự hòa hợp thật sự giữa khoa học và tôn giáo không? Tôi tin là CÓ!

Nhân loại, hàng ngàn năm nay, đã có một tôn giáo lạ lùng. Một tôn giáo Vô Thần. Một tôn giáo không có Đấng Sáng Thế. Một tôn giáo không có Đấng Toàn Năng. Một tôn giáo với một triết thuyết mà các nhà khoa học đều cảm thấy gần gũi. Một tôn giáo sinh ra cho con người và chỉ vì con người.

"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy sẽ bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý. Tôn giáo đó sẽ không cần từ bỏ quan điểm của mình để đi theo khoa học, vì nó bao gồm khoa học cũng như vượt qua khoa học."

HY VỌNG!

3 nhận xét:

  1. Rất triết lý! Câu trả lời của Chúa thì không đủ thỏa mãn các khoa học gia. Câu trả lời của các khoa học gia là "Tôi không thể giải thích", cũng là "Tôi thừa nhận Chúa"!

    Trả lờiXóa
  2. CT kính chào bác Nô! CTrất thic bài viết này:)
    Với nhận thức hạn hẹp của mình, CT thấy cả 2: khoa học và tôn giáo- đều rất cần cho con người (trong đó có CT). Nên đương nhiên CT rất tin vào (họ) :))

    Trả lờiXóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)