14.1.11

Chuyện của ba (2)



Đời phong lưu

1.
Từ lúc còn trẻ, ba luôn để ý đến chuyện ăn mặc. Còn đó tấm hình ngày xưa với cái mũ phớt đen, bộ đồ âu trắng và đôi giày da đơ-cu-lơ.

Không biết lúc ba đi hớt tóc dạo ăn mặc ra sao, nhưng dứt khoát là không lôi thôi bao giờ. Gì chứ quần áo của ba lúc nào cũng phẳng phiu, láng lẩy.

Khi mần ăn khấm khá, ba mặc áo thun montague, áo khoác pilot. Mốt thời thượng hồi đó. Mẹ tôi phát mệt vì ủi đồ cho ba, còn chúng tôi thì khổ vì phải đánh xira những đôi giày của ông. Kỹ cỡ nào cũng bị ba săm soi, bắt làm lại.

Sau bảy-lăm, dù khốn khó, ba vẫn giữ lề trong chuyện ăn mặc. Quần áo cũ sờn, nhưng luôn tươm tất. Không còn mang giày (cất vô trong tủ), ba mang dép sa-bô da, không bao giờ ra đường lại mang dép lê, dép nhựa.

Tôi thích nhất mùi thơm đặc biệt trong đám quần áo của ba. Không phải mùi xà bông, nước hoa, mà mùi của người, của da thịt, khiến tôi cứ hít hà mãi không thôi!

(Bà xã cũng khen quần áo tôi có mùi thơm như của ông nội. Đứa con trai tôi cũng có mùi y vậy. Gen trội này tốt nhen!)

Sau này, về già, ba tập thể dục dưỡng sinh. Thế là áo thun quần sọt trắng bóc. Đúng kiểu phong lưu, mùa nào, thời nào, thức ấy!



* Đại gia đình 198x

2.
Ba cũng là người có hoa tay, vẽ vời, trang trí nhà cửa và ham chơi nữa.

Tôi còn nhớ ba bỏ gần cả chục ngày trời vẽ một bức tranh sơn dầu trên tấm carton. Bức họa vẽ con chim chích nuôi con chim tu hú. Con chim mẹ nhỏ bé phải tìm mồi về nuôi đứa con khác giống khổng lồ. Nội dung bức vẽ làm tôi không yên ổn, nó ám ảnh tôi bởi sự bất công và bất nhẫn.

Khi nhà được xây xong, ba mua các thanh gỗ thông (từ các palet thùng hàng), cưa nhọn đầu làm một hàng rào gỗ xinh xắn, sơn trắng và trồng một luống hoa đủ màu. Cái hàng rào đẹp như trong các bức vẽ nước ngoài khiến tôi thích mê.

Ba sắm sửa trong nhà không thiếu món gì. Nhà tôi trở nên khá khá. Ba là người mua chiếc Honda dame đầu tiên, sắm cái tivi Panasonic bốn chân có cửa đóng mở thứ nhì (sau bác Năm Huế) trong xóm.

(Xóm tôi có hai nhà giàu: bác Năm Lương chủ lò bún và bác Năm Huế làm công chức. Sở dĩ ba tôi là người có xe honda đầu tiên, vì bác Năm Huế trước đó đã đi xe môbilet, còn bác Năm Lương thì làm ăn căn cơ, không phóng tay như ba tôi).

Ba cũng sắm nhiều món đồ chơi (và ông chơi là chính, bọn tôi khó mà được chạm vào): một chiếc xe cảnh sát Mỹ chạy hú còi inh ỏi, đụng chướng ngại vật, nó tự động lùi và quay sang hướng khác; một mô hình lắp ráp chiếc tàu chiến ba cột buồm với đầy đủ mọi thứ: bánh lái mỏ neo, thuyền trưởng và thủy thủ, súng ống đại bác linh đình…

Từ dàn máy hát Akai của ba, tôi được đắm chìm trong âm nhạc của Văn Cao, Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và sau này Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… Một người học hành không nhiều như ba, xuất thân từ nông thôn, có cái gu âm nhạc như vậy, thật là đặc biệt. Và đặc biệt, ba mê nhạc Trịnh. Gần như những băng nhạc của Trịnh thời đó đều có trên kệ của ba.

Tôi không thể quên những băng Ca Khúc Da Vàng, Tình Khúc của Trịnh với những hòa âm giản dị, khúc chiết: tiếng guitar bập bùng, tiếng mandolin dòn tan, tiếng kèn trumpet thôi thúc, tiếng saxophone da diết với tiếng hát ma túy Khánh Ly đặc tả cái không khí đô thị thời chiến trộn lẫn niềm hy vọng nát tan của tuổi trẻ.

