5.1.11

mẹ

Về nhà, là về với mẹ. Mẹ càng lớn tuổi, càng muốn về với mẹ dài hơn, lâu hơn.

Tôi xa nhà từ khi học đại học - 1977, dẫu chỉ cách Đà Nẵng hơn chục cây số, nhưng thời đó đi học là phải ở nội trú, ăn cơm tập thể, giờ giấc học hành khắc khe, cuối tuần mới về được. Mà cũng lúc về lúc không. Học xong ra trường lại biệt vô Nha Trang, thêm gần ba mươi năm nữa.

Đây là hình mẹ tôi hồi còn thiếu nữ, và hình mẹ bây giờ xấp xỉ chín mươi.

Tôi cứ lần lữa mãi, khi nghĩ mình sẽ viết về mẹ, vì biết có nói bao nhiêu cũng không thể nói hết tình mẹ thương con và tình con thương mẹ.

Mẹ tôi rất hiền. Có thể nói cả xóm tôi, với những người láng giềng xung quanh, mới cũ, còn mất, từ bậc cao niên đến bọn trẻ nít, mẹ chưa hề làm mất lòng ai, chưa hề đôi co to tiếng với bất kỳ ai.

(Trái lại, ba tôi là ông Trương Phi thứ thiệt. Nên có chuyện một dạo, cứ tầm tối tối, là có người quăng đá rầm rầm trên mái tôn. Ghét ba tôi ấy mà).

Mẹ học ít, đủ để đọc chữ và ký tên mình, nhưng mẹ có những suy nghĩ rất mới so với thế hệ của mẹ: mẹ không hề đốt vàng mã khi cúng bái; giỗ ông bà làm theo kiểu giỗ dồn: các vị thứ bậc nhỏ hơn sẽ gộp lại và ăn theo một cái giỗ của vị có thứ bậc lớn gần về thời gian; Tết chỉ có cúng đưa rước ông bà, chứ không có tất niên; những việc cúng đất, cúng giếng, cúng ông táo, mẹ cũng giản lược. Có lẽ, với mẹ cái tâm thành quan trọng hơn hình thức màu mè, và không mê tín.

Mẹ có bịnh say xe thuộc hàng guiness, không thể đi bất kỳ phương tiện giao thông nào. Người ta say xe khách, tàu thủy, máy bay, còn mẹ hễ cái gì rục rịch chạy là say hết. Xe đạp xe máy xích lô... hễ leo lên là say. Thành thử, mẹ rất thiệt thòi, một đời chỉ loanh quanh với xóm giềng, khi còn sức lễ tết đi chợ Hàn, chợ Cồn là hết mức. Con cái có gia đình ở xa, cũng tự về thăm, chứ mẹ thì... bó tay nếu nhà con không ở trong... tầm đi bộ.

Đám cưới Thu - em gái tôi, mẹ phải đi bộ đến trước, chờ xe chở nhà gái đến rồi mới nhập đoàn. Xong tiệc tùng nghi lễ, ai nấy leo lên xe, còn mẹ lại lững thững cuốc bộ go home.

Mỗi lần mẹ ngã bịnh nặng phải vô nhà thương, xe chở đến nơi, bịnh càng nặng thêm do nhức đầu ói mửa say xe, đến khi chữa lành bịnh chính, lên xe về nhà, lại ói mửa nhức đầu nằm bẹp thêm vài ngày vì vụ... xe say.

(Không như ba tôi, cỡ nào cũng giang hồ được, sau 75 dẫu khó khăn tiền bạc cộng với khó khăn do cái chân thương tật, ông vẫn đi khắp nơi khắp chốn khi có dịp).

Một đời mẹ lúc thúc trong cái không gian ấy, ngày càng hẹp do "đôi chân vượt đường xa có... mỏi". Giờ đôi chân ấy đau nhức hai đầu gối, đi lại phải có nạng đẩy, không gian ấy chỉ còn chút xíu trong nhà. Ở đó mẹ nuôi nấng bảy anh em chúng tôi, chuyên nghề nội trợ, phục vụ chồng con. Sau này, thời kinh tế khó khăn, mẹ xoay sở buôn bán, lúc ra chợ Tam Giác mua gánh bán bưng, lúc xay bột làm bánh bèo, bánh bột lọc bán trong xóm.

Kỳ cục lắm, hàng mẹ làm ra bán sạch sẽ tinh tươm, ngon lành nhưng bán được thời gian ngắn là dẹp tiệm. Bên cạnh có o S. cũng bày bán như mẹ thì hàng họ ngày càng phát triển, bán đắt như tôm. Người ta nói mẹ là không có tay buôn.

Cũng đúng thôi, hiền như mẹ thì mần răng theo nghiệp bán buôn nổi.

Bên ngoại nhà tôi, có gen sống lâu và mẹ là người thọ nhứt, đầu óc nay vẫn còn minh mẫn, kể được những chuyện hồi xưa, chỉ hiềm đôi tai đã lãng và đôi đầu gối đã yếu.

Cũng mừng khi thấy mẹ còn ăn uống được, mỗi bữa đều đặn một tô. Sáng thêm ly sữa, xế bánh bèo, bánh ngọt. Bún bò, cháo vịt còn là món ưa thích của mẹ. Nếu không có chứng đau nhức quái ác ở hai đầu gối, hàng đêm phải uống thuốc thêm, thì mẹ đã có một tuổi già êm đẹp.

Có tôi về, nhà thêm người, mấy anh chị em cháu chắt ghé về thăm hỏi, không khí rộn rã và có người ở bên cạnh khơi chuyện, mẹ vui hẳn lên, cái đau nhức xem chừng cũng bớt.

Chứ hàng ngày nhà vắng, chỉ có anh tôi (làm ca ngày đi ngày nghỉ) và chú em giữ nhiệm vụ chăm sóc mẹ mà thôi.

Có nhiều hình mẹ vui vầy với con cháu, nhưng tôi đưa lên đây tấm hình mẹ ngồi một mình, dõi mắt xa xăm, chìm đắm trong những hoài niệm cũ, với nỗi cô đơn tất yếu của con người, của tuổi già, để tự nhắc mình luôn nhớ tới mẹ và phải tìm mọi cơ hội để về nhà với mẹ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét