6.8.18

ngày ấy


1. ĐỐI DIỆN

Nhớ hồi trung học, trong lớp, có thằng bạn bị anh em xầm xì sau lưng: "hắn là việt cộng đó mi!".

Hắn thường chuyển cho tôi đọc tạp chí Đối Diện, có khi nguyên cuốn, có khi chỉ vài tờ của một bài báo. Những dòng chữ, trong suy nghĩ của tôi, "sặc mùi cộng sản", rất đáng sợ. Sau này, biết thêm, tờ tạp chí có số phận truân chuyên lên bờ xuống ruộng qua cả 2 chế độ suốt mười năm (1969-1978)

Tạp chí Đối Diện (ở miền Nam Việt Nam) do linh mục Chân Tín làm chủ nhiệm, chủ trương lên án những bất công của xã hội, đòi cải thiện chế độ lao tù, chống sự hiện diện của người Mỹ, đòi hòa bình. Chỉ một năm sau, từ số báo 11 (1970) Đối Diện đã trở thành tờ báo bị chính quyền "khủng bố trắng": tịch thu báo, đưa chủ nhiệm ra tòa tuyên phạt tù 5 năm, đe dọa người đọc, gây khó dễ chuyện in ấn... Nó trở thành món hàng quốc cấm được lén lút chuyền tay nhau để đọc, người tàng trữ có thể bị rắc rối với chính quyền.

Ai dính dáng tới Đối Diện, có thể ngầm hiểu, người đó dính dáng tới Việt Cộng.

Để duy trì tờ báo, những người chủ trương chơi trò cút bắt với chính quyền. Đối Diện bị cấm; họ ra tờ báo mới mang tên ĐD; ĐD lại bị cấm, họ lại ra tiếp tờ Đồng Dao; Đồng Dao bị cấm, lại có tờ Đứng Dậy. Cứ 2 chữ Đ và D quần thảo nhau miết tới tháng 4/1975.

Sau 3 tháng chộn rộn, Đứng Dậy được tục bản số 70 ngày 04/7/1975, chủ nhiệm Chân Tín, tổng biên tập Nguyễn Ngọc Lan. Cùng với Tin Sáng, đây là 2 tờ báo miền Nam được tiếp tục xuất bản.

Và từ đó, vở bi hài kịch mở màn. Đứng Dậy lại tiếp tục sứ mệnh "chống bất công xã hội" nhưng lần này, trong chế độ cộng sản. Ngày trước, dù có bị "khủng bố", nhưng với chế độ dân chủ VNCH, các ông vẫn có thế lách luật để ra báo, chống Mỹ và chính quyền đến cùng. Còn bây giờ, với 44 số báo từ 1975-1978, nhà cầm quyền mới không chịu nổi những bài báo nói lên sự thật, tờ Đứng Dậy bị đình bản [vĩnh viễn] ở số 114 (12/1978).




Hai vị chủ sự là Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, dù không đi tù, nhưng bị giam lỏng, người đi đày ở tuốt Cần Giờ, kẻ quản thúc tại gia.

2. NGỌC THỨ LANG

Thế hệ tôi và trên tôi, ở miền Nam, có đọc sách, ai cũng đã từng nghiền ngẫm cuốn Bố Già (The Godfather của Mario Puzo) được dịch bởi Ngọc Thứ Lang.

Hai chữ "Bố Già", tất nhiên, không phải do Ngọc Thứ Lang sáng tạo ra; nó là từ khá thông dụng để chỉ một ông già chịu chơi, có uy tín hoặc quyền lực. Thời đó ở Saigon, giới văn nghệ sĩ đã gọi ông Nguyễn Đình Vượng, chủ nhiệm tạp chí Văn là "Bố Già Vượng". Cái độc đáo của Ngọc Thứ Lang là đã dùng hai chữ này để đối dịch The Godfather (cùng những từ ngữ giang hồ, bặm trợn, có phần dung tục trong suốt bản dịch) đã lột tả thật trọn vẹn nguyên tác.

Về sau này, có hai bản dịch The Godfather, một của Đặng Phi Bằng, một của Trịnh Huy Ninh- Đoàn Tử Huyến. Cả hai đều lấy tên sách là Bố Già, như một tuyệt-ngữ, không-ai-thay-đổi-được. Chợt nghĩ, nếu Ngọc Thứ Lang đăng ký độc quyền cái nhan đề này, thì chắc chắn các vị đi sau cũng đành buông bút!

Ngọc Thứ Lang, lúc lên voi "ăn diện như một tay chơi thứ thiệt: áo sơ mi hàng nhập từ Paris sang chỉ có trong một cửa tiệm trên đường Tự Do, đồng hồ vuông mặt đen, mũ mossant, cặp da, hút thuốc lá Phillip Morris vàng loại King size, bật lửa Dupont, cơm Tây, rượu chát..." lúc xuống chó thì thành một "người đàn ông gầy ốm, mặt nhỏ choắt, mặc chiếc sơ mi màu cháo lòng, tay áo thả dài xuống lấp cả hai bàn tay..." (*) Năm 1976, do ghiền ma túy, ông bị đưa vào trại cải tạo và mất ở đó năm 1979, chưa đầy 50 tuổi, không vợ không con.

  

______
Thử tra tìm chân dung của ông, nhưng buồn thay, chỉ thấy ảnh Bố Già do Marlon Brando thủ vai trong bộ phim cùng tên. Bộ phim này nhập cảng vào Saigon đầu năm 1975, nhưng đã không kịp chiếu!
(*) Hai hình ảnh về Ngọc Thứ Lang từ hồi ức của Hoàng Hải Thủy (lúc lên voi) và Nguyễn Xuân Hoàng (khi xuống chó).

3. ÔNG GIÁN ĐIỆP 
Hơn chục năm viết lách, ông có hơn 30 đầu sách rất ăn khách ở miền Nam VN.

Là truyện phản gián, nhưng trong đó đầy ắp kiến thức về những vùng đất, quốc gia trên thế giới; về văn hóa, văn chương, khoa học; về các loại vũ khí và võ thuật; về rượu và cả đàn bà :p v.v...

Ở cái thời mà chỉ có một đường tra cứu qua sách vở nước ngoài (Pháp-Anh), đáng bái phục khi tác giả có những kiến thức rộng khắp như vậy.

Người đọc được ông đưa đi khắp thế giới, từ Châu Âu (Bóng ma trên Công Trường Đỏ, Mây mưa Thụy-Sĩ, Ba-lê mắt biếc môi hồng, Đêm loạn Hamburg, Tây Ban Nha 200 tấn vàng đẫm máu...) đến Châu Á (Bhutan sấm sét rừng khuya, Cát-sơ-mia sông máu thuyền hoa, Hận vàng Ấn Độ, Bắc Kinh 72 giờ nghẹt thở ...) và vùng Đông Á (Máu loang Chùa Tháp, Macao trinh nữ giang hồ, Bí mật Hồng Công, Mèo Xiêm Cọp Thái, Hồn ma Diến Điện, Vạn Tượng khói lửa, Cạm bẫy trên giòng Chao Phya...), tới châu Mỹ (Cuba đêm dài không sáng, Hạ Uy Di đáy biển mò kim, Rio đảo tình bốc cháy, Người đẹp Qui-tô...) Đặc biệt là đến miền Bắc Việt Nam (Vượt tuyến - điệp vụ bên kia vĩ tuyến 17).



Ông là Người Thứ Tám, tác giả serie tiểu thuyết gián điệp Z.28 (nhân vật chính đại tá tình báo Tống Văn Bình). Tiểu sử và hành trạng của ông cũng khá bí hiểm, như thể loại văn chương của ông.

Lượm lặt vài thông tin ít ỏi: Ông tên thật là Bùi Anh Tuấn, sinh năm 1925, quê Thanh Hóa, 1954 di cư vào Nam. Một con người "điềm đạm, nhã nhặn, nghiêm túc trong tiếp xúc với bạn bè, trong công việc; ... không bao giờ la cà trong các chốn trà đình tửu quán. Nếp sống của anh dành hoàn toàn cho mái ấm gia đình, cho sự chăm sóc bà vợ vốn tình trạng sức khoẻ không được tốt lắm; sau các việc hàng ngày. Anh phục sức, mang dáng dấp của một thông tín viên Âu Mỹ thời đó đến Saigon."

Thời trẻ, ông là đảng viên Quốc Dân Đảng, bị Việt Minh bắt giam ở trại Đầm Đùn khét tiếng và học tiếng Anh từ một người bạn tù. Chắc chắn, vốn liếng 'ngoại ngữ mới' này giúp ông rất nhiều trong cuộc sống một người di cư ở miền Nam VN thời Mỹ. Sau 1975, ông di tản ra nước ngoài và gần như bặt tiếng giang hồ.

May mắn là có nhiều tiểu thuyết của ông được tải trên internet, những độc giả yêu quí Z.28 có thể đọc lại những áng văn từng làm mê mải mình thời tuổi trẻ!
______
Ảnh: Hình bìa sách đặc trưng của serie Z.28; đơn giản, nhất quán, không màu mè.

1 nhận xét:

:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)