Trời phật không để số mệnh mãi quăng quật kiếp người. Mưa hoài rồi cũng ráo tạnh chớ, đâu có dầm dề suốt đời, ai chịu cho thấu.
Nhà tôi có bốn anh em trai liền nhau. Mở đầu là chị Hai, khóa đuôi là cô Bảy, cô Út. Ai cũng khen là nhà có tứ quý.
Năm, kề tôi, hồi nhỏ sinh ra, được mọi người trầm trồ là đẹp như Đức. Tại sao không đẹp như Tây, như Mỹ mà lại đẹp như Đức, bó tay, chắc là Năm-bé đẹp rất đặc biệt. Giờ vẫn còn đó cái mũi cao gồ.
Bây giờ ba anh em đứng với nhau (Sáu đang ở Mỹ), người ngoài phân vân không biết ai là anh, ai là em. Thường người ta xếp ngược trở lại. Năm già nhất, kế đến Tư tôi, rồi mới tới Ba. Kỳ zậy đó. Tôi hay đùa, anh em miềng càng lớn tuổi càng "trẻ' ra. (Xem hình Năm, tôi với Ba trên đây là rõ).
Trở lại chuyện của Năm.
Năm học violon rất sớm, khi được khá rồi thì bảy lăm; cây đờn violon cũng theo tủ lạnh, tủ buypphê, bàn ghế, giường, máy móc, xe cộ... ra chợ trời biến thành cơm gạo nuôi cả nhà. Giấc mơ âm nhạc cũng âm thầm tàn lụi.
Năm đi bộ đội, rồi về làm công nhân điện lực. Năm đẹp trai trắng trẻo, có công ăn việc làm đàng hoàng, không tào lao chơi bời, ăn uống cũng khoái rau cá chớ không mê thịt thà. Mọi chuyện tưởng sẽ êm đềm, xuôi chèo mát mái.
Ai dè, vấp một cái, american dream, nghề nghiệp đứt ngang, đi cũng dở ở cũng không xong, Năm thất chí về đi làm phụ hồ rồi sa vào hũ rượu. Những năm đó, tôi đã vào Nha Trang, mỗi lần về nhà thấy Năm ngày càng bê bết, không biết làm sao mà kéo lên.
Ba mươi tuổi qua đi trong rượu, bốn mươi tuổi đắm chìm trong rượu. Riết rồi tay chân run rẩy, sức khỏe tụt luốt, bao xi măng vác không trôi, leo dàn giáo không nổi, phụ hồ cũng đành bỏ nghiệp.
Không vợ con, không nghề nghiệp, ngày tháng trôi đi dưới đáy chai xị, lúc nào cũng say lè nhè. Khi chưa say cạy một tiếng không ra, khi say rồi nói tầm bậy can không nổi. Một lần, tôi ráng đưa Năm vô Nha Trang, nghĩ mình kèm bên cạnh sẽ khá, té ra kèm không xiết, sểnh ra một cái là say mát trời ông địa, chạy đi tìm thì thấy đạp xe lạng quạng giữa đường, đành bóp bụng cho Năm phục viên.
Nghĩ như vậy là hết, là xong một kiếp người, uống như Năm thì thọ sao nổi, gan ruột phèo phổi chắc tanh bành té bẹ bên trong, nói dại miệng, khéo lá vàng khóc lá xanh chớ chẳng chơi.
Vậy mà ơn trời phật, khi mẹ đau nhức hai chân, đi lại sinh hoạt khó khăn, cần người chăm sóc bên cạnh, Năm bỗng trở thành "cận vệ" số một. Hơn năm nay, Năm ân cần bên mẹ, chăm sóc từ miếng ăn viên thuốc đúng giờ đúng giấc đến việc sinh hoạt hàng ngày. Mọi việc đều một tay Năm, ai rờ vô, trật ý là Năm "nổi khùng" ngay. Không thấy Năm say xỉn nữa, uống vẫn có, nhưng một xị rượu pha vô vài xị... nước.
Về nhà, thấy vậy, thiệt là mừng, thấy mẹ tôi cuối đời có con trai chăm sóc kề bên, mẹ có phước mà Năm cũng có phước.
Tướng tá Năm giờ dễ coi hơn, nhưng lại khoái cái món tóc dài (chưa hiểu tại sao). Thôi cũng được, cho có vẻ nghệ sĩ một chút, dẫu gì Năm cũng có hoa tay, lúc rảnh là tạc đủ thứ tượng hình bằng xi măng để đầy một gác xép. Đây là ngón "gia truyền", ba tôi và mấy anh em tôi cũng như mấy cháu đều có "nghề" vẽ tranh đục tượng cả.
Một hình tượng làm tôi rất thích, Năm đục một lỗ trên tường (mặt tiền nhà), gắn vào đó nửa cái lồng, bên trong đặt tượng một con chim, đang ngóng mỏ ra ngoài trời.
Mong ngóng gì vậy Năm?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét