9.1.11

Chuyện của ba (1)


Đời cần lao

1.

Từ nhỏ, ba là ám ảnh đặc biệt với tất cả anh chị em tôi. Vì ba rất nóng tính, lại dữ đòn. Những cái roi mây, thước gỗ, dây nịt… luôn là niềm kinh hãi khi chúng tôi phạm lỗi.

Chúng tôi lớn lên trong khuôn phép đó. Ba thì nghiêm khắc trừng phạt, mẹ thì bảo bọc bao dung. Mỗi lần bị ba cho ăn đòn xong, mẹ là người xoa dịu những chỗ lằn roi, ôi cái nước muối xót không thể tả. Chúng tôi cũng biết không chỉ mẹ xót lòng, mà ba chắc cũng chẳng vui vẻ gì hơn. Có ai vui khi trừng phạt con bao giờ.

Nhờ vậy chúng tôi lớn lên đàng hoàng hơn trong môi trường khá là phức tạp, xung quanh xóm đầy rẫy cao bồi du đãng, đĩ điếm xì ke.

Đến bây giờ, đã quá năm mươi, con cái đã lớn, tôi vẫn chưa quen được với cái phương pháp dạy con không cần đến roi vọt. Một chút roi vọt đúng mức vẫn tốt cho việc giáo dục con cái.

Ngay chúng tôi đây, bị đòn roi dữ như vậy, nhưng từ nhỏ đến lớn vẫn một niềm kính yêu, đâu có ai oán hận, mặc cảm gì với ba mình!

Và chúng tôi càng lớn lên, ba càng già đi, sự kính yêu càng sâu lắng hơn. Vì có con rồi mới biết lòng cha mẹ.

2.

Ba mẹ cưới nhau trước 1945 không lâu. Sau cách mạng nổ ra, Pháp đánh lại Đà Nẵng, ba cũng nằm trong tốp ở lại chận đường quân địch, rồi bị bắt. Mẹ tản cư theo ông bà nội ngoại chạy tuốt lên vùng núi Trung Phước Đại Bường.

Ra tù, ba bị kẹt lại Đà Nẵng. Mãi khi hòa bình lập lại 1954, ba mẹ mới gặp nhau. Chuyện tình cách trở của hai người ly kỳ lắm, tôi sẽ kể trong một dịp khác.

Gặp lại, ba mẹ mới bắt đầu sinh anh em chúng tôi, cả thảy bảy đứa con, được nuôi dưỡng tròn trịa, không mất đứa nào. Ngày đó “hữu sinh vô dưỡng” là chuyện thường.

Không nghề nghiệp, ba bắt đầu mưu sinh bằng nghề hớt tóc dạo. Khi chưa rành nghề phải cuốc bộ về những vùng quê xa, ban đầu hớt cho con nít, lỡ hư thì cạo trọc luôn, không ai phàn nàn. Dần dà tay nghề cứng mới dám hớt cho người lớn. Dân quê chắc cũng không “model” kiểu cọ gì, cứ ca rê hoặc ba phân là xong thôi!

Dần dà, sắm cái xe đạp trành, cho đỡ mỏi chân.

Dần dà mua được miếng đất, dời gia đình đang ở nhờ bên đất cô Bốn (Thạc Gián), về nơi mới (Chính Trạch), lập nhà cho gia đình ở đến bây giờ.

“Đà Nẵng thời đó, ra khỏi lõm phố xá Chợ Mới, Chợ Cồn, bờ sông Bạch Đằng, là ngoại ô đầy trúc tre, lau lách, bàu nước sen súng bèo tây bèo tấm xanh ngút ngát. Mang danh phố thị nhưng có khác gì chốn nhà quê, mái lá mái tôn giữa những khu vườn rộng, rào dậu quấy quá liêu xiêu, ngõ cát bỏng chân mùa hè, lụt lội mùa đông, ra đến lộ gập ghềnh đá cuội, rợp bóng xà cừ phượng vĩ, thi thoảng một chiếc xe đò ngang qua, bụi mịt mù trong khói xăng thơm thơm… (Bán dạo.PHD)”

Vài năm sau, ba thôi hớt dạo, thuê nhà mở tiệm ở đường Ông Ích Khiêm, cạnh đường rầy xe lửa. Gia đình sống tùng tiệm như mọi người dân nghèo đô thị.

Đến khi Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, biến thị xã nhỏ bé thành một đô thị thời chiến với các trại lính mọc lên như nấm, ba nghỉ tiệm, làm thuê cho nhà thầu Lý Lệ Hoa, vô hớt tóc cho lính Mỹ trong phi trường.

Nhu cầu cần phục vụ của đội quân viễn chinh Huê Kỳ làm xáo trộn cuộc sống dân chúng những nơi họ đóng quân. Ai cũng đua nhau đi làm sở Mỹ. Và có tiền, nhà thầu thì giàu lên, người làm thuê cũng kiếm chác được, đời sống dễ thở hơn, dù bóng đen ghê sợ của cuộc chiến bắt đầu ám ảnh, ngày một tối ám.

Lúc này, ba xây được nhà, mua sắm xe máy, tivi, dàn Akai, tủ lạnh. Bữa ăn thường ngày đầy đặn hơn, có thịt có cá. Chiều chiều, người ta mang từ đâu đó về bán trong cái xóm nhỏ thức ăn của lính Mỹ: đồ hộp, thịt muối, xúc xích pa tê, tôm lăn bột đông lạnh, táo lê nho, bơ sữa… Ngó bộ lính Mỹ xài cái gì, dân ta xài cái đó!

Rồi hiệp định Pari, rồi lính Mỹ phải rút về nước. Trong thời điểm chộn rộn này, mất việc trong phi trường, về chạy xe thồ kiếm sống, ba tôi bị xe Jeep lính Mỹ say tông gãy chân. Tai nạn khá nặng, khiến ba thương tật vĩnh viễn, chân trái không co duỗi được. Bắt đầu chuỗi ngày khốn khó cho ba, và tất nhiên cho cả gia đình tôi.

Khi tập tễnh đi lại được, ông lại ra trước đường Thống Nhất (nhà tôi trong kiệt cách đường khoảng trăm mét), thuê nhà mở tiệm hớt tóc tiếp để nuôi vợ con. Chị cả tôi đã lập gia đình, còn lại sáu anh em sắp hàng một… đi học. Ba đặt tên tiệm là Thiên Hương, sau này nhiều người quen miệng gọi ba là ông Thiên Hương.

Cái tiệm nhỏ bé đó nuôi cả nhà qua cả những năm trước và sau bảy lăm, nhưng cực kỳ khó khăn. Chỉ có tôi vượt lên vào Đại học, còn mấy anh em đành bỏ dở học hành, trai đi bộ đội rồi về làm công nhân viên, gái xoay sở buôn bán vặt qua ngày. Như mọi gia đình nghèo thành thị sau giải phóng, thời của sổ gạo, tem phiếu, khoai sắn độn, mì sợi, bobo...

3.

Một đời như những người cha cần lao khác, với một nghề nhỏ mọn: hớt tóc, đạp xích lô, chạy ba gác… ba đã gồng gánh một gia đình lớn.

Nhưng ba không quá lam lũ, đầu tắt mặt tối. Với tính tình và bẩm sinh nghệ sĩ, tài hoa ông vẫn phong lưu từng ngày, “biết sống khi không dư dật cái để sống(1)”.

_________________

(1) Sống phong lưu - Hoàng Đạo Kính

0 nhận xét:

Đăng nhận xét