1. Thời trường xóm, trước khi vào Tiểu học. Quanh khu Chính Trạch (Đà Nẵng) con nít đều học vỡ lòng trường Thầy Nhuận.
SGK từ thời... Đông Pháp, với những câu dễ nhớ và nhớ mãi đến bây giờ: "Ngày nghỉ hè/ Ta về quê/ Nhà ta ở/ Mé bờ đê...", "Thằng Tô nghịch láo/Buộc pháo đuôi dê/ Dê nhảy tứ bề...", "Anh là Đào/ Tóc húi cao/ Da hồng hào/ Dáng khỏe mạnh..."
Ngôn ngữ theo giọng Bắc, hình minh họa cũng cảnh vật ngoài Bắc, tôi được làm quen với cái váy sồi, khăn mỏ quạ, gió bấc, mưa phùn, đường đê, nhà mái rạ, quả na, cá quả, bắp ngô v.v... từ cuốn SGK này.
2. Năm năm Tiểu học nằm trong diện cưỡng-bách của nhà nước, nên SGK đương nhiên cũng bị cưỡng-bách bỏ vào cặp sách của học trò. Tôi không nhớ hàng năm, mọi học sinh có được phát SGK mới hay không, nhưng cũng có khá nhiều cuốn SGK anh truyền em nối trong nhà tôi. Có thể là do sự tự giác (nhà mình có, thì không đòi hỏi trường phải phát thêm).
Một số cuốn Việt-Văn, Toán do tư nhân biên soạn cũng bổ sung vào cặp sách chúng tôi.
Tôi thích cuốn Thủ-Công, dạy gấp giấy đầu lân, làm lồng đèn, khâu giấy làm số tay... Những năm cuối Tiểu Học, xuất hiện những cuốn SGK do Trung tâm Học liệu (nhà nước) phát hành nhờ có viện trợ của nước ngoài, sách in đẹp, bìa cứng giấy trắng, hình minh họa nhiều màu. Qua cuốn Địa Lý, tôi lại được tiếp xúc với những từ-ngữ của miền Nam Bộ sông nước: bưng biền, kinh xáng, gành xẻo, nước rặc nước lừng, bần đước, cóc-kèn ô-rô...
3. Lên Trung học, hết "bao cấp", SGK phải mua. Bộ GD VNCH phải tập trung thực hiện chính sách cưỡng bách giáo dục cho bậc Tiểu học, nên "giao cho" tư nhân đảm trách SGK cho bậc Trung học. Thôi thì trăm hoa đua nở.
Đáng nhớ là 2 bộ SGK về sinh ngữ "độc quyền" và đeo đẳng đám học trò suốt những năm Trung học:
a/ Sáu cuốn English For Today dùng kèm Anh Ngữ Thực Dụng (do Lê Bá Kông biên dịch).
b/ Ngoài cuốn Le Français Élémentaire cho lớp 6, là bốn cuốn Cour de Langue et de Civilisation Française dùng kèm Ngôn Ngữ và Văn Minh Pháp (do Ban tu thư Tuấn Tú biên dịch).
4. Tuổi này, đôi khi nằm mơ, thấy mình còn lọ mọ đi học. Quái ác thay, những giấc mơ đi học luôn là những cơn ác mộng hãi hùng, nào là học dốt, thi rớt... Mà khi đó, trong tay chỉ là cuốn tập vở ghi chép sơ sài, bài có bài không, tiệt nhiên, không thấy cuốn sách giáo khoa nào hết!
Giật mình thức dậy, mới thở phào nhẹ nhõm, khi biết thời đó qua rồi!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét