12.6.18

chuyển đổi (3)


3. TIỆP KHẮC

Tiệp Khắc như một cái cốc pha lê lăn lóc qua tay các nước láng giềng: Đức Áo Nga Ukrain Hungary. Mãi đến năm 1918, đất nước này mới chính thức ra đời. Sau đó (1918-1938), 20 năm lỏng lẻo mờ nhạt, (1938-1945) 6 năm biệt tích giang hồ. Mãi đến cuối Thế Chiến II, nó tái sinh bằng một hình hài mới, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Tiệp Khắc.

Bất chấp sự thâu tóm và áp lực của Liên Xô, người Tiệp Khắc luôn có con đường riêng của họ. Đảng Cộng sản cầm quyền từ thắng lợi trong cuộc bầu cử tự do. Ở mức độ nhất định, dù có nhiều hạn chế, Tiệp Khắc vẫn là một thể chế tiềm tàng đa nguyên dân chủ.

Năm 1968, sau khi lật đổ nhóm lãnh đạo cũ, TBT Đảng Alexander Dubcek tiến hành cải cách dân chủ trong chính trị và tự do hóa nền kinh tế, với bài viết nổi tiếng "Chủ nghĩa xã hội mang gương mặt người". Sự kiện này được lịch sử ghi nhận là "Mùa Xuân Praha", nhanh chóng bị Liên Xô xua quân can thiệp và dập tắt. Chàng sinh viên Jan Palach đã tự thiêu để phản kháng hành động xâm lược này.

Với thời gian ngắn ngủi, mùa xuân này cũng đã kịp gieo những hạt mầm cho tương lai. Hội Nhà Văn Tiệp Khắc bắt đầu lên tiếng, dần dà từng bước một, từ những vấn đề tự do sáng tác đến những vấn đề tự do chính trị. Năm 1977, Vaclav Havel, nhà triết học, nhà văn, nhà hoạt động bất đồng chính kiến, công bố Hiến Chương 77.

Hiến Chương phân tích thực trạng xã hội và yêu cầu Nhà nước phải tuân thủ những điều ước về nhân quyền mà họ đã ký kết trong Hiệp Ước Helsingki.

Phong trào Hiến Chương 77 lan rộng. Nhà nước một mặt huy động giới trí thức, văn nghệ sĩ viết bài lên án nhóm Havel là phản động, mị dân, phủ nhận những thành tích của CNXH...; một mặt bắt giữ, hỏi cung, cô lập, cản trở công việc làm ăn sinh sống của những người tham gia phong trào. Đảng còn soạn "Phản Hiến Chương" "bắt' hơn 2000 văn nghệ sĩ ký tên. Havel phải ngồi tù 5 năm .

Ngày 17 tháng 11 năm 1989, cảnh sát đã đàn áp cuộc biểu tình hòa bình của sinh viên thủ đô Praha kỷ niệm 50 năm Ngày Sinh viên Quốc tế. Sau đó các cuộc biểu tình và đình công lan rộng toàn quốc. Ngày 28 tháng 11, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã tuyên bố từ bỏ quyền lực. Ngày 10 tháng 12, chủ tịch nước Gustav Husak chỉ định một chính phủ phần lớn không là cộng sản, rồi từ chức sau đó. Alexander Ducek, người khởi động Mùa Xuân Praha 1968, được cử làm phát ngôn viên của chính phủ mới.

Ngày 28 tháng 12 năm 1989, Vaclav Havel (đứng đầu tổ chức chính trị Diễn Đàn Dân Sự) được bầu làm tổng thống mới của Tiệp Khắc. Bốn-mươi-ngày, thời gian đủ cho cuộc sinh nở đã hoài thai từ hai mươi năm trước!

Đến năm 1993, Tiệp Khắc, vốn là một Liên bang giữa Czech và Slovakia, đã chia tay hòa bình thành hai nước Cộng Hòa Czech và Cộng Hòa Slovakia. Ruộng ai nấy cày vui hưởng thái bình.
___________
Bài học Tiệp Khắc:
1. Dù người dân Tiệp Khắc không mặn mà với chính trị, nhưng các tổ chức dân sự của sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức đóng vai trò rất quan trọng.
2. Có đường lối rõ ràng thể hiện trong Hiến Chương (cương lĩnh chính trị) và khi chín muồi, nhanh chóng chuyển đổi tổ chức dân sự thành tổ chức chính trị.
3. Biểu tình có tổ chức, ôn hòa và bất bạo động.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét