16.9.18

qua hà-giang



Đi ngang vùng Hà Giang, thấy những con ngựa gặm cỏ ven đường, thấy những người Mèo luôn có chiếc dao gài sau thắt lưng, chợt nhớ chuyện đường rừng võ hiệp của Hoàng Ly (*). Những câu chuyện của ông kể về một thời núi rừng xứ Bắc còn mịt mùng hoang sơ, đường đi trắc trở; về những bậc anh hùng cái thế hùng cứ mỗi phương, võ nghệ cao cường, cỡi ngựa như bay trên những dốc đèo, bắn súng pạc-hoọc trăm phát như một, múa gươm đao như hoa thu loạn bay; về những mối tình đẹp như thơ bên bờ suối khe, bên nương thuốc phiện hoa đỏ rực, bên rẫy ngô xanh mướt...

Đó là thời những vua Mèo, những thổ ty, xa cách triều đình, trở thành chúa một cõi. Các vương triều Việt Nam và người Pháp đều tìm cách thu phục họ và qua tay họ giữ gìn yên ổn cho một vùng biên cương xa xăm. Nguyễn Công Trứ từng đưa quân lên đánh đẹp những mầm mống phản loạn của vùng này.

Đến năm 1945, trong lúc tranh tối tranh sáng, mảnh đất Hà Giang nhỏ bé trở thành nơi tập trung của nhiều lực lượng vũ trang: (1) quân Tưởng Giới Thạch, (2) quân Quốc Dân Đảng VN, (3) quân người Mèo của Vàng Chí Sinh, (4) quân của thổ ty Nguyễn Châu, (5) quân của Việt Cách... Việt Minh, lấy danh nghĩa là quân đội của Chính phủ trung ương, do tướng Song Hào chỉ huy, dẫn quân lên để giải phóng vùng này. Những cuộc tiếp xúc, thương lượng khi cứng rắn, khi mềm dẻo, khi đánh nhau, khi đàm phán... đầy tình tiết gay cấn như trong tam-quốc-chí tranh hùng.

Cũng vậy, cùng thời điểm, ở Nam Bộ có nhiều lực lượng vũ trang của các phe phái chung mục đích chống thực dân Pháp: (1) quân Bình Xuyên, (2) Giải phóng quân liên quận, (3) quân Hòa Hảo, (4) quân Cao Đài, (5) quân Huỳnh Văn Nghệ... Chính phủ phải phái tướng Nguyễn Bình vào để tổ chức Hội nghị quân sự, thống nhất chỉ huy với tên chung là "Giải phóng quân Nam Bộ". Nguyễn Bình là vị tướng văn võ kiêm toàn, với mưu trí của con nhà võ, tính anh hùng mã thượng của giới giang hồ, vốn trí thức đầy đặn của con nhà văn, trong vòng 3 năm, ông đã thu phục những người đứng đầu các lực lượng vũ trang về một mối.

Quả là một thời ngang dọc.

*
Tất cả rồi cũng qua đi, như khi đứng trước dinh vua Mèo họ Vàng ở Sà Phìn, trên ngọn đồi Kim Quy mà thầy phong thủy phán là con cháu của ông sẽ hưởng lộc muôn đời, thấy thời gian đè nặng trĩu mái ngói rêu phong. Chỉ những cây sa-mộc đã trăm năm tuổi vẫn còn đứng đó, sẵn sàng làm chứng nhân cho những biến thiên dời đổi.
__________
(*) Nhà văn Hoàng Ly (1915 - 1981), tác phẩm: Một thời ngang dọc, Nữ tướng miền sơn cước, Thập vạn đại sơn vương...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét