12.6.18

chuyển đổi (4)

4. MÔNG CỔ

Sau khi bị nhà Minh đánh bại, nhà Nguyên rút lui về vùng thảo nguyên của mình, người Mông Cổ lại trở về với Mông Cổ và dần dà qui phục người Mãn Thanh.

Nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, Mông Cổ dưới quyền của Bogd Khaan tuyên bố độc lập với phần lãnh thổ Ngoại Mông, tương đồng với nước Mông Cổ hiện đại. Sau Cách mạng tháng 10 Nga, Trung Hoa xâm chiếm Mông Cổ, nhưng phải rút lui trước sự tiến công của Hồng quân Nga và quân đội Mông Cổ. Từ 1921-1960, Liên Xô loại trừ ảnh hưởng các nhà lãnh đạo ban đầu có tinh thần dân tộc, xây dựng một chính quyền cộng sản đích thực ở Mông Cổ gắn bó mật thiết với mình.

Khi Liên Xô biến động với những cải cách của Gorbachov, một nhóm thanh niên Mông Cổ, đứng đầu là Tsakhiagiin Elbegdorj bắt đầu lên tiếng về tự do ngôn luận và tự do kinh tế.

Elbegdorj từng học tại Học viện Chính trị Quân sự Liên Xô từ năm 1983. Năm 1988 ông tốt nghiệp, trở về nước và làm việc tại báo quân đội Sao Đỏ. Sau lần phát biểu về yêu cầu dân chủ, công khai tại Đại hội Nghệ sĩ Trẻ Quốc gia (1989), ông bị cảnh báo và phê phán "đã có quan điểm sai trái".

Bất chấp mọi sự, Elbegdorj tập hợp 12 bạn đồng chí hướng, tổ chức những cuộc nói chuyện với thanh niên và thành lập tổ chức chính trị "Liên minh Dân chủ Mông Cổ". Họ tổ chức cuộc biểu tình, tuần hành và tuyệt thực, các cuộc đình công của giáo viên và công nhân để phản đối chính quyền.

Trước sự lớn mạnh của phong trào dân chủ, các lãnh đạo Đảng yêu cầu TBT Batmonkh phải có những biện pháp mạnh tay. Nhưng ông đã suy nghĩ khác: "Người Mông Cổ chúng ta rất ít, không nên làm đổ máu thêm nữa. Chúng ta sẽ không bao giờ dùng vũ lực với nhân dân mình". Tại Đại Hội đảng lần thứ 8, ông yêu cầu BCT từ chức, mở đường cho tổng tuyển cử tự do.

Đảng của người CS đạt chiến thắng sau cuộc bầu cử đa đảng, nhưng họ chia sẻ quyền lực với người dân chủ, thi hành các cải cách về xã hội và kinh tế, xây dựng Hiến Pháp mới cho đất nước Mông Cổ dân chủ.

Đảng Nhân Dân Cách Mạng Mông Cổ vẫn là một chính đảng quan trọng và có uy tín lớn trong đời sống chính trị của Mông Cổ . Họ đạt tỷ lệ cao trong các cuộc bầu cử và 2 lần lãnh đạo Đảng đảm đương chức vụ Tổng Thống. Một đảng chính trị (thành lập năm 1921) có tuổi đời gần 100 năm vẫn còn sức sống mạnh mẽ trong lòng dân.
___________
Bài học Mông Cổ:
1. Có lớp trí thức trẻ can đảm dấn thân vì vận mệnh dân tộc.
2. Có một lãnh đạo đảng cầm quyền mạnh mẽ, thức thời, sẵn sàng từ bỏ quyền lực cá nhân vì lợi ích quốc gia.
3. Có sự đoàn kết và hòa hợp của các bên vì lợi ích dân tộc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét