15.9.18

một vòng núi rừng phương Bắc



Tôi vừa được đi một vòng 8 tỉnh: Hà Nội Thái Nguyên Bắc Kạn Cao Bằng Hà Giang Tuyên Quang Yên Bái Phú Thọ; theo phân chia địa lý chính thức, đây là vùng Đông Bắc; trong đó 6 tỉnh (Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái) còn gọi là Việt Bắc, chiến khu chống Pháp chín năm; khu vực núi rừng hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Ở đây, có cao nguyên đá tai mèo Đồng Văn (Hà Giang) ở độ cao 1600m được UNESCO công nhận là "công viên địa chất toàn cầu".

1. Là dân miền Trung, đèo núi với tôi vốn không lạ. Từng qua lại nhiều lần hai con đèo nổi tiếng Hải Vân (với danh xưng Đệ nhất hùng quan) và Ngoạn Mục, nhưng khi chạm mặt với những đường đèo xứ Bắc mới thực sự cảm xúc câu thơ: "ngàn thước lên cao ngàn thước xuống"... Những con đường đèo bé nhỏ như sợi chỉ vắt vẻo ngang lưng chừng những dãy núi đá vôi, một bên vực sâu thăm thẳm, một bên núi dựng mịt mùng; với những đoạn cua khúc khuỷu, quặt quẹo cả người.

Đoạn đường 1400km, chúng tôi đi không biết bao nhiêu con đèo: Gió, Cao Bắc, Tài Sìn Hồ, Mã Phục, Mã Pí Lèng, Thẩm Mã, Si Phai, Yên Minh, Chín Khoanh, Khau Phạ... mỗi cung đèo là một cảm giác mạnh, có khi lạnh cả sống lưng.

2. Vùng đất tuyệt đẹp và độc đáo này hấp dẫn du khách Tây ba-lô khá sớm. Chính họ là những người đầu tiên chịu khó leo đèo vượt núi lặn lội mò mẫm vào vùng này từ khi còn hoang sơ, khám phá và quảng bá nó ra toàn thế giới. Nhờ họ mà chúng ta giờ này được đi trên những cung đường được mở rộng, trải nhựa phẳng phiu. Nhờ họ mà chúng ta được chiêm ngưỡng những cánh ruộng bậc thang đẹp ngất ngây, những vùng đá tai mèo lởm chởm đá trong rẫy ngô, những núi sông hùng vĩ chớn chở, những chợ phiên vui như ngày tết rực rỡ sắc màu vùng cao. Nhờ họ mà chúng ta có những chỗ lưu trú tươm tất ở những góc xa xôi hẻo lánh.

Có khi, nhờ người ngoài, chúng ta mới thấy vẻ đẹp của đất nước mình!

3. Chủ nhân vùng đất này là các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Lô Lô... Đàn ông đánh bộ chàm đen, phụ nữ áo váy khăn mũ sặc sỡ nhiều màu sắc thổ cẩm, vòng tay vòng cổ hoa tai bằng bạc... Người Mông (còn gọi là người Mèo) là dân tộc đặc biệt, họ lập nhà rải rác ở nơi núi cao chót vót, gieo trong đá tai mèo từng vốc ngô mầm rau. Trên những sườn núi với độ dốc chóng mặt, cuộc sống của họ vẫn an nhiên tự tại qua ngàn đời giữa thiên nhiên hoang dã.

Chủ Nhật, nhằm phiên chợ Đồng Văn, Mèo Vạc, họ lọ mọ xuống núi từ chiều hôm trước, lầm lũi băng màn đêm để sớm mai đến chợ. Đàn ông xúm quanh nồi thắng-cố và bát rượu ngô, đàn bà lúi húi bán mua đổi chác để có những vật dụng cần thiết, lũ thiếu nữ trẻ con hớn hở xúng xính váy áo như trong những ngày Tết.

Đi trên đường, ngày ngày, vẫn thấy những người đàn bà Mông, dao rừng dắt lưng, cõng chiếc gùi đầy những thổ sản của rừng, cắm cúi với những con đèo dốc.

4. Cô chủ nhà nghỉ xinh xắn ở Đồng Văn, mời tôi quả táo. Thấy cô ấy ăn táo cả vỏ, tôi hỏi: 'Phải táo Tàu không?' 'Táo Tàu bác ạ!' 'Cô ăn cả vỏ không sợ thuốc à?' Cô ấy phá ra cười: 'Em vẫn ăn hàng ngày đấy. Bác ơi, người Tàu chả phun cái gì vào táo đâu! Chỉ có người Việt mới hại người Việt mà thôi!'

Người đẹp nói thường rất đáng tin. Tôi cắn nguyên quả táo ăn một cách ngon lành. Như ăn quả táo Mỹ ngày xưa!





1 nhận xét:

  1. Cà phê phố cổ Đồng văn trên hình. Chuyến đi hay quá.

    Trả lờiXóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)