Ba còn sắm một cái máy ảnh, món xa xỉ thời đó, và chụp hình cả xóm. Lũ trẻ nít quấn lấy ba, xin chụp hình. Ông lang thang đi tìm cảnh đẹp, sang cả Tân An, chùa Ngọc Giáng…

Và những ngày Tết đến, tôi thấy ba lích kích chuẩn bị từ đầu tháng Chạp. Rượu, thuốc lá, đồ nhắm. Rượu tôi không rành vì quá nhỏ, chứ thuốc lá thì còn nhớ nào là Pallmall, Salem, Lạc đà, Lucky… Chắc là bạn của ba hút nhiều gu thuốc khác nhau. Thức nhắm truyền thống là một xoong thịt đông tự tay ba nấu lấy.

Tất nhiên, những thức trên có ở những ngày khấm khá. Chứ lúc gian khổ thì phải giản lược đi nhiều.

Chỉ có một thứ không thể thiếu trong những ngày xuân, dù sang hay hèn. Thiếu món này, với ba, Tết là vô nghĩa.

Đó là cành mai vàng. Sắc hoa chưa bao giờ thiếu trong ngày Tết nhà tôi. Thường cuối năm, nghề hớt tóc rất bận rộn, nhưng ba cũng luôn dành thì giờ để dạo chợ hoa, tìm cho ra cành mai ưng ý. Những năm túng ngặt thì nhánh mai nhỏ thôi, những lúc khấm khá thì được gốc mai lớn, cành nhánh sum suê.

Những cánh hoa mai nở đều, nhiều và đẹp trong những ngày đầu năm mang đến cho ba niềm hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn.

Ba mê nuôi chim, từ sáo, nhồng, chào mào dần dà chuyển qua chuyên nuôi chim yến: giống chim thuộc họ két, con lông vàng là hoàng yến, con lông trắng là bạch yến. Ba là một trong những người nuôi được chim yến đẻ trứng tại Đà Nẵng. Giống chim này khó đẻ trong điều kiện nuôi nhốt, khiến nhiều người phải đến học nghề.

Những năm cuối đời, ba chuyển sang chơi khắc tượng trên rễ cây. Cái to cái nhỏ, hình này dáng kia. Có người thích, ba vui vẻ biếu tặng. Ba mang vào Nha Trang cho tôi bức tượng đại bàng đấu với mãng xà (xem hình).

Những tác phẩm gỗ của ba còn để đầy một tủ tại Đà Nẵng, chúng luôn nhắc tôi nhớ hình ảnh ba ngồi cặm cụi đục khắc, tư thế khó khăn vì cái chân thương tật phải duỗi thẳng, nhưng đầy đam mê của một nghệ sĩ đang say sưa sáng tạo.

Niềm đam mê ấy truyền lại trong những đứa con của ba, đứa biết hát, đứa biết đàn, đứa biết vẽ vời, đứa biết viết văn làm thơ, mỗi khi hội ngộ là tưng bừng vui vẻ cả đêm!

3.
Ba cũng là tay uống rượu có hạng. Tôi viết vậy, vì gần như ba uống rượu uống bia cả đời, và tôi chưa thấy lần nào ba “quấy quá” vì say.

Thỉnh thoảng, mấy anh em tôi được ba chở ra Nam Ô, ăn nhậu cùng mấy ông bạn của ba ở mấy quán hải sản. Bãi Nam Ô rất kỳ thú vì có núi, có rừng ven bãi biển sóng vỗ ầm ào. Các hàng quán dựng bằng tranh tre nứa lá, sát mép nước, đầy những món cua ghẹ tôm mực thơm ngon, mùi thơm ngào ngạt trong gió lộng.
Những giây phút đó thật là sung sướng.

Nghe kể lại, cũng có lúc ba uống rượu say, bỏ cả xe máy lại quán, đi xích lô về.

Còn Mỹ, uống rượu tây; hết Mỹ, uống rượu… sắn! Bao cấp, có gì xài nấy; đổi mới, quay lại rượu tây!

Vào Nha Trang, đi chơi với đám bạn nhậu của tôi, đứa nào cũng tấm tắc: “Ông già uống cứng quá trời!” Không qua tua ly nào. Trẻ tới đâu, già tới đó. Vừa uống vừa nói chuyện tiếu lâm, càng uống càng tỉnh táo!

Đến khi tuyên bố bỏ rượu, chưa đầy một năm sau, ba mất!

4.
Đám tang ba thật đông anh em bè bạn phúng viếng. Ba từ giã cõi đời này trong niềm thanh thản của một con người đã biết sống đầy đặn khi đang sống, biết phong lưu phóng dật trong mọi lúc mọi thời.

Cơn gió mang đến cuộc đời một mùi hương, rồi khi cơn gió đi mất, mùi hương vẫn còn đọng lại.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét